Thứ Tư, 16 tháng 3, 2022
TRUỒI - Phạm Long Chiến
"Xứ Truồi ngọt mít thơm dâu
Anh đi làm rể ở lâu không về." (ca dao)
Một địa phương rộng có nhiều địa danh trong đó, tên gọi khác nhau, nhưng xứ Truồi lại rất ít địa danh, chung quy, cái gì cũng Truồi: Núi Truồi, sông Truồi, cầu Truồi, hồ Truồi, đập Truồi, thậm chí đồn Truồi...Tất nhiên nơi đây có làng Truồi.
Tôi hỏi nhiều người và không ai cắt nghĩa Truồi là gì. Truồi, tên gọi dân dã, có vẻ "nghèo khổ" nhưng thiên nhiên ở đây thì không.
Xứ Truồi gần Lăng Cô, tính từ Nam ra Bắc, nằm dưới chân núi thắng cảnh Bạch Mã. Núi rừng ở đây xưa kia giàu có các loại cây hàng "danh mộc" như lim, kiền kiền, chò, sến...Nay vẫn còn gọi rừng "nguyên sinh" để phân biệt với rừng trồng. Nguyên sinh sau khi các loại thuộc "rừng vàng" bị đốn hạ sạch, do bảo vệ rừng kém cỏi, nhưng có lẽ do mưu sinh là chính: cái đói và đời sống cơ cực, dẫu người dân nơi đây vẫn biết "ăn của rừng, rưng rưng nước mắt".
"Rừng nguyên sinh" hiện nay nhìn rất dễ biết: cây thấp cao bao phủ toàn là dây và dây, những đám bụi dây rừng. Còn cây cao, đố mà dây che phủ. Rừng lòi thòi còn sót một số cây dây dại đeo bám khiến tôi nhớ câu "giậu đổ, bìm leo".
Trễ còn hơn không. Con người nhận ra, sống thiếu thiên nhiên là sống như...chết. Núi rừng còn lại của xứ Truồi được bảo vệ khá chặt chẽ hiện nay. Một điểm son cho vùng "Truồi" là sự xuất hiện của quần thể các ngôi chùa Truồi, có cái "tên chữ" rất thoát tục Trúc Lâm.
Trúc Lâm tọa lạc trên một ngọn núi tương đối cao so với mặt đất, nằm giữa vùng nước trong xanh, mênh mông, có chỗ sâu 60 mét. Đi vào chùa du khách cần qua đò trên mặt hồ rộng non nửa cây số vuông.
Đi bộ vài trăm mét quanh co dưới bóng cây rừng, các bậc thang xi măng hiện ra, càng lên càng dốc, cả thảy 174 bậc. Các bậc thang ở đây không thấm tháp gì so với núi Thị Vải, Vũng Tàu, nhưng đi lên cũng khá mệt nhọc.
Du khách cảm thấy nhẹ nhàng khi thấy cổng tam quan chùa, tiếng kính coong phát ra từ chuông gió treo cao trên một nhánh cây rừng khá lớn. Âm thanh của chuông gió như âm thanh của một quả chuông đồng, ít ngân nga nhưng thánh thót, nhẹ nhàng, cao vút hơn. Tiếng chuông gió theo nhịp thiên nhiên, gió mạnh tiếng chuông nhanh nhặt, gió lơi tiếng chuông bỗng khoan hòa. Lòng người cũng thế, khoan nhặt theo nhịp đập đất trời: ở đây là chốn thiền môn, giữa núi rừng tĩnh mịch. Bụi trần phủi sạch khi đi qua hồ nước lăn tăn sóng gợn.
Cuộc sống nơi phồn hoa như rớt lại khi nhác thấy cổng chùa, nghe thoang thoảng tiếng chuông thanh thoát trên cao. Tôi rất yêu các ngôi chùa dù tôi là người theo Thiên Chúa giáo. Nhà thờ, nhà chùa đều có tiếng chuông. Một bên tiếng chuông như giục giã yêu đời, một bên tiếng chuông như ngân nga mà thoát tục.
Các ngôi chùa theo Thiền có một đặc điểm chung: cảnh quan không gian thoáng đãng, không "chật chội" bày biện nhiều cây cảnh, tượng thờ. Vào đãnh lễ trong nội điện, bước ra hiên, hè, quanh chùa, tôi có cảm giác mình trở thành một thày chùa bình dị. Không mặc áo cà sa, tôi vẫn thấy nỗi lo toan cuộc sống bon chen mỗi ngày như lặn mất, tan vào khoảng không tĩnh mịch ở một ngôi chùa trên núi, chung quanh là các cây rừng yên lặng, thỉnh thoảng chúng rì rào như trò chuyện với thiên nhiên, gió đang lay động cành, một vài chiếc lá vàng an nhiên rơi rụng không một chút thở than.
Phía sau lưng chùa có bức thư pháp vẽ hình vị Đạt Ma lão tổ, mặt mũi như bợm trợn nhưng lòng ngài lại bao dung: ngài đã đốn Ngộ.
Ngắm bức thư pháp một hồi, rồi lặng lẽ bắt chước tín đồ ngoan đạo, tôi chắp tay bái biệt vị đạt ma kia, lòng nhẹ nhàng thanh thản.
Lúc đi lên để vãn cảnh chùa, chúng tôi cảm thấy mệt nhọc, đi bộ, qua đò, leo bậc thang nhưng khi chuẩn bị rời chùa, tiếng chuông gió lại kính coong vang lên, ai cũng thấy mình nhẹ nhõm: bái biệt nhau, chuông nhé.
Tiếng chuông vui vẻ như theo bước chúng tôi qua đò, trở về cuộc sống biết đâu sẽ bớt đi chật vật đa đoan?
Chùa Trúc Lâm ở Truồi không có lấy một thùng "phước sương", loại thùng nhận tiền thập phương, tôi thấy bày cả 3 gian nội điện như ở một ngôi chùa lớn của Hội An.
Chùa có tiếng chuông ngân có lẽ khác với chùa vang tiếng kim ngân?
Phạm Long Chiến
Hình ảnh sưu tầm;
Hình 1 : Hồ Truồi.
Hình 2: Trúc lâm Thiền viện
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân
ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
chùa này rất đẹp
Trả lờiXóa