Thứ Năm, 7 tháng 12, 2023

HỒI ỨC ĐỜI TÔI (phần V) -Nguyễn Cang


Thầy CNC ! Có khi nào thầy soi rọi lại bản thân, đếm thử có bao nhiêu đứa trẻ bị thầy đánh? Bao nhiêu lần dùng thước kẻ đánh mạnh vào bàn tay nhỏ xíu, bao nhiêu lần bạt tay vào đầu như trời giáng, gây sợ hãi cho bao nhiêu đứa trẻ con nhà nghèo hiếu học, không biết mình bị sẽ đòn lúc nào? Và nhất là đuổi thẳng xuống lớp những đứa trẻ khù khờ như tôi? Cái đau về thể xác không thấm vào đâu so với cái đau tinh thần vì đứa bé sẽ bị bạn bè chế giễu: Ê, thằng Cang bị thầy đuổi xuống lớp đó tụi bây! Thầy đã dùng luật rừng tự mình đặt ra “Học Thử”để ra tay trừ khử những đứa học trò ngây thơ vô tội nhầm thỏa mãn tánh ích kỷ hay tự ái cá nhân, nhưng nó cũng biểu lộ sự yếu kém trong giảng dạy khi dùng những biện pháp nầy.
Cuối năm lớp nhì tôi đứng hạng nhất (không có gì hay ho vì ở lại lớp 2 năm!). Có một sự kiện khó quên mãi cho tới bây giờ tôi cũng không giải thích nổi. Đó là vào cuối năm lớp nhì tôi được xếp hạng nhứt, thầy dạy lớp ( thầy Dõng, nhà ở chợ cũ, gần mé sông Tây Ninh ) gởi danh sách có tên tôi được lãnh thưởng. Ngày phát thưởng có nhiều thầy cô giáo đại diện lớp mình thay mặt hiệu trưởng trao phần thưởng cho học sinh, đôi khi đích thân hiệu trưởng trao hoăc một mạnh thường quân nào đó trao. Dĩ nhiên thầy CNC cũng có mặt. Khi gọi đến tên tôi, tôi lách mình qua hàng ghế, vừa lúc đó có tiếng loa micro: Phần thưởng của trò Cang sẽ không được phát vì là học sinh bị ở lại lớp 2 năm! Tôi mừng hụt, bẽn lẽn bước ra về. Một tuần lễ sau tự dưng thầy Dõng nhắn tin bảo tôi tới nhà thầy lấy phần thưởng đó. Phần thưởng gồm: 2 quyển Tập đọc lớp nhì và nhất, 1 quyển Toán pháp lớp nhất, 1 quyển Truyện cổ tích, 1 quyển Địa lý lớp nhứt và 5 cuốn tập. Câu hỏi thắc mắc, ai khiếu nại không cho phát thưởng ?
 Cả trường đâu có ai để ý tôi học lại 2 năm một lớp, trừ thầy CNC? ( tôi không dám khẳng định, chỉ nêu nghi vấn). Năm sau tôi lên lớp nhất không gặp thầy C. Đời tôi còn may mắn chớ nếu gặp lại thầy C. tôi không biết việc học của mình sẽra sao hay là phải xuống lớp nhì một lần nữa?
Cuối năm đó tôi thi đậu vào lớp đệ thất trường Trung học Công lập Tây ninh (1955), niên học đầu tiên trường công lập được mở tại tỉnh nhà. Vào trường mới, tôi gặp lại nhiều bạn cũ hồi học chung lớp nhứt thầy C. như: Phạm Văn Khen, Nguyễn Văn Coi, Trần Văn Đỉnh v.v. vì khi tôi xuống lớp nhì thì năm sau các bạn ấy tiếp tục lên học lớp Tiếp liên cũng tại trường Nam Tiểu Học TN. Có bạn thắc mắc: Tại sao hồi đó mầy học khá mà tự dưng nhảy xuống lớp nhì vậy? Tôi chỉ biết lắc đầu!
Dòng đời lặng lẽ trôi, mỗi năm tôi đều lên lớp…và tôi cũng lớn dẩn theo năm tháng. Cuối năm lớp 12, tôi rời trường đi tìm việc làm vì ba tôi sắp về hưu. Năm 1963 tình hình chánh trị Miền Nam có nhiều xáo trộn, nền Đệ Nhất Cộng Hoà bị lung lay do Phong trào Phật giáo đấu tranh đòi bình đẳng về tôn giáo. Ngoài tiền tuyến nhiều mặt trận nổ mạnh. Cuộc chiến tranh VN càng ngày càng lan rộng và trở nên ác liệt đã tác động trực tiếp đến đời sống và sự nhận thức của từng lớp thanh niên chúng tôi. Bạn bè cùng lớp chia tay nhau sau kỳ thi Tú tài, có đứa lên Sài gòn tiếp tục việc học có đứa bị động viên đi Thủ Đức, có đứa tình nguyện vào Không quân, Thuỷ quân lục chiến cho thoả chí làm trai hay giải quyết bế tắc trong cuộc sống, có đứa bí mật đi vào mật khu theo phía bên kia. Có ai ngờ lần chia tay đó cũng là lần cuối cùng vì sau đó tôi không còn gặp lại bạn nào hết, có đứa vùi thây nơi chiến địa. May mắn sau nầy, xui tôi gặp lại vài người bạn ở hải ngoại sau nửa thế kỷ kể từ ngày chia tay năm ấy…
Tôi mặc dầu vượt qua các kỳ thi trung học nhưng không hề biết thi vào một trường chuyên nghiệp nào. Tôi muốn có một việc làm nhưng không biết xin việc ở đâu. Tôi hoàn toàn bế tắc trước cuộc sống đầy khó khăn. Bản tánh tôi ít giao tiếp với bạn bè nên không biết nơi nào có tuyển sinh vào các ngành y tế, giáo dục, hành chánh... Tôi như ếch ngồi đáy giếng chỉ quanh quẩn bên miếng vườn mà ba tôi đã cố công gầy dựng. Hằng ngày tôi xách nước tưới mấy cây rau, cây xoài, cây mận trồng chung quanh nhà. Khi ấy, ba tôi đã chuyển sang làm thơ ký ở Toà Hành chánh Tây ninh, cũng chẳng giúp gì được cho tôi. Thấy tôi buồn bực chán nản ba hỏi tôi có muốn xin làm thư ký không ba sẽ xin cho. Tôi hỏi ba một tháng lãnh được bao nhiêu tiền? Ba đáp: 800 đồng! Tôi thất vọng vì 800 đồng làm sao đủ sống với kinh tế khó khăn như vầy?
Một hôm má tôi đi chơi ở xóm trên, trưa về bà kêu tôi lại nói:
“Con à! má thấy thằng Viên nhà gần anh sui nó ra trường Sư phạm dạy học không lâu mà sắm được chiếc xe gắn máy, lại được mấy người lối xóm kêu gả con gái thật có phước quá! Má mong sao con cũng được làm thầy giáo như nó.”
Lời nói của má làm tim tôi đau nhói. Bạn Viên thuộc lớp đàn em, nó học sau tôi mấy niên khoá ở trường Trung học Tây ninh. Sau khi đậu Trung học đệ nhất cấp, không biết ai chỉ mà nó nộp đơn thi vào trường Sư phạm một năm, ra trường nó được bổ về dạy tại tỉnh nhà, lương tháng ba bốn ngàn gì đó. Trong khi đó tôi có đủ điều kiện về bằng cấp mà không biết nộp đơn thi ở đâu. Thế có tức, có buồn không? Chiều chiều tôi thường thấy bạn Viên cởi chiếc xe Goebel láng cón chạy tới chạy lui trước nhà trông thật sang trọng yêu đời . Hình ảnh nầy càng làm tôi buồn thêm, tự trách phận mình sao quá tối đen.
Tôi thất chí, lang thang trên đường phố không biết đi đâu, về đâu. Tôi xuống chợ mới Tây ninh, qua bên kia cầu, quẹo phải đến nhà bạn Khen, người nhà cho biết bạn đã xuống Sài gòn làm việc rồi. Tôi chán nản quay về, ghé tiệm bán sách báo coi “báo cọp”. Chợt tôi bắt được một tin nóng hổi: trường Sư phạm Sài gòn tuyển khóa sinh vào ban hai năm cho những người có tú tài I. Tôi thừa điều kiện.
Tôi về báo tin cho má biết và xin má cho tiền sáng mai đi Sài gòn nộp đơn kẻo hết hạn. Cuộc đời tôi từ đây bước sang trang mới, chấm dứt những ngày buồn đau chán nản. Tôi trở nên yêu đời, ấp ủ một tương lai tươi sáng.
Sau khi nộp đơn xong tôi về nhà chờ ngày thi. Thi xong lại chờ kết quả. Thời gian chờ đợi sao nó dài quá, tôi nóng ruột đi tới đi lui. Hơn một tháng sau nhà trường thông báo kết quả cuộc thi, tôi nhìn lên bảng thấy tên mình, mừng quá. Tôi vội vã ra bến xe quay về Tây ninh báo tin vui cho ba má tôi biết. Mọi người đều mừng rỡ, cả nhà vui như ngày hội. ..
 
Nguyễn Cang
Cựu giáo chức trung học
(cón tiếp)

 

1 nhận xét:

Ô NHIỄM ÁNH SÁNG - "KẺ THÙ GIẤU MẶT" CỦA CON NGƯỜI VÀ MUÔN LOÀI

  Ánh sáng vốn vẫn là điều khiến con người ưa thích, nhưng đôi khi, trong nhiều hoàn cảnh, nó làm tổn hại đến hệ thực vật, động vật và sức...