Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2023

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: QUA ỐNG KÍNH VUÔNG CHÀNH CHẠNH (Phụ Đính) (T.Vấn Và Bạn Hửu )

PHỤ ĐÍNH I

 Sự ra đời tình cờ các bức ảnh màu

 Cách đây tròn 150 năm, nhà vật lý người Scotland James Clerk Maxwell đã công bố một phát minh được cả thế giới đón nhận: tấm hình màu đầu tiên.

Nghiên cứu trong lĩnh vực quang học hướng ông tới giả thuyết “ba màu” vào năm 1855. Mắt người chỉ nhạy cảm với ba vùng quang phổ (gần ứng với vùng da cam, xanh lá cây và xanh lam trên quang phổ), do đó Maxwell tính toán chỉ cần dùng ba nguồn sáng đỏ, lục, lam là có thể tạo ra cảm giác về hầu hết màu sắc. Việc ghép 3 màu này lên nhau với vị trí chính xác cũng có thể đánh lừa mắt người rằng họ đang xem một bức ảnh màu.

Để chứng minh hiệu ứng này, ông và nhiếp ảnh gia Thomas Sutton chụp một tấm vải ca-rô ba lần, mỗi lần với một kính lọc màu khác nhau đặt trước ống kính. Tuy nhiên, về mặt vật lý, nhũ tương Maxwell sử dụng để chụp ảnh chỉ ghi nhận nguồn sáng xanh lam còn không phản ứng gì trước ánh sáng đỏ và đáng lẽ, ảnh màu theo phương pháp này đã không ra đời.

Nhưng hóa ra, chất thiocyanate sắt ông dùng làm bộ lọc đỏ lại cho phép một lượng lớn ánh sáng cực tím đi qua và những sợi vải được nhuộm đỏ có xu hướng phản chiếu ánh sáng cực tím như là màu đỏ. Nghĩa là, màu đỏ ông ghi nhận được không phải màu đỏ thực, mà là hiệu ứng từ cực tím, lục – lam và quang phổ lam.

Sau khi tráng phim, ba ảnh được chiếu lên bằng ba máy chiếu khác nhau, mỗi máy gắn kích lọc màu giống màu của kính lọc đã sử dụng để chụp bức ảnh đó. Chúng được căn chỉnh và xếp chồng lên nhau, tạo ra hình màu gần giống như thật và giúp Maxwell thành công trong việc tạo ra ảnh màu đầu tiên trên thế giới.

Hình được tạo từ phương pháp chụp ảnh đen trắng và sử dụng ba bộ lọc màu đỏ lục lam:

Ảnh James Clerk Maxwell chụp năm 1877.

 Ảnh của Sergei Mikhailovich Prokudin-Gorskii chụp trong khoảng thời gian đệ nhất thế chiến1909-1915.

***

Phụ đính II

Tranh sơn dầu La Grande Odalisque của Jean-Auguste-Dominique Ingres

(vẽ năm 1814 trong bảo tàng Louvre)

Người mẫu Julianne Moore (nhiếp ảnh gia Michael Thompson)

(chụp năm 2000 trên tạp chí mỹ thuật Vanity Fair)

***

Phụ đính III

Ảnh hay tranh? tác giả Lê Ngọc Tường

Máy văn chương và nghệ thuật

Trong lời nói đầu của Notre Dame, Victor Hugo đã nói đến sự giẫy chết của nghệ thuật kiến trúc khi máy in chào đời. Chưa có máy in, nhân loại chỉ có thể nhắn gửi tư tưởng mình cho đời sau trong những khối đá, những công trình kiến trúc. Với máy in, họ có thể làm điều đó một cách chóng vách và hiệu quả.

Kiến trúc phải lùi vào bóng tối.

Rồi đây, những thay đổi chóng mặt của kỹ thuật – nhất là lĩnh vực tin học – sẽ ảnh hưởng như thế nào đến văn chương. Vật vã trong cỗ máy vi tính, thêm “photoshop”, những hình thức văn chương và nghệ thuật hội họa tồn tại bao đời có bị bức tử hay chăng?

Người ta đã nói nhiều về một viễn ảnh những vật dụng quen thuộc như cuốn sách hay cây bút lông để vẽ chỉ được trưng bày ở viện bảo tàng. Khi đã làm quen với chiếc keyboard, ai cũng có thể trở nên lười biếng với cây bút lông và cuốn sổ tay; sự thay đổi của thói quen “viết lách” và “vẽ vời” sẽ ảnh hưởng thế nào trong phong cách sáng tác? Rồi sự ra đời của loại “sách điện tử”, “tranh photoshop” sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thú thưởng ngoạn?

Văn chương và hội họa bao giờ cũng cần đến hai yếu tố: người viết và người thưởng ngoạn. Với những người thưởng ngoạn nay “đọc” và xem tranh “lướt qua” những tác phẩm trên máy vi tính để thích nghi với những hình thức tiêu hoá nhanh. Sau đấy tác phẩm mất hút. Danh phận của người làm nghệ thuật cũng dần dà tan biến trong thời đại siêu truyền thông. Văn chương và nghệ thuật rồi sẽ vật vã như thế nào đây để giữ lại chút danh phận bèo bọt của mình?

Le Corbusier, người được xem là một trong những nhà kiến trúc vĩ đại nhất của thế kỷ 20, cho rằng nhà là “một cái máy để ở”.

Còn văn chương và nghệ thuật, nếu phải “mới” để sinh tồn, phải mới để “bắt mắt” như vậy, sẽ biến tượng thành loại…”máy” gì đây?

”Máy văn chương?” hay “máy nghệ thuật?”.

Quả là một ý niệm khôi hài, nhưng là khôi hài đầy nghiêm chỉnh!

(Nguyễn Hưng Quốc – Cái mới: bản chất của sáng tạo)

Tranh hay ảnh? nhiếp ảnh gia hay họa sĩ Nguyễn Phan đây?

Tổ Nhiếp Ảnh Việt Nam

(VienDongDaily.Com – 14/10/2011)

Bài và ảnh: Trần Công Nhung

Chân dung cụ Khánh

Đã là nghề, phải có tổ nghề. Nghe nói ngoài Bắc, có làng toàn đi ăn xin, trong làng có đền thờ Tổ Ăn Mày, một tục lạ. Những nghề khác việc thờ Tổ là bình thường, nhưng nói Tổ Nhiếp Ảnh thì hơi khó hiểu, bởi ngành ảnh không sinh đẻ ở nước ta. Thế nhưng Lai Xá như đã biết, là nơi có người thợ ảnh đầu tiên của Việt Nam, đó là cụ Nguyễn Đình Khánh vào cuối thế kỷ XVIII. 
Tuy Tổ của một nghề không mấy phổ thông vậy mà khi hỏi ai cũng biết, mấy bà bán rau, mấy chị bán cá đều biết nhà thờ cụ Khánh Ký. Đường làng không xa nhưng loanh quanh cũng khó tìm. Đường không tên, cứ quẹo trái, rẽ phải, mãi vẫn chưa thấy đâu là nhà thờ. Nhớ lời anh Nhật dặn tìm cụ Thiện, tôi nhờ một bà chỉ đường, bà dẫn tôi đến tận đầu con ngõ hẹp: “Đấy, nhà có tường xanh xanh là nhà cụ Thiện, ông vào đấy hỏi”. Thấy tôi dẫn xe vào, một người đàn ông đứng tuổi ra chào, anh vui vẻ mời vào nhà uống trà, tiếp chuyện trong khi cụ Thiện đang dùng bữa. Anh cũng tỏ ra hiểu biết về nghề ảnh, anh kể qua cuộc đời hoạt động của cụ Khánh. Cụ Khánh hoạt động không những về nghề ảnh mà cả chính trị (phong trào Đông Du) từ trong nước rồi qua Pháp. Cụ qua đời ngày 31-5-1946 (tức 20 tháng 4 năm Bính Tuất), tại Paris Pháp quốc, hưởng thọ 72 tuổi. Về sau cháu nội của cụ đưa hài cốt về trong Nam.

Nhà thờ Tổ

Anh cho biết: “Bố tôi tên Tích, tôi tên Thiện”. Tục lệ miền Bắc thường lấy tên con đầu lòng thay tên bố. Chính vì vậy mà sau năm 75 lần đầu tôi về làng tìm lại ông anh đã hơn 20 năm cách biệt, hỏi đúng tên Dự, ai cũng lắc đầu, khi nghe mô tả về gia cảnh thì người ta cho biết đó là “Bọ Cúc” (1). Anh Thiện cũng nhân đấy mô tả về cụ Tích: “Bố tôi năm nay sắp được 90 nhưng ông để râu từ năm 71. Bây giờ tuổi nào muốn để râu cũng được, ngày trước muốn để râu phải qua khỏi thất tuần”. Vừa lúc cụ Tích từ nhà dưới bước lên, anh Thiện cáo lui lo công việc. Cụ Tích đúng là một lão ông, bộ râu dài hơn hai gang tay, tuy chưa bạc hẳn nhưng rất đẹp. Giọng cụ sang sảng, cụ còn rất khỏe. Sau một hồi trà nước xã giao, tôi mời cụ ra nhà thờ (2).

Bàn Thờ Tổ

Nhà thờ Tổ Nhiếp Ảnh ngay ngoài đầu ngõ vào nhà cụ Tích, có thành xây cao quá đầu, cổng cài cửa ván kín, ngoài không nom thấy gì. Căn nhà ba gian hai chái, không khác một nhà ở bình thường. Mỗi gian có cửa “pa nô” hai cánh. Sân rộng lát gạch Bát Tràng. Căn nhà lâu ngày chưa sơn quét, tường tróc vôi loang lỗ đen sì. Cửa mở, ánh sáng tràn vào, gian giữa hiện ra bàn thờ sơn son thếp vàng lộng lẫy. Có bài vị và nhiều ảnh thờ. Gian hai bên có bàn tiếp khách và giường ngủ. Tuy nhiên mọi thứ đều sơ sài đạm bạc kiểu nhà nghèo. Cụ Tích bê ra một bức chân dung lớn, lau chùi bụi bặm, chân dung cụ NĐK. Đầu thế kỷ XX mà chân dung cụ Khánh có nét rất Tây, đẹp và rất “chính khách”, phong cách như vậy cụ có vợ Đầm là phải. Đặt bức ảnh lên bàn thờ, cụ Tích thắp nhang, nhưng hộp quẹt bị ẩm không dùng được, tôi đành “xá chay” rồi chụp mấy tấm ảnh. Cụ Tích là người trông coi nhà thờ từ lâu nay. Ban ngày cửa đóng, đêm có người nhà đến ngủ. 

Cổng làng

– Thưa, theo cụ thì Lai Xá thời thịnh nhất của nghề ảnh là lúc nào?
– Ông biết đấy, cụ Khánh chỉ học nghề 2 năm với chủ hiệu ảnh Du Chương ở Hà Nội, chủ người Tàu. Sau đó cụ ra riêng mở hiệu ảnh Khánh Ký ở phố Hàng Da.  Về sau, ông mở thêm hiệu ảnh ở Nam Định. Thợ giúp việc cho cụ toàn người làng Lai Xá. Hiệu ảnh Khánh Ký có lúc lên tới vài chục người vừa học vừa làm. Nhờ công lao đào tạo của cụ Nguyễn Đình Khánh, làng Lai Xá có một lực lượng hành nghề nhiếp ảnh rải ra khắp nơi. Từ 1892, người dân Lai Xá nối tiếp nhau mở hiệu ảnh khắp các tỉnh thành từ Lào Cai đến Bến Tre. Khoảng giữa thế kỷ 20 là thời kỳ các hiệu ảnh Lai Xá phát triển mạnh mẽ nhất, cả nước có tới 150 hiệu ảnh và khoảng 2.000 người làng Lai Xá làm ảnh. Đông nhất ở Hà Nội, có 33 hiệu ảnh, Sài Gòn và các tỉnh phía Nam 34, Hải Phòng 16. Từ đó tới nay dân làng tôn thờ cụ Nguyễn Đình Khánh như tổ nghề ảnh làng Lai Xá. Đặc biệt dân Lai Xá mở hiệu ảnh bất cứ đâu, tên hiệu bao giờ cũng kèm theo chữ “Ký” hoặc “Lai”: An Ký, Thịnh Ký, Thiện Ký… Phúc Lai, Đan Lai…
Cụ Tích cũng cho biết, hiệu ảnh Khánh Ký còn tạo được nét riêng về lối chụp chân dung, ảnh thờ. Ảnh chân dung chụp toàn thân, chính diện, ngồi ghế hai tay đặt trên đầu gối thấy đủ 10 ngón, lối chân dung này rất ăn khách, mỹ thuật thời bấy giờ là chân phương rõ nét, nghiêm trang. Ảnh lại được chấm sửa, nước ảnh tươi tắn, thuốc giấy tốt, ảnh bền lâu, khiến mọi người đặc biệt khen ngợi: “Kiểu chụp chân dung Khánh Ký”. Theo ước tính, có tới 60-70% thợ ảnh Việt Nam xuất xứ từ làng Lai Xá. Dù làm ăn sinh sống nơi đâu, cứ 15 tháng 2 âm lịch hàng năm, họ lại tụ về phố Lai, trang trọng đi rước Thành Hoàng làng, và ngày 20 tháng 4 âm lịch hàng năm, tổ chức giỗ Tổ. Họ luôn tự hào rằng, Lai Xá là làng nghề độc đáo của đất Thăng Long.

Phố Lai

Thời gian lánh nạn sang Pháp cụ Khánh mở hiệu ảnh ở Toulouse (1910-1911), sau đó mở thêm một hiệu ảnh nữa trên đại lộ Malesherbe ở Paris (1911-1912).
Năm 1913, Raymond Poincare đắc cử tổng thống Pháp, nhiều nhiếp ảnh gia ở Pháp chụp ảnh, trong đó có Khánh Ký. Ảnh do Khánh Ký chụp được tuần báo Illustration chọn in trang bìa. Từ đó cụ nổi tiếng trong làng ảnh, hiệu ảnh của cụ ngày càng đông khách, làm ăn phát đạt.

Cụ Khánh và thợ trước hiệu ảnh Khánh Ký 1924 (Bonard Sài Gòn) – ảnh tài liệu lấy từ Net.

– Thưa cụ, ngày hội hàng năm có đông người dự? Nhiếp ảnh các nơi như Hà Nội, Hải Phòng có tham gia chứ?
– Có đấy, năm chẵn làm to có mời các nơi, năm lẻ làm nhỏ dân chúng trong làng dự hội cũng đông.
– Thưa cụ, theo tài liệu Lai Xá có 5 xóm và một phố, phân chia địa giới như thế nào, tôi thấy đường làng không có gì rõ rệt.
– Cái ấy có từ thời trước, nay thì nhà cửa xây cất lung tung, ranh giới cũng khác. Bắt đầu từ phía Tây là xóm 1 dần về phía Đông là xóm 5. Xóm Phố có từ thời Pháp, nay là phố Lai trên đường 32.

Đường làng Lai Xá.

Cảm ơn cụ Tích, tôi quay xe chạy quanh làng Lai Xá một lần nữa, làng có một cổng chính tương đối lớn song hoang phế quá, mấy chữ Tàu phủ hết rêu phong, vào cổng được một đoạn đường xe chạy thong thả, còn lại ngõ hẻm quanh co. Đường cũng là nơi họp chợ, ngay trước cổng đình có bảng cấm, bà con vẫn tụ tập mua bán bình thường. Tôi cố xem ranh giới xóm nhưng chẳng thấy. Chạy ra đường 32, phố Lai không còn là phố xưa, nhà tầng sát vai nhau, cửa hiệu màu sắc không khác gì các nơi. Lai Xá ngày nay chỉ còn dư âm, một ít dư ảnh, ngoài ra mọi thứ đều biến thiên theo trào lưu mới, khó mà bảo tồn nét cổ kính nghìn xưa.

Tháng 8-2011

(1) Về làng QHQOK tập 2
(2) Tôi còn đi làng nghề Sơn Đồng, làng “bánh bác” Giang Xá, nếu cứ trà nước thì hết ngày.
Sách mới: QHQOK tập 12, đã phát hành đầu tháng 10-2011.
Sách đã in: Quê Hương Qua Ống Kính tập 1 đến tập 12, Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng, Mùa Nước Lũ (Truyện), Về Nhiếp Ảnh, Thăng Trầm (chuyện buồn vui một đời người), sách dày trên 200 trang, có 8 phụ bản ảnh màu và cả trăm ảnh đen trắng. 
Độc giả muốn có sách (discount 50% 12 tập), xin liên lạc: Tran Cong Nhung,  P.O. Box 254, Lawndale, CA 90260. Điện thoại: (310) 978-4182 – Email: trancongnhung@yahoo.com – Website

1 nhận xét:

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH Và NĂM MỚI