Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 89 : RẠNG, RAU , RÈM, ROI, RỐN


                                                  Làng cung kiếm rắp ranh bắn s

                 Vào thời Nam Bắc Triều của Trung Hoa, một trong những nước của Bắc Triều là Bắc Chu 北周 (557-581) có một đại thần tên là Đậu Nghị 毅, người đất Hàm Dương (Thiểm Tây) được phong hiệu là Thần Võ Quận Công. Đâu Nghị có một cô con gái tài mạo song toàn, cầm kỳ thi họa mỗi thứ đều tinh thông; nên ông không muốn gả con cho những kẻ tầm thường theo mai mối; ông muốn chọn một chàng rễ thật sự có tài, bèn cho thợ vẽ hai con khổng tước (con Công) lên trên bức bình phong trước nhà và ra thông cáo rằng : Hễ chàng trai nào cùng lúc dùng 2 tên bắn trúng vào 2 con mắt của 2 con khổng tước thì ông sẽ gả con gái cho. Rất nhiều vương tôn công tử đến xin bắn thử đều không cùng lúc trúng đích. Lúc đó Đường Cao Tổ Lý Uyên 唐高祖李渊 còn là một bạch y tú sĩ, đã phát 2 tên cùng trúng vào 2 mắt của chim công; nên được Đậu Nghị gả Đậu tiểu thơ cho chàng; bà chính là Thái Mục Hoàng Hậu 太穆皇后 sau nầy khi Lý Uyên Đường Cao Tổ lên ngôi nhà Đường. 
        Vì tích trên mà ta có thành ngữ CẨM BÌNH XẠ TƯỚC 锦屏射雀 có nghĩa : Bắn con chim công trên bình phong gấm, để chỉ việc kén rể hiền, rể qúy. Trong văn học cổ của ta thì gọi là RẠNG BÌNH XẠ TƯỚC như trong "Sơ Kính Tân Trang" của Chiêu Lỳ Phạm Thái có câu :

                          Nguyện lòng này với lửa hương,
                   RẠNG BÌNH XẠ TƯỚC níu giường thừa long.


         Nhưng vì chữ TƯỚC 雀 khi được ghép với chữ Khổng là KHỔNG TƯỚC 孔雀 là con Công; nhưng khi được ghép với chữ Hoàng thì thành HOÀNG TƯỚC 黃雀 là con chim Sẻ. Nên XẠ TƯỚC 射雀 còn được hiểu là "Bắn Sẻ" như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều khi tả sắc đẹp nàng cung nữ đã có câu :

                      Làng cung kiếm rắp ranh BẮN SẺ,
                      Khách công hầu gấm ghé mong sao.
 
         Nhưng BẮN CÔNG hay BẮN SẺ gì đều có nghĩa là "việc đua tài trong một cuộc kén rể qúy, rể hiền ngày xưa". Thành ngữ "Cẩm Bình Xạ Tước 锦屏射雀" còn có hai thành ngữ phụ cũng cùng một ý là "Tước Bình Trúng Tuyển 雀屏中選" (Trúng tuyển được làm rể vì bắn chim tước trên bình phong) và "Xạ Bình Đắc Ngẫu 射屏得偶" (Vì bắn vào bình phong mà có được người phối ngẫu).
Lại nói v Trương Hàn 張翰 tự là Qúy Ưng, văn học gia đời Tây Tấn, là thuộc quan của Tề Vương Tư Mã Quýnh ở Lạc Dương, chức quan nhỏ nhoi lại phải xa quê nhà. Một năm kia, thấy gió thu thổi bỗng chạnh nhớ đến quê hương, nhớ đến canh rau Thuần cá Vược của quê nhà trong lúc thu sang mà mẹ của ông thường nấu các món nầy cho ông ăn; bèn tự mình nhủ mình :"Sao ta lại phải vì chức quan phụ tá nhỏ nhoi nầy mà lìa xa quê hương mấy ngàn dặm để rốt cuộc được gì đây?!" Tự nhủ xong, ông bèn đến gặp Tề Vương xin từ chức về quê để phụng dưỡng mẹ già. Ít lâu sau Tê Vương Tư Mã Quýnh làm phản bất thành, cả nhà đều bị tru di, ngay cả những quan viên thuộc cấp cũng bị vạ lây. Mọi người đều khen Trương Hàn là người biết trước thời cơ nên không bị hại.                                                        
       Canh Rau THUẦN 蒓(蓴) : Một loại rau cải sống dưới nước như rau Nhút (rau Rút) của ta. Cá LÔ 鱸 : Ta gọi là cá Vược (cá Hức), đều là hai món ăn đạm bạc của nhà quê. 
     Trong bài thơ "Ký Dương Lục Thị Lang 寄楊六侍郎" của Bạch Cư Dị có nhắc đến tích của Trương Hàn bằng hai câu thơ sau đây :

                       秋風一箸鱸魚鱠, Thu phong nhất trợ lô ngư khoái,
                       張翰搖頭喚不回! Trương Hàn dao đầu hoán bất hồi !
Có nghĩa :
              Một đũa gỏi cá Vược trong gió thu, làm cho...
              Trương Hàn lắt đầu, gọi cũng không trở lại !

Trong Truyện Kiều, tả lúc Thúc Sinh nghe theo lời khuyên của Thúy Kiều về thăm Hoạn Thư ở quê nhà. Cụ Nguyễn Du cũng đã viết :


                      Thú quê THUẦN HỨC bén mùi,
                  Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô !

     Trong truyện thơ Nôm Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện cũng dẫn tích nầy với từ RAU THUẦN như sau :

                           Vạc mai chán nếm tràng danh,
                 RAU THUẦN chạnh nhớ mùi canh ngọt ngào !  

     Còn trong Tứ Thời Khúc Vịnh của Hoàng Sĩ Khải, một danh sĩ dưới thời nhà Mạc thì dùng cả RAU THUẦN GỎI VƯỢC như sau :

                                  Hèn nào khách ở Liêu Đông,

                        RAU THUẦN GỎI VƯỢC chốc mồng thú quê.  


RÈM TƯƠNG là bức rèm làm bằng TƯƠNG PHI TRÚC 湘妃竹, theo tích sau đây :

       Tương Phi 湘妃 chỉ hai bà phi vợ của vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh. Khi vua Thuấn mất ở cánh đồng Thương Ngô bên bờ sông Tương, hai bà phi đã khóc đến nước mắt chảy máu vẫy đầy lên những cây trúc xanh ở nơi đó thành các đóm đỏ sậm màu. Loại trúc có đốm nầy rất đẹp và qúy, gọi là Tương Phi Trúc. Nên RÈM TƯƠNG là loại rèm làm bằng trúc Tương Phi, ý chỉ rèm qúy của các gia đình khá giả, như trong Bích Câu Kỳ Ngộ tả lúc Tú Uyên và Giáng Kiều cùng nhau uống rượu giao bôi :

                        Phòng tiêu dìu dặt chén đồng,
               RÈM TƯƠNG rủ thấp, trướng hồng treo cao.

       Còn trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du lại gọi là MÀNH TƯƠNG để tả lúc Kim Trọng tương tư Thúy Kiều :

                             MÀNH TƯƠNG phân phất gió đàn,
                         Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình.
                                     Rèm Tương  và  Tương Phi Trúc

       ROI BỒ là Cây roi làm bằng cỏ bồ. Chữ Nho là BỒ TIÊN 蒲鞭. Theo sách Hậu Hán Thư, quyển 25, Lưu Khoan Truyện 《後漢書.卷二五.劉寬傳》: LƯU KHOAN người đất Hoa Âm; là quan Thái Thú 3 quận ở Nam Dương dưới thời Hán Thuận Đế. Một hôm ông đang đi trên xe trâu, có người nông dân mất trâu đến nhìn con trâu đang kéo xe cho ông là trâu của mình. Ông bèn xuống xe đi bộ trả lại con trâu cho người nông dân. Khi về đến phủ nha không bao lâu thì người nông dân dắt con trâu đến xin lỗi và trả lại trâu cho ông, vì anh ta đã tìm được con trâu của mình, rồi quỳ xuống chịu phạt. Ông đỡ dậy và bảo :"Các con trâu đều giống nhau, nhầm lẫn là việc thường tình, anh đã tìm thấy trâu của mình, còn phải mất công dắt trâu đến trả cho ta, thế là tốt rồi. Có lỗi gì đâu mà phạt ? Lưu Khoan quan niệm rằng, dùng hình phạt nặng đối với dân chúng, thì dân chúng sẽ tìm cách né tránh mà không có lòng hối lỗi; nên ông cho bện sẵn một cây roi bằng cỏ bồ để khi ai có lỗi thì sẽ bắt qùy trước công chúng và đánh bằng roi bồ, không làm cho da thịt đau đớn, chỉ muốn cho người phạm lỗi cảm thấy xấu hổ mà hối cải để sửa sai mà thôi. Từ tích trên, trong văn học cổ hình thành thành ngữ BỒ TIÊN THỊ NHỤC 蒲鞭示辱 Có nghĩa : Đánh bằng roi bồ để làm cho cảm thấy hổ thẹn nhục nhã. Thành ngữ nầy thường dùng để chỉ các ông quan nhân từ thương dân như con, chỉ muốn cảm hóa dân mà không dùng đến bạo lực hoặc chính trị hà khắc.
      Trong bài thơ "Tặng Thanh Chương Minh Phủ Điêt Duật 贈清漳明府姪聿" của Thi Tiên Lý Bạch đời Đường có câu :

                蒲鞭挂簷枝,  BỒ TIÊN quải thiềm chi,
                示恥無撲抶。  Thị sỉ vô phác sất.
      Có nghĩa :
                         ROI BỒ treo trước mái hiên,
                Thẹn không đánh đập chỉ khuyên làm lành.

      Trong tác phẫm SÃI VÃI của cụ Nguyễn Cư Trinh, khi ông Sãi nói về xuất thân của mình cũng có những câu :
                     Xưa Sãi cũng biết giữ mình làm côi; 
                     Xưa Sãi cũng hay lấy đức chăn dân.
                     Giữ thước mực cầm cân; 
                     Đánh ROI BỒ răn chúng !

  RỐN BỂ CỬA HẦU : RỐN BỂ là nơi sâu thẳm của đại dương; Còn CỬA HẦU là từ Nôm của từ Hầu Môn 侯門, dùng để chỉ cửa nhà của những người quyền quý, của những bậc vương hầu; theo như tích sau đây :

       * Theo sách Tình Sử : Vợ Tiêu Lang là Lục Châu, bị bắt đem dâng cho Quách Tử Nghi; Từ đấy Tiêu Lang thấy vợ đành dửng dưng như khách qua đường không dám nhìn.  
       * Theo Toàn Đường Thi Thoại : Thi nhân đời Đường Nguyên Hòa là Tú Tài Thôi Giao 崔郊, thương một người nô tì tài sắc vẹn toàn của nhà cô. Sau vì nghèo, cô bán nô tì đó cho Liên Soái làm tì thiếp. Giao cứ thơ thẩn trước cửa Liên Soái mà không dám vào. Nhân tiết Hàn Thực người tì thiếp đi ra ngoài gặp gỡ Thôi Giao bên rặng liễu. Giao cảm xúc làm tặng nàng bài thơ tứ tuyệt nổi tiếng sau đây :

            公子王孫逐後塵,   Công tử vương tôn trục hậu trần,
            綠珠垂淚濕羅巾。   Lục Châu thùy lệ thấp la cân.
            侯門一入深如海,   Hầu môn nhất nhập thâm như hải,
            從此蕭郎是路人。   Tòng thử Tiêu Lang thị lộ nhân.
Có nghĩa :
               Vương tôn công tử theo sau,
               Lục Châu nhỏ lệ ướt bao khăn là.
               CỬA HẦU sâu tợ biển xa,
               Chàng Tiêu từ đó như là người dưng.

Có người mách lẻo, định tâng công, đem bài thơ nầy cho Liên Soái xem. Liên Soái cho mời Thôi Giao vào dinh. Mọi người đều lo sợ cho chàng. Không ngờ Liên Soái cũng thuộc nòi tình, tuy rất yêu thương người tì thiếp tài hoa, nhưng thấy hai người vẫn còn yêu nhau tha thiết, nên trả nàng lại cho Thôi Giao và còn tặng cho bốn ngàn nén bạc về quê để ... yêu nhau ! Tạo nên một giai thoại trong làng thơ lúc bấy giờ.

       Trong Truyện Kiều, lúc Kim Kiều tái hợp, cụ Nguyễn Du cũng đã hạ câu :

                            Có còn chi nữa mà ngờ,
                 Khách qua đường dễ hung hờ Chàng Tiêu.

      Còn trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện thì gọi là RỐN BIỂN CỬA HẦU để chỉ nhà của những người quyền qúy không phải lúc nào muốn vào ra cũng được. Ta hãy xem những câu sau đây khi tả nhà Dương Tướng Công :

                           Dò la Dương tướng dinh đâu,
                 Tụ hiền phương ấy CỬA HẦU thâm nghiêm.
      Và ...
                        ... Và là RỐN BỂ CỬA HẦU,
                  Ra vào vì chút thâm sâu ngại ngùng.

               

          Hẹn bài viết tới !
                                                                                         杜紹德
                                                                                     Đỗ Chiêu Đức

 Mời Xem :

1 nhận xét:

HỒN XUÂN MUỘN - Thơ Tranh Ngọc Ánh