Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 85 : QỦA, QUAN, QUẢN, QUANG, QUẢNG


                                       QUẢ MAI ba bảy đương vừa 

                                        Đào non sớm liệu se tơ kịp thì.
       
         Đó là hai câu thơ mà Thúy Vân đã nói trước cả nhà, khi đã "Cùng nhau sum họp một nhà, Đoàn viên lại mở tiệc hoa vui vầy" để tác hợp lại cho Thúy Kiều và Kim Trọng nối lại mối duyên xưa. Từ "QUẢ MAI" có xuất xứ như sau :
         
        Trong chương Thiệu Nam 召南 của Kinh Thi 詩經, có bài thơ PHIẾU HỮU MAI 摽有梅 (tả mai rụng); nói về sự hôn nhân của các cô gái phải đúng thời đúng lúc. Không vì kén chọn mà để lỡ xuân thì. Bài thơ gồm ba phần như sau :

              摽有梅       Phiếu Hữu Mai               
              其實七兮    Kỳ thực thất hề
              求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ,
              迨其吉兮    Đãi kỳ cát hề.

              摽有梅       Phiếu Hữu Mai
              其實三兮    Kỳ thực tam hề
              求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ
              迨其今兮    Đãi kỳ kim hề.

              摽有梅       Phiếu Hữu Mai
              頃筐塈之    Khuynh khuông k‎ý chi
              求我庶士    Cầu ngã thứ sĩ,
              迨其謂之    Đãi kỳ vị chi.  
Có nghĩa :
      - Trái mai (ta đọc trại đi thành MƠ) kia đà rơi rụng, trên cây còn lại bảy phần, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy chọn đi đừng để lỡ ngày lành.
      - Trái mơ kia đà rơi rụng, trên cành còn lại ba phần, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy kíp lên ngay hôm nay đừng chờ đợi nữa.
      - Trái mơ kia đà rơi rụng, phải nghiêng giỏ mà hốt lấy, hỡi chàng trai theo đuổi ta kia, hãy mở miệng ra cầu hôn đi đừng chờ đợi nữa !
Diễn Nôm :
                    Trái mơ rụng, trái mơ rơi,
                    Trên cành còn lại bảy thôi, hỡi chàng.
                    Ngày lành kíp chọn đưa sang,
                    Đừng để trễ nãi lỡ làng duyên tơ !

                    Trái mơ rụng , rụng trái mơ,
                    Trên cành rụng bảy bây giờ còn ba.
                    Hỡi chàng nếu có yêu ta,
                    Thì hôm nay kíp sang nhà cầu thân !

                    Trái mơ rụng, rụng đầy sân,
                    Nghiêng vành giỏ hốt tần ngần riêng ta.
                    Hỡi chàng còn có yêu ta,
                    Ngỏ lời cùng với mẹ cha tức thì !
                                                   Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm

      Đọc vế chót của bài Kinh Thi trên làm cho ta lại nhớ đến bài thơ "Mai Rụng" của Jean Leiba thời Tiền Chiến với vế thơ áp chót như sau :

               ... Xuân buồn như nhắc cảnh xuân vui
                   Gió thổi lay cành, rụng quả mai,
                   Thương dấu xuân tàn, nghiêng giỏ hốt
                   Thương xuân, xuân hỡi, có thương người ?

     "Qủa Mai" rụng ba phần trong xuân hồng, rụng bảy phần trong xuân muộn và rụng hết đầy cả sân khi xuân đã tàn, ví như người con gái ở các giai đoạn của tuổi xuân thì. Cho nên , cụ Nguyễn Du mới cho Thúy Vân ví Thúy Kiều là : "Quả Mai Ba bảy đương vừa !" Vì mặc dù sau mười lăm năm lưu lạc, nhưng Thúy Kiều lúc bấy giờ cũng chỉ mới hơn ba mươi tuổi mà thôi !

       QUẢ 果 còn là Trái, thường đi với NHÂN 因 là Hạt. Nên trong kinh nhà Phật có từ NHÂN QUẢ  因果 để chỉ "Nhân nào thì Quả nấy", hạt giống nào thì sẽ cho trái nấy. Theo câu kệ sau đây :

               欲知前世因,今生受者是; Dục tri tiền thế nhân, Kim sinh thụ giả thị;
               欲知来世果,今生作者是。 Dục tri lai thế quả, Kim sinh tác giả thị.
Có nghĩa :
       - Muốn biết cái NHÂN của kiếp trước, thì hãy xem sự thụ hưởng của kiếp nầy. Ví dụ : Kiếp nầy được làm quan làm giàu là nhờ kiếp trước biết tu nhân tích đức. Còn kiếp nầy nghèo khổ bần hàn là tại kiếp trước không ăn ở cho phải đạo làm người...
       - Muốn biết cái QUẢ của kiếp sau, thì hãy xem việc làm của kiếp nầy. Ví dụ : Kiếp nầy làm nhiều điều tốt điều thiện, thì kiếp sau sẽ được giàu sang phú quý; Còn nếu kiếp nầy làm những điều ác nhơn sát đức thì kiếp sau sẽ đầu thay làm trâu làm ngựa làm súc sinh chớ không được làm người nữa...

     Ta có thành ngữ QUẢ KIẾP NHÂN DUYÊN để chỉ sự báo ứng nhân quả mà con người phải gánh chịu theo thuyết của nhà Phật, như lời của con ma Đạm Tiên đã báo trước về số kiếp đoạn trường của Thúy Kiều vậy :

                             Âu đành QUẢ KIẾP NHÂN DUYÊN,
                        Cũng người một hội một thuyền đâu xa !
       
      Về chữ QUAN 觀 là Xem xét, nhìn ngắm. Trong văn học cổ ta có từ QUAN ÂM 觀音 hay QUAN THẾ ÂM 觀世音 là một vị Bồ Tát trong Phật giáo. Theo Pháp Hoa Kinh 法華經 thì chúng sinh đang chìm đắm trong bễ khổ, nên có nhiều điều khổ não, nếu biết thành tâm cầu nguyện thì đức Bồ Tát sẽ nghe thấy và hướng dẫn cho tìm cách để mà giải thoát. Vị Bồ Tát đó là QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT 觀世音菩薩 là vị Bồ Tát quan sát xem xét hết những âm tín âm hao của cuộc đời nầy, của cả thế giới nầy, để cứu khổ cứu nạn với tấm lòng đại từ đại bi của mình cho tất cả chúng sinh. Vì thế mà ta thường nghe mọi người niệm câu "Nam mô Đại từ Đại bi Cứu khổ Cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát" và đây cũng là vị Bồ Tát có hình tượng của một người đàn bà, nên còn được gọi là Phật Bà Quan Âm, hay gọi một cách thân thiết gần gũi hơn là "Mẹ Hiền Quan Âm". 
  Trong Truyện Kiều, khi Hoạn Thư biết Thúy Kiều "Muốn đem mệnh bạc nương nhờ cửa Không" thì đã nói với Thúy Kiều rằng :

                        Sẵn QUAN ÂM CÁC vườn ta,
                  Có cây trăm thước có hoa bốn mùa,
                           Có cổ thụ có sơn hồ,
                  Cho nàng ra đó giữ chùa chép kinh.

     Còn trong Truyện thơ Tây Sương Ký cũng có câu :

                        Cúng dường Bồ tát QUAN ÂM,
                   Xem ngày phỏng độ hôm rằm mới nên.
     
       QUAN 關 còn có nghĩa là Cửa Ải, hay đi liền trước từ SAN 山 (Sơn) là Núi non; nên QUAN SAN 關山 là vùng có cửa ải có núi non, thường dùng để chỉ những nơi xa xôi cách trở. Ta hay nghe thành ngữ "Quan San Cách Trở" hay "Cách Trở Quan San", như khi đã thi đậu, Kim Trọng được bổ nhậm đi làm quan ở Lâm Truy, cụ Nguyễn Du đã viết :

                        Vâng ra ngoại nhậm Lâm Truy,
                  QUAN SAN nghìn dặm thê nhi một đoàn.
 Còn trong Chinh Phụ Ngâm Khúc, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã diễn Nôm phần nhớ thương của người chinh phụ như sau :

                            Nỡ nào đôi lứa thiếu niên,
                  QUAN SAN để cách hàn huyên bao đành.

      QUAN SAN lại làm cho ta nhớ lại lời hát trong bài "Mộng Ước" của Nhạc sĩ Lam Phương như sau :

                 Mỗi lần nhìn chiều rơi ngoài hiên. 
                 Nghe gió xuân sang rung lá vàng. 
                 Là lúc tim em như rộn ràng. 
                 Thương nhớ dâng ngập tràn. 
                 Vì chờ ai chốn QUAN SAN...
         (Bấm vào đây để nghe nhạc : Mộng Ước - Hương Lan - NhacCuaTui )

      Sau QUAN SAN ta còn thấy có từ QUAN HÀ 關河 là Quan ải và Giang hà sông nước cũng dùng để chỉ đường đi diệu vợi, cách trở núi sông quan ải, như khi Thúy Kiều đưa tiễn Thúc Sinh về thăm vợ cả Hoạn Thư, cụ Nguyễn Du đã viết :

                      Tiễn đưa một chén QUAN HÀ,
                  Xuân đình thoắt đã dạo ra Cao đình.

      QUAN 關 còn được sấp đôi lên thành QUAN QUAN 關關 là từ tượng thanh chỉ  tiếng kêu của con chim cưu trống và mái đang kêu gọi nhau trong bài thơ "Quan Thư" thiên "Chu Nam" trong Kinh Thi 詩經-周南·關雎 như sau :

                 關關雎鳩,  QUAN QUAN thư cưu,
                 在河之洲。  Tại hà chi châu.
                 窈窕淑女,  Yểu điệu thục nữ,
                 君子好逑。  Quân tử hảo cầu.
Có nghĩa :
                 Bìm bịp tu hú oang oang,
                 Kêu từ cồn bãi kêu sang đến bờ.
                 Liễu yếu thục nữ đào tơ,
                 Mong người quân tử đợi chờ kết đôi !

      Bài thơ nói lên người thục nữ đẹp đẽ dịu dàng hiền đức tốt đôi cùng người quân tử chí thành; chỉ việc vợ chồng xứng đôi vừa lứa, như trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Trinh Thử", khi Chuột Đực ve vãn Chuột Bạch cũng có câu :

                             Muốn cho được kẻ đỡ đần,
                QUAN QUAN hảo điểu muôn phần những mong.

       Còn trong truyện thơ Nôm Quan Âm Thị Kính thì có câu :

                             Vừa đôi vừa lứa QUAN THƯ,
                         Há rằng Trịnh với Tề ru mà ngờ !?   
 QUẢN 管 trong văn học cổ thường dùng để chỉ QUẢN TỬ (725-645 Trước Công Nguyên), tức QUẢN TRỌNG 管仲, tự là Di Ngô 夷吾, người thời Xuân Thu Chiến Quốc, người đất Dĩnh Thượng (tỉnh An Huy ngày nay), là nhân vật tiêu biểu của thời đại nầy, vừa là chính trị gia, triết học gia, kinh tế gia và là Tể Tướng của Tề Hoàn Công. Ông đã giúp cho Tề vương dựng nên nghiệp bá ở thời đại Xuân Thu Chiến Quốc nầy. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có thơ nói về Quản Trọng như sau :

                      Lượng gã Bạch Sinh nào có mấy,
                      Tài người QUẢN TỬ há đâu nhiều !  

       Còn trong "Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh" thì cụ Nguyễn Du đã đặt Quản Trọng và Gia Cát Lượng ngang hàng với Y Doãn và Chu Công với :

                       Kinh luân găm một túi đầy,
                   Đã đêm QUẢN, CÁT, lại ngày Y, Chu.  

              Inline image
      
      QUẢN 管 : Chữ nầy có bộ TRÚC 竹 là "Cây tre" ở trên đầu, có nghĩa là "cái ống tre", nên có nghĩa phát sinh là "Ống Sáo, ống Tiêu". Tương tự, chữ HUYỀN 絃 có bộ MỊCH 糸 là "Sợi tơ" ở bên trái, nên có nghĩa phát sinh là "Sợi dây đàn". Vì thế mà từ QUẢN HUYỀN 管絃 là "Ống Tiêu (sáo) và dây đàn", là "Tơ với Trúc", nên có nghĩa phát sinh là "ÂM NHẠC", là "Tiếng tơ tiếng trúc". Trong Truyện Kiều, khi mà Mã Giám Sinh đã nạp đủ tiền sính lễ để rước Kiều rồi, sáng hôm sau khi "Khắc canh đã giục nam lâu mấy hồi", thì :

                           Kiệu hoa đâu đã đến ngoài,
                   QUẢN HUYỀN đâu đã giục người sinh ly.
 Còn QUANG là TAM QUANG 三光. Theo sách "Tam Tự Kinh" thì : Tam Quang giả, Nhật, nguyệt, Tinh 三光者,日月星. Có nghĩa : Ba nguồn sáng trên đời nầy là mặt trời, mặt trăng và sao trên trời. Còn NGŨ NHẠC 五嶽(岳) là chỉ năm ngọn núi lớn nổi tiếng của Trung Hoa là Đông Nhạc Thái Sơn 東岳泰山, Tây Nhạc Hoa Sơn 西岳華山, Trung Nhạc Tung Sơn 中岳嵩山, Bắc Nhạc Hằng Sơn 北岳恒山, Nam Nhạc Hành Sơn 南岳衡山. TAM QUANG NGŨ NHẠC 三光五岳 gọi tắt là QUANG NHẠC 光岳, là Nguồn sáng ở trên trời và núi non ở dưới đất, nên trong văn học cổ thường dùng để chỉ "Non sông đất nước", như trong bài "Ngã Ba Hạc Phú" của Nguyễn Bá Lân (1700-1785) một danh sĩ dưới thời Lê Trung Hưng (cùng thời với Đoàn Doãn Luân là anh của bà Đoàn Thị Điểm) có câu :

                     Chân tình chứa đẫy hải hà,
                   Tú khí còn ngưng QUANG NHẠC.   
 
      QUANG còn là QUANG ÂM 光陰; QUANG là Sáng, ÂM là Tối. Sáng là ban ngày, Tối là ban đêm. Hết sáng tới tối, hết ngày tới đêm. Nên, QUANG ÂM chỉ Thời Gian. Ta có thành ngữ "Quang Âm Thấm Thoát" để chỉ thời gian qua mau. Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc nàng chinh phụ lo sợ cho nhan sắc tàn phai khi thời gian cứ lần lượt đi qua :

                  Nghĩ nhan sắc đương chừng hoa nở,
                  Tiếc QUANG ÂM lần lữa gieo qua.
                  Nghĩ mệnh bạc, tiếc niên hoa
                  Gái tơ mấy chốc bỗng ra nạ giòng !

      Còn nhắc đến QUẢNG là người ta nghĩ ngay đến QUẢNG HÀN CUNG 廣寒宮 là cái Cung vừa Rộng (Quảng) vừa Lạnh (Hàn) ở trên mặt trăng theo như tích sau đây :
 Năm Đường Khai Nguyên thứ sáu, nhân ngày rằm tháng tám, Đường Minh Hoàng cùng với đạo sĩ Thân Thiên Sư và Hồng Đô Khách cùng bay lên trên mây tuốt lên đến mặt trăng. Khi đã bay qua một cổng lớn thì đến một cung điện rộng lớn hơi lạnh toả ra chung quanh, trên có bảng ghi là "QUẢNG HÀN THANH HƯ CHI PHỦ 廣寒清虛之府", cửa cung khóa kín lắp loáng như sương như tuyết không thể vào được, Đạo sĩ bèn làm phép thần thông để ba người cùng bay lên trên cung mà nhìn xuống thấy bên dưới có rất nhiều tiên nhân qua lại rong chơi. Có một đoàn tiên nữ tố nga cởi chim loan trắng đang ca múa dưới cây quế Quảng Lăng to lớn vẳng trong tiếng âm nhạc du dương. Minh Hoàng vốn rành âm luật nên ghi nhớ lấy điệu múa và khúc tiên nhạc đó. Còn đang say mê nhìn ngắm thì Thân Thiên Sư đã giục giã ra về. Minh Hoàng còn quyến luyến không nở rời, chợt thấy mây dưới chân như hụt hẫng, người như lộn đầu xoay vòng mà rơi xuống. Giật mình tỉnh giấc thì ra là một giấc mơ do đạo sĩ làm phép thần thông mà thôi. Đêm hôm sau, Minh Hoàng lại muốn mơ đến cung Quảng Hàn lần nữa, nhưng đạo sĩ chỉ cười mà lắc đầu. Đường Minh Hoàng chỉ còn cách nhớ lại vũ điệu của các tiên nga rồi soạn thành "Nghê Thường Vũ Y Khúc 霓裳羽衣舞曲" rồi đích thân chỉ dạy cho các cung nhân múa lên theo nhạc như là trong mơ mà mình đã nhìn thấy. Khúc nhạc và điệu múa Nghê Thường nầy còn truyền mãi cho đến hiện nay.

      Vì tích trên đây nên các từ QUẢNG HÀN, CUNG QUẢNG, CUNG QUẢNG HÀN, CUNG QUẾ... đều dùng để chỉ Mặt Trăng, như trong "Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập" có câu :

                       Nỡ để QUẢNG HÀN u ám bấy,
                       Tấc mây ai vén mặt trăng rằm.

      Trong Truyện Kiều, khi khuyên Thúc Sinh về thăm vợ cả là Hoạn Thư, Thúy Kiều ở lại có một mình, trong đêm nhìn trăng đã cảm thương cho thân phận của mình :

                         Thân sao nhiều nỗi bất bằng,
                   Liều như CUNG QUẢNG ả Hằng nghĩ nao !

      Còn nàng cung nữ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc thì mõi mòn cô đơn chờ đợi :

                       Trong CUNG QUẾ âm thầm chiếc bóng,
                       Đêm năm canh trông ngóng lần lần...

     ...Khi mà "Nghê Thường Vũ Y Khúc" lúc hầu cận nhà vua đã qua đi :

                      Xiêm nghê nọ tả tơi trước gió,
                      Áo vũ kia lấp ló trong trăng.
 Hẹn bài viết tới :
                         THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 86 :  QUẠT, QUÂN, QUẾ.

                                                                  杜紹德
                                                                Đỗ Chiêu Đức



Mời Xem :THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 84 : PHÙ, PHƯƠNG, PHƯỢNG.


1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...