Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2023

HỒI ỨC ĐỞI TÔI (phần VI ) : HỌC NGHỀ THẦY GIÁO

 Mùa khai trường năm đó (1963) tôi từ giã quê xuống Sài gòn học trường Sư phạm Sài gòn nằm trên đường Thành Thái, hai bên là trường Pétrus Ký, trường Đại học Sư phạm và Đại Học Khoa Học. Cách đó không xa là Trường Sư phạm thực hành (cấp 1).
Ngôi trường chiếm một diện tích khá rộng, bao quanh bởi lớp tường dày. Trường cất thành ba dãy, một tầng lầu, ở giữa là sân chơi, các bạn thường ra đó đánh vũ cầu, đánh bóng chuyền vì sân chơi không rộng lắm. Ban giám hiệu gồm hiệu trưởng là thầy  Trần Hửu Văn; thầy Nguyễn quý Bỗng làm giám học; giám thị có thầy Kiệt và bà Múi. Tôi đặc biệt nhớ nhiều tới bà Múi vì bà có trí nhớ siêu việt. Cả trường tổng cộng 400 giáo sinh mà bà nhớ tên hết, nhớ luôn cả chỗ ngồi. Thế mới tài !
Môn học gồm có Tâm lý Giáo dục, Luân lý Chức nghiệp, Quản trị Học đường, Sư phạm Thực hành, Quản trị Thanh tra... Giáo sư giảng dạy có thầy Đoàn viết Bửu (Phát âm học, Ngữ học Việt nam), thầy Vũ ngô Xáng, thầy  Nguyễn Duy Linh (Giáo dục Cộng đồng), thầy Doãn quốc Sỹ (Ngữ học Việt nam)... Các thầy cô khác vì lâu quá nên tôi không nhớ tên.
Khi học Sư phạm tôi và một người bà con rủ thêm một anh bạn mướn một phòng nhỏ vừa đủ trải tấm chiếu cho ba người nằm. Người ta thường nói: “Ăn thì nhiều chứ ở thì chẳng bao nhiêu.” Vì vậy chúng tôi tận dụng để tiết kiệm tiền. Xin thông cảm, học sinh nghèo mà! Nhà gần trường nên rất tiện cho việc đi học. Thời gian học tại trường Sư phạm là thời gian đẹp nhất của tuổi học trò. Việc học không vất vả bằng học thi Tú tài II nên tôi có nhiều thời giờ rảnh đi dạo phố, ngắm hoa và ngắm… người đẹp.
Con đường Thành Thái, Trần bình Trọng và Cộng Hoà trở nên quen thuộc với tôi. Tôi thường lang thang trên đường phố, nhìn những tà áo xanh áo tím của các cô nữ sinh bay bay trong gió, lòng tràn đầy niềm vui của tuổi mộng mơ. Tôi phấn chấn xây dựng niềm tin và ý chí quyết tâm học tập mà điểm đến là trường Đại học Văn Khoa Sài gòn .
Thời gian lặng lẽ trôi qua, mới đó mà niên học đã chấm dứt, tôi bắt đầu học năm thứ hai. Trong năm thứ nhứt tôi học nhiều về phần lý thuyết. Sang năm thứ hai tôi học vừa lý thuyết vừa thực hành. Nhà trường sắp xếp cho giáo sinh đi thực tập tại các trường trong thành phố và ngoại ô trong đó trường Sư Phạm thực hành là chính. Lần đầu tiên tôi có tên trong danh sách dự giờ tại lớp nhứt A của trường nầy.
Tôi lò mò đi tìm lớp, đây rồi lớp nhứt A.Tiếng chuông reo giờ học bắt đầu thì tôi cũng vừa tới lớp. Nhìn vào lớp bỗng tôi giật mình, thốt lên trong cổ họng: “Trời, thầy C.N,C.! Sao lại là thầy?”
 
10 NĂM GẶP LẠI, CUỘC ĐỐI ĐẦU KHÔNG KHOAN NHƯỢNG GIỮA THẦY VÀ TRÒ…
 
Tôi bối rối dừng lại trước cửa lớp, tính nhẩm: 10 năm từ ngày tôi bị thầy đuổi xuống lớp. Mười năm! thời gian lâu quá, hình ảnh của thầy đã phai mờ trong ký ức và nổi đau cũng nguôi ngoai thế mà nay gặp lại thầy trong cảnh bẽ bàng tôi không kềm nổi xúc động, hai mắt cay xè, nuốt uất hận vào tim. Tôi phải xử thế với thầy sao đây? Một cuộc hội ngộ bất ngờ, không hẹn mà gặp, không mời mà tới . Nếu không có vết thương năm xưa chắc chắn tôi sẽ mừng rỡ cung kính nói: “Thưa thầy, em là Cang đây.” Đằng nầy trong cảnh ngang trái như vầy tôi không sao làm được. Vết thương sao mà sâu quá, nó như rướm máu trở lại. Khúc phim ngày xưa hiện về thật nhanh, tôi nhớ ngôi trường cũ, nhớ sân chơi nhớ bạn bè thầy cô. Tôi tức giận thầy C. nên không muốn vào lớp. Thấy tôi tần ngần không vào, thầy bước ra bảo: “Mời thầy vào lớp, giờ học đã bắt đầu.”
Tôi khẽ cúi đầu chào rồi bước chân vào lớp. Thầy giới thiệu tôi với học trò:
“Xin các trò đứng dậy chào thầy Cang, hôm nay thầy dự giờ và đánh giá sự học hành của các em.”
Hai tiếng “thầy Cang” của thầy sao tôi cảm thấy mỉa mai, chua chát. Ngày nào thầy đánh tôi không nương tay, thầy đuổi tôi xuống lớp không thương tiếc, nay thầy gọi tôi như một đồng nghiệp thân mến!
Sở dĩ thầy biết tên tôi vì nhà trường đã gởi danh sách cho thầy dạy lớp hơn một tuần lễ trước. Thầy không nhớ tôi nhưng tôi không thể quên thầy dầu thời gian đã 10 năm!
 
Nguyễn Cang
Cựu giáo chức trung học
(còn tiếp)

Mời Xem Lai Kỳ Trước :

HỒI ỨC ĐỜI TÔI (phần V) -Nguyễn Cang

2 nhận xét:

Ô NHIỄM ÁNH SÁNG - "KẺ THÙ GIẤU MẶT" CỦA CON NGƯỜI VÀ MUÔN LOÀI

  Ánh sáng vốn vẫn là điều khiến con người ưa thích, nhưng đôi khi, trong nhiều hoàn cảnh, nó làm tổn hại đến hệ thực vật, động vật và sức...