Thứ Hai, 11 tháng 4, 2022

HÀNG XÓM CŨ - Phạm Hiếu

Vợ chồng em cưới cuối năm chín tư. Chồng em là con cả trong gia đình bốn anh em trai. Vào thời điểm đó bố chồng em đã chủ động về kinh tế lo cho mỗi người con trai một mảnh đất ở riêng. Đầu năm chín lăm, bố mẹ chồng làm cho chúng em hai gian nhà nằm ngang tận cuối mảnh đất mới mua. Mảnh đất này có bề ngang là sáu mét, chiều dài hai mươi lăm mét.
Dải đất vợ chồng em ở trước đây vốn là ruộng sau đó xã cấp bán cho dân bao gồm mười chín thổ thì thổ em ở là thổ thứ hai. Vợ chồng em là người ra sống đầu tiên trên dải đất đó. Tròn một tháng sau, trên mảnh đất số một liền kề có hai ông bà cao tuổi cũng làm hai gian nhà nằm ngang bằng với nhà em, không nhà nào cao hơn và không nhà nào thấp hơn. Kể từ đó một đôi già và một đôi trẻ là hàng xóm của nhau. Ông vốn là thương binh nặng nên đất này cũng không phải mua, bà trước đây là người chạy chợ buôn bán giỏi giang. Ông bà có bốn người con, cô con gái lớn lập gia đình sinh sống ngoài Quảng Ninh, chú con trai thứ hai sống cùng ông bà trước đó ở trong làng, cô thứ ba đi lao động bên Nga rất giầu, cô út lấy chồng cùng xã. Ông bà vốn là người từng trải hiểu đời nên rất vui tính và thân mật với vợ chồng chúng em. Ông thường kể chuyện về những lần trong chiến trường sau đó là chuyện ngoài cuộc sống mưu sinh. Bà thì hay kể chuyện đi buôn bán mà phải giấu diếm đêm hôm thật cơ cực. Bà thường kể nạn đói năm một chín bốn mươi lăm chết rất nhiều người, đêm nằm lăn lóc ở ngôi chùa gần nhà, sáng mai đã bó chiếu đi chôn rồi.
Là hàng xóm của ông bà chúng em cũng được nhờ nhiều, lúc cần đi đâu không thể mang con đi được em thường gửi ông bà trông giúp. Lắm lúc cần tiền chi tiêu vặt vãnh mà chưa có, em thường được bà cho vay vì biết em là người luôn giữ đúng hẹn. Sau này khi đỡ khó khăn thì bà lại cứ chủ động hỏi:
- Ngươi có cần tiền mua thì tớ cho vay bao giờ có trả tớ cũng được.
Cảm kích với tấm lòng của bà nhưng em thì lại rất sợ đi vay món to (ngoài trường hợp khẩn cấp không đừng được) vì trong lòng lúc nào cũng canh cánh mang một món nợ chưa trả.
Năm chín chín em làm nhà, sáng ra đi chợ về có rau dưa gì thường nhờ bà nhặt giúp cho đỡ mải, bà thì sẵn sàng vui vẻ:
- Ừ có việc gì cứ đưa tớ làm cho, đằng nào tớ cũng ngồi chơi ý mà.
Năm hai nghìn lúc em trở dạ sinh cháu thứ hai, khi đó chồng em lại đi làm nên ông là người chở em lên bệnh viện huyện bằng con xe tám hai.
Ba năm sau cô con gái của ông bà gửi tiền về làm cho ông bà ngôi nhà ba tầng to nhất nhì xã thời bấy giờ, vậy là hai nhà hai hiên bằng nhau chỉ cách nhau mỗi giậu song sắt. Những khi ông bà có cái gì ăn thường cho hai con nhà em qua kẽ hở của những song sắt ấy. Nhà ông bà liền với ngã ba, lại chỉ có hai người già sống với nhau nên ra vào đều cài cổng mặc dù hai ông bà thường xuyên ngồi hai ghế ở hai bên hiên. Ông thì thường ngồi bên kia nhìn sang nhà em còn bà thì ngồi sát bên nhà em. Người qua người lại cứ hay trêu đùa:
- Nhà Hiếu lúc nào cũng có hai ông hộ pháp ngồi coi nhà cho nhỉ?
Người ngoài không hiểu không biết đó thôi, chứ có ông bà ở bên, nhà em được nhờ nhiều lắm đấy, khi đi vắng chỉ cần dặn một câu:
-Ông bà cho cháu gửi nhà nhé!
Bà cười đùa:
-Ừ cứ đi đi chốc về chỉ còn nóc thôi!
Và ông cũng đùa theo.
Ấy vậy mà khi về ông bà tường thuật lại hết những gì xảy ra cho nghe, ai đến, ai quen ai lạ. Trong trường hợp quen thì bà hỏi xem có nhắn gì không, còn lạ thì dứt khoát ông bà không rời mắt để xem người lạ họ làm gì.
Thế rồi thời gian dần trôi dải đất em ở mọi người cũng xây nhà và ra ở ngày một đông, kể từ đó xóm chúng em có tên là XÓM MỚI và ông bà là người cao tuổi nhất của xóm. Xóm mới của chúng em xây dựng quỹ để hỏi thăm yếu đau hoặc tang ma, mỗi lần đi đâu cả xóm tôn trọng bà là người cao tuổi nhất làm trưởng đoàn.
Mỗi lần đi thăm hỏi như vậy, hoặc đi chợ, hoặc đi đâu bà đều bảo:
- Ngươi chở tớ nhé!
Vậy là hai bà cháu vừa đi vừa rủ rỉ.
Nhiều lắm những kỷ niệm về người hàng xóm của em thì kể biết bao cho hết .
 
*. *. *. *. *.
 
Thế rồi tuổi già ngày càng ập đến, sức khoẻ của ông bà cũng yếu đi nhiều. Chiều nào bà cũng gọi hỏi em mai có đi chợ không rồi mua hộ thứ này thứ khác. Ông thì bước đi chậm chạp nên ngại đi ra quán cắt tóc. Chẳng ngại ngần em cũng cắt cho ông vì ngày bé em thường cắt cho hai đứa con đến lớn mới thôi. Tiếp đó là chứng hay quên của tuổi già đến với ông bà. Đồ ăn ngon con cháu mang biếu chẳng ăn ngay cứ để giành, lâu quá thành quên nên hỏng hết đành phải bỏ đi, bà tiếc cứ bảo:
- Ngày xưa không có gì ăn nó quen rồi ngươi ạ! Giờ có miếng gì ăn chẳng nhớ ý gì toàn quên thôi nhé, giờ vứt đi phí thế ngươi nhỉ?
Thế rồi bệnh tật liên miên bà hay kêu đau đớn nên em chỉ biết động viên:
-Bà ơi giờ bà già rồi tuổi cao nó vậy, chúng cháu nào chắc không được bằng các cụ đâu!
- Hứ mới có tám mươi làm gì đã già, đầy người họ chín chục, hơn chín chục ý chứ!(bà bảo vậy)

Vài năm sau sức khoẻ của bà yếu hơn, hay kêu đau đớn, lười ăn, ngại chăm sóc bản thân. Một đêm vào tháng năm năm ấy, bỗng dưng bà ốm rồi nằm bẹp không dậy được nhưng luôn miệng gọi:
- Hiếu ơi! Hiếu ơi! Hiếu ơi!
Vì ông bà ngủ trên tầng hai, lên xuống khó khăn nên ông không thể xuống mở cổng cửa được, vợ chồng em đành đứng bên đây hiên của tầng hai mà hỏi ông về bà thôi. Sáng hôm sau em chạy sang bón cho bà được và thìa sữa thì buổi chiều chú con trai đón bà về nhà chú ở trong làng, cả ông cũng vào đó luôn. Sau đó hai ngày em vào thăm bà vào buổi tối, vợ chồng chú con trai cứ kể rằng đêm đến bà cứ gọi Hiếu ơi luôn miệng thôi. Bốn ngày sau bà mất ở tuổi tám mươi tư, hai năm sau ông cũng mất luôn ở tuổi chín chục.
 
Kể từ đó tới nay đã sáu năm trời em đã mất đi một người hàng xóm bằng vai phải vế với ông bà nội ngoại của em. Mấy năm nay ngôi nhà của hai cụ đã bán cho người khác nhưng hình bóng người hàng xóm cũ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí em. Lắm lúc nhớ về hai cụ, nhớ những hình ảnh, nhớ những lời nói, em lại tự nhủ giá như còn hai người ấy có phải vui không.



1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thuy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...