Thứ Tư, 13 tháng 10, 2021

THỞ VÀ SỰ SỐNG



Như đã kể khi còn bé, tôi đã bị bệnh hen suyễn. Tôi vẫn nhớ lúc bốn năm tuổi, tôi đã biết không thở được là khổ như thế nào. Phải ngồi dậy để dễ thở và phải gắng sức hít vào cho đỡ mệt. Thế nên khi lớn hơn, tôi đã đọc nhiều bài viết về bệnh suyễn trong đó có cách dạy thở. Tôi nhớ một bài báo đã chỉ cách đặt một ngọn nến đang cháy cách xa để mình thổi tắt. Cứ để xa dần và lấy hơi thật dài rồi thổi cho tắt nến. Dần dần tôi nhận ra sự hít hơi vào thật dài tác động đến các cơ vòng ở họng khiến chúng bớt xẹp đi. Xẹp có nghĩa là đường thở bị bít lại. 

 

Nhớ lại năm 1980, sau một thời gian vất vả vì việc nhà việc trường, tôi đã bị thiếu ngủ trầm trọng và hậu quả là huyết áp xuống còn 90/60 trong khi nhịp tim luôn ở mức 100. Đi khám bệnh vì bị thêm chứng sưng đầu gối. Bác sĩ bộ đội chẩn đoán tôi bị rối loạn nhịp tim kèm theo tê thấp nên cho nằm bệnh viện một tháng. Sau đó ra Hội đồng giám định y khoa và buộc phải nghỉ dạy vì mất sức lao động 71%. 

 

Nghỉ ở nhà buồn thiu, mà vẫn phải làm việc nhà vì tôi là phụ nữ duy nhất trong nhà toàn cụ già và con nít. Lúc nào cũng cảm thấy ớn lạnh và nghẹt mũi không thở được. Chụp hình thì không phải viêm xoang (sinus) mà chỉ là dị ứng thời tiết, lạnh nóng gì cũng nghẹt. Vừa lúc đó tôi biết ở Viện Y học Dân tộc có mở khoá dưỡng sinh theo phương pháp của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng. Tôi không biết là gì nhưng nghe nói sẽ chữa được nhiều bệnh nên tôi ghi tên học. 

 

Bài học đầu tiên là về phương pháp thở.  Câu đầu tiên bác sĩ nói là hầu hết con người ta không biết thở. Ai cũng cười nhưng sau đó mọi người đều công nhận muốn khỏe mạnh không phải chỉ biết hít vào thở ra mà phải nhận biết hơi thở của mình và theo dõi hơi thở luân chuyển trong cơ thể mình. Rồi tập cách thở đúng, hít thở hơi dài, chậm, cùng với sự cảm nhận được hơi thở mình đi từ mũi vào ngực xuống bụng rồi lại từ bụng đi ra mũi. 

 

Hôm đầu tiên thực hành tập thở. Mọi người đều nằm xuống trừ...tôi. Một nữ bác sĩ nói,” em kia sao vẫn ngồi vậy ?” Tôi trả lời,”em nghẹt mũi nên nằm xuống càng không thở được.” Một chị phụ tá liền xuống chỗ tôi. Chị nói tôi cứ nằm xuống. Rồi chị day hai bên mũi tôi và bảo cố gắng hít vào thở ra. Vài phút sau tôi thấy mũi mình bớt nghẹt và cảm giác hơi thở đi qua mũi dễ dàng hơn. Chị ấy nói khi về cứ tiếp tục day huyệt cạnh mũi như vậy nhiều lần sẽ hết nghẹt mũi. Quả đúng thế. Trong suốt ba tháng học cách luyện thở cùng các động tác thể dục dưỡng sinh và day bấm huyệt trên cơ thể ( riêng tôi thì luôn phải nhớ thêm việc day huyệt cạnh mũi), tôi thấy bệnh nghẹt mũi của tôi bớt dần và rồi hết hẳn cho tới bây giờ. 

 

Quay trở lại việc “biết thở”. Chính ra tôi đã biết cách thở theo thể dục thông thường nghĩa là hít vào bằng mũi nở ngực và thở ra bằng miệng xẹp ngực. Bụng không được để ý tới, hay nói đúng hơn tập thể dục thì bụng luôn xẹp vì mình muốn eo thon bụng nhỏ. Khi đi học Trưng Vương, năm đệ ngũ và đệ tứ chúng tôi được học ở sân vận động Phan đình Phùng. Học xong tôi đi loanh quanh sân thì thấy có phòng tập thể dục thẩm mỹ ( bây giờ giống như thể dục dụng cụ). Tôi thích nên hỏi thăm và xin học. Tập rất vui, có đủ bóng, tạ, xà. Cô hướng dẫn là cô Vĩnh, người xinh xắn, da trắng mũi cao, có cặp đùi rất đẹp. Cô vui tính nhưng cũng nghiêm túc khi dạy. Cô rất tinh mắt, nhìn học trò cô biết phải tập với dụng cụ gì cho có hiệu quả đối với từng người. Và tôi đã quen với cách thở trong tập thể dục thẩm mỹ. 

 

Bác sĩ Nguyễn văn Hưởng là người đầu tiên chỉ dẫn cho tôi cách thở bốn thì ( ngược hẳn với thở của thế dục thể thao) Hít vào, nín thở, thở ra, nín thở. Hít vào từ từ phồng ngực phồng bụng. Nín thở. Khi thở ra cũng chầm chậm và cũng xẹp bụng rồi xẹp ngực. Trong bài này tôi không dám chỉ dẫn vì bản thân cũng chỉ là người đi học. Điều tôi muốn nói ở đây là cách thở này rất tốt trong việc phòng chống Covid. Sau khi tập, chúng ta sẽ có hơi thở dài hơn, nhịp tim sẽ chậm lại và ít bị hụt hơi. Khi nhiễm Covid và biết cách thở đúng thì sẽ tự cung cấp đủ oxy cho phổi. Lẽ dĩ nhiên còn tuỳ mức độ bệnh nặng hay nhẹ. Tuy nhiên biết cách thở thì sẽ hỗ trợ cho việc hít thở oxy. Ngay cả các mạng xã hội cũng phổ biến các bài tập thở. Nếu mình đã biết trước cách thở đúng như thế nào thì áp dụng các bài tập đó rất nhanh và hiệu quả. Đừng đợi nước đến chân mới nhảy. Các bạn hãy bắt đầu tập các bài luyện thở đó. Không những trong đại dịch mà khi nó đã bớt tác hại, chúng ta vẫn phải tập thở vì như lúc tôi mới học dưỡng sinh tôi mới nhận ra đúng là người ta không biết thở mặc dù vẫn thở mỗi ngày. Biết thở đúng cách, biết tập thể dục là những phương pháp dễ thực hiện hàng ngày. Cái khó mà chúng ta phải vượt qua là nó đòi hỏi sự kiên trì và chăm chỉ. 

 

Tóm lại, thở là sự sống. Cho nên biết cách thở đúng sẽ làm cuộc sống tốt hơn. Thở kết hợp với vận động thân thể khiến ta khỏe mạnh hơn, ít bệnh lặt vặt. Thở đúng khiến hơi thở dài, nhịp tim chậm lại, đều hơn. Thở đúng khiến phổi được cung cấp đủ oxy và thải ra nhiều khí carbonic. Thở đúng cách khiến các đốt cột sống không xẹp lại. Thở đúng khiến bao tử bớt đau. Chừng đó cũng cho thấy cuộc sống vui hơn nhờ tập thở kết hợp vận động thể dục ( yoga, dưỡng sinh, Dịch cân kinh, Thái cực quyền). Nói như vậy không phải cái gì tôi cũng rành. Thực tình mỗi thứ đều đã thử tập qua và đến một tuổi nào đó thì chỉ tập những gì hợp với tuổi và sức khỏe của mình. Thế cũng đủ để cơ thể dẻo dai và có sức chịu đựng.

Mong bài viết này sẽ khuyến khích nhiều bạn tập thở và tập thể dục nhiều hơn hay ít ra sẽ năng vận động thân thể hơn để tạo thêm kháng thể phòng ngừa bệnh tật. 

 

Chúc mọi người luôn bình an và vui vẻ với nhịp thở “ hít vào tâm tôi an, thở ra thân tôi lành “. 

 

Copy từ Fb Tan Nguyen tác giả bài viết -cựu giáo sư trường Trưng Vương Saigon - giảng viên đại học HUFLIT

 


 

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...