Thứ Năm, 7 tháng 4, 2022

Vụ ám sát hụt Uông Tinh Vệ tại Hà Nội

Tối ngày 20/3/1939, tại Hà Nội ở phố Chợ Gạo (tiếng Bắc Kinh gọi là Gao liang) đã xảy ra vụ mưu sát Uông Tinh Vệ, nguyên Chủ tịch nước của Trung Hoa dân quốc (tức Trung Quốc (TQ) dưới thời Quốc dân đảng). Vụ án xuyên quốc gia này đã làm xôn xao dư luận cả Việt Nam lẫn TQ thời bấy giờ.

Hơn 60 năm kể từ đó đến nay, đây là một trong những vụ án “tồn nghi” thuộc loại bí hiểm nhất. Phải tới tận cuối tháng 2/2006, Cao Phiệt Lâm, một nhà báo người TQ thường trú tại Mỹ sau khi bỏ ra rất nhiều công sức đã tìm và gặp được hai vợ chồng Uông Văn Tinh và Hà Văn Kiệt, (từ đây gọi tắt là Tinh, Kiệt) là con rể và con gái của Uông Tinh Vệ đã ngoài 90 tuổi, những nhân chứng còn sót lại của vụ án trên hiện đang sống tại Mỹ, thì bức màn bí mật về “lưỡng quốc nghi án” mới được hé mở.

Uông Tinh Vệ sinh năm 1883 tại Tam Thủy (Quảng Đông), tên thật là Triệu Minh, tự là Lý Tân (hoặc Lý Tuấn). Là người giỏi văn chương từ nhỏ, năm 20 tuổi Uông đã đỗ tú tài dưới thời Vua Quang Tự. Đến năm 1904, triều đình nhà Thanh cử Uông sang Nhật học tại Đại học Tokyo chuyên ngành Hành chính và Pháp luật. Được tiếp xúc với những tư tưởng cách tân, cũng giống như những thanh niên trí thức ưu tú của TQ đang lưu học tại Nhật khi đó, Uông hăng hái đi theo con đường cách mạng do Tôn Trung Sơn lãnh đạo nhằm lật đổ chế độ phong kiến nhà Mãn Thanh.

Năm 1905, Uông gia nhập TQ Đồng minh hội (ĐMH) do Tôn Trung Sơn sáng lập và được Tôn Trung Sơn giao nhiệm vụ viết khởi thảo điều lệ của hội này. Danh tiếng của Uông dần nổi lên như cồn khắp trong và ngoài nước, trở thành một yếu nhân của ĐMH, được Tôn Trung Sơn rất tin dùng.

Do chịu ảnh hưởng phái “Dân túy” ở nước Nga (phái chủ trương làm cách mạng bằng việc ám sát cá nhân), năm 1908, Uông đã cùng với một số chiến hữu thực hiện việc thủ tiêu cá nhân nhằm vào các quan chức chóp bu của triều đình Mãn Thanh. Tháng 4/1910, Uông bí mật trở về TQ trực tiếp vạch kế hoạch và tổ chức việc ám sát quan nhiếp chính Thái tử đương triều là Tái Phong. Cuộc ám sát được tiến hành ở cầu Hải Lã Đỉnh (ngay phía sau kinh thành Bắc Kinh), nhưng không thành. Uông bị bắt và bị tuyên án tử hình. Rất may cho Uông, năm 1911 Cách mạng Tân Hợi thắng lợi, nhà Thanh sụp đổ, Vua Phổ Nghi thoái vị, đã cứu Uông khỏi chết. Uông đã cùng vợ là Trần Bích Quân sang Pháp với ý định học thành tài để về phụng sự Tổ quốc.

Tuy nhiên, sau đó Viên Thế Khải tiếm quyền, tự xưng Hoàng đế, rồi bọn quân phiệt nổi lên khắp nơi. Tôn Trung Sơn lại phải làm cuộc cách mạng lần thứ hai. Uông đã quay lại TQ làm được nhiều việc và trở thành một trong những trợ thủ chính của Tôn Trung Sơn. Năm 1925, Tôn Trung Sơn (khi đó là Đại Tổng thống Trung Hoa dân quốc) bị bệnh nặng thì chính Uông Tinh Vệ được giao trọng trách khởi thảo di chúc cho Tổng thống.

Sau khi Tôn Trung Sơn tạ thế (12/3/1925), Uông Tinh Vệ đã được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của nước Trung Hoa dân quốc và trở thành nhân vật số 1 của Quốc dân đảng sau khi các đối thủ thuộc phe hữu như Hồ Hán Dân, Liêu Trọng Khải... bị Uông loại trừ thẳng cánh.

Lo sợ bị thanh trừng, Tưởng Giới Thạch (vốn là người theo phái hữu) khi đó đang phụ trách Trường quân sự Hoàng Phố (Quảng Châu) đã ngầm xây dựng một lực lượng quân sự riêng mà nòng cốt là các học viên đang học tại trường. Ngày 20/3/1926, Tưởng tổ chức đảo chính tại Quảng Châu, công khai đàn áp những người phái tả, đặc biệt là những đảng viên Đảng Cộng sản, trực tiếp thách thức quyền lực của Uông.

Thực ra, Uông cũng là kẻ chống Cộng còn hơn cả Tưởng, nhưng cái cách Tưởng làm mà không thèm tham khảo ý kiến của Uông khiến Uông rất tức giận. Cũng từ đây, mâu thuẫn Uông - Tưởng là “một sống một chết”. Vào ngày 15/5/1926, trong cuộc hội nghị toàn thể BCH T.Ư Quốc dân đảng, với sự hậu thuẫn của phe quân sự, lấy cớ chỉnh đốn Đảng, Tưởng đã buộc được Uông phải từ chức và phải chạy sang Pháp.

Tuy nhiên, Uông không cam chịu thất bại. Sau gần một năm bị đi biệt xứ, ngày 1/4/1927, thấy tình thế bắt đầu xoay chuyển, Uông trở về TQ. Sau khi Tưởng phát động một cuộc chính biến vào ngày 12/4/1927, sát hại hàng loạt đảng viên Cộng sản, rồi thành lập Chính phủ Dân quốc gồm các phần tử phái hữu chống Cộng ở Nam Kinh (còn Chính phủ Dân quốc lúc đó đóng đô ở Vũ Hán) thì Tưởng vấp phải sự chống đối dữ dội của tất cả các phe nhóm trong Quốc dân đảng. Vì vậy tháng 8/1927, đến lượt Tưởng phải từ bỏ quyền lực và chạy sang Nhật, và quyền hành lại rơi vào tay Uông.

Sau đó, Uông - Tưởng bắt tay nhau lập ra Chính phủ Quốc dân thống nhất, lấy Nam Kinh làm thủ đô. Tới tháng 1/1928, Tưởng từ Nhật quay lại TQ và trở thành Tư lệnh quân đội, còn Uông nắm hành chính - ngoại giao. Cả hai phe lao vào đấu đá nhau kịch liệt để tranh giành quyền hành, nhưng vẫn vào hùa với nhau để chống lại Đảng Cộng sản. Thậm chí, từ ngày 18/9/1931, quân Nhật bắt đầu công khai đánh chiếm Thẩm Dương, thì Tưởng, Uông lại ra lệnh cho quân đội ở vùng Đông Bắc “tuyệt đối không được chống Nhật”.

Từ năm 1932 đến 1935, Uông đã ký với Nhật hàng loạt hiệp định “hòa binh” công nhận quyền hợp pháp của Nhật ở vùng đông bắc..., tạo điều kiện cho Nhật phát động cuộc xâm lược toàn TQ. Chính vì thế trong con mắt của người TQ thì Uông chỉ là “tên Hán gian đầu hàng Nhật”.

Tháng 7/7/1937, Nhật chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược TQ một cách toàn diện) thì mối quan hệ Tưởng - Uông trở nên phức tạp. Để xoa dịu làn sóng phản đối sự đầu hàng Nhật của Quốc dân đảng, tháng 9/1937, Tưởng đã phải chính thức thừa nhận Đảng Cộng sản TQ, tạo ra mối hợp tác Quốc - Cộng để cùng chống Nhật. Việc này khiến Tưởng có vị thế ngất ngưởng, còn Uông vừa tức vừa sợ.

Và thế là Uông lún sâu hơn nữa vào con đường phản bội Tổ quốc đã bí mật ký với Nhật một hiệp định đầu hàng, được gọi là “Trùng Quang Đường mật ước”, thừa nhận sự chiếm đóng của quân Nhật ở TQ... Đổi lại, Chính phủ Nhật sẽ công nhận Chính phủ Dân quốc do Uông đứng đầu.

Sau khi “mật ước” bị phát giác, Tưởng đã hết sức tức giận vì nó trực tiếp đe dọa tới quyền lực của Tưởng. Tưởng họp bàn với tay chân quyết khử Uông để tránh hậu họa.

Biết được tin này, Uông hết sức lo sợ và tìm cách chạy sang Nhật. Vào tháng 12/1938, Uông đã đưa gia đình và đám tùy tùng thân cận từ Trùng Khánh bí mật bay tới Côn Minh, từ Côn Minh bí mật chạy sang Hà Nội vào đầu năm 1939 và trú tại số nhà 25-27 phố Chợ Gạo (Hà Nội) là ngôi nhà 3 tầng được xây theo kiểu châu Âu.

Cũng theo Tinh, Kiệt thì Uông và vợ là Trần Bích Quân ở phòng phía trái tầng 3, tức là phòng mặt tiền của số nhà 25. Vợ chồng Tinh, Kiệt ở ngay phòng bên cạnh. Những người thân trong gia đình, vệ sĩ, lái xe người nấu bếp v.v... thì chia nhau ở các tầng 1 và tầng 2.

Theo Tinh, Kiệt thì khoảng 11h đêm 20/3/1939, người ở trong các phòng đang ngủ bỗng có tiếng súng nổ chát chúa. Kiệt vội vùng dậy chạy ra cửa ra vào thì nhìn thấy Uông cũng đang mở cửa nhìn ra. Thấy tình hình bất an, Kiệt nhanh chóng đẩy nhạc phụ quay lại phòng, đồng thời gọi vợ sang phòng bố mẹ rồi đóng cửa lại.

Sau đó, Kiệt nhẹ nhàng đi xuống tầng dưới. Vừa xuống được tầng 2 thì lại thấy tiếng súng nổ. Kiệt nép vào một góc cầu thang và nhìn thấy có người lạ, tay cầm súng chạy dọc hành lang và đóng công tắc điện. Kiệt vội vàng quay trở lại phòng mặt tiền của tầng 3 nhà 25, đóng chặt tất cả các cửa. Cả 4 người gồm vợ chồng Uông - Trần và vợ chồng Tinh - Kiệt đều ngồi sát vào góc tường, không dám thở mạnh.

Lúc này, Kiệt nghe thấy có tiếng phá cửa và tiếng súng vẫn không ngừng vang lên lẫn với những tiếng chân chạy, vội vã. Một lúc sau thấy xung quanh trở lại yên tĩnh, Kiệt nhẹ nhàng mở cửa ra ngoài xem xét tình hình.

Kiệt kể lại: "Sau khi mở cửa hành lang thông giữa phòng 25 và 27, nhìn sang phòng nhà 27 tôi thấy có lỗ thủng to ở cánh cửa. Tôi rón rén đi dọc theo hành lang rồi dùng chìa khóa riêng mở cửa bước vào thì nhìn thấy cả hai vợ chồng Tăng Trung Minh và Phương Bích Quân, thư ký của tôi đang nằm bất tỉnh, có lẽ đều bị bắn nhiều phát đạn, máu chảy đọng cả ra nền nhà. Còn cô Chu Vi (người nhà của Tăng) thì đang ngồi chết khiếp ở góc phòng. Thấy tình hình nguy cấp, tôi vội gọi to người nhà tới. Tôi bảo một người biết nói tiếng Pháp hãy gọi điện khẩn cấp báo cho cảnh sát, đồng thời gọi xe cấp cứu. Tuy nhiên, các đường dây điện thoại đều không thông. Phải rất lâu sau cảnh sát và xe cứu thương mới tới được. Viên thư ký Tăng Trung Minh chết trên đường tới bệnh viện, còn vợ là Phương Bích Quân được các bác sĩ mổ lấy đạn ra đã may mắn sống sót”.

Nghe lời kể của những người trong nhà, Kiệt đã tổng hợp lại: bọn thích khách có chừng 3 đến 4 tên đã trèo qua tường, rồi sau đó vượt qua vườn phía sau nhà 27 để đột nhập vào trong. Thấy động, tùy tùng và các vệ sĩ ra kiểm tra lập tức bị bọn chúng nổ súng, làm chết và bị thương 3 người. Những người còn lại hoảng sợ chạy dạt về các phòng rồi đóng cửa cố thủ. Bọn thích khách chạy lên tầng 3. Viên thư ký Tăng Trung Minh vừa mở cửa để xem có chuyện gì xảy ra thì nhìn thấy bọn thích khách liền đóng ngay cửa lại. Bọn thích khách, xô tới, dùng búa phá cửa. Sau khi cửa thủng một lỗ to, chúng bèn chĩa súng vào trong phòng bắn quét một loạt.

Vợ chồng viên thư ký trúng đạn, còn Châu Vi, nhanh trí ngồi sát vào góc nhà nên thoát chết. Kiệt nói: “Mọi khi cửa nhà số 25 và 27 vẫn thường mở thông thoáng với nhau. Nhưng rất may hôm đó không hiểu sao cửa lại đóng, nếu không bọn thích khách mà sang được phòng 25 thì tất cả chúng tôi chắc sẽ bị giết hết”.

Như vậy, trong cuộc “giết người hàng loạt” này đã có 5 người chết và bị thương, nhưng Uông Tinh Vệ thì “may mắn” thoát chết. Đây thực sự là một điều bí hiểm, bởi Uông mới chính là đối tượng của vụ "tàn sát" hôm đó. Và theo như lời kể chi tiết của Tinh, Kiệt thì sự may mắn đó là do cửa thông từ phòng 27 nhìn sang phòng 25, nơi vợ chồng Uông tá túc đã được đóng trước khi bọn thích khách kéo tới.

Sau này, Trần Cung Chú, tổ trưởng “tổ hành động” (tức nhóm thích khách) được kể trong hồi ký có tên “Hà Nội Uông án thủy mạt” (Đầu đuôi chuyên án Uông Tinh Vệ tại Hà Nội) và Đào Châu Sinh, một nhân viên của “tổ kể trong hồi ký" Cao Đào sự kiện thủy mạt” (Đầu đuôi sự kiện Cao Đào - tức phố Chợ Gạo) việc Uông bí mật trốn khỏi Trùng Khánh đã khiến Tưởng hết sức bối rối. Sở dĩ như vậy vì dầu sao Uông cũng là một trong những “yếu nhân” của Quốc dân đảng, hơn nữa lúc đó trên danh nghĩa Uông vẫn là đương kim TQ Quốc dân đảng phó Tổng tài (tức Phó chủ tịch Quốc dân đảng), Chủ tịch Chính phủ Quốc dân, Phó chủ tịch Ủy ban Pháp viện tối cao v.v...

Vì vậy Tưởng lập tức cho gọi Đới Lạp, trùm mật vụ Quốc dân đảng, một kẻ thân tín nhất của Tưởng, và giao nhiệm vụ: phải tìm cho được nơi Uông đang lẩn trốn, sau đó tìm cách thuyết phục Uông quay lại Trùng Khánh. Nếu không thuyết phục được thì quyết không được để Uông chạy sang Nhật, vì hậu quả sẽ không thể lường hết.

Khi Đới Lạp dò ra chỗ ở của Uông, Tưởng đã phái một số người vốn rất thân cận với Uông lần lượt tới Hà Nội, với hai mục đích: một là thuyết phục Uông quay trở lại TQ, hai là phải nắm được chi tiết ngôi nhà Uông đang cư trú “để phục vụ cho công tác đặc biệt”. Song song với việc “thuyết khách”, để thực thi nhiệm vụ “theo phương án hai”, Đới Lạp đã triệu tập những “thích khách đặc vụ” sừng sỏ nhất và giao nhiệm vụ cho từng người. Sau đó, Đới Lạp đã thân hành dẫn Trần Cung Chú tới Hà Nội và trao nhiệm vụ cụ thể.

Vẫn theo Trần Cung Chú và Đào Châu Sinh thì Uông thoát chết có thể xuất phát từ việc những thông tin về chỗ ở cụ thể của vợ chồng Uông Tinh Vệ có sai sót. Tuy nhiên, người ta vẫn không tin lắm vào điều này. Nhiều nguồn tin cho rằng có thể đây là “cách làm” của Tưởng: cảnh cáo Uông chứ không giết. Một trong những minh chứng cho điều này là sau khi việc ám sát Uông đổ bể, Trần Cung Chú đã quay trở lại TQ. Trần không những không bị Tưởng trừng trị, mà ngược lại còn được Tưởng trọng dụng hơn.

Trở lại chuyện Uông ở Hà Nội, sau khi xảy ra vụ mưu sát mấy hôm, Uông cùng vợ và những người thân bí mật chạy xuống Hải Phòng. Ngày 25/4/1939, họ bí mật lên chiếc tàu vận tải cỡ nhỏ P. Fulinhfan mang cờ Pháp để trốn về Thượng Hải và được quân Nhật đón tiếp. Ngày 31/5/1939, cả bọn lại từ Thượng Hải đáp máy bay sang Nhật. Tháng 8/1939, được sự bảo vệ của Nhật, Uông quay trở lại Thượng Hải trở thành tay sai của Nhật, lập ra chính phủ Quốc dân hung hãn chống Đảng Cộng sản TQ và chống phong trào kháng chiến.

Vào tháng 3/1943, do bệnh cũ tái phát, Uông được đưa sang Nhật cứu chữa, nhưng bệnh tình mỗi ngày mỗi nặng. Hơn một năm sau, vào lúc 4h20 chiều ngày 10/11/1944, Uông chết tại Nhật.


Nguyễn Tiến Cử (Báo CAND )

 

1 nhận xét:

NKĐ (T.9/24. 1 ) : TÂM NGUYỆN, CHƯA ỔN.,NHÚNG CHÀM, THEO MỚI,..

  1./ TÂM NGUYỆN   Vợ chồng già thay phiên vào viện Bệnh mỗi ngày chuyển biến nhiều hơn Chọn gần bệnh viện , nguồn cơn Để khi trở bệnh thì ...