Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

Covid-19 làm thay đổi cách hiểu bệnh tật và các vấn đề y học khác

Hàng tỷ đôla đầu tư vào vaccine và nghiên cứu Covid-19 cho đến nay đã mang lại lợi nhuận y tế lớn và tiến bộ đáng kể cho khoa học để giúp các bác sĩ chiến đấu với bệnh cúm, ung thư, xơ nang (cystic fibrosis-CF) và nhiều hơn nữa.

Công nghệ mRNA lên ngôi

Dựa trên thành công của vaccine Covid dùng công nghệ mRNA, các nhà khoa học hy vọng sẽ tạo ra nhiều vaccine mRNA khác để chống lại một loạt mầm bệnh khác như Zika, bệnh dại, HIV, virus hợp bào hô hấp (respiratory syncytial virus-RSV, căn bệnh khiến ba triệu trẻ em dưới 5 tuổi phải nhập viện mỗi năm trên toàn thế giới). Các nhà nghiên cứu còn thấy mRNA hứa hẹn cho cả điều trị bệnh ung thư, CF và các rối loạn chuyển hóa di truyền hiếm gặp, dù các liệu pháp tiềm năng phải mất vài năm nữa mới có.

Hai công ty dược Pfizer và Moderna đã nghiên cứu vaccine mRNA cho bệnh ung thư từ rất lâu trước khi phát triển vaccine Covid-19. Họ đang tiến hành hàng chục thử nghiệm lâm sàng vaccine mRNA điều trị ung thư tuyến tụy, ung thư đại trực tràng và các khối u ác tính. Trong số công ty đang hợp tác nghiên cứu sử dụng công nghệ mRNA để điều trị bệnh xơ nagng (CF) có ReCode Therapeutics, Arcturus Therapeutics, Moderna và Vertex Pharmaceuticals.

Mục tiêu của nghiên cứu là sửa chữa một khiếm khuyết cơ bản trong bệnh này. Đó là một loại protein đột biến. David Lockhart, Chủ tịch kiêm Giám đốc khoa học của ReCode, giải thích: “Thay vì tìm cách thay thế protein lỗi, các nhà khoa học sẽ để mRNA hướng dẫn cơ thể tạo ra phiên bản khác bình thường và lành mạnh của protein này”. Nhưng vì chưa có thử nghiệm lâm sàng nên những bệnh nhân như Nicholas Kelly, 35 tuổi phải chờ đợi thêm một thời gian. Được chẩn đoán mắc CF khi mới chào đời, Kelly chưa bao giờ có đủ sức khỏe để làm việc toàn thời gian. Gần đây, anh phải nhập viện hai tháng rưỡi vì nhiễm trùng phổi, một biến chứng phổ biến đối với 30,000 người Mỹ mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, dù các loại thuốc mới đã cải thiện cuộc sống của hầu hết người bị CF, nhưng chúng không có tác dụng ở 10% bệnh nhân.

Trong quá khứ, từng có những thành tựu khoa học lớn giúp tạo ra làn gió mới công nghệ. Ví dụ cuộc đua đổ bộ Mặt trăng vào thập niên 1960 dẫn đến sự phát triển của máy chụp CT, máy quyét MRI, thực phẩm đông khô, tai nghe không dây, hệ thống lọc nước và chuột máy tính. Tương tự, việc đầu tư nghiên cứu AIDS đã mang lại lợi ích cho những bệnh nhân mắc nhiều loại bệnh khác nhau. Những nghiên cứu về HIV đã dẫn đến việc phát triển các loại thuốc tốt hơn cho bệnh viêm gan C và cytomegalovirus (CMV), mở đường cho các liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư thành công và đẩy nhanh tốc độ phát triển của vaccine Covid.

“Kháng thể giả mạo”, một phát hiện quan trọng

Hai năm qua, các nhà nghiên cứu y học đã viết hơn 230,000 bài trên các tạp chí y khoa, ghi lại các nghiên cứu về vaccine, thuốc kháng virus và các loại thuốc khác, cũng như nghiên cứu cơ bản về cấu trúc của virus và cách nó lẩn tránh hệ thống miễn dịch. Tất cả đều rất có lợi cho các nghiên cứu tương lai. Tiến sĩ Michelle Monje, giáo sư thần kinh học tại Đại học Stanford, đã tìm thấy những điểm tương đồng về tác dụng phụ nhận thức (cognitive) do nhiễm Covid và tác dụng phụ của liệu pháp điều trị ung thư thường được gọi là “chemo brain”.

Người ta hy vọng công nghệ máy tính được sử dụng để phát hiện Covid sẽ giúp cải thiện việc điều trị nhiều bệnh khác. Ví dụ, các ứng dụng điện thoại di động có thể giúp phát hiện các ca nhiễm Covid tiềm ẩn bằng cách theo dõi những triệu chứng tự báo cáo của bệnh nhân. Một trong những bước đột phá quan trọng nhất của đại dịch coronavirus là phát hiện có từ 15% đến 20% bệnh nhân trên 70 tuổi chết vì Covid có các kháng thể giả mạo (rogue antibodies) hay “tự kháng thể” (auto-antibodies) làm vô hiệu hóa một phần quan trọng của hệ miễn dịch. Các kháng thể giúp bảo vệ chúng ta khỏi nhiễm trùng, nhưng “tự kháng thể” lại tấn công loại protein gọi là interferon giữ vai trò “tuyến phòng thủ đầu tiên” chống lại virus. “Bằng cách vô hiệu hóa các chiến binh miễn dịch chủ chốt, các “tự kháng thể” tạo điều kiện để coronavirus nhân lên dữ dội.

Sự nhân lên quá nhanh có thể đẩy phần còn lại của hệ miễn dịch đi vào giai đoạn hoạt động quá mức (hyperdrive), dẫn đến “trận bão cytokine” đe doạ mạng sống – Tiến sĩ Paul Bastard, một nhà nghiên cứu tại Đại học Rockefeller, giải thích. E. John Wherry, Giám đốc Viện Miễn dịch học thuộc Đại học Pennsylvania nhận định: “Việc phát hiện ra các ‘tự kháng thể’ tấn công interferon chắc chắn làm thay đổi suy nghĩ của nhiều nhà nghiên cứu. Đó chính là thay đổi mô hình trong miễn dịch học”.

Tiến sĩ Gary Michelson, người sáng lập và đồng Chủ tịch công ty Michelson Philanthropies xem sự xuất hiện của “tự kháng thể” là câu trả lời cho lý do tại sao một phần nhỏ bệnh nhân không chống chọi được với các bệnh do virus, chẳng hạn cúm, trong khi hầu hết đều bình phục. Ông nói: “Phát hiện ‘tự kháng thể’ rất có ý nghĩa trong việc điều trị bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm khác”. Một số nghiên cứu phát hiện rằng 1/3 số bệnh nhân nhạy cảm với bệnh sốt vàng da có “tự kháng thể” chống lại interferon. Các nhóm nghiên cứu quốc tế hiện tìm kiếm các “tự kháng thể” ở những bệnh nhân nhập viện do nhiễm những loại virus khác, từ thủy đậu, cúm, sởi đến RSV.

Cơ chế lây nhiễm và hậu Covid-19

Trong nhiều thập niên, các quan chức y tế trên thế giới đã định hình chính sách y tế công cộng dựa trên giả định virus lan truyền theo hai cách: Qua không khí, như bệnh sởi và bệnh lao; hoặc qua những giọt bắn ra từ miệng, mũi, nhanh chóng rơi xuống mặt phẳng, giống như bệnh cúm. Trong 17 tháng đầu tiên của đại dịch Covid-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ xác định coronavirus lây lan qua các giọt nhỏ (droplet) và khuyến cáo mọi người sát khuẩn tay, đứng cách nhau hai mét và mang khẩu trang.

Khi cuộc khủng hoảng tiếp diễn và bằng chứng tích lũy, các nhà nghiên cứu bắt đầu tranh luận về việc liệu coronavirus cũng có thể lây nhiễm trong không khí qua airborne (khí dung) hay không. “Đến nay, thực tế chứng minh, coronavirus và tất cả virus đường hô hấp có thể lây lan từ cả giọt bắn lẫn khí dung khi chúng ta thở, ho và hắt hơi” – Tiến sĩ Michael Klompas, giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Harvard nói. Biết virus đường hô hấp cũng lây lan qua không khí là rất quan trọng vì nó giúp các cơ quan y tế bảo vệ cộng đồng tốt hơn. Ví dụ, khẩu trang chất lượng cao N95 chống lại virus trong không khí tốt hơn nhiều so với khẩu trang vải hoặc khẩu trang phẫu thuật. Cải thiện hệ thống thông gió, để không khí trong phòng được thay mới hoàn toàn ít nhất bốn đến sáu lần một giờ, là cách quan trọng khác để kiểm soát virus trong không khí.

Tuy nhiên, vấn đề “hậu Covid” cũng còn nhiều phức tạp ở một số trường hợp. Lauren Nichols, 32 tuổi, nhớ chính xác thời điểm xuất hiện các triệu chứng Covid-19 đầu tiên: ngày 10 Tháng Ba năm 2020. Đó là sự khởi đầu của một căn bệnh đeo bám chị gần hai năm và không có hồi kết. Mặc dù Nichols khỏe mạnh trước khi có các triệu chứng hậu Covid-19, nhưng nay chị bị khổ sở vì chóng mặt, đau đầu và mệt mỏi suy nhược. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn mỗi khi tập thể dục. Sáu tháng sau ngày xét nghiệm dương tính với Covid, Nichols được chẩn đoán mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính (myalgic encephalomyelitis-ME/CFS) ảnh hưởng đến hơn một triệu người Mỹ… Nhiều người đang mong rằng mọi nghiên cứu trong tương lai về hậu Covid (NIH tài trợ $1.15 tỷ) phải ít nhiều giải quyết được các triệu chứng mãn tính sau khi nhiễm Covid.


HuongNam chuyển

 

1 nhận xét:

HỒN XUÂN MUỘN - Thơ Tranh Ngọc Ánh