Vanvn- Trương Thu Hiền đã xuất bản ba tập bút kí: “Đoản khúc cho quê”, “Độc bản”, “Hoa báo mùa sang”. Ngôn từ của chị đẹp, giọng văn linh hoạt, uyển chuyển, vừa thủ thỉ tâm tình vừa suy tư hoài niệm, có sự hòa quyện giữa chất thơ với chất tự sự. Đề tài chị viết thường thiên về không gian hoài niệm giàu bản sắc văn hóa. Nhờ thế, người đọc có thể thấy rõ đời sống tinh thần sinh động, phong phú và chân thành, giàu lòng nhân ái của người miền Trung. Vanvn.vn xin giới thiệu đến bạn đọc tùy bút “Tam Lu nghiêng trời”, “Nhật Lệ sương giăng” – một vẻ đẹp dân dã rất riêng của vùng đất Quảng Bình.
TAM LU NGHIÊNG TRỜI
Tôi thường muốn quăng mình vào gió bụi, phơi phới lao đi với niềm hứng khởi điên rồ. Mặt mũi loam nhoam. Đôi mắt đỏ đòng đọc. Thả cho tâm hồn trôi, phiêu diêu dâng lên chất ngất tôi mới là tôi. Nhưng lần này tôi đi về phía trong veo. Trời trong, sóng sánh nắng mật. Nước trong, bọt trắng sôi lên từ những bờ đá dựng đứng lấp lánh ngời lên từng hạt. Đó là thác Tam Lu. Cảm giác thật yomost khi đến đây!
Thác Tam Lu nằm ở thượng nguồn sông Long Đại, thuộc xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Từ một bến cạn chúng tôi được các chiến sỹ bộ đội biên phòng Đồn Làng Mô dẫn đường về thác. Người cầm lái là Tùng, chàng trai đậm chất rú rừng, rắn chắc như lim mà hiền lành như dòng suối mùa nước cạn. Thuyền làm bằng nhôm, mong manh hình chiếc lá nhưng sức chở lên đến chục con người. Cả bọn chúng tôi ồ ạt nhảy lên thuyền với sự manh động tột cùng. Hình như Tùng đã quá quen với sự phấn khích của những kẻ “ sổ lồng” nên vẫn ngồi yên chờ chúng tôi an vị. Con thuyền lướt đi rất nhẹ. Tiếng máy cole vang lên, dội vào những lèn đá cao làm xao động cả quãng sông vắng. Dòng sông phía đầu nguồn bình yên đến lạ kỳ. Một bên là những lèn núi đá vôi trầm mặc. Một bên là dãy đồi bát úp xanh ngăn ngắt. Thấp thoáng phía xa những ngôi nhà sàn bé nhỏ của đồng bào dân tộc Vân Kiều. Chẳng có tín hiệu gì báo cho ta biết phía trước là một con thác đẹp rợn người, chỉ đến khi bắt gặp càng lúc càng nhiều các bờ đá lớn nhỏ mọc rải rác giữa dòng và tiếng nước xoáy mạnh vọng lại mới cảm nhận được sự phiêu lưu đã ở rất gần. Tam Lu không hùng vỹ như những gì mọi người vẫn hình dung, nhưng rất đặc biệt. Không quá cao, chỉ chừng 20 mét, cũng không quá dài, chỉ chừng 100 mét, được tạo bởi ba bậc đá đủ hình đủ dạng lô nhô dăng ngang mặt sông. Có lẽ vì thế mà thác có tên Tam Lu. Đây là con thác đẹp nhất trong gần 100 con thác lớn nhỏ trên dòng Long Đại. Đặc điểm này đã giúp Tam Lu trở thành điểm du lịch cực kỳ phiêu lưu và hấp dẫn. Người ta đến đây không chỉ ngắm nghía, dạo chơi mà còn để được thử thách lòng can đảm vượt thác trên những con thuyền nhỏ và chiêm ngưỡng khả năng lái thuyền siêu đẳng của mấy gã trai lãng tử đất rừng Trường Sơn. Chớm cửa thác, Tùng đứng dậy, tay cầm lái, hai chân trụ vững sau mui thuyền, vươn người ra phía trước “ Mọi người chuẩn bị vượt thác nhé!”. Chiếc thuyền chồm lên, chúi xuống, chúng tôi run rẩy bám hai tay thật chặt vào mạn thuyền trong cảm giác rất đau tim. Tùng vẫn thản nhiên liên tục bẻ lái để con thuyền vượt lên trên những bậc đá hoặc luồn lách qua các khe nước hẹp. Cái tài của người cầm lái là làm sao thuyền phóng lên mà không bị nghiêng, độ bay phải đảm bảo vượt qua ghềnh đá và tiếp nước an toàn. Chúi mũi xuống coi như…xong. Ba bậc đá là ba lần bay như thế. Sóng trắng tung lên. Con thuyền hạ xuống. Rất phiêu lưu và có phần nguy hiểm nhưng ai cũng thích. Nhiều chị em mặt mày tái dại vì những cú lao thuyền lên không “ vô tiền khoáng hậu” của Tùng vẫn đinh ninh lời hẹn “ Có dịp là đi tiếp. Sợ chi!”. Tùng đã có 13 năm lái thuyền trên sông Long Đại. Anh nói rằng “ Lần đầu chèo thuyền vượt thác cũng khớp lắm. Thuyền va vào đá là úp ngay. Nhưng đi mãi cũng quen. Giờ thì thuộc từng rãnh nước, từng mõm đá. Không cần nhìn, cái tay cũng biết lái bên nào…”. Tùng là một trong rất ít người còn bám trụ với dòng sông, với thác Tam Lu. Nghe kể, cách nay chưa xa sông Long Đại là “ con đường” độc đạo nối Quán Hàu- huyện lỵ Quảng Ninh và các xã hạ lưu với Trường Sơn. Gần 100 km chiều dài, con sông lúc nào cũng nhộn nhịp thuyền lên, thuyền về. Người mưu sinh với nghề lái thuyền cũng làm ăn khấm khá, khách thương hàng hóa miền xuôi lên, miền ngược xuống không lúc nào ngớt. Từ ngày có đường Hồ Chí Minh nối thông miền ngược với miền xuôi, người ta lên Trường Sơn bằng ô tô, xe máy, quên dần những chuyến đò dọc. Thời buổi này, ai rãnh đâu mà chòng chành cả ngày trời trên sông! Nghề đi đò dọc dần mai một. Hiện nay chỉ còn đâu khoảng chưa đến chục người còn bám trụ lại làm nghề, vừa khai thác thủy sản, vừa đưa đón khách vãng lai. Tùng là một trong số đó. Vì mưu sinh. Vì yêu dòng sông. Vì thích phiêu lưu trên những con sóng trắng nơi ghềnh đá. Những năm gần đây công việc của anh có vẻ dày hơn vì nhu cầu chơi thác của khách du lịch ngày càng đông. Tuy nhiên công việc này chỉ mang tính tự phát, Tùng lo lắng bởi vượt Tam Lu là một chuyến đi mạo hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng, trong lúc đó tuyến du lịch này chưa được công nhận, sự an toàn cho du khách vượt thác chưa được đảm bảo. Tùng ước tỉnh Quảng Bình, huyện Quảng Ninh xây dựng một chương trình phát triển du lịch trên sông Long Đại để anh yên tâm làm nghề…. Mong ước ấy sẽ thành hiện thực bởi trong khuôn khổ các tiểu dự án của Dự án phát triển bền vững tiểu vùng Mê Kông giai đoạn II, ngành du lịch tỉnh Quảng Bình đã xây dựng tuyến du lịch đường sông Nhật Lệ- Long Đại, nối cửa biển với thượng nguồn. Theo đó, Sông Long Đại, thác Tam Lu là một tua du lịch kỳ thú. Người ta có thể khám phá đời sống văn hóa giàu bản sắc của đồng bào dân tộc Vân Kiều, có thể du ngoạn trên dòng sông, ngắm cảnh, câu cá, thả rập và…thưởng thức những món ăn dân dã tự kiếm được với rau rừng hái bên đồi, cá tôm bắt dưới sông. Dập dềnh trên thuyền, nướng cá ăn với rau rừng và thưởng thức một khúc hát Khắp của đồng bào thì thật là tuyệt.
Tôi đã qua lại trên dòng sông Long Đại kể từ đỉnh cao 1001 cội nguồn phát tích cho đến tận cùng cửa biển, từng đến Tam Lu nhảy thác nhiều lần. Cảnh sắc hai bên bờ đẹp không thể tả. Màu nước, màu trời, màu núi biêng biếc biến ảo. Núi lô xô úp vú ven sông xanh ngằn ngặt thảm rừng lá kim đang mùa thắp nến. Núi tím ngắt sóng soài mệt nhoài xõa tóc như người đàn bà no tình rút hết huyết khí một lần cho một đời. Núi lớp lớp chồm lên như bầy ngựa chiến bạc phếch gió sương của đại quân Tây Sơn Nguyễn Huệ từ kinh thành Thăng Long trở về Phú Xuân. Có khi núi như kẻ chết khát xanh rớt nhoài mình ra mép sông liếm láp chút ẩm ướt tứa lên dọc biền bãi… Cảm xúc ấy không bao giờ cũ. Tôi đã bàng hoàng nghe tiếng sáo Pi trầm đục, oai dũng vút lên trong giọng réo ầm ào của thác. Chợt thấy đất trời biên giới Trường Sơn mênh mênh, mang mang. Đó là của già làng Hồ Ai. Ông ngồi bên thác, thổi một điệu Khắp của người Vân Kiều. Già làng Hồ Ai ở bản Khe Cát- Trường Sơn là người hiếm hoi cuối cùng đang lưu giữ và truyền dạy nghệ thuật thổi sáo Pi. Với mái tóc trắng như mây ông như một vị tiên hiền nhưng người Quảng Bình xem ông là nghệ sỹ của nhân dân. Nghệ sỹ nhiếp ảnh tìm đến ông. Nhạc sỹ tìm đến ông. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tìm đến ông. Nhà văn tìm đến ông. Nhà báo tìm đến ông. Khách du lịch cũng tìm đến ông… Để nghe ông nói về chiếc sáo có một không hai của mình và được nghe ông thổi những giai điệu linh thiêng của người Vân Kiều. Thác Tam Lu có ông và tiếng sáo Pi trở nên hồn phách. Sáo Pi là nhạc cụ cổ của người Vân Kiều ở Trường Sơn. Nó được làm từ thân cây lồ ô già ở tít bên rừng Lào. Nghe nói già làng Hồ Ai phải đi ba ngày đường mới tìm được nó. Từ ngày ông còn trẻ xông phá núi rừng cho đến hôm nay đã gần 80 mùa lấp lỗ, chiếc sáo luôn được ông dắt bên hông. Chung thủy cùng ông. Tâm giao cùng ông. Tìm hiểu kỹ đời sống văn hóa đồng bào dân tộc Vân Kiều mới nhận ra đồng bào có một kênh giao tiếp hết sức đặc biệt thông qua các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc trưng. Sao Pi là một loại nhạc cụ được đồng bào sử dụng trong nhiều bối cảnh sinh hoạt khác nhau và tác động hết sức mạnh mẽ đến tâm lý tình cảm của cả hai phía, người nghe và người thổi sáo. Bởi vậy chỉ những người đàn ông đã trải những ấm lạnh cuộc đời mới đủ thấu hiểu, đủ dạn dày để sử dụng sáo như phương tiện để bộc bạch tiếng lòng. Họ có thể thổi sáo khi cô đơn độc hành. Lúc đó tiếng sáo u buồn như rỏ máu. Họ thổi sáo khi sum vầy hoan hỉ. Lúc đó tiếng sáo như reo, như ca. Cũng có khi tiếng sáo cất lên như một lời tâm tình, thủ thỉ. Lúc đó tiếng sáo rất riêng tư, chỉ người đáng được nghe mới thấu tỏ. Hồ Ai là một trong rất ít người Vân Kiều có thể sử dụng sáo Pi thuần thục trong từng cảnh huống như vậy. Giữa không gian bát ngát của núi rừng biên giới, tiếng sáo Pi là âm thanh khai mở thế giới nội tâm bí ẩn của đồng bào. Tiếng sáo đậu vào núi, núi có hồn của núi. Tiếng sáo đậu vào cây, cây có hồn của cây. Tiếng sáo đậu vào sông, sông có hồn của sông. Tiếng sáo chập chờn trên những con sóng trắng, chập chờn trên những bờ đá Tam Lu, thác có hồn của thác. Người Vân Kiều nói rằng ở nơi đâu có tiếng sáo Pi ở đó là quê hương của họ. Nhà Hồ Ai cách Tam Lu khá xa. Ông nói rằng, phải thổi sáo Pi nơi mênh mông mới nghe được cái hay của nó nên những đêm trăng đẹp ông thường đến ngồi bên Tam Lu độc diễn những khúc âm phiêu diêu mây nước. Giữa không gian non xanh nước biếc, mây trời lồng lộng tiếng sáo vút lên khoáng đạt, bay bổng làm chung chiêng con thác, chung chiêng lòng dạ người nghe. Bọn trai gái bản đi sim cũng lũ lượt theo ông chơi nhởi sáng đêm. Thác Tam Lu như chốn thần tiên dưới trần gian.
NHẬT LỆ SƯƠNG GIĂNG
Mùa sương Nhật Lệ thường bắt đầu khoảng cuối xuân đến hết tháng tư. Không dài nhưng lay động. Từ nửa đêm về sáng, sương buông và giăng mắc khắp nơi. Thành phố chìm sâu vào mờ ảo. Cả dòng sông cũng bị màn sương phủ trắng. Thông thường, những hôm trời trong, khoảng 5 giờ đã thấy mặt trời lên từ cuối biển, muôn vật bừng tỉnh sau giấc ngủ dài. Ngày có sương huyễn hoặc và ngái ngủ hơn. Khoác một chiếc áo mỏng bước ra đường vào lúc này thật là tuyệt. Ta như đi trong cõi mộng. Những hạt sương nhỏ li ti theo gió bay thành đàn. Dưới ánh sáng đèn đường vàng vọt mới thấy được cái phiêu bồng tột cùng của những hạt sương du lãng trong đêm. Sương lãng đãng đậu lên tóc, lên mi, lên áo. Sương nhẹ nhàng rơi lên vòm lá. Sương trùm xuống phố xá… Rất thực. Rất hư. Không quá mù ra mưa, không đủ làm ta ướt, chỉ vừa cho ta cảm nhận được sự thanh khiết của tinh khí đất trời. Không đủ làm ta lạnh, chỉ vừa cho ta cảm được cái mát mẻ của buổi ban mai trong lành. Không thấy gì. Dòng sông biến mất. Mặt biển biến mất. Cả chiếc rớ đáy ở rất gần mép sông cũng biến mất. Ta chỉ nhận ra nhịp đời đang khởi động bởi những âm thanh vọng lại từ chung quanh. Có tiếng mà chẳng thấy hình. Tiếng máy ầm ì của những chiếc thuyền thức đêm câu mực phía cửa sông vọng lại. Tiếng những ngư phủ giòn giã gọi nhau chuẩn bị một chuyến ra khơi. Tiếng lách tách xe đạp của các bà các chị đi chợ sớm. Và cả tiếng bước chân, tiếng thở gấp các chàng trai, cô gái chạy bộ… Dáng chàng trai rắn rỏi. Dáng cô gái lẳn tròn. Bước chân sải dài trên phố rồi chìm dần vào trong sương. Ảo diệu vô cùng. Lặng lẽ đi, lắng nghe âm thanh cuộc sống và hình dung những gương mặt, những nụ cười, hình dung dòng sông, bờ biển, hình dung tất cả những gì vốn rất quen thuộc với ta theo cảm nhận của riêng ta, cho đến khi ánh dương tràn xuống, sương tan dần, tất cả hiện lên rỡ ràng dưới làn nắng ấm áp sẽ là một trải nghiệm hết sức yomost.
Sương giăng, ngư dân Nhật Lệ khởi động mùa khai thác mới. Rất nhiều loài hải sản áp lộng, đi nổi sau những ngày đông giá lạnh. Bắt đầu khuyếc biển rộ. Khuyếc tràn vào đến cửa sông, ào ạt đến độ chỉ cần chèo thuyền ra khỏi bờ một quãng ngắn là đã xúc được rất nhiều. Nhổ dăm cụm chua me ven đường nữa sẽ có bát canh ngon và sạch. Những người làm nghề chế biến ruốc ở các làng biển Đồng Hới chỉ cần ra chỗ cuối sông đầu biển sẽ có thuyền tấp vào xổ khuyếc. Hồng tươi và trong vắt. Cả bãi sông rộn ràng, huyên náo, tất bật từ tinh mơ đến tắt nắng. Khuyếc to được phơi trên những mảnh lưới rộng. Giăng dài trên hè phố, bờ kè. Nhuốm hồng một dải. Loại nhỏ hơn để làm ruốc. Ép. Giả. Muối… Sương tan. Nắng lên. Khuyếc dậy mùi. Gió từ sông thổi vào,làm lan tỏa đến cả những con ngách nhỏ từ Hải Thành, Bảo Ninh ra đến Quang Phú. Mùi khuyếc thật đặc trưng. Ai quen rồi thì nghiện. Người mới biết thật khó thương. Thế nhưng, gắng chịu thêm ít tháng nữa, khi ruốc trong các chum vại đã được nung chín tự nhiên bởi nắng hè và gió Lào nóng bỏng thì đến cả những người khó tính nhất cũng chẳng dễ bỏ qua món ruốc biển Đồng Hới. Đỏ hồng. Sánh mịn. Ngọt đậm. Và rất thơm. Mùi thơm không biết miêu tả bằng lời. Chỉ nói rằng, nếu ai lỡ ngửi mùi thơm ấy thì sẽ rất muốn được ăn và hình dung ra trước mặt mình một đĩa bún nóng. Ruốc là thứ thức ăn kích thích một cách tổng thể mọi giác quan màu, mùi, vị… mà không cần make up bởi hóa chất công nghiệp.
Sau khuyếc đến ốc gạo, nhiều nơi còn gọi là ốc lể hay chỉ đơn thuần là Ốôc. Nhưng tôi vẫn thích gọi là ốc gạo hơn vì cái tên ấy nghe gần gũi, dân dã mà lại rất đẹp. Chẳng biết sản sinh từ bao giờ mà ốc gạo ở biển Đồng Hới, Quảng Bình nhiều đến vậy. Mới hay, thiên nhiên và biển cả thiệt hào phóng. Cũng như khuyếc, người khai thác ốc gạo chẳng phải đầu tư chi nhiều, chỉ cần một bàn cào sắt có bọc lưới để hứng ốc là có thể kiếm được kha khá. Tuy nhiên, phải là người am hiểu tập tính sinh sống của ốc và quy luật con nước mới làm được nghề này. Ốc gạo thường tụ tập sinh sôi dưới lớp cát mỏng, cách bờ ở độ sâu từ 1 – 3 mét nước. Người ta thường đi cào ốc vào thời điểm sương giăng, từ nửa đêm về sáng. Đó cũng là lúc nước ròng. Sương giăng, ốc gạo sôi lên từng lớp. Đặt bàn cào cắm sâu xuống mặt cát, kéo lùi một đường ngắn, thấy nặng tay là biết trúng vỉa ốc nằm. Ốc gạo nhỏ xinh như những chiếc nút áo. Màu mè mà không sặc sỡ. Chỉ cần ngắm nhìn thôi cũng thấy rất yêu rồi. Ăn ốc gạo lại là một câu chuyện khác, công phu và có phần tỉ mẫn. Ốc cào về phải ngâm nước biển rất lâu và nhiều lần để nhả hết cát bên trong. Một nguyên tắc bất di bất dịch là nhất định không được để ốc chết. Loài ốc này có tính đoàn kết rất cao. Nhỡ một chú ra đi thì sẽ kéo theo tất cả đồng đội, họ hàng cũng tuẫn tiết. Nếu như vậy thì cái mùi của nó cũng thật khó ưa, nếu không nói là không thể ăn được. Sau khi đã làm sạch bên trong sẽ đến công đoạn chế biến. Một chút mỡ heo phi thơm cùng sả, ớt băm nhỏ. Một chút ruốc biển. Và muối. Lá chanh cuối cùng. Mùi và vị đều đến từ thiên nhiên.Thơm lừng cả xóm. Mùi thơm ấy thay cho lời mời gọi “Mọi người hãy đến đây!”. Một cuộc tụ tập tám chuyện rôm rả bắt đầu. Người lễ ốc tựa như người ngồi thêu vậy, kiên nhẫn và khéo léo. Mỗi cái lắc cổ tay để rút con ốc ra khỏi chiếc áo đẹp đẽ của nó tựa như một đường kim mềm mại. Với chiếc gai chanh, cam, bưởi gì đó bẻ ở góc vườn vào, vừa đủ cho mùi thơm thoang thoảng đậu vào cánh mũi kết hợp với mùi ốc xào sả ớt sẽ làm cho người ta say. Tôi không mê món này vì không kiên nhẫn, nhưng nhìn mọi người ngồi lễ từng con ốc nhỏ và ăn trong cảm khoái thì lại nhìn ra lý do niềm say mê của họ. Nhiều người ăn món ốc gạo đã đạt đến ngưỡng của “nghiện”.
Buổi sáng, những chiếc rớ đáy đóng dọc đôi bờ sông Nhật Lệ ẩn hiện trong mờ ảo, góp thêm cho thành phố một vẻ đẹp hiếm có. Tưởng như đó là khung cảnh chỉ để ngắm nhìn, không thể chạm tay, không thể bước vào. Thông thường, người ta quay rớ hai lần trong ngày, sáng sớm và xế chiều. Xem quay rớ là một niềm vui thuần khiết. Khi chiếc cần quay trên chòi canh lạch tạch, lạch tạch bắt đầu cất rớ lên, mặt nước đang im lìm dưới màn sương trắng được đánh thức. Ban đầu chỉ là những xao động nhỏ, rớ càng lên cao tiếng cá quẫy càng mạnh dần trong mành lưới. Ta đi từ ảo huyền về thực tại, vỡ òa thú vị và phấn khích. Những con cá quẫy trong làn sương ngời lên lấp lánh. Cá tỏng trắng bạc. Cá mòi óng vàng. Cá đối chấp chới… Nhìn thấy cảnh này, những tín đồ ẩm thực sẽ lập tức nghĩ ngay đến một nồi cá tươi kho xổi với ớt xanh và đĩa rau sống xanh mướt. Ngon đừng hỏi! Có mấy chú cò dậy sớm đã phục sẵn ở ngọn cây nào đó cũng vội vàng sà xuống, đứng chênh vênh trên mép rớ hay trên chiếc cọc cắm giữa sông, ngó nghiêng thăm dò chực hôi cá. Nhìn cái cổ thật dài, cái chân thật nhẳng của cò mà thương. Nên chẳng ai có ý định đuổi chúng đi cả. Bình yên lạ lùng!
Nhật Lệ mùa sương giăng. Không gian trữ tình và mời gọi. Ở cái tuổi chẳng thể mơ màng mà mong nhớ về một bàn tay nào ấm, nên mỗi sớm mai chỉ cần khoác hờ chiếc áo mỏng, thả bước trong sương bay để ngửi, để nghe, để ngắm nhìn cuộc sống đang xôn xao thức dậy cũng đã thấy hạnh phúc lắm rồi.
TRƯƠNG THU HIỀN
bài viết rất hay
Trả lờiXóa