TTO - Sáng qua em gọi báo tin 'Em vừa bị con Heo cắn'. Em thông báo thản nhiên, chị cũng không ngạc nhiên. Heo là tên chàng chó cưng nhà chị, được 2 tuổi, với cái đuôi cụt.
Tin về Heo làm chị nhớ triển lãm mang tên Coming Through của họa sĩ Pháp gốc Việt Bảo Vương, chị có dịp đến xem đầu năm 2022 ở Paris.
Tuyền đen nhưng những bay màu - ý thức của Bảo Vương không đơn sắc, không trống rỗng mà kể ra, phản chiếu ám ảnh của đứa trẻ 1 tuổi trên hành trình vượt đại dương cùng cha mẹ cuối những năm 1970.
Bên
dưới những khối đen đặc quánh, sâu thẳm, nhấp nhô là dòng xoáy ký ức về
những đêm dài lênh đênh trên biển, vừa xót xa vừa êm dịu, vừa ghê rợn
vừa lôi cuốn. Từ những bố cục bầu trời vô cực và chất liệu độc nhất, các
tác phẩm của Coming Through khiến người xem liên cảm những "đêm đen"
của bản thân...
Nhà ngoại chị ở ngay sát sông Tiền Giang, ngày bé mỗi lúc về thăm quê chị rất thích ra sông chơi đùa cùng đám trẻ cùng lứa nhưng cứ trời sụp tối là chị hấp tấp lên bờ. Trong màu đen của nước cô bé chị như thấy rắn rít, ma da, hà bá lượn quanh...
Vậy nên chị chấn động trước tranh Bảo Vương: Sợ nước đen chị trốn chạy lên bờ, còn bé Vương phải vô thức đối diện đằng đẵng trong nhiều tháng...
Những con sóng đen lô nhô sáng của Bảo Vương khiến người xem - hay cũng chính anh - như mắc kẹt giữa tang thương và thơ mộng, giữa tuyệt vọng và hy vọng.
Vẽ ra những ám ảnh ký ức, có lẽ Bảo Vương tìm liệu pháp. Vẽ ra được những ám ảnh ký ức, có thể tâm hồn Bảo Vương đã tạm được chữa lành?
Bài viết này chị không định nói về Bảo Vương, về nghệ thuật mạnh mẽ, lấp lánh kiểu "Nghệ thuật là vết thương trở thành ánh sáng" như Georges Braque nói; qua tranh Vương chị thốt nghĩ đến những vết thương ấu thơ.
Heo đến nhà chị khi được hơn tháng tuổi. Vợ chồng người bán cứ khen cu cậu đẹp nhờ "được" cắt đuôi khi mới hai tuần tuổi. Hỏi sao cắt, nói cho độc đáo, dễ thương. Đúng là do thiếu đuôi, cùng bộ lông xù trắng trông cậu ta tròn ủm, nên em chị mới gọi Heo.
Heo thông minh, dễ thương, thích được vuốt ve. Mỗi lần day day tóc hay cổ là cậu ta nũng nịu lim dim ngủ, nhưng cứ hễ chạm đến phần dưới lưng là cậu ta lập tức gầm gừ. Một lần khi vuốt ve chị lỡ tay đốp yêu mông, bị cậu cắn cho một phát, tươm máu.
Em chị cũng một lần bị cắn và nhiều lần bị gừ khi kỳ cọ lưng dưới. Phải qua nhiều tháng nuôi nấng, đôi lần bắt gặp chàng ta bấn loạn xoay thân tìm đuôi cắn, chị em chị mới nghĩ đến ám ảnh Heo phải hứng chịu lúc hai tuần tuổi. Đau đớn, kinh khiếp.
Heo làm chị tin những vết thương thơ ấu rất khó lành. Heo khiến chị nghĩ đến cô bé 3 tuổi ở Cần Giờ bị lối xóm xâm hại nhiều năm trước, đã phản ứng bằng cách tự cắn cấu cơ thể mình, cắn cấu cơ thể em trai.
Heo làm chị nhớ đến cô bé mới đây bị thân nhân bạo hành đến chết, đến những đứa trẻ bị lạm dụng mãi khi trưởng thành vẫn loay hoay đóng băng trong ký ức đen tối, không tìm ra phương cách cứu chữa... Các tâm hồn thương tổn đó rốt cuộc, phải chăng chỉ còn cách "cắn" người hay tự "cắn" mình, để quên?
Giống như các tranh biển đen của Bảo Vương luôn có ánh trăng thấp thoáng, giống như nhiều tổn thương thơ ấu của bản thân và những gì chiêm trải; chị tin mọi đau đớn rồi sẽ vơi, miễn ta thật sự cảm thông, chia sẻ, thật tâm muốn băng bó công bằng. Heo ít gầm gừ hơn khi con người để ý đến nỗi đau của nó...
bài rất hay
Trả lờiXóa