Võ Đình Tuấn trở thành tiến sỹ gốc Việt để lại hàng loạt công trình phát minh, bằng sáng chế quan trọng trong các lĩnh vực môi trường, sinh học, y học tại Mỹ. Tên tuổi của ông cũng được vinh danh trong danh sách thiên tài thế giới.
Được biết, Võ Đình Tuấn sinh ngày 11 tháng 4 năm 1948, là một nhà khoa học, nhà sáng chế người Mỹ gốc Việt đã có 32 bằng phát minh sáng chế trong các lĩnh vực môi trường, sinh học và y học tại Mỹ.
Tiến Sĩ gốc Việt Võ Đình Tuấn là một nhà khoa học và nhà phát minh, chuyên về các công cụ chẩn đoán trong lĩnh vực quang tử, khoa học vật lý về ánh sáng. Ảnh: @Google.
Vào năm 17 tuổi, từ Sài Gòn Võ Đình Tuấn đi Thụy Sĩ du học, ông tốt nghiệp cử nhân vật lý tại Trường Bách khoa liên bang Lausanne (1971), và bốn năm sau ông được trao bằng tiến sĩ chuyên ngành hóa lý tại Viện Kỹ thuật liên bang Zurich, Thụy Sĩ. Sau khi nhận bằng tiến sĩ, ông tiếp tục sang định cư tại Hoa Kỳ.
Cơ quan Thương hiệu và Phát minh Hoa Kỳ (USPTO, trực thuộc Chính phủ Mỹ) cho biết, phát minh khoa học đầu tiên của Võ Đình Tuấn (năm 1987) là một loại băng rất nhỏ và dễ sản xuất hàng loạt, dùng để gắn vào áo của công nhân khi họ làm việc trong những môi trường có nguy cơ cao, nhằm ghi lại các thông số của loại chất độc hại mà họ bị mắc phải trong quá trình lao động.
Sau buổi lao động miếng băng dán này sẽ được quét qua kính quang học, nó chỉ cần 11 giây để báo cho biết ngay công nhân mang nó bị nhiễm độc ở mức độ nào và chữa chạy ngay mà không cần phải đưa vào bệnh viện để tốn thêm thời gian lấy máu, nước tiểu để xét nghiệm.
Không chỉ dừng tại đó, trong lĩnh vực y tế, Võ Đình Tuấn còn phát minh các hệ thống dò tìm các DNA bị thương tổn liên quan đến chứng bệnh tiểu đường và ung thư qua công nghệ Tia Synchronous luminesence. Bởi theo ông, các dữ liệu về sức khỏe có thể được ghi lại và dễ dàng được đọc qua tia lazer song hành cùng với sợi quang học.
Nhờ đó mà sức khỏe của bệnh nhân sẽ có thể được kiểm tra không cần các biện pháp y tế kinh điển như là lấy mẫu xét nghiệm, lấy mô theo kiểu truyền thống. Và phương pháp y học này được đánh giá là có thể làm thay đổi hoàn toàn quy trình chẩn đoán bệnh ung thư, khác biệt hơn so với trước đây.
Tiến Sĩ gốc Việt Võ Đình Tuấn cũng là một trong những người đầu tiên kết hợp sức mạnh nhận biết của tự nhiên (ví dụ như kháng thể) với công nghệ cảm biến dựa trên ánh sáng để phát triển thiết bị mạnh mẽ được gọi là cảm biến sinh học. Ảnh: @Google.
Những công trình nghiên cứu tiến bộ ở trên giúp Võ Đình Tuấn sở hữu mười bằng sáng chế liên quan và tất cả đã được mua lại bởi nhiều công ty y tế và môi trường. Thậm chí, nhiều bằng sáng chế trong số này được sử dụng bởi nhiều tổ chức nghiên cứu như là Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ và rất nhiều bệnh viện khác tại Mỹ.
Đến năm 1992, tiến sĩ Võ Đình Tuấn tiếp tục phát minh một hệ thống lưu trữ quang học (SERODS) dùng trong các bộ nhớ máy tính, cơ sở dữ liệu y tế và cả NASA cũng dùng hệ thống này cho vệ tinh nhân tạo của mình. Trong năm 1994, ông đạt một thành công rất lớn trong việc chế tạo một hệ thống phát hiện ung thư bằng quang học. Đến nay, ông đã giữ 32 bằng sáng chế trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cùng với một loạt các nghiên cứu thú vị khác.
Tiến sĩ Tuấn cho rằng, những nghiên cứu của ông phần lớn chỉ có mục đích đơn giản là góp phần làm giảm những nỗi đau của con người liên quan đến bệnh tật.
Ông cũng đã có 32 bằng phát minh và sáng chế trong các lĩnh vực môi trường, sinh học và y học tại Mỹ. Ảnh: @AFP.
Vào ngày 9/5/2002, nhân kỷ niệm tháng truyền thống của các dân tộc thiểu số châu Á tại Mỹ, bà J. C. Hayward - người phát ngôn của USTPO cho rằng, những phát minh của Tiến sĩ Võ Đình Tuấn cùng các nhà khoa học khác đã góp phần làm cho nước Mỹ trở thành nước có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới.
Cũng trong năm 2002, các trường tiểu học và trung học của Mỹ đều chiếu cuốn video về những nhà khoa học, trong đó có Tiến sĩ Tuấn cho các học sinh xem như một chương trình ngoại khóa. Bà Hayward nói: "Chủ yếu để thế hệ trẻ của Mỹ nhớ đến những nhà bác học của các dân tộc và màu da khác nhau đã có những đóng góp to lớn không những cho xứ sở cờ hoa mà còn cho toàn thế giới".
Tiến sĩ Võ Đình Tuấn còn làm việc tại Viện Hóa học Mỹ và là biên tập viên cũng như cố vấn của nhiều tạp chí quốc tế chuyên ngành. Ông đã đoạt 5 giải thưởng nghiên cứu & phát triển (R&D) vào các năm 1981, 1987, 1992, 1994 và 1996; tác giả của hơn 300 công trình được in ấn trên các tạp chí khoa học nổi tiếng.
Ông cũng đoạt giải nhà khoa học của năm tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge vào năm 1992, nhận Giải thưởng Thương mại hóa Lockheed Martin năm 1998, và nhận Giải thưởng Sir George Stokes từ Hiệp hội Hóa học Hoàng gia năm 2019, cùng rất nhiều giải thưởng quốc tế khác.
Hiện nay, nhà khoa học tài năng này đang nghiên cứu cải tiến những công nghệ mới để sản xuất những thiết bị y khoa hiện đại, có kích thước nhỏ và giá thành thấp nhằm góp phần nâng cao tính hiệu quả và tiết kiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như song hành tập trung vào việc phát triển các công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe con người.
Các hoạt động nghiên cứu của ông còn liên quan đến chất liệu sinh học, vật liệu ghép nano, cảm biến nano, quang phổ laser, hình ảnh phân tử, chẩn đoán y tế, phát hiện và điều trị ung thư, thần kinh học, cảm biến hóa học, cảm biến sinh học và biochips.
Người Việt Nam rất nhiều người tài giỏi
Trả lờiXóa