Thứ Năm, 28 tháng 10, 2021

BIẾT ƠN MÌNH - BS. Đỗ Hồng Ngọc


 Ngay từ thuở nhỏ ta được dạy nói cảm ơn khi ai đó giúp mình. Lời cảm

ơn không phải để xã giao mà thật sự biểu lộ lòng biết ơn chân thành
của mình đối với người đó.Thế nhưng có lẽ chưa bao giờ ta được dạy nói
cảm ơn ta vì nhiều khi ta coi chuyện cảm ơn mình là một điều gì đó lố
bịch, kỳ cục, không cần thiết! Trái lại nhiều khi ta còn có khuynh
hướng nói xấu mình, bất mãn với mình, thậm chí…nguyền rủa mình.

Nhiều người lớn tuổi nhìn vào gương mỗi ngày thấy mình già đi với
những dấu chân chim ở đuôi mắt, vết hằn ở khóe miệng, nếp nhăn nhúm ở
bàn tay…đã không thể chấp nhận được mình, đã âu sầu buồn bã, có người
phải căng da mặt, bơm xóa vết nhăn hy vọng giữ mãi vẻ trẻ trung nhưng
chỉ được một thời gian ngắn rồi cũng “hiện nguyên hình”, có khi tệ
hơn!

Xây dựng hình ảnh về chính mình (self image) rất quan trọng. Nếu đó là
một hình ảnh tích cực, nó sẽ giúp cho mình tự tin hơn và từ đó ảnh
hưởng đến “môi trường”xung quanh, còn nếu là một hình ảnh tiêu cực thì
sẽ rất không hay.

Có món đồ nào mà xài vĩnh viễn đâu, ngay cả những máy móc tinh xảo
được làm bằng những thứ kim loại tốt nhất. Gần đây thấy trên báo quảng
cáo một cái tủ lạnh cũ của Thụy Sĩ rằng đã được xài đến 20 năm mà vẫn
còn chạy tốt.Như vậy nhiều người trong chúng ta có thể vỗ ngực nói
rằng mình đã “xài”đến sáu bảy chục năm mà hãy còn ngon đó chứ! Vậy ta
phải biết ơn mình nhiều hơn.

Hãy thử xem bộ xương. Cơ thể ta có trên hai trăm cái xương lớn nhỏ
được ráp nối với nhau để thành một khung xương, hoạt động được là nhờ
các khớp, cũng đã xài được hằng mấy chục năm trời mà chẳng phải bơm
dầu trét mỡ gì cả. Vậy mà nó vẫn làm việc trơn tru, êm rơ, chỉ khi ta
tích tuổi, lớn tuổi rồi nó mới bị đau nhức chút đỉnh thì cũng phải
thôi! Nhiều khi chỉ vì từ nhỏ ta đã không biết chăm sóc bộ xương đã
làm cho nó bị lệch lạc đi như bị vẹo cột sống ở tuổi học đường, hoặc
ăn những thức ăn làm cho các chất hoạt dịch giữa các khớp bị đơ cứng
lại.

Ngay ở giai đoạn chấm dứt tuổi dậy thì, bộ xương đã hình thành với
khối lượng xương cố định, chủ yếu là do di truyền nhưng cũng một phần
do dinh dưỡng.Nếu biết quan tâm, thì ngay từ nhỏ đã phải được bồi
dưỡng tốt để xương phát triển đầy đủ. Người lớn tuổi dễ bị loãng
xương, dễ bị té ngã, đưa đến gãy xương, trật khớp. Nhìn một cành khô
và một cành tươi thì biết. Cành tươi khó gãy vì vỏ dày, gỗ dai, nếu
gãy cũng thường gãy dập; còn cành khô thì vỏ mỏng, gỗ giòn, khi gãy dễ
gãy lọi.Nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi, sau tuổi 65, rất dễ bị té
ngã. Nữ dễ bị hơn nam.

Ngoài những chuyện gãy xương, trật khớp, rách cơ, dập phần mềm…còn có
những biến chứng gần xa khác như viêm phổi, loét da, do phải nằm bất
động trong một thời gian lâu dài. Để giảm bớt nguy cơ té ngã ở người
lớn tuổi, cần quan tâm tới môi trường sống của họ. Chẳng hạn các cầu
thang trong nhà sao cho dễ đi, không trơn trợt, bậc thang đều, ánh
sáng đầy đủ. Tuổi gia mắt kém, cảm giác về độ chênh không còn chính
xác, phản xạ chậm, cơ thể điều hòa vận động giảm nên rất dễ té.

Người lớn tuổi vẫn cần phải tích cực vận động – tập dưỡng sinh, đi bộ,
chơi thể thao chẳng hạn – để tăng tính linh hoạt của các khớp và giúp
cho cơ duy trì sự dẻo dai. Người ít vận động hoặc phải nằm một chỗ,
tình trạng loãng xương càng xảy ra nhanh. Thuốc lá và rượu góp phần
tăng tốc.Việc sử dụng estrogen để bù đắp phải được hướng dẫn và kiểm
soát chặt chẽ bởi các bác sĩ chuyên khoa. Điều đáng để ý là một người
khi lớn tuổi bị té ngã một lần thì về sau thì sợ hãi, ít dám vận động,
do vậy mà sự phối hợp giữa thần kinh cơ càng kém, lại càng dễ bị té
ngã những lần sau. Sự bảo bọc quá đáng của người thân trong gia đình
càng làm cho người già thêm mau suy yếu.

Rồi thử xem bộ máy tuần hoàn của ta.Nếu biết rằng mỗi ngày trái tim ta
phải co bóp cả trăm ngàn lần để đẩy một khối lượng máu khoảng 7.000kg
không ngừng nghỉ, kể cả lúc ta ngủ, đi vào một hệ thống mạch máu giăng
mắc mà chỉ riêng hệ thống vi mạch nếu nối lại đã dài hàng trăm ngàn
cây số (hơn gấp đôi chu vi trái đất) để nuôi cơ thể, ta mới thấy sức
hoạt động của bộ máy tuần hoàn tuyệt vời đến thế nào! Có cái máy bơm
nào làm việc liên tục với khối lượng như vậy hằng bảy tám chục năm
trời mà không phải thay pin, không phải chùi rửa gì cả?

Vậy mà chẳng những ta không nhớ, không biết ơn nó, nhiều khi ta còn
hành hạ nó, đầu độc nó, buộc nó nhảy tưng lên với những chất như rượu,
trà, cà phê, thuốc lá…Chất nicotine trong thuốc lá chẳng hạn, chẳng
những buộc nó phải làm việc nhanh lên mà còn lại co thắt các mạch máu
nuôi dưỡng nó, làm cho nó bị thiếu dưỡng khí. Ta lại còn đầu độc tinh
thần nó bằng cách luôn rên rỉ “Một trái tim khô, một trái tim mùa
đông” hay hất hủi nó: “ngày rời Paris anh đã để quên con tim”…Thật ra
một trái tim bình thường làm việc âm thầm bền bỉ đến nỗi ta tưởng như
không có nó. Lúc nó lên tiếng “nhắc nhở”thì đã rắc rối rồi! Cho nên có
một trái tim lành mạnh thật hạnh phúc mà nhiều khi ta không biết!

Còn mạch máu của ta cũng giống như những ống nước vậy. Khi ống nước
còn mới thì nó dẻo dai, co giản dễ dàng, không có chuyện gì xảy ra,
còn ống nước đã cũ thì khô cứng lại, độ thun giãn kém đi.Ở người cao
tuổi, các mạch máu cũng dễ cứng hơn nên huyết áp dễ bị tăng cao. Huyết
áp cao quá có thể gây ra những tai biến. Tăng huyết áp phải được theo
dõi chữa trị đến nơi đến chốn. Bệnh tiểu đường càng làm gia tăng tình
trạng tắc nghẽn mạch. Do vậy, các nhà chuyên môn đều khuyên ta bớt ăn
đường, bớt uống rượu, bớt ăn muối, bớt ăn mỡ, không hút thuốc…

Rồi thử xem buồng phổi của ta. Đó là nơi ta trao đổi không khí để
sống. Người ta có thể nhịn đói vài ba tuần, nhịn khát mười ngày nhưng
không thể nhịn đói vài ba tuần, nhịn khát mười ngày nhưng không thể
nhịn thở quá năm phút. Thiếu oxy (dưỡng khí) chừng năm phút thì các tế
bào não sẽ bị hủy hoại, không phục hồi được nữa. Có lẽ vì không khí
không phải mất tiền mua nên ta thường coi như không hề có nó. Ta vẫn
thở mỗi phút giây mà không nhận thấy không khí là cần! Có một buồng
phổi hoạt động tốt ta chẳng hề quan tâm, thậm chí chẳng hề biết đến
nó, cho đến lúc nó khò khè có cử thì lúc đó ta mới thật sự hốt hoảng.

Nói chung chúng ta thường không biết thở, không thèm thở, nhất là
những lúc làm việc hăng say gần như quên thở hoặc những lúc có những
cảm xúc mạnh như lo lắng, giận dữ ta cũng thường quên thở, nín thở.
Thở là một phản xạ tự động nhưng ta lại có thể kiểm soát được hơi thở,
nhịp thở, khác hẳn với các cơ chế tự động khác như của quả tim, mạch
máu, dạ dày, gan ruột…hoạt động hoàn toàn ngoài ý muốn của ta. Cho nên
ta có thể luyện thở được.

Buồng phổi của ta có khoảng 300 triệu phế nang, trải rộng ra ta có một
diện tích rộng hơn 80m2, lớn hơn một phòng học. Mỗi khi ta hít phải
không khí ô nhiễm bụi khói, vi khuẩn, thì lớp không khí ô nhiễm đó sẽ
tràn ngập lên toàn bộ diện tích của phế nang. Khi còn là những lá phôi
thì phổi và da có cùng nguồn gốc, do vậy mà sau này khi gặp lạnh tự
nhiên ta sinh ra ho hen, đặc biệt người cao tuổi dễ bị viêm phổi do
lạnh. Hệ thống hô hấp không chỉ có phổi mà còn có mũi, họng, thanh
quản, khí quản cùng các cơ hô hấp mà cơ hoành là cơ trọng yếu nhất.

Ở mũi chúng ta chẳng hạn có một hệ thống mao mạch dày đặc để sưởi
không khí, làm cho không khí ấm lại trước khi vào phổi.Gặp lạnh, ta sẽ
bị ách xì, sổ mũi, nghẹt mũi vì các mao mạch trương nở. Không phải vô
cớ mà người lớn tuổi thường khoác một chiếc khăn quàng cổ khi ra đường
vì khi gặp lạnh chiếc khăn quàng sẽ giúp làm ấm mũi.


Những người cao tuổi còn khỏe mạnh, sáng suốt, làm việc không biết mệt
là những người biết…thở. Họ có những phương pháp “bì truyền”thường
được gọi là dưỡng sinh, khí công, thiền, yoga…Có khi ta còn nghe được
những câu có vẻ huyền bí như “đưa hơi xuống huyệt đan điền…”Thực ra
không có gì là bí hiểm cả mà hoàn toàn có cơ sở sinh học. Ta biết cơ
hoành là cơ hô hấp chính nằm vắt ngang giữa bụng và ngực, “phụ trách”
80% khối lượng hoạt động hô hấp. Cơ hoành di chuyển lên xuống như một
cái piston trong lồng ngực làm cho buồng phổi nở rộng hoặc thu hẹp thể
tích. Do vậy khi ta hít sâu thì cơ hoành bị đẩy xuống đến tận…dưới
rún, nơi được gọi là huyệt đan điền hay khí hải.

Như vậy “đưa hơi xuống huyệt đan điền” thực chất là hít sâu đẩy cơ
hoành lên xuống mạnh hơn, cơ hoành di chuyển rộng hơn, nhờ đó sự thông
khí sẽ tốt hơn. Càng lớn tuổi cơ hoành càng làm biếng, nên người lớn
tuổi cần luyện thở, tập dưỡng sinh, thì cơ hoành mới làm việc tốt hơn.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường gặp ở người lớn tuổi, làm
cho họ dễ mệt mỏi, hụt hơi, cũng như bệnh giãn phế quản làm cho họ
khạc rất nhiều mỗi sáng. Ngày càng có nhiều người bị ung thư phổi do
hút thuốc lá. Nhiều người già bị lao là nguồn lây bệnh trong gia đình
mà không biết.Giữ môi trường trong sạch, tạo nhiều cây xanh bóng mát,
gần gũi với thiên nhiên, tập thở đúng phương pháp, tránh thuốc lá..là
những cách tốt nhất để biết ơn buồng phổi của ta vậy.

Lý Lập Ông, thế kỷ XVI, viết trong Nhàn tình ngẫu hứng: “Xét cơ thể
con người, tai mắt mũi, tay chân, thân thể hết thảy đều cần thiết…chỉ
có hai cái không cần thiết mà trời phú cho ta là cái miệng và cái bao
tử, nguồn gốc tất cả những cái lụy của loài người từ xưa tới nay. Có
cái miệng với cái bao tử nên sinh kế mới hóa ra phiền phức, sinh kế
phiền phức mới sinh ra những mưu mô gian trá, mưu mô gian trá mới phải
đặt ra hình pháp…”.

Lâm Ngữ Đường có lẽ cũng đống ý như thế nên ông cũng viết: “Chúng ta
có một cái bao không đáy gọi là bao tử…Nó ảnh hưởng đến văn mình của
nhân loại…Các hội nghị quốc tế căng thẳng đến thế nào, tới giờ cũng
dừng lại để ăn….”. Rồi ao ươc: “Nếu con người có được cái diều như
diều chim, có cái dạ dày của loài nhai lại chắc là không có tình trạng
hiếu chiến, tàn ác vì loài ăn cỏ, ăn hạt đều hiền lành, loài ăn thịt
đều hiếu sát”. Ông cũng đưa ra một nhận xét thú vị: “Gà trống cũng
thường đá nhau nhưng không phải vì thức ăn mà vì gà mái. Con người mà
có cái diều như gà thì chỉ còn những cuộc chiến nho nhỏ chứ không phải
cần đến chiến tranh lớn để xuất cảng đồ hôp” . (Sống đẹp, bản dịch
Nguyễn Hiến Lê). Thật tội nghiệp cho cái “bao không đáy” còn gọi là
bao tử hay dạ dày của chúng ta!

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...