Tác giả: Tôn Thất Thông
Giới thiệu: Trong bài trước cách đây hai ngày – Dân số già: Tử huyệt của Trung Quốc – chúng ta đã thấy vấn nạn không có lời giải trong vài thập niên nữa cho Trung Quốc. Các nước chưa giàu như Việt Nam cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự, có thể chậm hơn Trung Quốc chừng hai thập niên. Tiếp theo đây, chúng ta khảo sát xem các nước giàu giải quyết vấn nạn dân số già như thế nào, từ đó xem thử các biện pháp của họ sẽ tác động như thế nào lên các nước chưa giàu như Việt Nam: Tài nguyên trí tuệ của các nước này sẽ bị thu hút về các nước giàu có nền khoa học kỹ thuật phát triển và hệ thống bảo hiểm xã hội vững mạnh. Đã nghèo lại càng khó hơn, đó là lời cảnh tỉnh cho giới cầm quyền cần một tầm nhìn xa để đón đầu giải quyết.
***
Để minh họa thêm cho bài trước (Dân số già: Tử huyệt của Trung Quốc), chúng ta thử xem đồ thị bên dưới biểu diễn tình trạng nhân học của Trung Quốc trong 70 năm qua, để xem đâu là những vấn đề trong tương lai cho các nước „chưa giàu đã già“, trong đó có Việt Nam.
Năm 1950, cấu trúc nhân học của Trung Quốc còn mang dạng hình tháp, vốn là điều kiện lý tưởng để phát triển quốc gia và xây dựng hệ thống an toàn xã hội. Trong thời gian đó, tỉ lệ người già so với lực lượng lao động khoảng chừng 5-8%. Đến năm 2015, tỉ lệ đó đã tăng lên 13-15%. Điều này có nghĩa là tỉ lệ của lực lượng lao động giảm xuống so với tổng dân số ngày càng đông và già, lợi tức mỗi đầu người vì thế không những không tăng mà có nguy cơ giảm xuống, mặc dù GDP có thể vẫn còn tăng. Ngoài ra, hệ thống xã hội để phục vụ nhu cầu của người già khó lòng thực hiện tốt. Sang đến 2050, tỉ lệ người già trên lực lượng lao động sẽ là 30-40%. Tức là cứ 1,5 đến 2 lao động phải trang trải gánh nặng xã hội cho một người già. Trong một quốc gia chưa giàu như Trung Quốc, điều đó có ý nghĩa như một quả bom nổ chậm có thể làm nổ tung sự an toàn xã hội, có thể dẫn đến rối loạn xã hội và khủng hoảng chính trị. Việt Nam cũng sẽ có sự phát triển tương tự.
Khác với một số nước vốn có thể trung hòa tình trạng lão hóa dân số bằng chính sách nhập cư, thì Trung Quốc cũng như Việt Nam khó lòng giải quyết bằng cách đó. Một số lý do khá rõ: Ít người thích nhập cư đến những nước như Trung Quốc hay Việt Nam vì thu nhập bình quân không cao, nền văn hóa khép kín và nhất là tình trạng thiếu tự do trong đời sống xã hội. Chúng ta sẽ phân tích nhiều hơn ở bên dưới.
Các nước giàu giải quyết thế nà
Tình trạng dân số già là vấn nạn của mọi quốc gia, không phân biệt nước giàu hay nghèo. Thâm chí ở những nước giàu, tỉ lệ người già hưu trí trên tổng số lao động hiện nay còn cao hơn. Tuy nhiên với nguồn lực tài chính dồi dào, các nước giàu đã giữ được xã hội trong tình trạng an toàn, không bị xáo trộn. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng, nhưng quan trọng hàng đầu là, hầu hết các nước giàu đều có hệ thống bảo hiểm xã hội vững mạnh vốn dĩ được kiên trì xây dựng kể từ sau thế chiến II. Tuy nhiên, hiện nay các nước giàu đang đứng trước ngưỡng „quá tải“ hệ thống bảo hiểm xã hội, vì tỉ lệ người lao động trên dân số ngày càng thấp, tiền thuế và bảo hiểm xã hội thu được từ lực lượng lao động dần dần không đáp ứng đủ chi tiêu xã hội cho số lượng người già ngày càng nhiều, tuổi thọ ngày càng cao và phí tổn y tế ngày càng đắt đỏ. Họ phải có lời giải sớm.
Ngược với xu hướng của Trung Quốc, những nước có chính sách nhập cư uyển chuyển – như Mỹ, Gia Nã Đại, Úc và bây giờ ở vài nước châu Âu – có thể đối phó phần nào tình trạng lão hóa dân số bằng giới nhập cư trẻ tuổi. Các nước châu Âu bây giờ đã khôn hơn, thay vì sống khép kín, đóng cửa biên giới, các nước giàu bắt đầu đưa vấn đề nhập cư vào chương trình nghị sự thường kỳ của nội các.
Khảo sát sự tăng trưởng phồn vinh ở những nước giàu tiêu biểu có nhiều người nhập cư như Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc và mới đây là Đức, chúng ta thấy một điều hết sức đáng ngạc nhiên: Dân nhập cư trẻ tuổi và có tay nghề là nguồn dự trữ lao động chiến lược để duy trì và tăng trưởng phồn vinh. Nghe ra thì có vẻ buồn cười, vì nước tiếp nhận phải chịu chi phí rất lớn để ổn định người nhập cư. Nhưng nhìn trên khía cạnh kinh tế về mặt lâu dài, nước nào có số lượng nhập cư được điều chỉnh hợp lý, phù hợp với nhu cầu về tăng trưởng lực lượng lao động, và nhất là có kế hoạch để tích hợp họ vào thị trường lao động, nước đó có cơ hội tiếp tục phát triển phồn vinh. Hoa Kỳ, quốc gia nhập cư số một của thế giới, là thí dụ điển hình về sự tăng trưởng phồn vinh liên tục suốt hơn một thế kỷ.
Thêm một yếu tố để thúc đẩy các nước giàu tăng tốc việc cải thiện chính sách nhập cư là, trước đây việc nâng cao chất lượng sống người dân các nước Tây Phương một phần dựa vào nguồn hàng hóa giá rẻ từ các „công xưởng thế giới“ như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh v.v…Nhưng sau đại dịch Covid, dường như các nước giàu đang cố gắng đưa sản xuất về nước hoặc đưa đến các vùng lân cận: Bắc Mỹ thì có các xứ châu Mỹ La-Tinh, Tây Âu thì có các xứ Trung và Đông Âu. Thêm vào yếu tố đó, lao động nhập cư có trình độ cao sẽ là một bộ phận không thể thiếu trong xu hướng chuyển đổi nền kinh tê
Chúng ta thử lấy trường hợp nước Đức để khảo sát.
Không phải là bốc đồng mà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiếp nhận gần 2 triệu người di tản từ Trung Đông được nhập cư vào Đức năm 2015. Bà đã nổi danh với khẩu hiệu „chúng ta giải quyết được – Wir schaffen das“. Thế giới tiến bộ rất ngưỡng mộ ca tụng quyết định nhân đạo của Angela Merkel, trong lúc nội bộ nước Đức thì đảng cực hữu AfD (Alternative für Deutschland – Chọn lựa khác cho nước Đức) nhân đó đã vươn lên chiếm ghế trong quốc hội. Đó là khía cạnh chính trị. Nhưng về mặt kinh tế, thống kê liên bang cho thấy rằng, hơn 50% dân nhập cư đợt đó đã được các công ty tư nhân thu nhận vào chương trình huấn luyện nghề nghiệp (thường là 3 năm), được nhận „tiền túi“ lúc còn học nghề gần bằng trợ cấp xã hội, giải phóng gánh nặng cho chính phủ. Với tình trạng kinh tế phát triển ổn định, số học viên này đều đã có công ăn việc làm sau khi tốt nghiệp, tham gia vào lực lượng lao động ngày càng thiếu trong mọi ngành công nghiệp Đức. Chỉ cần đầu tư một thời gian ngắn chưa đến hai năm để ổn định đời sống người nhập cư, Đức đã lấy lại cả vốn lẫn lời: Hiện nay, mỗi tháng nhà nước thu hàng tỉ EURO tiền thuế và bảo hiểm xã hội từ giới nhập cư đã ra hành nghề. Đấy là chưa kể với lương tiền ổn định, sức tiêu thụ của họ đóng góp không ít cho công nghiệp hàng tiêu dùng phát triển. Các hiệp hội nghề nghiệp đều thừa nhận rằng, đợt nhập cư ngoài kế hoạch vào năm 2015 đã tạo nên một triệu lao động lành nghề để cung ứng cho thị trường lao động, thay thế phần nào cho số lượng lao động suy giảm vì hưu trí và trẻ sơ sinh ngày càng giảm. Nhìn chung trong xã hội, hầu hết giới công nghiệp đều có thiện cảm với chính sách nhập cư thời gian qua.
Để lý giải đồ thị bên dưới về người nhập cư vào Đức, trước hết xin làm rõ một số khái niệm:
– Nhập cư: Người đến bao gồm người Đức trở về quê quán, người nhập cư có trật tự xin đi từ nước gốc và người nhập cư di tản từ những làn sóng trốn chạy khỏi các vùng chiến tranh.
– Xuất cư: Người rời khỏi Đức bao gồm người Đức đi làm ăn ở nước khác và người ngoại quốc trở về quê quán.
– Nhập cư ròng: Nhập cư trừ bớt xuất cư. Đó là con số quan trọng mà chính sách nhập cư phải chú ý để điều phối và trung hòa các vấn nạn thiếu hụt lao động do tình trạng dân số ngày càng già.
Đồ thị trên cho ta hình dung về hai đợt nhập cư lớn trong 30 năm qua: 1991-1996 và 2011-2020 [xem thêm 3 & 4]. Nhưng trong lịch sử suốt 70 năm qua, Đức đã có bốn đợt lớn, có kinh nghiệm tốt về cách giải quyết người nhập cư theo kế hoạch để tích hợp họ vào thị trường lao động: Đợt một, từ 1945-1955. Trong thời gian này, Tây Đức tiếp nhận 12 triệu người Đức bị Hồng quân Liên Xô xua đuổi khỏi các vùng địa lý phía đông sau chiến tranh bị cắt cho Liên Xô, Ba Lan và Tiệp. Với nhập cư ròng 10 triệu trong đó có 5 triệu thuộc lứa tuổi lao động, Tây Đức đã tích hợp họ vào quá trình phát triển hậu chiến, tạo nên thần kỳ kinh tế có một không hai trong lịch sử [xem 1, trang 160-170]. Đợt hai, từ 1960-1973 với 9 triệu thợ ngoại quốc (Gastarbeiter) làm việc trong khuôn khổ nhập cư có trật tự theo hợp đồng xuất khẩu lao động với Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Nam Tư. Thợ ngoại quốc đợt đó có tầm quan trọng đặc biệt, cho nên Bộ trưởng lao động Theodor Blank tuyên bố năm 1964 rằng, lao động ngoại quốc là nhân tố quan trọng để tạo nên thần kỳ kinh tế, nâng cao phồn vinh quốc gia [xem 1, trang 124-140]. Đợt ba, từ 1991-1996 với 7 triệu người, chủ yếu đi từ Liên Xô và các nước Đông Âu sau khi hiệp ước thống nhất Đức được ký kết. Đợt bốn, từ 2011-2020 với 14,6 triệu nhập cư và 10 triệu xuất cư, còn lại 4,6 triệu nhập cư ròng, tức bình quân mỗi năm có 460.000, tương ứng với nhu cầu lao động mới trong toàn nền công nghiệp. Khác với đợt hai và ba, đợt bốn có rất nhiều dân nhập cư ngoài kế hoạch (thí dụ, di tản từ Trung Đông), nhưng không ngờ chính sách nhập cư và lao động đã giải quyết rất ổn thỏa, từ sự hỗn loạn ban đầu kéo dài chưa đến một năm, việc ổn định dần dần đi vào kế hoạch có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và doanh nghiệp tư nhâ
Những thay đổi đáng kể về chính sách nhập cư của các nước giàu
Chính sách của các nước nhập cư truyền thống như Mỹ, Gia Nã Đại và Úc thay đổi đáng kể trong thời gian 30 năm qua. Thí dụ, từ một nước cho phép nhập cư rất dễ dãi trong thế kỷ 20, thì kể từ năm 2000, Úc chỉ nhận đơn xin nhập cư của những người dưới 45 tuổi, chính sách đoàn tụ gia đình cho người già khó khăn hơn, hệ thống điểm được điều chỉnh lại để ưu tiên cho những người có học vấn cao (thí dụ xong đại học được 30 điểm) và trẻ tuổi (thí dụ 18 tuổi được điểm cao nhất, càng lớn tuổi thì số điểm càng xuống thấp theo từng bậc thang 5 tuổi). Gia Nã Đại và Hoa Kỳ cũng có những điều chỉnh tương tự. Đấy là chưa kể những điều chỉnh khác để nâng cao số chuyên gia trình độ cao có cơ hội tham gia vào thị trường lao động, thí dụ giấy phép lao động dễ dàng cho những người tốt nghiệp đại học hoặc học nghề trung cấp. Trước đây, trong khuôn khổ hợp tác đào tạo, các học viên phải về nước và nộp đơn xin trở lại từ nước gốc, một rào cản làm nhiều người không thể trở lại, khiến cho nước nhập cư mất nhiều chuyên gia đã đào tạo. Khi chế độ đó được bãi bỏ và có sự thay đổi về giấy phép lao động, hầu hết những người tốt nghiệp đều ở lại làm việc ít nhất vài năm để thu thập kinh nghiệm và tích lũy tài sản. Sau đó, đa số đều có ý muốn định cư lâu dài, nhất là những người đã lập gia đình và có con ở tuổi đi học.
Những điều ấy cho thấy là chính sách của các nước nhập cư truyền thống được thiết kế có trọng điểm hơn: ưu tiên cho người nhập cư trẻ tuổi và có trình độ chuyên môn cao. Đoàn tụ gia đình và nhập cư nhân đạo không còn là chính sách công cộng được đưa lên hàng đầu như cách đây 50 năm. Ngoài các nước truyền thống, một số nước châu Âu, dù chưa được hệ thống hóa, cũng đã có chính sách nhập cư từ vài thập niên trước như các nước Bắc Âu, và mới đây trong vòng 20 năm như Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha. Đức đã tuyên bố năm 2000 rằng, họ phải trở thành nước nhập cư (Einwanderungsland), nhưng cho đến nay vẫn còn lúng túng về một mô hình cụ thể, chủ yếu do mâu thuẫn chính trị nội bộ, chưa có sự đồng thuận nhất quán, mặc dù đa số đã thấy sự cần thiết của người nhập cư. Dường như hệ thống tính điểm của Gia Nã Đại được Đức và các nước châu Âu đang chú ý để tham khảo.
Yếu tố nào thu hút người nhập cư trình độ cao?
Các cuộc thăm dò dư luận phổ biến trên truyền thông đại chúng cho chúng ta một hình ảnh khá cụ thể về những yếu tố nào có thể lôi cuốn người ngoại quốc đến nhập cư. Chế độ an sinh xã hội vốn dĩ quan trọng trong thế kỷ 20, thì giờ đây không đóng vai trò gì đáng kể. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng để lôi kéo người nhập cư trình độ cao, nhưng tựu trung những yếu tố sau đây là nổi bật
Thứ hai, hệ thống đào tạo đại học và đào tạo nghề nghiệp vững mạnh. Đặc biệt các nước châu Âu, nơi hệ thống giáo dục là miễn phí ở cấp trung học và đại học, nơi hệ thống dạy nghề được tổ chức quy củ, vừa học vừa làm có hưởng lương. Yếu tố này không những quan trọng cho những người đang nhập cư, mà họ đa số đều nghĩ đến tương lai con cái, nếu sau này họ được định cư lâu dài. Với những người đã tốt nghiệp, đang đi làm và hưởng quy chế tạm trú hay thường trú, yếu tố này thậm chí là yếu tố quan trọng hàng đầu để quyết định ở lại hay về, nhập cư lâu dài hay không. Về khía cạnh này, ngoại trừ Hoa Kỳ vẫn có những hấp dẫn khác, thì Gia Nã Đại và Úc có thể bị các nước châu Âu cạnh tranh trong những thập niên tới.
Thứ ba, hệ thống bảo hiểm xã hội. Ngoại trừ bảo hiểm sức khỏe ở các nước giàu đều gần ngang nhau, thì bảo hiểm thất nghiệp được người lao động nhập cư đặc biệt quan tâm. Ai đã ở các nước giàu cũng dễ dàng nhận thấy là, dù lợi tức cao nhưng cường độ công việc cũng rất căng thẳng, cạnh tranh trong đời sống nghề nghiệp cao, rủi ro thất nghiệp lớn. Cho nên nước nào có chế độ bảo hiểm thất nghiệp tốt, có thể nuôi sống họ 1 đến 2 năm thất nghiệp, nước đó sẽ hấp dẫn họ để ở lại. Một số người khác còn nghĩ đến bảo hiểm hưu trí, nhưng đó thường là quan tâm của những người đã nhập cư từ 10 năm trở lên.
Thứ tư, về chất lượng đời sống. Khác với người bản địa có một quan niệm khá phức tạp về chất lượng sống, những người nhập cư suy nghĩ giản dị hơn. Họ muốn được sống yên thân không ai đụng chạm đến mình và được đối xử bình đẳng với mọi người trước pháp luật. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, đa số dân nhập cư sinh hoạt với nhau trong một cộng đồng và có xu hướng hoạt động ít nhiều liên quan đến chính trị. Họ rất nhạy cảm đến những quyền tự do tối thiểu như tự do ngôn luận, hội họp, làm báo, phát biểu công cộng. Về khía cạnh này, các xứ tự do phương Tây có ưu thế cạnh tranh giành giật người nhập cư so với các nước chuyên chế hoặc toàn trị.
Căn cứ vào những khảo sát đó, chúng ta sẽ chứng kiến thời gian tới nhiều cải thiện về chính sách nhập cư ở các nước giàu. Các nước nhập cư truyền thống đã thay đổi nhiều, nhưng thời gian tới còn tiếp tục cải thiện để cạnh tranh với các nước nhập cư mới nổi. Ở châu Âu, người ta sẽ sao chép kinh nghiệm các nước nhập cư truyền thống, ngoài ra với lợi thế về chế độ xã hội cao và giáo dục miễn phí, châu Âu có thể sẽ là trung tâm nhập cư mới cho chuyên gia, bên cạnh Hoa Kỳ. Hiện nay, họ đang tiến hành cải thiện vài biện pháp hành chính như: nới lỏng chế độ cấp chiếu khán để sang học nghề hoặc đại học, cấp học bổng cho những học viên ưu tú, cho phép ở lại làm việc nếu xin được việc làm sau khi tốt nghiệp, nới lỏng việc cấp giấy phép thường trú, rút ngắn thời gian cần thiết để nhập tịch v.v…Tóm lại, để giải quyết vấn nạn dân số già, biện pháp chủ đạo của các nước giàu là nâng cao số lượng và chất lượng người nhập cư trẻ tuổi có trình độ cao. Họ sẽ là cột trụ chống đỡ hệ thống bảo hiểm xã hội ngày càng tiến dần đến ranh giới quá tải. Với kinh nghiệm Hoa Kỳ, chính sách này có lẽ sẽ mang lại thành công trong dài hạn.
Các nước chưa giàu: Nguy cơ mất tài nguyên trí tuệ
Khi các nước giàu giải quyết vấn nạn dân số già bằng chính sách thu hút lao động trẻ nhập cư, thì đó cũng chính là vấn nạn không có lời giải cho các nước chưa giàu. Lấy thí dụ Việt Nam. Thống kê Đức cho biết có 7.500 sinh viên Việt Nam nhập học niên khóa 2020/2021 [xem 2], chưa kể những sinh viên đã vào quốc tịch Đức. Trong số đó, có khoảng 6.000 sinh viên du học từ Việt Nam. Theo quy chế cách đây 50 năm, chiếu khán nhập cảnh sẽ mất hiệu lực và họ phải rời Đức sau khi tốt nghiệp. Nhưng luật cư trú cho người ngoại quốc (Aufenthaltsrecht) đã thay đổi cách đây 20 năm: bất cứ ai tốt nghiệp đại học và xin được việc làm có thu nhập ổn định đều được cấp giấy phép hành nghề, sau ba năm có thể xin quy chế thường trú và sau 7 năm có thể nhập quốc tịch. Báo chí Việt ngữ ở Đức có thăm dò và cho biết, hầu hết mọi sinh viên ra trường đều xin ở lại vài năm, sau đó thì khoảng 25% trở về Việt Nam nếu có cơ hội thăng tiến, còn lại đều có ý muốn định cư lâu dài. Nếu tính hết tất cả sinh viên du học ở các nước giàu trên thế giới, thì Việt Nam sẽ mất đi mỗi năm vài chục ngàn học sinh tốt nghiệp phổ thông loại ưu tú để đủ tiêu chuẩn đi du học và sẽ ở ngoại quốc lâu dài. Nguồn chất xám đào tạo từ nhỏ bị các nước giàu thu hút và cường độ chắc hẳn ngày càng tăng.
Như trên chúng ta đã thấy các yếu tố thu hút người nhập cư. Chính sách của các nước giàu với dân số già sẽ tập trung nâng cao sự thu hút đó bằng những biện pháp hành chính kể cả việc thay đổi vài bộ luật liên quan. Các nước „chưa giàu đã già“ sẽ là nạn nhân tất yếu của tình trạng thu hút chất xám ngày càng nhiều. Đặc biệt những nước như Việt Nam, cường độ mất chất xám ngày càng lớn. Khi dân số ngày càng già cỗi và chế độ bảo hiểm xã hội quá kém, vấn nạn chưa biết sẽ lường tới đâu. Trong cuộc chạy đua giành giật giới trẻ tuổi ưu tú, chúng ta đang đứng ở đâu: Thu nhập đầu người ở Việt Nam quá thấp (1/15 của Đức, 1/20 của Mỹ); chế độ xã hội quá yếu kém, chỉ cần một biến cố bất chợt như Covid vừa qua là người thất nghiệp sẽ rơi vào thảm họa; chế độ giáo dục quá tốn kém so với thu nhập; hệ thống dạy nghề gần như không có; đó là chưa kể người định cư bình thường không có những quyền tự do tối thiểu để hưởng thụ một cuộc sống thư thái về tinh thần. Trong cuộc chạy đua giành giật này, chúng ta đã thua ngay từ đầu. Đối với lao động trí óc, sự thua thiệt ấy càng gấp đôi: chúng ta đã đào tạo ra những học sinh ưu tú tốt nghiệp trung học, rồi cha mẹ còn mang tiền riêng nuôi con em du học, rồi đa số đều ở lại định cư lâu dài. Cuối cùng hưởng lợi là những nước nhập cư giàu có. Nhưng cũng không nên trách ai. Đất lành thì chim sẽ đậu. Tổ yên ấm thì chim sẽ quay về.
Trong thế kỷ 19, các nước giàu đã đi chiếm thuộc địa để thu lợi về tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản và đã làm giàu trên những tài nguyên đó. Trong thế kỷ 21, họ không cần đi xâm chiếm ai, chỉ cần chính sách nhập cư phù hợp là có thể chiếm được tài nguyên trí tuệ từ thế hệ trẻ tuổi của các nước chưa giàu. Việt Nam nếu không dự kiến trước tình trạng vài chục năm tới và đưa ra biện pháp hữu hiệu, hậu quả sẽ không biết đâu mà lường. Nếu chế độ bảo hiểm xã hội và tự do không được cải thiện triệt để, chuyện mất chất xám tất yếu sẽ đến vời mức độ cao.
Tác giả: Tôn Thất Thông
Tháng 10-2021
Bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa