Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

CHUYỆN SÀIGÒN XƯA: Lịch sử cây cầu Nhị Thiên Đường - Dầu gió - Dầu cù là, . . .


Tại kênh Đôi thuộc quận 8 Sài Gòn có một cây cầu mang tên cầu NhịThiên Đường. Vượt qua cầu là đường đi Long An. Cầu nay đã cũ, được xây
từ năm 1925 lận, nhưng có nét kiến trúc đẹp, đặc biệt là phần balcon
thép và các trụ đèn rất đặc biệt chỉ có ở cầu này. Tôi chưa bao giờ
vượt qua cây cầu này nhưng vẫn thắc mắc về cái tên. Đó là tên chính
thức hay tên do dân gian đặt cho. Vì Nhị Thiên Đường thì ai cũng biết
đó là một loại dầu. Dầu sao ra cầu? Có ba giai thoại về cái tên…lạc
lõng này.

Giai thoại thứ nhất: hồi đó nhà máy sản xuất dầu Nhị Thiên Đường ở bên
phía đường Trần Hưng Đạo trong khi phần lớn công nhân lại ngụ tại bên
kia kênh Đôi. Hàng ngày công nhân phải đi đò tới nơi làm việc. Nhận
thấy sự bất tiện này, ông chủ hãng dầu Nhị Thiên Đường cùng chính phủ
bỏ tiền ra mướn nhà thầu Vallois-Perret xây cầu cho dân, nhất là cho
công nhân của hãng, qua lại cho tiện.

Giai thoại thứ hai : chính phủ quyết định xây cầu và vận động ông chủ
Nhị Thiên Đường góp một số tiền lớn. Bù lại, cây cầu sẽ được đặt tên
là Nhị Thiên Đường.

Giai thoại thứ ba : kinh phí xây cầu nhà nước bao trọn nhưng nhà máy
của Nhị Thiên Đường thật lớn nằm ngay ở chân cầu nên lấy luôn tên này
cho tiện.
Thấy cái cầu gần trăm năm tuổi còn nằm đó nên nói chuyện cầu. Nhưng
thứ tôi khoái cái tên Nhị Thiên Đường không phải là cái cầu mà là
chuyện…văn chương. Chủ nhân của dầu Nhị Thiên Đường không quảng cáo
trên báo mà chỉ phát những tờ rơi. Những tờ rơi này cũng đặc biệt,
không chỉ có quảng cáo mà còn có những bài chỉ dẫn vệ sinh thường
thức. Ông có công thuê những trí thức viết sách “ Vệ Sinh Chỉ Nam “
bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp và Hán rồi in dần trong các tờ quảng cáo.
Tiến hơn một bước, ông thành “nhà xuất bản” văn học. Đầu tiên trên các
tờ quảng cáo dầu Nhị Thiên Đường có in các trích đoạn Lục Vân Tiên của
Nguyễn Đình Chiểu. Sau đó, vào năm 1919, là truyện “Nghĩa Hiệp Kỳ
Duyên” của Nguyễn Chánh Sắt, một tiểu thuyết ngôn tình rất ăn khách.
Rồi tiểu thuyết “Hậu Chàng Lía” của Hồ Biểu Chánh. Tuy xuất hiện bên
cạnh những quảng cáo sặc mùi dầu nhưng đây là cách phổ biến truyện hữu
hiệu nhất thời đó. Tờ quảng cáo này được phát không tại các nhà bán
thuốc, các chợ đông người tụ tập hay cho khách qua đường. Dân chúng
quá hưởng ứng nên dể có thể phát hành sâu rộng hơn, nhà thuốc phải in
với số lượng lớn và bán với giá chỉ vài cắc. Quảng cáo này không bán
ở các nhà sách mà chí bán dạo tại các bến xe và các chợ. Độc giả là
dân lao động và giới bình dân. Ngày đó chuyện in sách khá vất vả.
Thường các nhà văn không đủ khả năng in sách đàng hoàng nên đây là
cách phổ biến tác phẩm dễ dàng nhất.

Trong cuốn “Phê Bình và Cảo Luận”, nhà phê bình Thiếu Sơn đã viết:
“Lần đầu tiên tôi được đọc cụ Hồ Biểu Chánh trong một cuốn sách quảng
cáo của nhà thuốc Nhị Thiên Đường. Tôi để ý tới tiểu thuyết của cụ rồi
kiếm coi ở loại sách như những truyện Tàu in xấu, để giá 4 cắc mà luôn
bán dưới giá đó. Khi tôi gặp cụ, tôi thường khuyên cụ soạn lại tất cả
tiểu thuyết của cụ cho in lại, trình bày như loại sách của Tự Lực Văn
Đoàn, của Tao Đàn hay Tân Dân. Cụ nghe ý kiến của tôi một cách chăm
chú và có vẻ tán thành nhưng rồi lại bỏ qua cho đến nỗi tới nay muốn
đọc lại những tác phẩm của cụ cũng không biết kiếm đâu có mà đọc”.

Tại sao cụ Hồ Biều Chánh làm lơ như vậy? Vì sách in đẹp phải bán mắc,
ít phổ biến hơn. Chính nhờ những cuốn quảng cáo in xấu, giá rẻ của Nhị
Thiên Đường mà văn chương chữ quốc ngữ bình dân đã được phổ biến rộng
trong các tầng lớp dân chúng.Trong một cuốn tự truyện, nhà văn Tô Hoài
xác nhận đã đọc “Gương Vỡ Lại Lành” và vở cải lương “Kiều Đi Thanh
Minh” trong tờ quảng cáo của Nhị Thiên Đường. Không biết đây có phải
là hình thức mở đầu cho các tập truyện kiếm hiệp và truyện đường rừng
16 trang được in hàng ngày hoặc hàng tuần mà thế hệ tôi say mê đón đọc
trong cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950 chăng?

Dầu là một dược phẩm chẳng ăn nhập chi tới văn học nhưng tôi lại chú ý
tới chi tiết văn học nhiều hơn. Đó là thời kỳ phôi thai của văn học
miền Namnước ta. Ngộ một điều là những tác phẩm văn học ăn theo dầu
Nhị Thiên Đường nhưng chủ nhân của Nhị Thiên Đường lại là một ông Tàu
chính tông. Ông họ Vi, người Quảng Đông, có cơ sở sản xuất tại Chợ
Lớn, Mã Lai, Singapore. Trụ sở tại Chợ Lớn được đặt tại nhà số 47
Canton, sau đổi thành đường Triệu Quang Phục. Dầu gió là vật bất ly
thân của các ông già bà cả và giới bình dân ít dùng tây dược. Chỉ với
vài đồng bạc, người ta đã có một ve dầu Nhị Thiên Đường trị bá bệnh.
Một tác giả vô danh đã nhớ lại chai dầu Nhị Thiên Đường trong một bài
viết phổ biến trên mạng: “Tôi hồi nhỏ vẫn được bà thỉnh thoảng bảo ra
tiệm tạp hóa mua dầu Nhị Thiên Đường mỗi khi hết. Rất khó quên cái cảm
giác cầm về hộp giấy vuông vức, lấy chai dầu đưa cho bà, còn hộp giấy
và tờ hướng dẫn sử dụng chữ nhỏ li ti thì gỡ ra liệng vô sọt rác. Hãng
sản xuất luôn kèm tờ hướng dẫn gấp nhỏ cuộn sẵn trong khi người dùng
chẳng mấy khi xem vì đều biết rõ cách dùng từ lâu.Dầu Nhị Thiên Đường
lúc đó được bà con lao động gọi là “dầu trị bá bệnh” vì hễ khó ở là
người ta lấy ra xài. Đau đầu lấy ra thoa hai thái dương, ho thoa cổ,
đau bụng thoa chỗ bao tử, cảm lạnh sổ mũi thoa hai lỗ mũi, cần cạo gió
thì thoa lưng, đau cơ đâu thoa đó. Cần xông hơi khỏi cần kiếm lá xông
chi mắc công, nhỏ vài giọt dầu vào nồi nước sôi là xong, chẳng may
trúng thực cũng cho vài giọt vào ly nước nóng uống. Thậm chí côn trùng
cắn, dị ứng cũng thoa, rồi mèo cào, gai xước, chảy máu thì dầu xài như
thuốc sát trùng hay cồn y tế. Đến mức sâu răng cũng lấy cây tăm, quấn
miếng bông gòn thấm dầu chấm vào chỗ đau nhức, thì đúng là xài dầu đã
thành...nghiện. Nhiều người miền Bắc rất ngạc nhiên khi thấy người
miền Nam, kể cả nam giới, thường hay bỏ trong túi một lọ dầu nước như
mộtthứ bửu bối phòng thân khi ra đường. Đó là thói quen dùng dầu gió
rất khó bỏ một thời”.

Dầu gió chẳng bao giờ bị phụ bạc chẳng kể thời.Hầu như ngày nay, dù
sinh sống ở hải ngoại, trong ngăn kéo tủ hay trong ví xách tay, hộp
dầu gió vẫn nằm khuất đâu đó. Thường thì chẳng ai nhớ tới nhưng khi
hữu sự mọi người đều vớ ngay chai dầu gió. Nhiều người, nhất là thế hệ
cha ông chúng tôi, ghiền dầu gió. Khi còn ở Sài Gòn, bước chân lên
xelam, xe đò hay xe lửa, ít khi chúng ta không ngửi thấy mùi dầu.
Không quen thì thấy nồng nhưng hầu như mọi người đều thấy dễ chịu. Tại
hải ngoại, nếu chúng ta thoa dầu, lên xe buýt hay metro, thường bị mấy
người ngoại quốc tránh xa. Tuy nhiên, lục lọi trong nhà thế hệ chúng
ta, nửa đời người sống trong nước, thường vẫn thấy hộp dầu gió. Dầu
Nhị Thiên Đường, thứ dầu mà chúng ta đi trên đường phố Sài Gòn xưa
thường bắt gặp trong những tấm bảng quảng cáo la liệt khắp nơi, nay đã
mất tích. Thứ dầu phổ biến ngày nay là dầu cù là.

“Cù là”, nghe riết thành quen nhưng ít người biết nó là cái chi. Nhà
văn Sơn Nam, trong truyện ngắn “Xóm Cù Là”, mách nước cho chúng ta
hiểu hai chữ quen mà lạ này. “Xin tạm giải thích cái địa danh ấy.Dân
trong xóm sống vui vẻ tập trung tại Ngã Tư, nơi gặp gỡ tự nhiên của
hai con rạch cong queo và dùng đến ba thứ tiếng: tiếng Việt, tiếng
Miên, tiếng Triều Châu.

Các vị bô lão cho biết: xưa kia, vài người mộ đạo đã cất ngôi chùa tại
Ngã Tư. Một vị tướng nhà Nguyễn có tá túc tại chùa, dâng cho chùa một
tượng Phật nhỏ mà ông đã thỉnh tại xứ Cù Là, lúc bôn ba hải ngoại. Các
vị bô lão còn nói rõ: gọi là Cồ Là mới đúng sách vở, Cồ Là tức là xứ
Miến Ðiện giáp ranh Xiêm La”. Truyện của Sơn Nam sau đó xoay quanh
chuyện gia đình nhà ông cai tổng giầu có Trần Hanh, không mắc mớ chi
tới…cù là nữa. Vậy Cù Là là tên gọi xưa kia của Miến Điện, nay là
Myanmar, xứ mới có cuộc đảo chánh của quân đội lật đổ chính phủ dân
chủ của phe bà Aung San Suu Kyl.

Nói dầu cù là không, nhiều người có thể không biết.Nhưng nói dầu cù là
Mac Phsu thì ai cũng biết ngay.Khoảng năm 1930, gia đình ông Thong Ong
Zan tá túc ở Nam Vang. Vợ ông , bà Mac Phsu là người Miến Điện. Gia
đình ông biết cách nấu dầu của hoàng gia Miến Điện nhưng ông vẫn khăn
gói quả mướp qua Singapore để học thêm cách nấu dầu. Tại đây, ông cùng
một người Singapore lai Miến Điện thọ giáo một bác sĩ người Anh tên
Basythin. Sau khi học được công thức nấu dầu của ông bác sĩ này, hai
người ngoéo tay nhau trở về xứ, sản xuất cùng một thứ dầu nhưng lấy
hai tên khác nhau. Ông Thong Ong Zan về Miến Điện chế dầu lấy tên là
“dầu cù là” và dùng màu xanh lục. Ông người Singapore đặt tên là Tiger
Balm, có hình con cọp, với màu nâu đỏ.Vậy là hai thứ dầu cù là Mac
Phsu và dầu Tiger Balm, dân ta thường gọi là “dầu cù là Con Cọp”, tuy
khác màu nhưng cùng chung một gốc. Dầu thì phải nóng khi được xức
trên da. Thường thì chất làm nóng này là chất salisylate khá độc nếu
uống hay xức trong miệng nhưng dầu cù là Mac Phsu không dùng
salisylate mà chỉ dùng tinh dầu khuynh diệp nhập về từ Bồ Đào Nha nên
có thể xức vào răng đau hay uống để chữa bệnh đau bụng.

Bà Mac Phsu là công chúa Miến Điện, con gái của Hoàng Tử Myngoon Min.
Ông sống lưu vong 32 năm tại Sài Gòn vì lý do chính trị từ cuối thế kỷ
19 sau khi có chính biến tại hoàng gia. Ông có ba người vợ trong đó có
một bà người Việt.

Dầu cù là Mac Phsu của ông Thong Ong Zan có thêm một tá dược riêng mà
ông giữ tuyệt mật, chỉ truyền nghề cho con gái chứ không cho mấy anh
con trai biết. Lý do là vì mấy anh con trai khó giữ được bí mật với
các bà vợ. Ông này tâm lý gớm.Đúng phóc! Ông truyền nghề cho hai cô
con gái là bà Ong Zanno và bà Phonlouvemak. Bà Ong Zanno sau đó lấy
chồng người Việt Nam. Hai vợ chồng sanh được 5 cô con gái nhưng chỉ
truyền nghề cho hai cô là Lê Kim Nga và Lê Kim Phụng. Hai bà này vẫn
sống độc thân tại Sài Gòn. Năm 2013, hai bà này đã cùng nhau tái sản
xuất dầu cù là Mac Phsu dưới cái tên mới là “cao xoa con công”.

Ngày xưa, dầu cù là Mac Phsu thường dắt một con voi đi quảng cáo. Tên
con voi này là Xà Kum. Khi voi già được giao cho sở thú Sài Gòn nuôi.
Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín chơi oách hơn. Ông mua một chiếc xe tải
lớn, dài tới 8 thước, trên có để một chiếc xe hơi Austin. Một tấm bảng
gắn trên xe ghi rõ chiếc Austin là giải thưởng xổ số của dầu khuynh
diệp Bác sĩ Tín. Mỗi chai dầu bán ra có một con số kèm theo để tham
dự. Chưa hết. Bên cạnh xe tải là đoàn múa lân lùng tùng xòe tiếng
trống kêu gọi mọi người ra coi. Xe chạy từ Nghệ An, Hà Tĩnh tới Cà
Mau. Cuộc xổ số được tổ chức rất bài bản và nghiêm túc. Ngoài giải
độc đắc là chiếc xe hơi, còn có vài chục giải phụ, mỗi giải một chiếc
xe đạp. Thời đó, chiếc xe đạp là thứ gia bảo, vậy mà ông chơi tới xe
hơi Austin, kể là chịu chơi!

Bác sĩ Bùi Kiến Tín du học bên Pháp nên ông biết cách tiếp cận thị
trường. Dầu khuynh diệp bán chạy như tôm tươi. Có năm bán tới 25 triệu
chai dầu trong khi dân số chỉ có 20 triệu người! Bác sĩ Tín tốt nghiệp
y khoa bên Pháp. Luận án ra trường của ông đề cập tới ước muốn được
góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam hùng mạnh với dân số phải tăng
tới 50 triệu người có sức khỏe dồi dào. Khi đó tây dược khá đắt, ngoài
tầm tay của phần lớn dân chúng, đông dược sản xuất tùy tiện, chưa đúng
với phương pháp khoa học. Ông muốn thay đổi tình trạng này bằng cách
sản xuất những loại thuốc có giá bán mà ai cũng có thể mua được. Các
loại thuốc ho, dầu gió, dầu nóng đểu có logo là một nam lực sĩ nâng
bản đồ Việt Nam lên. Bên dưới logo là ba chữ “Đại Cường Việt”. Tiến sĩ
Bùi Kiến Thành, con trai của Bác sĩ Tín cho biết: “Kinh doanh trước
tiên là để làm giầu, hẳn nhiên. Nhưng với ông papa tôi.Làm giầu không
chỉ cho cá nhân ông mà còn cho đất nước, cho ích nước lợi dân. Thí dụ,
khi ông papa làm thuốc ho Bác sĩ Tín, ông đã có ý thức về chủ quyền
với câu khẩu hiệu trên ve thuốc: “Uống thuốc ho Bác sĩ Tín thở không
khí tự do”. Nổi tiếng về dầu khuynh diệp nhưng Bác sĩ Tín khởi nghiệp
ở Quy Nhơn với các loại thuốc ho, thuốc bổ huyết, thuốc trị táo bón.
Ông chế thuốc một cách rất thủ công. Có lúc ông cần một cái nồi đồng
thật lớn để chế thuốc, bà vợ vội đi kiếm. Bà về quê, thấy gia đình ông
Bùi Thuyên có đám giỗ có chiếc nồi đồng khá lớn. Gia đình ông Bùi
Thuyên vốn nghèo, nghèo nhất tộc, nhưng khi nghe ông Bác sĩ Tín cần
chiếc nồi đồng, ông sẵn sàng cho mượn. Ông Bùi Thuyên này là cha của
nhà thơ Bùi Giáng

Dầu gió của Bác sĩ Tín có công thức đặc biệt bao gồm các loại dầu
tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu và dầu khuynh diệp. Dầu khuynh diệp có
mùi rất đặc trưng, là nguyên liệu chính, được nhập cảng từ Bồ Đào Nha
với giá rất đắt, đắt gấp chục lần dầu địa phương. Ông Lê Hữu Sanh,
người đặt hàng nhập cảng, tiết lộ: “Hồi đó dầu khuynh diệp nhập về
bằng đường thủy, đựng trong các thùng phuy. Mỗi lần nhập khoảng từ 30
đến 40 tấn, chiếm hai container.Mỗi năm tôi nhập dầu về cho ông ấy
khoảng bốn, năm lần. Tốn kém phải nói là khủng khiếp”.

Để đỡ tốn kém và thêm tiện lợi, năm 1954, Bác sĩ Tín mua một miếng đất
rộng 30 mẫu nằm bên xa lộ Biên Hòa, đối diện với Nghĩa Trang Quân Đội,
để trồng cây khuynh diệp. Nơi đây được gọi là đồi Bác sĩ Tín và là bãi
tập chiến thuật trong di hành dã trại của sinh viên sĩ quan quân
trường Võ Khoa Thủ Đức. Năm 1960, lứa khuynh diệp đầu tiên từ Pháp đưa
về được trồng tại đây. Sau đó, ông dùng hạt giống của cây khuynh diệp
đã trồng, ươm thành cây con để trồng trên hai trang trại mới mua rộng
40 mẫu tại xã Lộc Châu, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín ngày càng phổ biến rộng. Các bà bầu thường
dùng trong những ngày đập bầu nên còn được gọi là “dầu bà đẻ”. Một tác
giả vô danh trên mạng nhớ lại: “Tôi chỉ mới biết “dầu bà đẻ” khi đem
chuyện dầu gió ngày xưa ra trò chuyện với mấy ông bạn già. Những câu
chuyện góp nhặt đây đó đánh thức ký ức của tôi thời còn bé. Nhớ lại,
có lần ba tôi dẫn tôi đến nhà bảo sanh Hòa Hưng thăm má tôi sanh thằng
em út. Vừa bước vào cửa chính đã ngửi thấy nồng nực mùi dầu. Mùi
khuynh diệp càng lúc càng nồng khi đi ngang qua các buồng sản phụ dọc
theo hai bên”.

Tôi nghĩ chắc ai trong chúng ta, khi làm bố, cũng có những kinh nghiệm
như vị tác giả này. Có điều những giờ phút chộn rộn, lo lắng, mừng vui
lẫn lộn đó đã làm trí nhớ chúng ta nhạt đi mùi “dầu bà đẻ”.

Song Thao
2021

Mời Xem 1 số hình ảnh ST từ mạng
Dầu Nhị Thiên Đường xưa
Bảng gắn ở đầu cầu Nhị Thiên Đường
Dầu Khuynh Diệp Bác sỉ Tín
Tiệm Đầu Cù Là Mac PHsu xưa ở Chợ Lớn
Quảng Cáo cách nay 50 năm :
Dầu cù là Mac - Phsu
" Ông già đau bụng chổng khu
Xoa vô một chút xách dù đi chơi ".
Cầu Nhị Thiên Đường mới,ảnh Hửu Khoa,báoTuổi Trẻ


Hoa Huỳnh chuyển

1 nhận xét:

VỠ MẢNH TRĂNG THỀ _ Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

VỠ MẢNH TRĂNG THỀ (cho nhớ ngày giỗ lần 2 hiền thê) Thu nao em đã bỏ anh rồi! Một mảnh trăng thề vội lẻ đôi Tình đó đã sâu giờ cách biệt Ngh...