Chúng ta thường nghe nhiều người đánh giá các sản phẩm, vật chất là có chất lượng. Việc đánh giá không chỉ giới hạn các món hàng, các thực phẩm mà có khi còn là những thứ thuộc lãnh vực trừu tượng như văn chương, học thuật.
Ví dụ: Chiếc xe này có chất lượng, cuốn sách chất lượng, phim này chất lượng.
Chúng tôi đã vất vả dành nhiều thì giờ để tra cứu mong tìm ra sự đúng sai khi dùng hai chữ chất lượng ghép đôi với nhau.
Chất nói về xấu tốt; lượng nói về nhiều ít.
“Chất” 質 (quality) là phẩm chất, là tiêu chuẩn đánh giá một vật nào đó so với các vật khác cùng thể loại. Chất cũng là mức độ tốt xấu của một vật. Chất có thể đánh giá là tốt, ưu việt, khá, vừa, kém, xấu, tệ…
Ví dụ: Chúng ta cố gắng cải thiện kỹ thuật để nâng cao phẩm chất của món hàng.
Chất cũng được dùng khi nói về cá tính, năng lực của con người.
Ví dụ: Ông ấy là người lãnh đạo có một phẩm chất cao quý.
Còn “Lượng” 量 (quantity) nói về con số. Theo Hán tư, luợng là đồ để đong như cái đấu, cái hộc. Lượng dùng cho những gì có thể đo được, đếm được bằng các đơn vị cụ thể.
· Số lượng được đếm bằng con số.
Ví dụ: Trong sân này có 15 chiếc xe.
· Trọng lượng nói về sức nặng; đơn vị là gram, kilogram, tấn, pound…
· Dung lượng nói về sức chứa; đơn vị là lít, quart, gallon…
Ví dụ: Thùng nhựa này có sức chứa 20 lít.
· Khối lượng nói về thể tích; đơn vị là mét khối, cubic khối…
Ví dụ: Đống cát này có khối lượng 10 mét khối.
· Năng lượng được dùng trong lãnh vực vật lý.
Ví dụ: Nhà máy điện này có năng lượng một triệu kilowatts.
· Âm lượng, nói về mức độ âm thanh. Đơn vị là decibels.
Ví dụ: Xin mở âm lượng vừa đủ nghe để khỏi làm phiền hàng xóm.
· Nhiệt lượng là sức nóng/lạnh, đo bằng độ bách phân hay Farenheits.
· Hàm lượng là đơn vị ẩn chứa bên trong.
Ví dụ: Hàm lượng muối trong món dưa này là 15 miligrams. Chai coca này chứa 200 calories.
· Trữ lượng: số lượng được cất giữ.
Ví dụ: Trữ lượng dầu ở kho này là 300 tấn.
· Sản lượng: số lượng sản xuất được.
Ví dụ: Năm nay thời tiết tốt, nông dân đạt sản lượng cao chưa từng thấy.
Vì thế, không thể đánh giá một vật là có chất lượng nếu cái lượng của vật đó không thể cân, đo, đong, đếm được.
Chúng ta không thể nói chiếc áo, chiếc ví tay, chiếc xe, đôi giày… có chất lượng! Chúng ta thấy nó tốt, làm kỹ, màu sắc đẹp; có độ bền. Đó là về chất. Nhưng lượng thì thế nào, đếm cách nào?
Chỉ có vài trường hợp để dùng chữ chất lượng. Ví dụ:
Vùng Alaska có nhiều mỏ dầu đầy chất lượng (dầu vừa tốt, sản lượng nhiều).
Vùng biển ở Tiểu bang Maine cho ngư dân những hải sản đầy chất lương (cá, tôm vùa ngon, vùa nhiều).
Thường thường, phẩm và luợng có tỷ lệ nghịch nhau. Món ngon, hàng tốt thường ít về số lượng; còn ham nhiều, rẻ thì chỉ mua các thứ xấu. Chúng ta phải biết chọn lựa giữa phẩm (tốt, xấu) hay lượng (nhiều/ít) tùy khả năng và nhu cầu.
Tóm lại, không bao giờ nên đánh giá món đồ là có “chất lượng” cả; và khi nói đến chất, phải nói rõ ràng là phẩm chất tốt hay xấu.
Đỗ Văn Phúc
bài rất hay
Trả lờiXóa