Xưng hô trong tiếng Việt
BS Hồ Văn Hiền
Xưng hô là một vấn đề không nhỏ trong giao tiếp hiện nay bằng tiếng Việt, dù là người Việt nói chuyện với nhau hay giữa người nói tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai. Vấn đề này làm không ít người lớn tuổi, thủ cựu khó chịu, cũng như làm cho người trẻ bối rối và có khi tìm đường trốn tránh. Có thể tình trạng này không có gì để chê trách và ngoài ý muốn của chúng ta, vì nói cho cùng, lịch sử chúng ta dùng tiếng Việt với nhau đã hơn 2 ngàn năm. Chúng ta cũng có thể nói một cách lạc quan là cách xưng hô của chúng ta phong phú hơn tiếng Anh hay tiếng Pháp chẳng hạn, vì trong các xưng hô biểu lộ biết bao nhiêu điều ngoài ngôi thứ nhất và thứ nhì trong cuộc đối thoại, về vai vế gia đình, giai cấp xã hội, tương quan xã hội, vv mà nếu chỉ gọi nhau là "me" “moi” và "you", “toi”, “vous” thì nghe có vẻ lạt lẽo quá. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nói là cách chúng ta xưng hô phức tạp hơn vì chúng ta không có loại đại danh từ nhân xưng "one size fits all" như I, me, you. Tương tự như chúng ta có yếm để mặc trong nhà (ngày xưa), áo bà ba để đi chợ, áo dài để đi chùa, nhà thờ, đám cưới, nhưng không có bộ quần áo gọn gàng và chấp nhận được trong nhiều hoàn cảnh.
Trở ngại lớn nhất là chúng ta không có đại danh từ loại generic, trung tính, dùng lúc nào cũng được như “je, nous” (ngôi thứ nhất), tu, vous (ngôi thứ hai), il, ils hay elle, elles (ngôi thứ ba) của Pháp, hay tương tự I, we, you, she, they của Mỹ. Tiếng Nhật hình như cũng có hoàn cảnh về đại danh từ giống tiếng Việt. Theo wikipedia, tiếng Nhật, giống như tiếng Việt không có những từ ngữ thuần tuý là đại danh từ như "I, me" và "you". Như tiếng Việt, họ dùng những danh từ (nouns) đóng vai đại danh từ. Ví dụ:để chỉ "I" họ dùng 私 "watashi" có nghĩa là (tư, private, personal" hay 僕 "boku" có nghĩa là người tôi tớ nam (Hoa : Pú; Hán Việt: Bộc).
Ngôn ngữ cần hay không cần chủ từ
Trong ngữ học, có những ngôn ngữ mà người ta có thể không dùng chủ từ trong một mệnh đề độc lập (null subject language như Nhật, Hoa, Ý, La tinh) hoặc không dùng đại danh từ trong một mệnh đề độc lập (pronoun-dropping language, pro-drop languages); ví dụ Hoa ngữ, hay trong tiếng Nhật, Hàn không những đại danh từ bị loại trong ngôi chủ từ mà còn bị loại trong đa số hoàn cảnh văn phạm khác. Khác với tiếng “non-pro-drop languages”, ví dụ trong tiếng Anh hay tiếng Pháp bắt buộc phải có chủ từ (subject), trừ trường hợp mệnh lệnh (imperative form, ví dụ "stop talking")..
Bàn về null-subject, hay pro-drop languages, tiếng Spanish thường hay bỏ luôn đại danh từ: Ví dụ họ nói "Creo que si" có nghĩa "tôi nghĩ là có" (I think so); không dùng đại danh từ Yo là tôi; Trong "creo" đã bao hàm ngôi thứ thất của động từ ‘creer’ (tin).
Một ví dụ nữa là câu "Je pense donc je suis" của Descartes, lúc dịch ra tiếng La-tinh không cần dịch chủ từ ‘tôi’: "Cogito, ergo sum".(Tôi tư duy, do đó tôi hiện hữu) (1,2). Trong la tinh, người ta chia các động từ theo ngôi thứ (désinences), các đại danh từ như "tôi" có hiện hữu nhưng chỉ dùng để nhấn mạnh hay phân biệt rõ hay chủ từ khác nhau (13). Có lẽ tiếng Việt chúng ta cũng vậy, chúng ta thường nói ‘trổng’, không dùng chủ từ như trong:
-"Ăn trái, nhớ kẻ trồng cây";
-"Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.."
(Nguyễn Công Trứ).
Có lẽ vì vậy mà chúng ta không có những đại danh từ tương đương với "I""me" "you" chăng? Hơn nữa, cho đến thế kỷ thứ 19, tiếng Việt phần lớn được dùng để nói (ít khi dùng trong văn tự do ít người biết và dùng chữ nôm để viết), mà lúc hai ba người nói chuyện với nhau, ngôi thứ nhất, hai hay ba đã tự nó rõ ràng. Ví dụ trong mẫu đối thoại sau đây:
Chồng: Hôm nay (tôi) làm việc mệt quá!
Vợ: Sao (anh) về trể quá vậy?
Con:(Con) đói bụng quá!
Vợ: (Em, má, tôi) Nghe rồi. Mệt quá. Thôi, (mình) ăn liền giờ,(em, má, tôi) đi xuống bếp hâm (đồ ăn) đây!
Trong văn viết, hoặc văn nói nghi thức (formal), và cũng có thể vì chúng ta bị ảnh hưởng lúc dịch tiếng Anh và tiếng Pháp trong lúc xây dựng văn chương bằng chữ quốc ngữ, chúng ta phải cần đến các đại danh từ danh xưng (personal pronouns) nhiều hơn trước.
Đồng thời với Phan Khôi,thơ mới và Việt văn mới (ví dụ tự Lực Văn Đoàn) theo trào lưu chủ nghĩa lãng mạng của Châu Âu, nhất là Pháp, và không ngần ngại đề cao cái tôi, cái ta, và đương nhiên kèm theo cái "em" hay "nàng":
"Tôi là người bộ hành phiêu lãng,
Đường trần gian xuôi ngược để vui chơi..." (Thế Lữ)
Chẳng phải vì anh chẳng tại em:
Hoa thu tàn tạ rụng bên thềm.
Ái tình sớm nở chiều phai rụng:
Chẳng phải vì anh chẳng tại em..."(Thái Can, 1934)
Ngôi thứ nhất và nhì:
Ngày xưa văn tự chữ Hán là lối diễn tả chính thức của Việt nam chúng ta. Chữ "tôi" trong chữ Hán là "ngô". Ví dụ, thời cổ đại, Khổng tử nói:"Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học..." (Ta tới mười lăm tuổi mới chuyên-chú vào việc học). Nhĩ là “ông”,” bà”, mày, "anh", "you". Tiếng Hoa hiện nay, đại danh từ ngôi thứ nhất là “Ngã” [我][wǒ] và ngôi thứ nhì là “Nhĩ” [你][Nǐ], là "ngộ" và "nị" của người Tàu Chợ Lớn thời nay, đọc theo giọng Quảng Đông. Tuy nhiên, có lẽ vì tiếng Việt (nói) có thể xuất hiện trước hoặc cùng lúc với tiếng Hán, chúng ta hiện nay không dùng xưng hô theo biến thể của hai chữ này. Khác với trường hợp tiếng Pháp, Đức. Trường hợp tiếng Pháp, xuất hiện sau tiếng la tinh; chữ "je" gốc tiếng la-tinh là eo (panroman/la-tinh bình dân) hay ( ego la-tinh kinh điển). Và trong tiếng Anh, cũng thành hình sau tiếng Đức, chữ "I" ( vd: I love you) gốc Đức là ich, cũng từ la-tinh ego mà ra.(3,4)
Chúng ta xưng: “tôi, tui, con, cháu, tớ, tao, qua” để chỉ chính mình. Giản dị và phổ biến là xưng tên mình, giữa người ngang hàng với nhau, thân mật hay thân thiện,hay phụ nữ với nam giới, hay trẻ em với người lớn, em với anh chị. Một khoa học gia nữ nổi tiếng cũng xưng tên lúc nói chuyện với một hội chuyên gia tại Canada, có lẽ trong đó có những người mà chúng ta hay gọi là "quý cố bác, các bậc trưởng thượng" cùng với người đồng lứa hoặc trẻ hơn. Các MC trong các buổi trình diễn ca nhạc, nhất là phụ nữ cũng xưng tên, nhưng nam giới lớn tuổi thì không; ví dụ MC NNN (gốc Bắc) xưng là tôi, MC NL xưng là chúng tôi, trong lúc MC VTh, người miền Nam, trẻ hơn thì xưng bằng tên.
"Tôi" là của tiếng nôm (Việt), trong cách viết dùng chữ "toái" (chữ Hán, có nghĩa là vỡ tan, nhưng đọc giống như "tôi"); "tôi" không có trong tự điển chữ Hán Việt của Đào Duy Anh. Ngày xưa vua tự xưng là trẩm, thầy giáo tự xưng là "thầy", người nghèo tự xưng là "con", vợ xưng là "thiếp" (trong văn chương). Ngôi thứ hai: "mày", hay "mi" để gọi người dưới, là tiếng nôm (thuần Việt), trong cách viết chữ Nôm được biểu hiện bằng chữ Hán ‘mi’ [眉], trong chữ Hán có nghĩa là lông mày (eyebrow/ cũng như chúng ta gọi "lông mi" (eyelashes). Trong ca dao, hát ru con là những thể loại có thể xưa nhất "mày" cũng thường được dùng :
Cái cò cái vạc cái nông,
Sao mày giẫm lúa nhà ông hỡi cò...
Cái ngủ mày ngủ cho ngoan,
Để mẹ đi cấy đồng xa trưa về.
Do xã hội đặt nặng về tôn ty trật tự xã hội cũng như huyết thống, do đó chúng ta cũng như Nhật, Hàn luôn luôn phải minh định vai trò của người đối thoại/ đối diện như cha, anh, em, bác, chú, cô hay cụ, ngài, bệ hạ, quan lớn,... mà ít khi dùng đến từ ngữ "mày", thuần là đại danh từ nhưng chỉ hạn chế trong hoàn cảnh không ít thì nhiều miệt thị.
Nguyễn Phú Phong trong trang báo mạng "Chim Việt Cành Nam" có nhắc chi tiết về ý nghĩa đại danh từ "tôi" và "mày, tao" vào thế kỷ thứ 17, theo nhận xét của giáo sĩ Dòng Tên Alexandre de Rhodes đang nghiên cứu về tiếng Việt (1651). Người Việt ở địa vị bề trên thời đó xưng mình là ‘tao’ và gọi kẻ dưới là 'mày', tuy vợ cũng được gọi là 'mày' "mà không có sự nhục mạ nào. Ngược lại, người vợ xưng mình là 'tôi' (ancilla, tôi đòi) lúc nói chuyện với chồng. Rhodes cũng đặt giả thuyế là nếu trường hợp vua Việt Nam nói chuyện với mẹ của mình, hay nếu Đức Mẹ Maria đối thoại với Jesus ( là con của mình, nhưng cũng là Chúa Con) thì xưng bằng "tôi' cũng là thích hợp. Tác giả cho rằng kết hợp danh từ 'tôi' trong 'tôi đòi'với ý khiêm nhường để tạo nên đại danh từ ngôi thứ nhất "tôi" được tiến hành trong thế kỷ thứ 17.(5)
Miền Nam và miền Trung trước đây, trai có thể xưng "qua" (anh, tôi) và gọi người con gái, vợ là "bậu" (em, người yêu, vợ).
Ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra
Bậu ra cho khỏi tay ta
Cái xương bậu nát, cái da bậu mềm.
Cũng như "qua", có lẽ nguồn gốc từ bậu do tiếng Triều Châu," “pa_u” hay “pấu” hay “bô” (giọng đọc khác nhau tùy vùng: Bạc Liêu, Nam Vang, Sài Gòn) là vợ, hoặc đàn bà, không phân biệt ngôi thứ, một danh từ thuộc vào loại văn nói của người thiểu số Triều Châu (hay người Mạ, theo Bình Nguyên Lộc) nên không có chữ viết, tức bình thường là từ ngữ cũ của người sống ở đất Hoa Nam trước khi vùng nầy bị người Hán hoá (theo Lê Ngọc Trụ, được Lê Tấn Tài trích dẫn):
Đờn cò lên trục kêu vang
Qua còn thương bậu, bậu khoan có chồng...(10)
Ngôi thứ ba:
Đại danh từ ngôi thứ 3: “nó, y, nghỉ, chàng, nàng anh ta, cô ta, bà ta”; số nhiều: “chúng nó, bọn họ,tụi nó, người ta”. Tiếng Anh và tiếng Pháp hơi vướng mắc trong ngôi thứ 3: “he, she” tiếng Anh và “il, elle, ils, elles” phân biệt giới tính của người (hay giới tính của danh từ trong tiếng Pháp, ví dụ "le Vietnam" được thế bằng ‘il’ nhưng "la France" (giống cái, feminin) thì thế bằng "elle"). Vì hiện nay, có những trường hợp nói chung, có thể áp dụng cho nam cũng như nữ, người Mỹ muốn bình đẳng giới tính đã phải tạo cho những giải pháp ngữ học mới như "he or she" hay mới đây nhất, thế "he or she" bằng “they” (theo số ít). Ví dụ, trước đây “he, his” đại diện cho hai phái:
A doctor has to be polite to his patient; he must be willing to answer all his questions.
(Bác sĩ phải lịch sự với bịnh nhân, và phải sẳn sàng trả lời câu hỏi của họ).
hiện nay nói như thế bị gán cho tội ‘sexist’ (kỳ thị giới tính) và phải viết như sau nếu muốn "đúng đường lối" (PC, politically correct):
A doctor has to be polite to his or her patients; he or she must be willing to answer his or her questions.(6)
Gần đây ngôi vị "Từ Anh ngữ của năm 2015" được hội American Dialect Society (Hội Phương Ngữ Hoa Kỳ) là từ "THEY" để thay thế cho he/she ( "he" hay "she") lúc người ta muốn nhắc đến một nhân vật thứ ba mà không cần chỉ rõ là nam hay nữ giới.(7)
Do đó, câu trên đổi là:
A doctor has to be polite to their patients; they must be willing to answer to their questions.
Xưng hô theo hoàn cảnh:
Nói chung, xưng hô được quyết định do vai vế trong gia đình, gia tộc, tuổi tác và địa vị xã hội. Hiện nay, đơn vị gia đình thật sự sinh hoạt với nhau càng ngày càng nhỏ lại (vợ chồng, có con hay không, trong thời lượng khá giới hạn, vì hai vợ chồng đều đi làm, có khi đi sớm về khuya trong các nghề như làm tiệm ăn, làm nail, làm y tá); con cái thì ngủ sớm, dậy sớm cho kịp xe bus của trường học. Ít tương tác với nhau thì tương quan cũng nhạt đi, vai trò trong tập thể nhỏ đó cũng ít định hình rõ rệt, vai vế cũng lu mờ đi. Ví dụ, cô vợ lớn tuổi hơn chồng, học cao hơn chồng, làm nhiều tiền hơn chồng có muốn tự xưng là em không? Ông chồng hiện nay xem vợ là người ngang hàng, mọi việc gì cũng chia nhau mà làm, từ rửa chén cho đến cho con bú, còn thấy tự tin đủ để xưng mình là anh hay không?
Một số cặp sống với nhau lâu trong tương quan bình đẳng, bên "tám lạng, bên nửa cân " như thế cuối cùng gọi chồng là "ông", gọi vợ là "bà", có lẽ là gọi theo cháu, hay là gọi "má thằng cu Tý", "má xấp nhỏ", "ba thằng Tèo", để cho nó tiện, mà cũng tránh không muốn biểu lộ tình cảm cá nhân ra ngoài như lúc gọi bằng "mình".
Một tiếng hơi giống "mình" là "min" của vùng Nghệ An, Hà Tỉnh, ví dụ trong chuyện Kiều, đoạn Tú Bà tức giận chồng đã chăn gối với Thuý Kiều:"Này này sự đã quả nhiên (câu 844), Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi!" (câu 845); hay Nguyễn Đình Chiểu "Min đấy chẳng phải các thầy".
Nhớ ngày xưa, trong báo Phổ Thông của Nguyễn Vỹ có mục "Mình ơi", trong đó bà vợ nêu lên vấn đề nào đó muốn tìm hiểu, kêu "Mình ơi!", và Ông Tú, nhân vật chồng chuyện gì cũng biết, cáu nhàu yêu "Lại mình ơi!" và bắt đầu đóng vai ông thầy dạy dỗ cho vợ...Bây giờ, chắc không có chuyện như vậy nữa. Quý cô học giỏi hơn quý cậu trong các đại học và ít còn tuỳ thuộc vào các đấng nam nhi như ngày xưa.
Một tương quan khác cũng khó giải quyết là lúc người trẻ nói chuyện với người lớn tuổi hơn. Bây giờ thì người trên trung niên đi đâu cũng được gọi là chú. Ngày xưa, nếu người đối diện già hơn ba mình thì các người trẻ được dạy dùng từ "bác", nếu trẻ hơn cha gọi bằng chú. Tuy nhiên có nhiều người chê từ "chú" nên trong một số hoàn cảnh, người trẻ có thể thấy gọi bằng "bác" cho chắc ăn, dù người đó có vẻ bằng vai chú mình thôi. Ngược lại, nhiều người lại thắc mắc "đừng gọi anh bằng chú", với nhiều hậu ý khác nhau, hoặc họ muốn thấy mình trẻ hơn (xứ Mỹ này, người ta sợ già lắm), hoặc họ muốn gần gũi hơn với người trẻ.
Xưng hô giữa thầy giáo và học trò trong trường học đôi khi cũng gặp khó khăn. Theo một bài trong báo Thanh Niên, có thầy giáo dạy các em tiểu học mà xưng ‘tôi’, gọi các em là "các anh các chị", dạy trung học chỉ hơn học sinh vài tuổi mà xưng là “thầy, cô” và gọi học trò là “các con”, hay có thầy xưng là “mình” và gọi trò "các bạn", và cuối cùng còn có thầy còn cố gắng thân mật xưng hô "mày-tao" với học trò. Bài báo cho rằng xưng hô với học trò vẫn là "một nghệ thuật", và do tình trạng phức tạp của các đại danh từ nhân xưng của tiếng Việt, có vẻ như các trường hợp thầy cô "lệch chuẩn" vẫn sẽ xảy ra vì chưa có chuẩn nào được xác định cho mọi trường hợp.(8-9)
Xưng hô cũng trở thành rắc rối với một số bậc tu hành. Ví dụ một số linh mục hiện nay khiêm nhường tự xưng là "con", nhất là nói với người lớn tuổi hơn, trong lúc người kia cũng xưng mình là "con" và gọi vị linh mục là "Cha". Ngày xưa, trong sách vở các nhà sư tự xưng là "bần tăng" (sư nghèo), hiện nay hình như xưng tôi.
Bác sĩ cũng ở vị thế xưng hô khó giải quyết. Trong các phim Việt Nam, tôi nghe người bác sĩ trẻ xưng là "em" với bịnh nhân. Không biết có phổ biến hay không, nhưng có vẻ không "chuyên nghiệp" lắm, vì ở Việt Nam vẫn đề cao câu " Lương Y Như Từ Mẫu" (người chữa bịnh nhận vai trò người mẹ săn sóc con) được treo khắp nơi, và ngoài ra tương quan bác sĩ-bịnh nhân đòi hỏi một khoảng cách và đôi khi một lượng thẩm quyền cần thiết.
Xưng hô trong lịch sử:
Ở Miền Nam trước đây, đôi khi người ta dùng từ "ngài" trong một số trường hợp đặc biệt rất trịnh trọng. "Ngài" được dùng để nói với hoặc nói về bậc đáng kính, ví dụ "thưa ngài". Trong cách viết của chữ nôm, chữ nhân [người] được ghép với 1/2 chữ "ngại"( trong trở ngại, ngập ngừng) của chữ Hán. (Trần văn Kiệm). Nửa thế kỷ trước, nghe nói Tổng thống Ngô Đình Diệm rất trọng các trí thức cao cấp và hình như gọi một giáo sư trường Đại học luật là "ngài". Ngày xưa "ngài" cũng được dùng cho vua chúa, hay thần thánh. Hiện nay, ở Việt Nam có vẻ dùng "ngài" để dịch "Sir", từ đại sứ cho đến tổng thống trong văn kiện chính thức, tương tự như Your Excellency, Your Eminence (ví dụ "Ngài Obama").Mấy chục năm gần đây, giới khoa bảng ở Việt nam nở rộ lên, rất có nhiều người có bằng cấp hậu đại học (sau cử nhân) hơn trước, cả chục ngàn Giáo sư, có trên hai chục ngàn tiến sĩ và có lẽ còn nhiều thạc sĩ hơn nữa. Các vị này cũng xuất hiện trên truyền thông nhiều hơn và cách xưng hô cũng trịnh trọng hơn trước nhiều, ví dụ bắt đầu câu hỏi bằng "Thưa Giáo sư Tiến sĩ, thưa Tiến sĩ XXX...".
Trong lãnh vực chính trị, cách chúng ta gọi nhau cũng thay đổi với ý thức chính trị,nhất là về ý thức "quốc gia", độc lập. Trong bài quốc ca của VNCH, đặt tên là "Tiếng gọi công dân" (1948, chính phủ Nguyễn văn Xuân), chúng ta bắt đầu gọi nhau là "công dân". Bắt đầu bài hát "Này công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng/ hay đứng lên đáp lời sông núi..." thế vào câu "này sinh viên ơi, quốc gia đến ngày giải phóng" trong nguyên bản "Sinh viên hành khúc/ La marche des étudiants" (hay “Thanh niên hành khúc”) nhạc của Lưu Hữu Phước, lời của Mai Văn Bộ (1939):
Này sinh viên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi!..
Từ Pháp "citoyen" (tiếng Anh là citizen), nguyên gốc có nghĩa là người dân thành phố, được dùng sau cách mạng Bastille (1789) vì người ta muốn loại bỏ các chức tước của vua chúa hay quý tộc. Đồng thời, những người theo chủ nghĩa xã hội Pháp bắt đầu dùng "camarade" (bạn, bạn cùng lớp) cho nghĩa mang màu sắc chính trị, để biểu lộ bình đẳng và đoàn kết. Sau này, cách mạng của người Bolshevik dùng lại danh từ này trong khung cảnh của xã hội mới của Nga, từ bỏ quý tộc và giai cấp của chế độ Nga hoàng bị lật đổ. Từ đồng chí có lẽ được Trung Cọng dùng sau đó và phổ biến qua Việt Nam. Tuy nhiên, theo wikipedia, ở Liên xô, trái với các tài liệu, phim ảnh tây phương cho thấy, "Tovaritch" chỉ được dùng giới hạn trong những trường hợp chính thức như "đồng chí đại tá", các bài diễn văn. Người ta gọi nhau là "anh chị" nhiều hơn ("jeune homme/femme")... Còn nhớ, những ngày đầu sau 30 tháng 4 năm 1975, một số người "bé cái lầm" lúc gặp các cán bộ, bộ đội và gọi họ là "đồng chí", bị họ sửa sai lại ngay. Phải gọi là “cán bộ”.
David G. Marr, tác giả người Mỹ của cuốn sách "Xét XửTruyền Thống Việt Nam, 1920-1945" (Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945; University of California Press) nói về chuyển biến của xã hội nước ta trong các thập niên chuẩn bị ý thức chính trị và văn hoá cho phong trào dành độc lập năm 1945 khi chiến tranh thế giới thứ 2 sắp chấm dứt và thiết lập một trật tự mới ở Á châu.
Ông bàn kỹ về vấn đề xưng hô này và diễn biến các thay đổi đưa đến lối xưng hô phổ biến hiện nay (trang 172-175). Theo Marr, tiếng Việt có đặc điểm không có từ tương tự như "you" và người ta tránh nhắc đến bản thân người nói là "I". Lúc những trí thức Việt đặt vấn đề với các truyền thống, họ muốn dùng ngôn ngữ như là một dụng cụ để hoặc 'ức chế hoặc khơi động các biến đổi xã hội". Do đó, một tác giả trẻ Trần Huy Liệu nhận xét người ta coi thường, khinh khi những người nông dân là "kẻ" (? ví dụ kẻ chân lấm tay bùn), người thợ bị gọi là "chú' (em cha)(? vd chú thợ nề), và tệ hơn nữa, người buôn bán thì kêu họ là "con" (có lẽ như trong"con buôn"). Trong khi đó, thì vợ các ông đồ nay đã hết thời cũng còn được gọi là "bà" (grandmother) hay cô (paternal aunt). Phan Khôi thì đưa ra giả thuyết là ngày xưa, người Việt gọi nhau là "mày, tao", nhưng vì giai cấp xã hội phân hoá và người ta "phú quý sinh lễ nghĩa" nên cách xưng hô mới trở thành phức tạp như vậy. Phan Khôi đề nghị một số biện pháp giới hạn, như dùng chữ "tôi" nhiều hơn (trong quá khứ "tôi" của tương quan vua-tôi), giới hạn "nó" cho thú vật, không dùng cho người vì nó có ý khinh miệt (derogatory), và dùng từ "họ" (chỉ gia đình, dòng họ) để mô tả người ngôi thứ 3 số nhiều (they). Không tới chục năm sau, hai trong ba đề nghị này được giới văn chương dùng phổ biến ("tôi" và "họ").
Theo Marr, từ "dân" trước đây dùng để chỉ "con dân" là con cái của người cai trị, vua chúa cai trị, và được hiểu rộng ra để chỉ người dân của một nước, quốc gia hiện đại (citizens of a modern state). Người Pháp bắt đẩu dùng từ "dân" và "công dân" mới được chế ra (citizen ; trong tiếng Pháp là citoyen) để thúc dục người Việt đóng thuế và tôn trọng luật pháp thuộc địa. Một quan chức quan trọng người Pháp soạn một cẩm nang tựa đề "Dân quê nên biết" và vì không biết dịch chữ đại danh từ "you/vous" ra sao, ông ta gọi những người ngày bằng từ "người" (tương đối vô hại về chính trị, "politically neutral"), nhưng có lúc ông cũng lở lời gọi họ là "người nhà quê", theo tác giả có ý nghĩa miệt thị. Ngược lại, theo phân tích của tác giả, lúc muốn lấy lòng các tinh hoa địa phương để họ đồng ý dùng quỹ của làng xây trường tiểu học thuộc địa, các vị này được gọi là các bậc "lão thành" (tác giả dịch là “old and wise”) hay "tiên sinh" (sir). Theo Marr, lúc phát biểu nơi công cọng, dùng "ông bà", kèm theo các thưa gời khác nếu cần, tuỳ theo cử toạ; các diễn giả khác muốn có vẻ "dân chủ " hơn thì nói "anh chị em" hay "các bạn". Từ tháng 8, 1945, danh từ "đồng chí" được dùng phổ biến ra ngoài phạm vi các đảng viên đảng Cọng Sản, tương tự như từ "citoyen" (công dân) được người Pháp dùng phổ biến gọi nhau sau cách mạng Bastille 1789. Có lúc "đồng chí" được kèm thêm một từ "anh" trở thành "anh đồng chí", một hình thức mà Marr mô tả là "ritualized character" (có tính cách nghi lễ, trịnh trọng hơn, không bình dân bình đẳng như "đồng chí"). Riêng Hồ Chí Minh (sinh 1890) thì xưng mình là “bác”, Tổng thống N. Đ. Diệm cũng như TT Nguyễn Văn Thiệu đều xưng là "tôi".
Bà Nguyễn Đức Nhuận ("Tôi hay là em?" Phụ Nữ Tân Văn, 25/9/1930) đề nghị phụ nữ không tự xưng là "em", "con" hay "tớ" nữa, mà là "ta" (hơi kiêu căng) hay 'tôi" có thể dễ chấp nhận hơn. Các nữ sĩ bắt đầu dùng "tôi" trong khi viết, tuy nhiên trong gia đình "em" vẫn thịnh hành. Dù sao thì cuộc tranh luận cũng giúp cho các cặp vợ chồng nhẹ nhàng với nhau hơn trong lời nói. Đặng Văn Bảy trong bài "Nam nữ bình quyền" (Saigon 1928) khuyên các ông chồng đừng "mày, tao" với vợ nữa, và nếu được vậy, mong rằng các bà không còn nhắc đến ông chồng mình là 'nó" hay "thằng đó" nữa.
Một đề nghị khác của Phan Khôi trong giai đoạn này khá thú vị, được các văn gia áp dụng trong gia đoạn cuối thập niên 1930, và được Marr nhắc đến. Phan Khôi chỉ trích cách học giả và sử gia phân biệt chính và tà, gọi những người 'tốt" là "ông", còn những kẻ bị phê phán thỉ bị gọi trổng bằng tên, hay tệ hơn gọi bằng "thằng". Phan Khôi đề nghị chỉ dùng tên thôi, chẳng ông mà cũng chẳng thằng, để bình đẳng và không thiên vị, để độc giả tự mình phán xét. Đáng chú ý, là trong mấy chục năm gần đây, ngôn ngữ "ông" và "thằng" để phân biệt phe ta, phe nó được dùng thịnh hành ở Việt Nam, mặc dù báo chí thế giới, không hẹn mà gặp đi theo hướng nhìn của nhà cách mạng văn hoá của Việt Nam gần một thế kỷ trước (ví dụ họ chỉ nói Barack Obama, Hillary Clinton, không dùng Mr. hay Mrs). Hy vọng đề nghị bình đẳng hoá, không thiên vị của Phan Khôi sẽ được xét thêm một lần nữa và dùng lại ở Việt nam một cách phổ cập.
“Cái tôi đáng ghét"
Một khía cạnh khác qua vấn đề này là người Việt chúng ta có khuynh hướng tránh dùng chữ tôi. Tiếng Pháp có câu “Cái tôi đáng ghét" (Le moi est haissable) do Blaise Pascal, nhà triết học và toán học Pháp thế kỷ thứ 17 đã từng nói để chỉ trích thói tự chiêm ngưỡng của người đời (narcissism). Từ đó cũng có thể hiểu thành "Chữ tôi đáng ghét" và do đó một cái luật, có thể bất thành văn, là tránh dùng chữ "tôi", và có thể câu nói này đã ảnh hưởng đến cách ăn nói của chúng ta cho đến nay. Hiện nay, một số người viết tiếng Việt không dùng từ "tôi" mà xưng là "kẻ viết bài này" hay "tác giả bài này" để chỉ chính mình. Một lối khác là dùng chữ "chúng tôi" trong lúc người viết hay người nói chỉ là một người thôi nghĩa là số ít. Ví dụ, trong một chương trình ca nhạc Việt Nam tại Mỹ, người điều khiển chương trình trong tuổi 70, có lẽ theo xưa, tự giới thiệu: "Chúng tôi là N.L." trong khi đó, ở Mỹ, một bác sĩ sẽ thường tự giới thiệu là "My name is Dr. X" (Tôi là Bác sĩ X).
Theo tự điển wikipedia tiếng Pháp, chữ "nous" (chúng tôi) chỉ dùng cho ngôi thứ nhất, số ít thay cho "tôi" (je, premiere personne, singulier) trong hai trường hợp:
1) Số ít cho vua chúa dùng (singulier de majesté).
2) Số ít khiêm tốn (singulier de modestie)
Trong tiếng la-tinh, chữ "nous" lại được dùng để chứng tỏ sự khiêm tốn; cũng được các tác giả phái nữ dùng trong văn chương hiện nay để nhẹ bớt câu văn.(10)
Trong quá khứ, ngôi thứ nhất "I " hay "we" cũng được thế bằng cụm từ “the authors” ("tác giả”) trong một số lớn các bài khoa học tiếng Anh để có vẻ khách quan hơn; ví dụ : “The authors performed the essay” thay vì “We performed this assay”. Trong cách viết văn của người Mỹ hiện nay, vì muốn thành thật và giản dị, họ dùng thắng đại danh từ số ngôi thứ nhất là “I”, “we” và không bóng gió như kiểu xưa nữa, mặc dù một số người vẫn chủ trương khoa học là khoa học khách quan, không nên để lọt cái "tôi" hay "chúng tôi" chủ quan của tác giả vào đó, trừ những lúc biện luận muốn nêu ý kiến cá nhân.(10)
Thời còn nhiều ảnh hưởng Pháp 40-50 năm trước, các người giới tây học hay xưng "moi" (tôi), "toi", "lui” (đọc theo Việt Nam là "luỷ" ) hay "elle" (ẻn) vừa làm chủ từ hay túc từ. Ví dụ: “Hôm qua, moi đi dạo Catinat, có thấy toa đi chơi với bạn gái, toi biết ẻn từ hồi nào vậy? “ Bây giờ nhiều người trẻ gọi nhau bằng "you" hay "me"; ví dụ: "Hôm qua, “mi” không có nhà, you có gọi cho mi phải không?. Một số khác thì dịch là "mày tao", không kể vai vế; ví dụ "Hôm qua thằng boss nó khen tao, nó nói "mày làm việc giỏi quá, tao sẽ cho mày lên lương." Chúng ta có thể bực mình, và có lúc còn muốn nhảy ra sửa sai. Tuy nhiên, nghe mãi cũng thành quen, và thật ra nếu giải thích cho người trẻ hiểu tại sao không nên nói như vậy thì rắc rối và dài dòng quá. Cũng trong ngữ cảnh này, tôi nhận thấy trong các phim Việt Nam, các người trẻ dùng "cậu" để xưng hô với nhau, bất kể trai gái, tuy rằng hình như chỉ dùng ở miền Bắc.
Nói tóm lại, ngay từ những ngày đầu thế kỷ thứ 20 lúc mà chữ "quốc ngữ" dùng mẫu tự la-tinh gần như hoàn toàn thay thế chữ Hán, và người Việt đã từng tìm kiếm những lối diễn tả mới và giản dị hơn để thích ứng với xã hội dân chủ và văn hoá giao tiếp mới. Phan Khôi là một trong những người tiên phong với thành quả của tiếng xưng "tôi" và "họ" trong ngôn ngữ thường ngày hiện nay.
Tuy nhiên, tôi nghĩ chữ "tôi" hay "chúng tôi" chưa hoàn toàn đạt được tính cách trung lập, không nhuốm màu ngôi thứ, giai cấp, tuổi tác của các đại danh từ ‘I’, ‘me’, ‘we’,’us’, ‘you’, ‘they’... trong tiếng Anh, ‘je’,’moi’, ‘nous’, trong tiếng Pháp, hay những từ tương tự mà những tiếng quan trọng khác như tiếng Hoa, tiếng Spanish (‘yo’, ‘nosotros’), tiếng Nga (я, мы) đều có. Một số người trẻ gốc Việt ở Mỹ dùng từ "mình" trong mục đích này (cho ‘I’ ‘we’), một cách tình cờ không cố ý. Tất nhiên, đối với thế hệ lớn hơn, ‘mình’ có vẻ gần gủi, thân thiện không đúng chỗ trong một số hoàn cảnh. Biết đâu, dần dần, nếu dùng nhiều, chúng ta sẽ quen với 'mình' thôi, như ngày xưa chúng ta từ từ chấp nhận tiếng ‘tôi’.
Một cách đơn giản và có vẻ có cơ may được áp dụng dễ dàng là dùng tiếng Esperanto để giải quyết. Ngôn ngữ nhân tạo này do một bác sĩ chuyên khoa mắt người Do Thái công bố năm 1887, hiện nay được chừng 20 triệu người dùng như một "ngôn ngữ quốc tế phụ" (constructed international auxiliary language). Trong Esperanto: tôi=mi, anh, chị, ông, bà (you)=vi, nó (he)=li; nàng, cô, ấy (she)=ŝi, we=ni, vv.. "I love you" sẽ thành "mi amas vin". Trong tiếng Việt, các cô các cậu sẽ nói câu này mà không cần phân chia già trẻ, giới tính, đồng tính hay transexual, hợp với xã hội hiện nay: "Mi yêu vin"!
Nhìn vấn đề một cách khác, ngôn ngữ Việt sẽ có đời sống riêng của nó và vài chục năm nữa sẽ giải quyết các nhu cầu riêng của mình theo cách riêng của đại đa số người nói tiếng Việt ở Việt Nam. Cách dùng đại từ danh xưng của hai cường quốc Á đông lân cận, Nhật cũng như Hàn quốc, có nhiều điểm tương đồng với tiếng Việt. Họ cũng phải thích ứng với những tình huống ngôn ngữ mới do hội nhập vào thế giới "phẳng" hiện nay mà Anh ngữ ngự trị. Có thể chúng ta sẽ tham khảo kinh nghiệm của Nhật và Hàn trong lúc tìm những lối nói mới cho tiếng Việt.
Tuy nhiên trước mắt, người Việt dùng nhiều thứ tiếng, người trong nước học tiếng Anh, Nhật, Hàn, vv…; báo chí trong nước dịch ào ạt hàng ngày các tin tức tiếng Anh, Hoa; lồng tiếng các phim Hàn quốc, Hoa ngữ; người Việt ở ngoại quốc dịch các sách, bài vở tiếng Anh, Pháp ra Việt ngữ, hoặc đem những ý niệm nguyên thuỷ từ ngoại ngữ cho người đọc hay thính giả tiếng Việt. Trong Anh ngữ, gần đây, người ta nói về "metalinguistic awareness", một sự ý thức về khả năng suy nghĩ về ý nghĩa của ngôn ngữ trong tương quan giữa nó với những yếu tố văn hoá khác của xã hội. Những cơ hội đó càng ngày càng tăng "ý thức siêu ngôn ngữ học" trong người dùng tiếng Việt. Chúng ta so sánh nhiều hơn tiếng mẹ đẻ với các thứ tiếng khác nhất là tiếng Anh, do đó chúng ta tìm những giải pháp không phải để "cải thiện" tiêng Việt, mà đúng hơn, giúp cho tiếng Việt, cũng như văn hoá Việt gắn liền với nó, hội nhập dễ dàng hơn với ngôn ngữ và văn hoá thế giới.
Tham khảo:
1) Wikipedia: Pro-drop languages
https://en.wikipedia.org/wiki/Pro-drop_language
2) Wikipedia; Null-subject language
https://en.wikipedia.org/wiki/Null-subject_language#Chinese
3)L.m. Anthony Trần Văn Kiệm Giúp Đọc Nôm Và Hán Việt
4)https://fr.wikipedia.org/wiki/Personne_(grammaire)
5)”Cái nghĩa nước đôi của tôi khiến A. de Rhodes trong tập Brevis Declaratio, phụ lục cho cuốn Dictionarium (1651) đã phải bàn luận khá chi tiết về việc sử dụng từ tôi như một đại từ chỉ ngôi. De Rhodes ở chương De Pronominibus nêu rõ trường hợp khi một người bề trên nói với kẻ dưới thì dùng từ tao để tự xưng, còn từ chỉ ngôi 2 là mày. De Rhodes nhận xét rằng thời đó người chồng tự xưng mình là tao, gọi vợ bằng mày mà không có sự nhục mạ nào. Ngược lại người vợ phải dùng tôi 'ancilla (nữ tỳ)' để tự chỉ mình khi nói chuyện với chồng. Vì phải để tâm đến cái nghĩa từ vựng 'nữ tỳ' còn đậm nét của đại từ tôi nên de Rhodes đã xét đến cách dùng tôi trong hai trường hợp tế nhị : vua nước Đông Kinh (tức là vua Lê hay chúa Trịnh) dùng từ gì để tự chỉ mình khi hầu chuyện với mẹ vua ; và Đức Mẹ Đồng Trinh (Virginem Matrem) có thể dùng từ gì để tự xưng mình khi đối thoại với người Con nhưng đồng thời cũng là Đức Chúa trời (Filio Deo). Trong cả hai trường hợp này, de Rhodes cho rằng tôi đều sử dụng được.
Vì sao de Rhodes phải đắn đo nhiều về việc dùng từ tôi như một đại từ như thế ? Ắt là vì tôi lúc bấy giờ chưa ngữ pháp hoá mạnh, còn lưu lại cái nghĩa từ vựng tôi đòi đậm nét. Lý do này khiến chúng tôi nghĩ rằng sự ngữ pháp hoá danh từ tôi 'tôi đòi' để biến tôi thành đại từ chỉ ngôi 1 với ý 'khiêm nhường' có thể mới tiến hành ở thế kỷ 17.”
http://chimviet.free.fr/ngonngu/nguyenphuphong/npph065.htm
6) ’He’ or ‘she’ versus ‘they’.
http://www.oxforddictionaries.com/words/he-or-she-versus-they
7) http://www.americandialect.org/2015-word-of-the-year-is-singular-they
2/24/2016
8) http://thanhnien.vn/giao-duc/nghe-thuat-xung-ho-trong-hoc-duong-517339.html
9)Chuyện xưng hô giữa người dạy và người học
http://pes.htu.edu.vn/nghien-cuu/chuyen-xung-ho-giua-nguoi-day-va-nguoi-hoc.html
10)David M. Schultz Are first-person pronouns acceptable in scientific writings?
http://eloquentscience.com/2011/02/are-first-person-pronouns-acceptable-in-scientific-writing/
10)Phan Tấn Tài Qua và Bậu trong văn thơ Miền Nam
11) L.m. Anthony Trần Văn Kiệm Giúp đọc Nôm và Hán Việt (VIETNAMESE DICTIONARY in both Ancient & Modern script) (1997)
12) Theo tự điển Merriam Webster: “Meta-linguistics is "a branch of linguistics that deals with the relation between language and other cultural factors in a society". Chúng ta tạm dịch: Siêu ngôn ngữ học: một ngành của ngữ học phụ trách về quan hệ giữa ngôn ngữ với các yếu tố văn hoá khác của xã hội.
13) Rose SENE Le pronom personnel de la troisième personne: Place et référence en français classique et en français moderne
Université Cheikh Anta Diop de Dakar - Master 2006
BS Hồ Văn Hiền
alls Church, Virginia
Ngày 12 tháng 5 năm 2016
(Từ Cảnh chuyển)
Xem Thêm : CÁCH XƯNG HÔ TRONG TÔN GIÁO
bài rất hay
Trả lờiXóa