Ừ thì hãy hấm húi với nhà văn Võ Phiến: “Bánh tráng nướng (bánh đa) bẻ từng mảnh, nhai cúc cắc cho vui miệng. Cũng lại bánh tráng nướng, đem giã vụn ra, trộn với thịt đầu heo, hoặc rắc lên dĩa tiết canh, v…v… Chính vì thế mà có thể ngờ rằng lối ăn ấy có dính líu đến quân Tây Sơn khi kéo ra Thăng Long đánh quân Thanh. Binh sĩ di hành hàng vạn mà nấu đồ ăn cho xong một bữa thì dình dàng khá lâu. Ðàng này, gặp lúc cần kíp, chỉ cần nhúng bánh tráng vào nước, cuốn lại, là…rồi”. (xem Phụ đính)
Rồi…từ cái thủ lợn băm vằm như hến xúc bánh tráng vắt qua…“ực“. Bèn bạ vào cố sử gia Tạ Chí Đại Trường: “Vùng đất này có thành Chà Bàn của vương triều Vijaya cũ ghi 3 địa danh “Thì“: Thì Ðôn, Thì Lượng, Thì Ngạn. “Thí“ phiên âm tên đất Chàm ở Ðập Ðá“ có rượu Bàu Đá mà dân gian gọi là rượu Tây Sơn“. Rượu thừa hưởng từ những hộc đá ngầm ở ngọn nguồn sông Kôn (sông Côn) chẩy xuống. Đào sâu chôn chặt ở làng Nhơn Hưng, quận An Nhơn có ao, chung quanh là núi đá. Người Bình Định gọi ao là ”bàu”, vì vậy mới có tên…đế Bàu Đá.
Từ đất Chàm, tôi sa đà cả ngàn năm trước…
Đời nhà Tần, vùng đất ở đây là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam. Năm 137 có người tên Khu Liên giết viên huyện lệnh chiếm đất, tự phong là Lâm Ấp vương. Năm 803, nhà Đường bỏ vùng đất này vì quá xa xôi. Sau đấy nước Chiêm Thành ra đời. Mỗi đời Lý, Trần, Lê, mỗi mang quân đánh Chiêm Thành, rồi đến nhà Nguyễn…
Ngồi không đến dột người, bác búi bấn rồi sao nữa?
Chả là khươm mươi niên trước, ôm giấc mộng từ chương qua bài khảo chữ Mỗi năm hoa đào nở, lại nhớ cánh mai vàng. Ngộ chữ tôi đàm hoa lạc khứ theo chân chúa Tiên Nguyễn Hòang Từ độ mang gươm đi mở cõi – Trời nam thương nhớ đất Thăng Long (thơ Huỳnh Văn Nghệ). Ngộ chữ tôi hẻo chữ về cây mai của miền Nam mưa nắng hai mùa. Số là họ hàng nhà mai có tên cũ xưa là Lạp Mai, xuất xứ từ Chân Lạp. Theo chân nhà chúa đi mở cõi, người di dân mang cây mai vàng từ núi Hòang Mai thuộc Bình Định vào trồng ở Cù lao Phố có tên là lãnh mai, tức mai gầy vì cành, lá đều nhỏ.
Ấy là tôi muốn kỳ cổ với người trăm năm cũ nặng nợ với mai, thưa bác.
Đời Tự Đức, nhân quy kỳ hà nhật thị, lão tận cố hương mai, cụ Cao Bá Quát ghé thăm bạn đồng liêu cụ Đào Tấn ở Đào Mai viên, Bình Định. Cụ Đào Tấn là người chuộng mai, cụ để lại bộ Mộng mai từ lục, bút hiệu Mai Tăng. Cụ đề cao nét thanh nhã của mai với tứ đức: Cao, tú, nhã và đạm. Mai biểu hiện tình bằng hữu qua tuế hàn tam hữu: Mai, tùng và trúc. Mấy lần trước, đã bao thu nơi chốn này, cụ Cao lưu lại câu thơ “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm – Nhất sinh đê thủ bái mai hoa“. Khi cụ Cao Chu Thần về lại chốn cũ, bạn xưa không còn nữa, với nỗi buồn hiu quạnh qua những gửi gấm niên nào của cụ Đào Tấn “Mai mốt non mai ta gửi xác, để cho mai dỗ giấc mai tăng”. Cụ Cao tìm đến chân núi Hòang Mai viếng mộ chí (1) cụ bạn già đã quá vãng có câu di cảo trên mộ bia: “Mai sơn tha nhật tàng mai cốt – Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn”.
Cùng địa nhân, địa sử, Lý, Trần, Lê đánh Chiêm Thành rồi rút về, phải đợi đến chúa Nguyễn Phúc Tần chiếm Quy Nhơn. Sách Lê Quý Đôn dật sử chép: Sau Nguyễn Nhạc chiếm đất của chúa Nguyễn đổi là thành Hoàng Đế, lập kinh đô. Theo Đại Nam nhất thống chí, Nguyễn Ánh chiếm lại Qui Nhơn đổi tên là Bình Định với ý nghĩa đã…”bình định” được nhà Tây Sơn.
Trộm vía bác, với Thần, người và đất Việt của ông sử gia Tạ Chí Đại Trường, ngộ chữ tôi bòn mót vu vơ “thần” có thần đất, thần bếp, thần chợ. Thổ ngơi, thổ địa Bình Định có thổ ngữ, thổ âm, có thổ sản… cơm đùm hay…ớt nắm ở hồi sau (chim mía Tây Sơn, gié bò Phú Phong). “Người” có ông Đào Duy Từ khúc kế tiếp.
Quay quả với “người và đất Việt” theo cuộc Nam tiến, người di dân gồm dân nghèo, tù binh của chúa Trịnh, đào binh của chúa Nguyễn và tội đồ. Thời kỳ lọan lạc Nam Bắc phân tranh vào giữa thế kỷ 17, quân nhà Nguyễn gốc Gia Miêu (Thanh Hóa) vượt sông Gianh tiến vào Nghệ An. Sau đó vì chiến trận, họ phải rời khỏi Nghệ An, mang theo một số tù binh và dân vào Đàng Trong. Trong số người bị bắt buộc phải di dân ấy ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) có ông tổ 4 đời của Nguuễn Huệ gốc họ Hồ. Những người họ Hồ ấy, sau do lệnh của chúa Nguyễn di cư vào vùng Vijaya của Chàm tức đất Tây Sơn có sông Kôn (sông Côn) ở Bình Định.
Thêm lớp di dân trốn chạy trả thù của triều đại trước.
Họ Mạc sợ bị trừ khử (Trịnh Tùng), nên phải đổi họ với “khử túc bất khử thủ” là lấy họ khác ghi thêm “bộ thảo” trên đầu để đánh dấu nhận ra nhau. Đến nay có 37 họ gồm: Bùi, Hoàng, Lê, Phan, Vũ…Phụ thêm đổi theo họ mẹ, nên họ Mạc có hơn 200 hệ, chi, phái: Cao, Đoàn, Đào…Với họ Đào ở Bình Định, thọat kỳ thủy một nhánh tiên tổ họ Mạc từ Hải Dương thiên di xuống Thanh Hóa (Đào Duy Từ) rồi tới Bình Định (để sau này có Đào Tấn). Từ Thanh Hóa như ở trên, họ Hồ, họ Mạc lập nghiệp tại Bình Đình.
Rõ chán mớ đời, cái đáng hỏi bác gì ấy lại không hỏi?
Chuyện là khởi đầu chúa Nguyễn Hoàng đã đưa lưu dân tới giải đất từ đèo Cù Mông đến đèo Cả. Nhà chúa dựng lên huyện, dưới huyện có thuộc, nhỏ hơn thuộc là phường, nậu. Phường là làng nghề. Nậu là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu được gọi là…đầu nậu. Nậu có “Nậu nguồn” khai thác rừng, “Nậu nại” làm muối, “Nậu vựa” làm mắm, “Nậu rổi” nuôi cá, ca dao có câu Tiếc công anh đào ao thả cá – Năm bảy tháng trời nậu lạ tới câu. Năm 1726, “thuộc” và “nậu” bị xóa bỏ. Nậu biến nghĩa dùng để gọi người, đại danh từ nhân xưng ngôi thứ ba. Ở Bình Định, Phú Yên, nậu được phát âm là…nẫu. Thảng như kệ nẫu: kệ người ta. Ngòai ra với thổ âm, thổ ngữ “ê” nói thành “ơ” như quê hương: quơ hương. “Em” thành “im” như ăn kem; ăn kim. Hoặc “ôi” thành “âu” như biết rồi: biết rầu. “Ay” nói thành “ê” như cay quá: kê quá.
Bác quắn đầu, gì mà lạ nhẩy!
Chả có gì lạ sất, bởi theo cuộc di dân với ngôn ngữ có câu: “Giọng Thanh Hoá là giọng miền Bắc…phải đi. Giọng Bình Định là giọng miền Nam…sắp sửa”. Dựa vào cuốn Có 500 năm như thế: “Nhiều người không hiểu giọng nói của người Bình Định xuất phát từ đâu, trong khi các gia phả đều ghi thủy tổ của họ là người Hải Dương, Thanh Hóa”. Tôi (tác giả) hỏi sử gia Trần Quốc Vượng, ông đáp: “Thì các cụ ta vào đây đâu có đem vợ con đi được nên lấy vợ Chàm rồi sinh con đẻ cái là chuyện hết sức bình thường. Vấn đề là các bà mẹ Chàm nói tiếng Việt ấy đã truyền lại cho con cái mình giọng của người Chàm nói tiếng Việt“. Theo chân sử gia Trần Quốc Vượng, thêm một cư dân bản địa mà rằng: “Mà thiệt rứa, Thuận Châu-Hóa Châu là vùng đất còn giữ lại đến nay di sản ngôn ngữ người xưa để lại, đặc biệt những từ cổ Việt, tiếng Chàm là thí dụ điển hình. Có những chữ người mình nói ngày xưa, ngày nay đồng bào gốc Chàm cũng nói như người mình“. Với…ớt, có thể nói không sợ lầm lẫn, miền Trung ăn cay hơi nhiều là do ảnh hưởng giao lưu văn hóa Ðại Việt-Ðàng Trong và Champa. Vì người Ấn Ðộ ăn cay, văn hóa Ấn Ðộ truyền sang Chiêm Thành. Đến luợt nguời Việt, người Chiêm gặp gở sống chung, xứ Thuận-xứ Quảng bắt đầu ăn cay, đã cay cho…cay luôn“.
Ngồi hổng người ra, bác dòm dỏ còn chuyện gì nữa chăng?
Số là Bình Định xưa là nơi đất lành chim đậu qua chuyện cách đây hơn 4 thế kỷ, có một người con nhà ca kỹ “xướng ca vô lòai” ở làng Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, Thanh Hóa. Vì luật lệ hà khắc không cho phép con nhà xướng ca ứng thí khoa trường, ông quyết chí tìm đường lập thân ở xứ Đàng Trong. Con người chí lớn đó là Đào Duy Từ (1572-1634), hiệu Lộc Khê. Vào Đàng Trong (chăn trâu, làm công) ông khởi nghiệp và dựng nghiệp cùng chúa Nguyễn. Ông xây đồn đắp lũy để chống quân Trịnh. Người ta thường gọi lũy ấy là Lũy Thầy (Quảng Bình), là lũy Đào Duy Từ sai đắp lên.
Giai thọai Đào Duy Từ cũng nhũn não lắm, bác ấy ạ…
Vì theo nhà biên khảo nào đó góp nhặt từ Truyện cổ tích (1952) của nhà văn Sơn Nam có tựa đề Truyện Đào Duy Từ: “Chúa Trịnh sai người mang quà vào Bình Định thuyết khách Đào Duy Từ, kèm câu thơ: Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc – Em có chồng anh tiếc lắm thay. Ông phúc đáp: Bây giờ em đã có chồng – Như chim vào lồng như cá cắn câu”. Thế là khi không trong văn học dân gian ta có bài ca dao Trèo lên cây bưởi hái hoa đâm ra…nhức nhối, thưa bác. Vì cây bưởi cành đặc những gai sao mà…leo.
Lang thang như thành hòang làng khó trong làng văn xóm chữ có cụ Ngộ Không. Cụ mà rằng Đào Duy Từ mượn bài thơ Tiết phụ ngâm tích Trường Tịch, Lý Sư Đạo cùng hoàn cảnh giống mình để thoái thác. Họ Trương trả lời họ Lý: “Quân tri thiếp hữu phu” (em có chồng, chàng đã biết) và: “Hận bất tương phùng vị giả thi” (phải chi gặp gỡ lúc chưa chồng). Từ Tiết phụ ngâm biến thể qua ca dao thế đấy, thưa bác gì ấy.
Đụng dao đụng thớt đến ca dao, tôi mao muội thưa bác chuyện này nhá…
Trong văn học dân gian ta có bài Tát nước đầu đình: Áo anh sứt chỉ đường tà – Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu. Nay có thêm bài ca dao Tát nước đầu đình khác nữa ở Bình Định: Áo anh đã rách hai tay – Cậy nàng so chỉ vá may cho cùng. Đặc biệt câu 11 và 12: Giúp em một thúng xôi vò – Một con lợn béo, một vò rượu tăm được biến thái là Giúp cho một quả xôi vò – Một con heo béo, một vò rượu tǎm, người Bình Định không nói “lợn” mà nói “heo”. Nhẽ này cụ Ngô Không ba điều bốn chuyện trong bài khảo chữ Theo chân người đi mở cõi thì “Con lợn tiếng Bắc cổ gọi là “con heo” (hay con cúi) qua câu “Nói toạc móng heo”. Di dân vào miền Trung, miền Nam, con lợn được người Trung, người Nam kêu lại với tiếng Việt cổ là…con heo”. Cũng theo cụ Ngộ Không rối chữ: “Con heo khác con lợn ở chỗ con heo ăn…bắp, con lợn ăn… ngô”.
Hai câu sau Giúp cho nửa dạ hột mè – Nửa ang tiêu sọ, nửa ghè muối khô, tôi mài óc nghĩ không ra nửa “ghè” muối khô, nửa “dạ” hột mè là lý sự gì. Nói vậy chứ tôi nhân sinh quý thích chí: Một là câu ca dao Bình Định Gío đưa mười tám lá xòi – Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi. Hai là Bỏ cửa bỏ nhà vì ma…hát bội.
Quên tuốt không thưa với bác ấy tế quán (vợ) của ông Đào Duy Từ họ Cao. Bởi có mở có đóng mới có tích cụ Cao Bá Quát ghé thăm cụ Đào Tấn ở Đào mai viên. À mà một tôi nhoáng cái mới nhi bất hoặc đã cổ lai hy, nên cũng quên tuốt tuột ông Đào Duy Từ (1578-1684) là “cửu huyền thất tổ” của cụ Đào Tấn (1844-1907) đấy, thưa bác. Cửu huyền là chín thế hệ: cao, tằng, tổ, cha, mình, con, cháu chắt, chít. Thất tổ là bảy đời: cao, tằng, tổ, cao cao, tằng tằng, tổ tổ, cao tổ. Hay nói một câu tròn vành rõ chữ cụ Đào Tấn thuộc dòng dõi Lộc Khê hầu Đào Duy Từ, thưa bác.
Bác gì ấy ngẫn ngẫn ra ý Bình Định có…hát bội sao? Chuyện cụ Đào Tấn là cụ Tổ của nghề tuồng nước ta đâu hãy còn đó…Vì bình thơ tác phú ở đất Bình Định, không thể không nhắc đến một Đào Tấn văn sĩ, một Đào Tấn thi sĩ. Thơ cụ có cả ngàn bài gồm Mộng Mai thi tồn, Mộng mai từ lục, Mộng Mai ngâm thảo, Mộng Mai văn sao, v…v..viết bằng chữ Hán. Với một Đào Tấn văn sĩ, cụ để lại tản bút qua tập Hý trường tùy bút. Cụ tên đầy đủ là Đào Tăng Tấn, tự là Chỉ Thúc, hiệu là Tô Giang. Cụ người làng Vinh Thạnh, huyện Tuy Phước, Bình Định. Năm 22 tuổi, là một trong 18 người đỗ cử nhân khoa thi Hương 1867 tại trường thi Bình Định. Bốn năm sau, năm Tự Đức 1871, cụ được bổ tri phủ Quảng Trạch (Quảng Bình có Lũy Thầy của cụ cố tổ Đào Duy Từ), sau là tổng đốc Nghệ An. Cụ thường cùng Tự Đức bàn luận văn chương, vua tôi rất tâm đắc. Cụ mất năm 1907 vào đời Thành Thái, thọ 63 tuổi.
Bác muốn cuồng chữ thiên cổ kỳ sự về hát bội thì kỳ cổ thế này…
Theo tích hát tuồng du nhập vào nước ta từ thời tiền Lê. Một kép hát người Tàu tên Liêu Thủ Tâm đến Hoa Lư trình diễn lối hát xướng thịnh hành bên nhà Tống, được Lê Long Đĩnh thâu dụng, bổ là phường trưởng dạy cung nữ ca hát. Chả nói bác cũng hay hớm, thời nay “hát bội” xuất sứ từ người Minh Hương. Cà Mau hãy đến mà coi, muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh, vì vậy chiều chiều nhớ cố quốc, họ tụ tập trước sân nhà ở ven rừng để hát và múa may theo điệu bộ tuông tích bên Tàu. Nên mới có “hát bộ”, sau gọi là…”hát bội”. Ấy là ông Vương Hồng Sển suy diễn vậy.
Thế là có nhà biên khảo hiểu vội “người Đàng Ngòai gọi là hát tuồng, người Đàng Trong gọi là hát bội“. Từ đấy với thể văn cổ vào thế kỷ 18, có người dùng từ bộ và bội một cách dễ dãi để người đọc hiểu không dễ với hát tuồng, hát chèo là hát bội. Như…
“Năm Cảnh Hưng 1790, phường hát chèo bội đóng trò vẽ mặt múa hát. Tang gia mướn phường chèo đóng tuồng để khoe của. Sau dân gian bày trò hát bội ấy, với hát bộ (thời Lê chưa có từ này) khăn áo dáng bộ như đàn bà, thường khi ở nhà cũng nghêu ngao tập hát chèo, không thẹn thò gì cả“. (Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, tr 57).
Bác gì ấy mặt mũi héo don, gật đầu tắp lự chỉ có vậy thôi ư…
Dạ thưa, ở Bình Định hát tuồng còn gọi là hát Nam, hát Khách…Số là hát Khách theo Tàu diễn viên phải ”bội” (gắn thêm) cờ phướng, mũ áo nên gọi là hát bội. Hát Nam là tuồng của Ta, đời Tự Đức, cụ Đào Tấn đưa tuồng vào cung đình, và ra ngòai dân gian. Tuồng Tàu có Trụ Vương, Đát Kỷ…Tuồng Ta, cụ Đào Tấn chỉnh lạituồng Tàu, rồi đổi tựa đề như Sơn Hậu, Phi Phụng…Đặc điểm bố cục tuồng gọn gàng, trong mỗi vở, cụ tránh dài dòng như tuồng cổ trước đó. Tuồng của cụ chỉ tóm gọn trong một số câu ngắn, và khéo léo lồng vào động tác của nhân vật. Cụ đã từng cho thả bè chuối trên kênh để diễn một trận thủy chiến. Có khi cụ cho diễn tuồng ngay trên đường làng Vinh Thạnh (làng cụ Đào Tấn) để dân chúng xem. Khi diễn tuồng Tây Du ký, cụ dàn dựng một đoạn đường dài chừng một cây số. Trên đoạn đường đó cụ dựng những cái động, nhà dân, để thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh. Mỗi lần cụ Đào Tấn diễn tuồng như thế, dân trong vùng rủ nhau đem cơm nắm, cơm đùm đến xem.
Bác đừng rỗi hơi hỏi…“cơm đùm” là cơm gì. Vì tôi đang rối như canh hẹ với món …sìa luộc. Chữ nghĩa lơ mơ lõ mỗ thì đĩa xoài xanh thái ghém trộn các thứ gia vị rồi mới bê tới đĩa nghêu đen, có nơi gọi vọp hoặc dộp dộp, tức…con sìa. Óc ách hơn nữa, ở đất tạm dung tôi có “cua vua” (king crab) thì ở đây có…“cua huỳnh đế”. Huỳnh đế biến âm bởi hoàng đế, là loại cua quý hiếm, càng ngắn, cổ và đuôi mọc nhiều lông. Thịt chắc, cua huỳnh đế được hấp hoặc nướng để chấm muối tiêu chanh ớt, hay rang muối, rang me. Kỳ thực, với cua huỳnh đế đưa cay đúng điệu Tây Sơn phải khề khà rượu Bàu Đá. Như cụ Văn Cao trong chuyến ngao du, cụ “phát hiện” ra…rượu Bàu Đá. Cụ cho rằng đất nước này, chỉ có rượu Bàu Đá mới có thể sánh được với rượu làng Vân. Cụ dấm dúi: “Rượu làng Vân hiền vì mỏng, rượu Bàu Đá hỗn nên dày”.
Hết cua qua cá, như cá chua, cá chình bông, thượng hảo hạng là cá chình mun. Bác lõ mắt như mắt rắn ráo! Ha! Bác muốn hỏi về cá chình mun chứ gì. Từ cá, ghé qua thổ ngơi ông thi sĩ Xuân Diệu (làng Gò Bồi, tỉnh Bình Định). Ở cạnh “Nhà lưu niệm Xuân Diệu”, có quán hải sản tươi roi rói, mà món khai vị rất đặc sắc: bong bóng cước cá. Ấy là bộ tiêu hoá của cá lạc, phối kết với gân được bóc tách từ vi, kỳ, đuôi cá mập. Ấy là chưa kể nem Chợ Huyện ngoài ngã ba Phú Tài một quãng, tới làng Vinh Thạnh quê quán của cụ Đào Tấn:
Ai về Vinh Thạnh quê em
Ăn nem chợ Huyện và xem hát tuồng
Trở lại với tuồng, lược khảo về từ “chèo”, qua văn bia, thư tịch cổ xuất hiện ở nước ta từ thời Lý. Tuy nhiên phải đến thời Hồng Đức, nghệ thuật hát ca trù mới được hoàn thiện về cơ cấu nghệ thuật, đến không gian trình diễn thường gọi là Hát cửa đình. Nếu hát nhà trò, nhà tơ, hát ca trù có trống chầu thì hát bội Bình Định cũng thế. Người thủ trống chầu được dành cho các quan lại. Bên cạnh nơi đặt trống kê một cái bàn nhỏ, trên để một cái khay đựng thẻ ngà hay thẻ tre tượng trưng cho một số tiền. Quan cầm chầu tùy vào tài năng của diễn viên mà đánh trống và bốc thẻ ném lên sân khấu để tưởng thưởng gọi là thướng. Nếu nghệ sĩ diễn xuất quá xuất sắt, quan cầm chầu có thể thảy nguyên cả khay lên sân khấu để thưởng, gọi là “đổ khay”. Ngộ chữ tôi nghĩ vụng từ “Hát cửa đình” ngồi trên…“chiếu” nên biến âm thành…“chèo” chăng?. Vì chèo ngòai sân đình, sân khấu chèo là chiếc chiếu trải ngoài sân, đằng sau treo chiếc màn nhỏ, diễn viên và nhạc công ngồi hai bên mép chiếu tạo dàn đế. Vì vậy mới có…“chiếu chèo” chỉ…gánh hát chèo. “Hề chèo” thường có trong các vở diễn chèo, hề chèo nói lên những nhố nhăng trong làng xã. Từ nhố nhăng, dân gian mới có câu…“đồ phường chèo”.
Về tuồng tích cụ Đào Tấn để lại trên 40 vở tuồng. Những vở tuồng cụ phụng chỉ vua sáng tác như: Tam bảo Thái giảm thủ bửu, Vạn bửu trình tường (năm Tự Đức 31- 1878). Với Trương Phi cổ thành, người xem không thấy một Trương Phi nóng nảy cục cằn, mà là một Trương Phi trĩu đầy tâm trạng qua điệu múa với thanh xà mâu. Tuồng với nhân vật còn có Quan công trong Quan công hồi cổ thành, hay Trụ Vương, Đát Kỷ trong Trầm Hương Các. Tuồng Hoàng Phi Hổ khi nghe tin vợ là Giả Thị bị Trụ Vương loạn dâm đã tự vẫn. Các nghệ nhân khi diễn tuồng Hộ sanh đàn kể lại: “Mình nói mà cũng thấy sướng tai, không thể bỏ đi một chữ nào được”. Vì trong tuồng Tiết Cương hỏi vợ kham khổ vậy lấy đâu sữa cho con bú? Lan Anh nói: ”Có bữa có, có bữa không! Một hôm em đang cho hắn bú, không có sữa, hắn cắn cái vú em một cái, em đau hoảng đi, em phát hắn một phát, hắn nhăn răng ra cười… hi hi”.
Góp nhóp tuồng tích cụ Đào Tấn để lại trên 40 vở tuồng cổ. Trong khi sọan kịch, hay chèo như kịch tác gia Ngộ Không Đòan Phú Tứ (12 vở kịch). Trần Huyền Trân nhóm chèo Cổ Phong (2 vở chèo cổ, 2 vở kịch). Hòang Cầm, Thế Lữ, Trúc Đường (anh Nguyễn Bính với 20 vở chèo), Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu – 6 tuồng chèo), Võ Đức Diên (ban kịch Anh Vũ), Tào Mạt (5 vở chèo), Từ Khánh Phụng (trước viết kịch ở Hà Nội, sau dịch truyện Kim Dung ở Sài Gòn), Trần Lê Nguyễn, Vũ Khắc Khoan (7 vở kịch).
Trộm nghĩ tự cổ chí kim chưa ai có số lượng tuồng tích…”có trọng lượng” như cụ. Ấy vậy mà người viết trong nước khảo chữ: Đào Duy Từ là “Tổ” của ngành tuồng, cụ Đào Tấn là “Hậu tổ”. Tại Thanh Hóa, ông Đào Duy Từ vì là con nhà ca kỹ “xướng ca vô lòai”, phải chăn trâu (khi còn nhỏ), ở đợ thì sọan hát bội ở khổ nào. Theo ngu ý tôi, cụ Đào Tấn mới là cụ Tổ của nghề tuồng nước ta. Tôn ý bác gì ấy sao, thưa bác.
Dài hơi dày chữ với mảnh đất có bề dày lịch sử, có thành Chà Bàn của vương triều Vijaya cũ. Đây cũng là nơi khởi nghiệp của nhà Tây Sơn, là quê hương của các danh tướng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân. Thời trước có văn thi nhân Tô Giang Đào Tăng Tấn, Tăng Bạt Hổ. Thời nay có Hàn Mặc Tử cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là Bàn thành tứ hữu, nghĩa là bốn người bạn ở thành Đồ Bàn. Ngoài ra còn Xuân Diệu, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Tạ Chí Đại Trường, Khuất Đẩu, v…v…
Và còn ai nữa.
Ngộ Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Thạch trúc thảo lư (2020-2022)
Nguồn: Trần Ngọc Thêm, Hòang Kim, Trần Xuân Toàn, Thái Văn Kiểm, Phanxipăng, Nguyễn Mạnh An Dân, Nguyên Hương, Nguyễn Trọng Tạo
(1) Mộ cụ Đào Tấn ở chân núi Hòang Mai, Bình Định
Phụ đính:
Nhà văn, nhà biên khảo Phanxipăng tới Bình Định làm phóng sự:
‘’…Tới thăm quê hương của vị anh hùng “áo vải, cờ đào” Quang Trung Nguyễn Huệ, tôi được thết thứ bánh bình dị khó tìm thấy tại những nơi khác: bánh hai chín, một sống. Đó là bánh tráng cuốn thịt heo / lợn luộc và tàu hủ / đậu khuôn / đậu phụ; chấm nước mắm pha chanh, tỏi, ớt. Họ nói: Bánh hai chín, một sống là món ăn của đoàn quân Tây Sơn trên đường Bắc tiến thần tốc đánh quân Thanh vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789…”.
Soạn sách Nước non Bình Định (NXB Nam Cường, Sài Gòn, 1967), thi sĩ Quách Tấn (1910-1992) viết rằng món ăn lịch sử kia lại là bánh tráng cuốn thịt bò thưng: “Thưng là nấu chín mà không rục. Rồi đem hong gió cho khô. Khi ăn xé nhỏ. Mùi thơm vị thắm. Để hàng tháng không hư. Chính nhà Tây Sơn đã bày ra thịt thưng. Bánh tráng và thịt thưng, nhà Tây Sơn đã dùng làm lương khô khi đi đánh giặc xa. Mỗi người lính [được] cấp cho một số bánh tráng diễu, một số thịt bò thưng, một ít nước mắm. Đến buổi ăn, dừng lại, lấy bánh tráng cuốn thịt bò thưng (chấm thêm nước chấm nếu muốn thật mặn miệng) mà ăn no, khỏi mất công nhúm lửa nấu cơm. Thật là tiện lợi.”.
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa