Thứ Tư, 23 tháng 3, 2022

Khu Vườn Của Chị Tôi (TC.Da Màu )

♦ Chuyển ngữ: ♦ 

 Nguyên tác: Vasyl Gabor, “Potrapyty v sad,” trong “Knyha ekzotychnykh sniv ta real’nykh podii” [A Book of Exotic Dreams and Real Events], Lviv: 1999, trang 13–17.
Nguyễn Sĩ Hạnh phỏng dịch từ bản dịch tiếng Anh của Patrick Corness và Natalia Pomirko, “Finding the Way to the Garden”.

(cho Natalia)


Khu vườn đã có ở đó từ lâu rồi, nhưng không ai tới được, và điều này làm cho thiên hạ mất vui vô cùng.

Những ý tưởng này chợt lóe lên trong trí nhớ của tôi, tôi biết rất rõ vì sao lại như vậy và điều này càng làm tôi thêm đau lòng. Niềm đau còn dữ dội hơn vì nơi chốn và thời điểm khi những ý tưởng này bất chợt đến với tôi. Khu vườn cũ này nằm ở ngoại ô thị trấn. Trời đang cuối thu, ấm áp gắng gượng kiểu mùa thu, và tôi đang nhặt táo chín bỏ vô cái túi lính bạc màu. Dưới những tàn cây, mặt đất phủ đầy táo trắng xóa. Dưới ánh sáng mặt trời, vỏ của những trái táo nhìn thấy mỏng tanh và trong suốt. Tôi nhớ lại là mình đã không cưỡng lại được cái cám dỗ hái táo ở trên cây, mặc dù tôi đã hứa với bà lão chủ vườn rằng tôi sẽ không làm như vậy. Tôi bứt những trái táo một cách nhẹ nhàng nhưng mấy ngón tay tôi vẫn để lại những dấu ấn nhanh chóng trở thành những vết lở lạt màu. Khi tôi ăn táo, nước táo sủi bọt trắng đục chảy ra dính bết đầy tay, nên tôi chùi tay mình lên bãi cỏ ẩm ướt gần với sát mặt đất. Đây rõ ràng là những giống táo mùa hè, mặc dù tôi chưa bao giờ thấy táo mùa hè nào mà vẫn còn trái trên cây vào cuối mùa thu, khi những đám mây tuyết màu nâu phủ đen bầu trời buổi tối chiều và cái lạnh thấu xương như thể tuyết sắp bắt đầu rơi tới nơi, và bao phủ trái cây trên cây và mặt đất.

Bà lão chủ vườn không có ai hái táo dùm. Bà sức khỏe yếu, đi đứng khó khăn nên đã cho người ta trả tiền vô cổng hái lấy táo với giá rẻ mạt. Vậy mà bà vẫn kiên quyết không cho ai hái trái ở trên cây, mặc dù họ đề nghị trả thêm tiền.

Khu vườn cũ ở ngoại ô thị trấn nơi tôi hái táo là một lời nhắc nhở đau đớn về chị tôi và những câu chuyện về khu vườn của chị.

Khi còn nhỏ, tôi đã để ý tới những câu chuyện chị tôi kể. Thường thì tôi thấy những chuyện này vô lý nhưng tôi ngại không dám nói ra, vì sợ chị giận. Bạn thấy đấy, chị là người bạn duy nhất của tôi. Thêm vào đó, thật tình là tôi rất thích nghe chị kể chuyện.

Khu vườn của chị tôi nằm bên bờ một hồ nhỏ. Những cây táo trong vườn không cao lắm nhưng có tàn rộng và trái rất nhiều — mặc dù không phải tất cả ra trái cùng một lần mà là từ từ thay phiên nhau. Một số cây táo đã chín, một số khác táo vẫn còn xanh, và một số khác nữa thì chỉ mới bắt đầu ra hoa. Khi tôi cãi lại rằng tất cả các cây đều ra hoa một lượt thì chị ngắt lời: xin vui lòng đừng đưa ra những nhận xét ngu xuẩn, chị nói. Xét cho cùng thì đây không phải là một khu vườn bình thường. Nên tôi im lặng. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là cây táo nào trong vườn của chị cũng có trái nhiều màu khác nhau. Những trái táo trắng, đỏ, vàng và xanh ra chung trên một cành. Lúc đó, tôi thường nói với chị là chị đã nói xạo: tôi không tin là các loại táo khác nhau có thể ra trái trên cùng một cây, chứ đừng nói đến là trên cùng một cành. Không được, như vậy thì là quá xá! Khi chị cảm thấy bị xúc phạm và bỏ ra khỏi phòng tôi thì tôi cảm thấy hối hận về những gì mình đã lỡ lời. Tôi chạy theo chị, năn nỉ xin chị tha thứ cho tôi. Chị luôn luôn độ lượng, tha thứ cho tôi và tiếp tục kể chuyện về khu vườn của chị.

Giữa khu vườn của chị có một căn nhà nhỏ, khó nhìn thấy được giữa rất nhiều những cành cây lan rộng. (Khu vườn của bà lão tôi đang hái táo cũng có một căn nhà kế bên cổng – cũng nhỏ xíu, và nhánh của một cây táo gần đó to như một cái nhà thờ bao phủ ngay phía bên trên. Nhưng tại sao tôi lại lẩn thẩn so sánh hai căn nhà nhỏ này làm chi?)

Tôi nhớ lại là mình ngồi trong ngôi nhà nhỏ của bà lão. Bà nuôi một con chó ghẻ lở. Con chó bị cột lại bằng dây xích, và lúc nào nó cũng run rẩy vì lạnh, ngay cả khi ở trong hành lang. Khi nó rên rỉ, bà tháo xích ra và cho nó vào nhà bếp. (Ui cha, con chó ghẻ lở này làm gì trong câu chuyện của tôi vậy? Tôi không muốn viết về một con chó! Tôi muốn kể lại câu chuyện của chị tôi, khu vườn và tình yêu của chị).

Không có con chó nào trong vườn của chị tôi. Ở đó chỉ có hoa, và mặt trời luôn chiếu sáng. Tôi thường cảm thấy là khu vườn của chị tôi là vườn Địa Đàng. Mặc dù vườn Địa Đàng có lẽ chỉ là một tưởng tượng. Không ai còn có thể trở lại đó được nữa.

Chị tôi cũng kể là chỉ có hai người có thể sống ở đó. Cho dù tôi có nằng nặc hỏi thế nào đi nữa thì chị cũng không cho biết hai người này là ai.

Cuối cùng thì tôi cũng tin được vào khu vườn của chị khi chị bắt đầu cặp bồ với Todos, một thanh niên sống trong cùng khu phố với gia đình tôi. Đó là lúc khi tôi chợt nghĩ rằng bây giờ chị đã có bạn và hai người có thể vào khu vườn ấy nhưng tôi thì sẽ không bao giờ vào được. Nhưng nỗi buồn của tôi nhanh chóng tan biến, khi chị bắt đầu nói về khu vườn.

Con đường dẫn đến khu vườn bắt đầu từ trong một hang động cũ trên núi.

Tất nhiên, tôi luôn thề với chị là tôi sẽ không hé lộ bí mật của chị cho một ai hết. Vì chị có thể tin được là tôi sẽ giữ bí mật – ngay cả mẹ nằng nặc hỏi tôi cũng không nói ra – nên chị thổ lộ những ý nghĩ thầm kín nhất và những ước mơ của mình với tôi với một niềm tin tưởng sâu sắc hơn.

Tôi biết tại sao mẹ lại quan tâm đến bí mật của chị như vậy. Mẹ đã nhìn thấy chị với Todos một lần và vì một vài lý do nào đó ngay lập tức cảm thấy không thích anh ta. Mẹ gọi anh ta là thằng cá, nói rằng khuôn mặt, đôi mắt, cái mũi của anh – tất cả mọi thứ về anh – đều khiến mẹ nghĩ đến một con cá. Tôi thì chưa bao giờ thấy một chút cá nào ở Todos cả. Thay vào đó, anh ta làm tôi liên tưởng đến một con cua hiền lành. Khi bước đi vội vàng, anh ta vung cánh tay phải về phía trước và kéo giựt ngược lại như một cái càng, và điều này làm tôi bật cười.

Lúc đầu, mẹ bảo chị là đừng gặp anh ta nữa – mẹ chưa bao giờ thực sự gọi Todos bằng tên. Khi chị không nghe lời, mẹ nói chuyện với Todos và răn đe, yêu cầu anh ta đừng lại gần nhà tôi. Nhưng anh ta vẫn lảng vảng gần nhà — chị tôi cảm nhận được sự hiện diện của anh ta và phóng ra đường. Sau đó mẹ bắt đầu nhốt chị trong nhà. Chị tôi một mình trong phòng giận dữ, và đêm về với những giấc ngủ đầy ác mộng. Những cơn ác mộng làm chị sợ hãi và chị kể cho tôi nghe. Có lẽ tất cả hoàn toàn không phải là ác mộng mà là những thực tế chị đã thật sự trải qua? Thật khó lòng cho tôi phân biệt được đâu là thực đâu là mộng, bởi vì trong trí tưởng tượng của cậu bé tôi lúc ấy, thực và mộng đã nhập nhằng lẫn lộn.

Một ngày nọ, chị tôi dạo phố với Todos ở Kyiv vào buổi tối. Trời bắt đầu mưa và từ từ mưa trở nên lớn như trút nước. Todos hỏi là liệu hai người có nên tìm chỗ nào đó tạm trú và đợi mưa tạnh. Chị chỉ cười. Rất hiếm khi có cơ hội cho hai người đi dạo phố, vì vậy chắc chắn là họ sẽ không để mưa làm mất đi niềm vui khi đi bộ xuống đường Andriivskyi Uzviz và dọc theo phố cổ Podil. Todos đồng ý như vậy.

Họ tiếp tục bước đi, nhưng mưa càng lúc càng nặng hạt. Áo khoác ướt sũng, và nước chảy ngập vào giày. Họ cùng cười khi đi dưới mưa tầm tã.

Một dòng nước chảy sủi bọt dọc theo đường phố. Thật là thú vị — chị tôi chưa từng thấy bất cứ thứ gì giống như vậy. Todos nói: “Nếu mình có một chiếc thuyền, mình có thể đi thuyền xuống phố Uzviz, và đột nhiên anh ta biến thành một con cá lớn, nâng chị lên và cõng chị trên lưng. Quá ngạc nhiên, chị hét lên một tiếng và tỉnh dậy. Đó là một giấc mơ.

Nhưng họ đã thực sự có đi xuống phố Uzviz dưới một cơn mưa như trút nước. Và rồi, khi Todos đề cập đến một chiếc thuyền, anh ta đã nhấc chị lên và nói là anh ta sẵn lòng cõng chị đến nơi tận cùng thế giới. Xa lánh tất cả mọi người, vì vậy sẽ chỉ còn có hai người thôi. Chị tôi ôm chặt lấy anh. Chị cảm thấy là có một ai đó đang đứng lấp ló phía sau họ, và người này muốn cho Todos chết. Trong cơn mưa tầm tã, thật khó để nhìn rõ ai là ai, nhưng chị tôi rõ ràng đã nhìn thấy một bóng người. Đó là một người đàn ông, mặc đồ đen và đi chân trần. Và một con chuột đang chạy theo sau lưng ông ta. Chị tôi nghĩ: “Trời ơi, nước nhiều đến nỗi có thể cuốn trôi người ta đi, vậy mà một con chuột vẫn tự do chạy qua chạy lại mà không sợ nước.” Chị nói với Todos là có người đang theo dõi họ, nhưng anh ta cười: “Chắc chắn chỉ có những kẻ điên rồ mới đi dạo trong thời tiết xấu như vậy.”

“Thì đó là một người điên,” chị tôi đáp lại khi một cơn lạnh rùng mình chạy dọc xuống sống lưng. “Đừng lo lắng, người yêu của anh. Không có gì có thể làm hại em khi có anh ở bên em,” Todos trả lời. Chị nhìn thấy người lạ nở một nụ cười huyền bí, chậm rải quay người lại và bỏ đi. Con chuột chạy theo ông ta. Chị tôi đã hiểu tất cả. Chị nhận ra rằng ông ta bỏ đi với ác ý và có thể sẽ trở lại. Tuy nhiên vào lúc này, chị cám ơn ông ta vì đã để cho hai người yên thân bên nhau, ít nhất là trong một thời gian.

Một ngày nọ, Todos và chị tôi quyết định đi đến khu vườn. Tôi nhớ rất rõ ngày hôm đó, bởi vì buổi sáng mẹ đã giận chị và ra lệnh cho chị không được bước chân ra ngoài nhà. Nhưng chị trả lời:

“Mẹ không thể cấm cản con đi đến những nơi con muốn.”

Lúc đó mẹ tôi mất bình tĩnh và tát vào mặt chị. Mũi chị ấy bắt đầu chảy máu. Mẹ bật khóc và nói với giọng nhỏ nhẹ:

“Mẹ không muốn con gặp nó.”

“Tại sao không? Xin mẹ giải thích,” chị tôi bình tĩnh hỏi lại – Tôi ngạc nhiên khi thấy chị dằn lòng và kiên quyết như vậy. Máu chảy dài trên mặt, nhưng chị không chùi. Thật là khó tin khi nghe những gì mẹ nói lúc đó:

“Bởi vì trái tim của mẹ nó nằm phía bên phải và tất cả những người trong gia đình nó đều không có hạnh phúc.”

Chị tôi bật cười và hỏi lại: “Làm sao mà mẹ biết?”

“Mẹ đã đến thăm nhà của họ.”

Chị tôi sững sờ trước những lời này và phóng chạy ra khỏi nhà.

Vào ngày đó Todos và chị tôi lần đầu tiên cố gắng đến khu vườn. Họ không mang theo gì, ngoài một chiếc đèn pin nhỏ. Họ bước đi trong một thời gian dài, nhưng không cảm thấy mệt mỏi, vì trước mắt họ là khu vườn, thúc dục họ và thêm sức cho họ. Họ mất khái niệm về thời gian và phát hiện ra rằng hang động bắt đầu từ từ thu nhỏ lại — chị tôi và Todos càng đi xa, hang động càng hẹp lại và họ càng phải khom lưng cúi đầu để tránh những tảng đá sắc nhọn. Họ bước đi trong im lặng hoàn toàn, nhưng không hề sợ hãi.

Ở một vài đoạn, đường đi bằng đá, và tiếng bước chân của họ vang lên, nhưng phần lớn đường đi là đất mềm. Đây đó, họ bắt gặp những tia nước từ trên cao nhỏ xuống những vũng nước nhỏ, lầy lội. Họ khum tay bên dưới nơi nước rơi nhiều nhất, hứng và uống. Sau khi đã dịu cơn khát, họ lại tiếp tục.

Dường như hai người đã đi bộ hơn một ngày. Họ đã kiệt sức, nhưng không muốn dừng lại. Sau đó, đường đi hẹp lại và thấp đến mức họ phải bò.

Chị tôi bị thương chảy máu ở đầu gối do một tảng đá sắc nhọn. Chị rơm rớm nước mắt. Todos xé một mảnh vải từ áo sơ mi của anh ta và băng bó vết thương lại.

“Có lẽ mình nên quay trở lại?” anh ta hỏi chị tôi. Không đợi chị trả lời, anh tiếp tục: “Ngày mai mình sẽ mặc đồ ấm, mang theo thức ăn đầy đủ và thử lại.”

Mẹ cấm chị gặp Todos, nhưng chị vẫn cứ không nghe lời và mẹ thường đánh chị. Sau một lần bị mẹ đánh, chị bỏ nhà ra đi. Tôi đã thấy chị với Todos trong thành phố. Họ đi bộ dọc theo vỉa hè, tay trong tay, và mọi người chung quanh ngạc nhiên nhìn hai người vì chị và Todos đều cạo đầu trọc. Tôi thực sự lo lắng với những gì chị đã làm, nghĩ rằng chị sẽ không bao giờ dám trở về nhà lại. Nhưng chị đã trở về, và không hề tức giận. Tuy nhiên mẹ thì nổi điên lên. Mẹ nhốt chị trong phòng và thật đau lòng nghe tiếng nịt thắt lưng quất vô da thịt khi mẹ đánh chị không thương tiếc. Nhưng tôi không nghe thấy tiếng chị khóc.

Sau đó, mọi chuyện diễn ra như trong một giấc mơ. Chị bỏ nhà ra đi, và Todos cũng biến mất. Mẹ cố công tìm kiếm chị trong một thời gian dài, nhưng không có kết quả. Tôi giữ im lặng – tôi chắc chắn rằng chị đã đến khu vườn của chị.

Một thời gian sau, ngư dân vớt được xác hai người trẻ tuổi ra khỏi hồ. Cả hai đều bị cá gặm nhấm đến nỗi khó mà có thể nhận ra chị tôi và Todos — nhưng đó chính là họ. Không thể nào để chôn hai người trong tình trạng như vậy, xác của họ được che mặt nạ và mang tóc giả.

Tôi nhớ rằng cả hai mặt nạ đều buồn bã, mắt nhắm lại. Xác thì được phủ bởi một tấm vải liệm dày màu trắng cho đến cằm.

Cùng ngày ngư dân vớt được xác hai người, tóc mẹ tôi bạc hết. Trong đám tang, mẹ tôi lầm lì ít nói, và sau đó mẹ cứ tiếp tục đi qua đi lại mấy phòng trong nhà như để tìm ai đó. Một ngày nọ, mẹ tìm đến bờ hồ nơi người ta tìm thấy xác chị và Todos. Ngày hôm sau người ta phát hiện mẹ đi lang thang bên bờ hồ. Mẹ đã mất trí nhớ – mẹ còn không nhớ ngay cả tên của chính mình. May mắn thay, một vài người tốt bụng đã đưa mẹ về nhà.

Đã nhiều năm trôi qua kể từ dạo đó. Rất nhiều mưa đã rơi xuống và chảy qua phố Andriivskyi Uzviz. Bây giờ tôi đã là một người lớn. Tuy nhiên đối với tôi, ngay cả ngày hôm nay, dường như không có chuyện gì đã xảy ra cả, rằng tất cả chỉ là một cơn ác mộng. Và mỗi khi tôi thấy mình trong một khu vườn, tôi lại tự động dõi tìm một căn nhà nhỏ bên dưới một đóa hoa trắng hay những cành cây đầy trái — và tôi tưởng tượng ra cảnh chị tôi, đầy ắp tiếng cười, phóng chạy ra ngoài với Todos.

Nguyên tác: Vasyl Gabor, “Potrapyty v sad,” trong “Knyha ekzotychnykh sniv ta real’nykh podii” [A Book of Exotic Dreams and Real Events], Lviv: 1999, trang 13–17.

Nguyễn Sĩ Hạnh phỏng dịch từ bản dịch tiếng Anh của Patrick Corness và Natalia Pomirko, “Finding the Way to the Garden” http://sites.utoronto.ca/elul/Ukr_Lit/Vol02/16-Gabor-Garden.pdf

Tranh từ dowloadvn

1 nhận xét:

KÝ ỨC : Thơ Phượng Hồng Và 19 Bài Họa Cuả Các Thi Hửu

KÝ ỨC Ký ức bùng lên đẹp giấc mơ Xua đi đêm trắng ngỡ phai mờ Chùm phim óng ả hồng nhung lụa Vàng gấm tơ ,lòng dạ ngẩn ngơ Rót xuống trần gi...