Phúc Ông trăm truyện – Truyện số 78
FUKUZAWA Yukichi
Dịch: Nguyễn Sơn Hùng
“Hãy xem xét lại và hiểu biết về bản thân” là phương châm quan trọng đầu tiên của môn khoa học sức khỏe và sinh lý học của thân thể con người.
Có nhiều môn học và phạm vi đối tượng cũng như hiệu quả của chúng khác nhau nhưng việc hiểu biết cấu tạo, tính chất của thân thể của chính bản thân chúng ta và các tác động, chức năng của nó là quan trọng nhất. Do đó dù không phải là nhà nghiên cứu chuyên môn về khoa học sức khỏe nhưng để giữ gìn thân thể của bản thân, chúng ta cần phải hiểu biết đại khái về nó.
Tỉ dụ nếu chúng ta không biết tính chất và tác dụng của dụng cụ, chúng ta sử dụng chúng không đúng cách, chúng sẽ dễ bị hư hỏng. Dụng cụ đã vậy thì nói chi đến thân thể con người. Nếu chúng ta muốn trân trọng thân thể chúng ta và không làm nó bị tổn hại thì trước hết chúng ta phải có kiến thức về nó.
Môn học dạy chúng ta hiểu biết về cấu tạo và các cơ quan của thân thể con người là giải phẫu học (anatomy). Môn học dạy các hoạt động, chức năng của thân thể là sinh lý học (physiology). Môn dạy chúng ta phương pháp duy trì thân thể khỏe mạnh là vệ sinh học (hygiene).
Xương cốt là nền tảng của thân thể và gân thịt dính gắn vào chúng. Gân thịt giống như bó vải, là tập hợp của nhiều chỉ sợi. Khi xương chuyển động nhiều cách thì các chỉ sợi của các bắp thịt sẽ dãn ra hay co rút lại.
Khi chúng ta ăn, thức ăn vào miệng, răng cắt nghiền chúng, nước miếng (nước bọt) sẽ trộn lẫn với chúng, rồi thông qua họng vào trong bao tử (dạ dày). Thức ăn sẽ được tiêu hóa và đưa đến ruột. Trong quá trình thông qua ruột, các chất dinh dưỡng cần cho xương thịt được hấp thụ, phần vô dụng còn lại sẽ được bài tiết ra ngoài cơ thể. Đó là con đường thứ nhất trong thân thể.
Phần dinh dưỡng được hấp thụ sẽ biến thành máu, rồi thành xương thịt hay màng (mạc), móng, lông v.v. vô số vật chất của thân thể con người. Thông thường quá trình này được gọi là “đồng hóa” (1).
Tim đảm nhận nhiệm vụ làm cho máu huyết lưu thông tuần hoàn trong cơ thể. Mạch máu tống chuyển máu từ tim đến mọi nơi gọi là động mạch và mạch máu nhận máu từ đầu cuối của động mạch và chuyển máu về tim được gọi là tĩnh mạch. Trong khi máu lưu thông trong cơ thể, nguyên tố carbon lẫn lộn vào màu cho máu không còn sạch như ban đầu, mất màu đỏ tươi mà biến sang màu hơi đen khi trở về tim. Máu đen được đẩy sang phổi, khi tiếp xúc với không khí được phổi hít vào, máu nhận được nguyên tố oxy trong không khí biến máu trở về màu đỏ tươi.
Do đó, hô hấp và lưu thông tuần hoàn của máu huyết chúng ta có quan hệ rất mật thiết. Việc tránh bụi bặm dơ bẩn, hít thở không khí trong sạch, không làm bẩn máu huyết- nguồn của sinh lực (sức sống)- là rất quan trọng.Khi tăng số lần hít thở thì hấp thụ nhiều lượng oxy trong không khí, nhiệt độ của thân thể theo đó sẽ tăng dần. Ngược lại nếu hít thở ít hoặc nhẹ thân thể sẽ lạnh đi. Khi ngủ, số lần hô hấp ít đi nên thân nhiệt tự nhiên thấp xuống, do đó cần mặc áo dày hay đắp chăn mền. Khi ngủ hất đá chăn mền đi, bị lạnh là không phải chỉ do nhiệt độ không khí về đêm thấp mà phải nghĩ rằng do thân nhiệt hạ thấp xuống trong khi ngủ và mặc quần áo không đủ dày.
Bề mặt của da có những lỗ nhỏ mà mắt thường không thấy được, hình trạng giống như bọt biển hay rây bột, nước trong thân thể cả ngày lẫn đêm bốc hơi từ các lỗ nhỏ này. Các lỗ này gọi khí khổng. Khi thời tiết lạnh, các khí khổng này là nguyên nhân của cảm hàn, kiết lỵ và nhiều bệnh khác do đó cần phải lưu tâm để ý. Thí dụ, sau khi chạy nhiều, xuất mồ hôi lại đột ngột cởi áo gặp gió lạnh, hoặc không tắm rửa để cho cáu bẩn lấp kín các khí khổng, cả hai trường hợp đều ngăn trở việc bốc hơi nước của da. Người đời cho rằng người bệnh mới hồi phục mà đi bộ trong đêm gặp phải sương thì hại cho sức khỏe. Thật ra điều này không phải do sương đêm trên trời rơi xuống mà do nhiệt độ không khí về đêm hạ thấp xuống thình lình làm co rút các khí khổng, làm cản trở bốc hơi từ da, kết quả gây hại cho người bệnh.
Tinh thần có ở não và não đảm nhiệm chức năng của trí giác. Các hoạt động của thân thể, không kể nhỏ lớn, đều theo mệnh lệnh của não. Nói tỉ dụ, não như máy phát điện và thần kinh chạy dọc ngang trong cơ thể là các dây điện.
Khi đầu ngón tay chạm lửa chúng ta rút tay lại, chúng ta tưởng đó là động tác của ngón tay tự làm ra. Nhưng không phải vậy. Lý do thực sự là khi đầu ngón tay đụng lửa, thần kinh ở đầu ngón tay liên lạc về não thông tin “nóng” nên não liền ra lệnh cho ngón tay phải rút lại. Tốc độ của liên lạc và mệnh lệnh rất nhanh. Đồng hồ đo giờ không thể đo được thời gian rất nhanh chóng này. Do đó não là chủ tể (2) của cơ thể con người và bảo vệ não là rất quan trọng. Vì vậy não được bao bọc bởi xương sọ, phòng ngừa bị thương tổn từ bên ngoài gây ra.
Nếu con người chỉ nghỉ ngơi mà không làm gì thì sẽ không thể duy trì được thân thể và tinh thần. Người không hoạt động não, tinh thần sẽ thành ngu dại, lười biếng không dùng thân thể làm việc sẽ làm nó yếu đuối đi. Sử dụng và rèn luyện bắp thịt, dùng não để suy nghĩ, khảo sát sự việc sẽ nuôi dưỡng anh khí (tâm hồn tốt đẹp) con người.
Vừa vận động vừa nghỉ ngơi thích hợp là điều rất quan trọng. Do đó nên chia một ngày 24 giờ ra làm 3 phần bằng nhau: 8 giờ ngủ, 8 giờ làm việc và 8 giờ để ăn uống, giải trí, nghỉ ngơi tự do. Thêm vào đó, trong 8 giờ làm việc, không phải là làm việc liên tục bằng đầu óc hay tay chân mà chia mỗi thứ làm 4 giờ thì thích hợp hơn. Tuy nhiên, trong xã hội bận rộn như ngày nay, trong thực tế khó có thể thực hiện như nói trên. Do đó, trong trường hợp phải làm việc bằng trí óc trong suốt 8 giờ thì trong 8 giờ nghỉ ngơi nên tìm thú vui có vận động cơ thể. Trái lại, đối với người phải lao động chân tay suốt 8 giờ thì trong thời gian nghỉ ngơi nên tìm thú vui tinh thần.
Những điều trình bày không thứ tự ở trên chỉ là một phần đại khái của phương pháp sinh lý học và dưỡng sinh. Có người cho rằng chỉ biết có bấy nhiêu, dù có thực hành cũng chẳng có ích lợi to lớn gì. Tuy nhiên, từ đầu phương châm quan trọng đầu tiên của khoa học về sức khỏe là “hãy hiểu biết rõ về cơ thể của bản thân mình.” Ý nghĩa mà phương châm này muốn đề cập đại thể là như đã trình bày. Bước đầu là cho chúng ta thấy phương hướng mà môn khoa học sức khỏe hướng tới để cho chúng ta có quan tâm, hứng thú đi vào con đường tìm hiểu cơ thể của bản thân. Mục đích của phương châm chỉ có thế.
Gần đây số sách vở về sức khỏe con người được xuất bản rất nhiều. Đọc những sách như vậy có thể nói là nghĩa vụ của con người trong cuộc sống gia đình.
Trong thế gian có nhiều người thất học này, mặc dù sinh kế gia đình giàu có, dư dả nhưng không biết hay không quan tâm gì về sức khỏe, khi sắp bệnh hay khi đã mắc bệnh cũng không biết phương cách chọn thầy thuốc. Chỉ biết có cảm giác nóng lạnh hay đau đớn nhưng không biết gì về sinh lý học hay bệnh lý. Do đó, khi gặp thầy thuốc cũng không biết cách trình bày, diễn tả chính xác tình trạng trong cơ thể của mình. Nghe lời thầy thuốc nói cũng không hiểu được nội dung. Nhận trị liệu trong khi không hiểu ất giáp gì. Được hồi phục cũng không hiểu tại sao. Nhiều người chết đi cũng không hiểu lý do chết. Mức độ không biết có khác nhau nhưng hầu như tất cả mọi người đều trong tình trạng này.
Dù cho gia đình, xã hội có phồn thịnh nhưng cái quan trọng nhất là con người thì lại chết mất đi. Kết cuộc, có thể nói đó là kết quả của việc khinh thường học vấn.
Nguyễn Sơn Hùng
Tháng 6/2017
Nguồn: Truyện số 79 trong quyển “Phúc Ông Trăm Truyện” của Fukuzawa Yukichi, 1897, Thời Sự Tân Báo Xã phát hành.
Xem thêm cùng tác giả:
Chú thích
- Ngày nay người ta gọi quá trình biến đổi các yếu tố dinh dưỡng sang các vật chất cần thiết trong con người là “trao đổi chất” hoặc “chuyển hóa”, hay “biến dưỡng” trong tiếng Việt, “metabolism” trong tiếng Anh, “taisha” (đại tạ) trong tiếng Nhật. Chuyển hóa gồm 2 dạng chuyển hóa vật chất và chuyển hóa năng lượng. Chuyển hóa vật chất gồm có 2 dạng: “dị hóa” (catabolism) và “đồng hóa” (anabolism). Dị hóa là phân giải các chất hữu cơ phức tạp như chất đường, protein, chất béo thành hợp chất hóa học đơn giản để có năng lượng cho hoạt động sinh mệnh. Đồng hóa là quá trình ngược lại với dị hóa, là quá trình dùng năng lượng của dị hóa hợp thành phân tử nhỏ thành phân tử lớn cần thiết cho cơ thể sinh vật.
- Vật đứng đầu, còn nói là chúa t
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa