Người đứng đầu Tứ Kiệt : VƯƠNG BỘT
SƠ ĐƯỜNG TỨ KIỆT 初唐四傑 là "VƯƠNG DƯƠNG LƯ LẠC 王楊盧駱", đó chính là
VƯƠNG BỘT 王勃, DƯƠNG QUÝNH 楊炯, LƯ CHIẾU LÂN 盧照鄰 và LẠC TÂN VƯƠNG 駱賓王. Họ
đều là những văn thi sĩ sống dưới thời Đường Cao Tông và Võ Hậu, họ đã
bứt phá ra khỏi Cung Thể Thi của thời Lục Triều, mặc dù lúc đó có rất
nhiều người chỉ trích bài bác cười chê, nhưng họ đã thành
công trong việc phát triển và hoàn chỉnh thể Ngũ ngôn Luật thi trong
buổi sơ Đường. Thi Thánh ĐỖ PHỦ của buổi thịnh Đường đã có thơ về họ như
sau :
王楊盧駱當時體, VƯƠNG DƯƠNG LƯ LẠC đương thời thể,
輕薄為文哂未休。 Khinh bạc vi văn sẩn vị hưu.
爾曹身與名俱滅, Nhĩ tào thân dữ danh câu diệt,
不廢江河萬古流。 Bất phế giang hà vạn cổ lưu !
Có nghĩa :
VƯƠNG, DƯƠNG, LƯ, LẠC, xướng thơ,
Những phường khinh bạc mù mờ chê bay.
Lũ ngươi chết chẳng còn ai...
Thơ kia như nước chảy hoài muôn năm !
Quả nhiên, thơ văn của TỨ KIỆT như "giang hà vạn cổ lưu" chảy mãi
cho đến ngày nay. Nào, ta hãy bắt đầu bằng người đứng đầu của Tứ Kiệt là VƯƠNG BỘT nhé !
Vương Bột 王勃 (650-676), tự là Tử An 子安, người đất Giáng Châu,
Long Môn (tỉnh Sơn Tây ngày nay). Xuất thân trong gia đình thế gia vọng
tộc, ông nội là Kinh học Đại Nho Vương Thông dưới triều Tùy Dương Đế;
cha là Vương Phúc Cơ làm huyện lệnh Châu Hoan Giao Chỉ. Lên sáu tuổi đã
biết làm thơ, nổi tiếng là thần đồng, thuộc làu kinh sử, 9 tuổi đã đọc
Hán Thư của Nhan Thị, 10 tuổi đã thuộc làu cả Lục Kinh, 14 tuổi đoạt
khôi nguyên kỳ thi đối sách của triều đình.. Nổi tiếng với thơ ngũ ngôn
và biền văn.
Tương truyền, Vương Bột có tật rất
lạ là trước khi muốn viết văn thì mài sẵn tới mấy nghiên mực, và sau
khi chuẩn bị giấy bút xong thì rót rượu uống liên tục cho đến khi say
mèm, bèn trùm mền lại ngủ một giấc ngon lành. Đến khi thức dậy thì hưu
bút viết một hơi thẳng thét từ đầu đến cuối bài văn thât hay, mà không
cần phải sửa chửa hay thêm bớt một chữ nào cả. Người đời xưng tụng ông là PHÚC CẢO 腹稿.Có nghĩa là : Làm nháp ở trong bụng.
Năm Vương Bột 16 tuổi trên đường đi thăm cha, hay tin Đô Đốc
Diêm Bá Dư trấn nhậm Hồng Châu trùng tu Đằng Vương Các mở cuộc thi thơ
văn và khoản đãi tân khách bốn phương. Chủ ý muốn khoe tài con rễ là Ngô
Tử Chương, nên đã cho Chương trau chuốt sẵn một bài phú thật hay để
ngày hôm đó viết lại. Bột hay tin muộn, thời may có cụ già mách cho Bột
rẻ thuyền vào Chương Giang sẽ có gió giúp đưa đến Đằng Vương Các. Bột
nghe theo lời, đến đêm quả có gió lớn nổi lên chỉ trong một đêm mà vượt
qua gần 800 dặm đường ( có thể là nhờ gió của đêm Trùng Cửu
mùng 9 tháng 9 ). Kịp lúc Đằng Vương Các vừa phát giấy bút chiêu đãi
khách làng văn. Thấy Bột chỉ là một thằng bé con, Đô Đốc Diêm Bá Dư
không muốn cấp giấy bút, nhưng Bột kiên quyết muốn làm văn. Diêm không tiện từ chối, bèn
cho người đứng phía sau lưng Bột, hễ Bột viết được câu nào thì chép lấy
dâng đến cho Diêm xem, hễ thấy không xong là tống cổ ra khỏi buổi tiệc
ngay. Khi Bột mở đầu bài văn bằng câu : Nam Xương cố quận, Hồng Đô tân
phủ 南昌故郡,洪都新府 (Xưa là quận Nam Xương, nay là phủ Hồng Đô), thì Diêm cười
và bảo : Cũng là sáo ngữ của các thầy Đồ Nho mà thôi. Đến câu : Tinh
phân Dực Chẩn, Địa tiếp Hành Lư 星分翼軫,地接衡廬 (chỉ địa thế của Đằng Vương
Các : Phân chia giữa sao Dực và sao Chẩn, còn đất thì nối tiếp giữa Hành
Sơn và Lư Sơn) thì Diêm lặng thinh. Lại đến câu : Vật hoa thiên bảo,
long quang xạ Ngưu đẩu chi Khư. Nhân kiệt địa linh, Từ Trĩ hạ Trần Phồn
chi tháp 物華天寶,龍光射牛斗之墟;人傑地靈,徐稚下陳蕃之榻 (Của đẹp báu trời, ánh long quang
chiếu sao Ngưu sao Đẩu; Đất linh người giỏi, cao nhân Từ Trĩ hạ giường
Trần Phồn) thì Diêm lại tỏ ra vô cùng kinh ngạc. Kịp đến câu :
Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng trường thiên nhất sắc.
落霞與孤鶩齊飛, 秋水共長天一色
Ráng chiều cò trắng cùng bay,
Long lanh thu thủy nước mây một màu
...
thì ông không còn dằn được cảm xúc, vỗ bàn đứng dậy khen là tuyệt cú !
Rồi giấu nhẹm luôn bài phú làm sẵn của con rể không dám trình làng.
Vương Bột nổi tiếng luôn từ đấy và bài phú Đằng Vương Các Tự 滕王閣序 của
Vương Bột cũng được lưu truyền thiên cổ với các câu đã trở thành Thành
Ngữ như :
* Trong câu : Lão
đương ích tráng, ninh di bạch thủ chi tâm 老當益壮, 寧移白首之心. Cho ta thành ngữ
: LÃO ĐƯƠNG ÍCH TRÁNG 老當益壯 : Chỉ Già mà còn mạnh khỏe.
*
Trong câu : Cùng thả ích kiên bất trụy thanh vân chi chí 窮且益堅,不墮青雲之志.
Cho ta thành ngữ : CÙNG THẢ ÍCH KIÊN 窮且益堅 : Có nghĩa Nghèo mà biết kiên
trì phấn đấu.
* Trong câu : Thiên cao địa quýnh, giác vũ
trụ chi vô cùng 天高地迥,覺宇宙之無窮. Cho ta thành ngữ : THIÊN CAO ĐỊA QUÝNH
天高地迥 : Chỉ Trời cao đất rộng.
* Trong câu : Hứng tận bi
lai, thức doanh hư chi hữu số 興盡悲來,識盈虛之有數. Cho ta thành ngữ : HỨNG TẬN
BI LAI 興盡悲來 : Hết vui tới buồn.
* Trong câu : Quan sơn
nan việt, thùy bi thất lộ chi nhân 關山難越,誰悲失路之人. Cho ta thành ngữ : QUAN
SAN NAN VIỆT 關山難越 : Núi non khó vượt.
* Trong câu : Bình
thủy tương phùng tận thị tha hương chi khách 萍水相逢,盡是他鄉之客. Cho ta thành
ngữ : BÌNH THỦY TƯƠNG PHÙNG 萍水相逢 : Bèo nước gặp nhau.
*
Trong câu : Nhân kiệt địa linh, Từ Trĩ hạ Trần Phồn chi tháp
人傑地靈,徐稚下陳蕃之榻. Cho ta thành ngữ : NHÂN KIỆT ĐỊA LINH 人傑地靈 hay ĐỊA LINH
NHÂN KIỆT : Cuộc đất linh thiêng thì sẽ nảy sinh ra người tuấn kiệt.
... và còn rất nhiều rất nhiều câu hay khác nữa !...
Vì tích của Vương Bột, nên trong Tăng Quảng Hiền Văn lại có câu :
Thời lai phong tống Đằng Vương Các 時來風送滕王閣
Có nghĩa :
Khi thời cơ đã đến rồi thì sẽ có gió đưa đến Đằng Vương Các ngay.
Ý của câu trên chỉ khi thời vận tốt đã đến, thì con người sẽ rất dễ
dàng mà có cơ hội để phát tích về mặt tiếng tăm hay công danh sự nghiệp.
Nhưng khi qua đến Việt Nam ta, thì câu nói đó lại chuyển sang ý chỉ về
tình duyên thuận lợi, may mắn, mà gọi là Duyên Đằng. Như ...
Trong Truyện Kiều để tả cuộc tình duyên thuận lợi của Hoạn Thư với Thúc Sinh, cụ Nguyễn Du cũng đã mượn tích nầy :
Duyên Đằng thuận nẽo gió đưa,
Cùng chàng kết tóc se tơ những ngày.
Ngay cả trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập với sự chủ xướng của vua Lê
Thánh Tông cũng mượn từ GÁC ĐẰNG để chỉ dịp may hiếm có, cơ hội thuận
lợi cho tình duyên như :
Thương nhĩ, Hồng nhan nguyền khéo lỗi,
Gác Đằng nhờ gió những ai vay !
... và như trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình
Toái, bài thứ 8 tả lại mối tình giữa Công chúa Tiên Dung và Chữ Đồng Tử
có câu :
Tiên-Dung gặp buổi đi chơi,
Gió đưa Đằng-Các, buồm xuôi Nhị-Hà,
Hay như trong Bích Câu Kỳ Ngộ, tả lại mối tình tiên tục giữa Tú Uyên và Giáng Kiều cũng có câu :
Gác Đằng Vương mấy dặm khơi,
Có duyên đành đã gió trời thổi đưa.
Cho thấy bài "Đằng Vương Các Tự" của Vương Bột ảnh hưởng rất lớn đến văn học Trung Hoa và Việt Nam ta. Cuối bài Tự lại được kết bằng một bài thơ Thất ngôn Bát cú Cách điệu với bốn câu đâu gieo vần trắc và bốn câu sau gieo vần bằng rất hay như sau :
滕王高閣臨江渚, Đằng Vương cao các lâm giang chữ,
佩玉鳴鸞罷歌舞。 Bội ngọc minh loan bãi ca vũ.
畫棟朝飛南浦雲, Họa đống triêu phi nam phố vân,
珠簾暮卷西山雨。 Châu liêm mộ quyển tây sơn vũ.
閒雲潭影日悠悠, Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,
物換星移幾度秋。 Nhật hoán tinh di kỷ độ thu.
閣中帝子今何在? Các trung đế tử kim hà tại?
檻外長江空自流。 Hạm ngoại Trường Giang không tự lưu !
Có nghĩa :
Rộn ràng ngọc chuốc sanh ca đã dừng.
Bờ nam mây sớm ngập ngừng,
Rèm châu cao cuốn bâng khuâng nắng chiều.
Bóng mây đầm nước đìu hiu,
Sao dời vật đổi đã nhiều thu qua.
Vua tôi trong gác đâu ta ?
Trường Giang ngoài mái là đà chảy xuôi !
Thật là cảm khái ! Trải biết bao vật đổi sao dời, tang thương
biến đổi, Đằng Vương Các vẫn đứng sừng sửng ở ven sông, nhưng Đằng Vương
giờ ở nơi đâu ? Cảnh cũ vẫn còn đây mà người xưa đà vắng bóng.
Vương Bột, vốn xuất thân là con nhà gia thế của đất bắc, tuổi trẻ
tài cao, nên khi đoạt khôi nguyên kỳ thi đối sách của triều đình thì
được Bái Vương Lý Hiền vời vào phủ để thị độc (đứng hầu để chỉ điểm cho
thái tử học hành, như là một teacher assistant) rất được tin dùng. Nhưng
vì làm bài "Hịch Anh Vương Kê 檄英王雞" để trách đùa con gà chọi của Anh
Vương, cũng là một thái tử con của vua Cao Tông, khi hai anh em cùng
chọi gà chơi với nhau. Vua Cao Tông nổi giận, cho là Vương Bột ỷ tài làm
lếu, châm biếm và đụng chạm đến người của hoàng tộc, nên sai trục xuất ra khỏi phủ. Bột thất
chí buồn tình, bèn đi chu du nhiều nơi ở phương nam. Khi đến đất Thục,
lại nhằm lúc xuân về, vốn dĩ muốn mượn cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ của
núi sông đất Thục để tiêu sầu, nhưng lòng quê nhớ về đất bắc vẫn canh
cánh khôn nguôi nên mới làm bài thơ "Ký Xuân 羈春" (KÝ là Ở lại, giữ lại.
Nên KÝ XUÂN có nghĩa là "Xuân đến mà vẫn phải ở lại nơi đất khách) để
giải tỏa nỗi lòng :
客心千里倦, Khách tâm thiên lý quyện,
春事一朝歸. Xuân sự nhất triêu quy.
還傷北園里, Hoàn thương bắc viên lý,
重見落花飛. Trùng kiến lạc hoa phi ?
Trên bước đường ngàn dặm, lòng người khách tha hương đã mỏi mê chán
ngán rồi. Trước mắt lại thấy cảnh trí của mùa xuân ập về nên lòng lại
càng muốn về ngay quê nhà. Cảnh quê xưa ở phương bắc còn để lại nhiều
thương cảm ở trong lòng, không biết đến bao giờ mới thấy lại được cảnh
hoa rụng bay lả tả ở quê nhà đây :
Ngàn dặm lòng quê mòn mõi,
Xuân về một sớm nhớ thay,
Đất bắc quê xưa trông ngóng,
Bao giờ thấy lại hoa bay ?!
Vương Bột còn nổi tiếng với các bài Ngũ ngôn Tứ tuyệt, như bài "Tư
Quy 思歸" tràn ngập đầy hình ảnh lá vàng của mùa thu dưới đây :
長江悲已滯, Trường Giang bi dĩ trệ,
萬里念將歸。 Vạn lý niệm tương quy.
況屬高風晚, Huống thuộc cao phong vãn,
山山紅葉飛。 Sơn sơn hồng diệp phi.
王勃 Vương Bột
Có nghĩa :
Trường Giang sầu nước lửng,
Muôn dặm muốn về ngang.
Núi cao ngăn quê cũ ,
Non non rụng lá vàng !
Hai câu cuối của bài thơ còn có một dị bàn là :
Huống PHỤC cao SƠN VIỄN, 況復高山遠,
Sơn sơn HOÀNG diệp phi. 山山黃葉飛。
* HUỐNG THUỘC hay HUỐNG PHỤC gì đều có nghĩa là : Hơn nữa, Vả lại...
* CAO PHONG VÃN : là Gió thu trên cao thổi vi vút vào buổi chiều tối, còn ...
* CAO SƠN VIỄN : là Núi cao chập chùng xa xăm diệu dợi.
* HỒNG DIỆP hay HOÀNG DIỆP gì cũng đều là lá mùa thu, và cũng đều nên
thơ cả ! Có điều, người Việt ta thì hay dùng "Lá Vàng" để chỉ mùa thu,
còn người Hoa thì hay dùng "Lá Đỏ", vì họ có nhiều rừng phong đỏ thắm
lúc thu về, còn ta thì lại có :
Lá VÀNG trước gió sẻ đưa vèo ! ...
hoặc thi vị hơn như Tản Đà :
Trận gió thu phong cuốn lá VÀNG,
Lá bay hàng xóm lá bay sang....
Lại diễn Nôm:
Trường Giang nước đọng lòng sầu,
Xa nhà muôn dặm mấy thâu muốn về.
Núi cao ngăn cách làng quê,
Ngàn non lá đổ tái tê lòng sầu !
Nhưng nổi tiếng nhất là bài "Tống Đỗ Thiếu Phủ Chi Nhậm Thục Xuyên 送杜少府之任蜀川", có những câu thơ bất hủ cũng hình thành những thành ngữ dược thông dụng cho đến hiện nay, tiêu biểu như hai câu thơ sau đây :
海內存知己, Hải nội tồn tri kỷ,
天崖若比臨。 Thiên nhai nhược tỉ lân.
Có nghĩa :
Trong vòng tứ hải mà có được một người tri kỷ, thì... Dù
cho có xa xôi tận chân trời góc biển thì cũng như là ở sát vách với nhau
vậy.
Thế gian có một tri âm,
Chân trời góc biển cũng gần bên nhau.
Cả bài thơ như sau :
城闕輔三秦, Thành khuyết phó tam Tần,
風煙望五津。 Phong yên vọng ngũ tân.
與君離別意, Dữ quân ly biệt ý,
同是宦遊人。 Đồng thị hoạn du nhân.
海內存知己, Hải nội tồn tri kỷ,
天涯若比鄰。 Thiên nhai nhược tỉ lân.
無爲在歧路, Vô vi tại kỳ lộ,
兒女共沾巾。 Nhi nữ cộng triêm cân.
Có nghĩa :
Tam Tần phủ lấy Trường An
Mịt mờ sương khói mơ màng Ngũ Tân.
Chia tay ly biệt phân vân,
Cùng là hoạn lộ phong trần đồng tâm.
Bốn bể có được tri âm,
Chân trời góc biển như gần bên nhau.
Phân kỳ lưu luyến biết bao,
Đừng như nhi nữ lệ trào ướt khăn !
Đường Lân Đức Nguyên niên (664), Vương Bột dâng thư cho hữu Thừa
tướng Lưu Tường Đạo, Đạo kinh ngạc vì văn tài của Bột, nên tiến cử cho
triều đình, được phong là Triều Tán Lang. Nhưng tính của Bột hay ỷ tài
ngạo mạn, thường đắc tội với những người chung quanh; sau đó Bột lại
nhậm chức Tham Quân ở Hoắc Châu. Trong khoảng thời gian nầy, Bột lại che
dấu cho một tội nô là Tào Đạt. Chuyện lỡ vỡ, Bột sợ tội giết Tào Đạt,
nên bị khép tội chết vì "giết quan nô của triều đình". Cha của Vương Bột
cũng vì thế mà bị biếm đi làm Huyện Lệnh ở tận đất Giao Chỉ. Chẳng bao
lâu, gặp dịp đại xá, Bột được tha tội chết chỉ tước đi quan chức mà
thôi.
Tài hoa mệnh bạc, năm Đường Thượng Nguyên thứ 2
(675), Vương Bột 26 tuổi trên đường đi đến Giao Chỉ thăm cha. Năm sau,
trên đường về, Vương Bột đã bị đắm thuyền và chết đuối trên dòng Chương
Giang khi mới có 27 tuổi. Tương truyền, vì Vương chết trẻ nên rất
thiêng, trên khúc sông Chương Giang nơi ông chết đuối, cứ vào khoảng đêm
khuya canh vắng, người ta thường nghe văng vẳng tiếng ngâm hai câu
trong bài Tự Đằng Vương Các bất hủ của ông là :
... 落霞與孤骛齐飞, Lạc hà dữ cô vụ tề phi,
秋水共长天一色. Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc...
Sứ thần Hồ Tông Thốc 胡宗鷟 đời Trần Nghệ Tông của Việt Nam ta, trong
dịp đi sứ Trung quốc, một buổi chiều tà, nhân chèo thuyền dạo chơi trên
khúc sông Chương Giang nơi Vương Bột chết đuối, được nhân dân địa phương
kể cho nghe câu chuyện nói trên, Hồ Tông Thốc nghe xong, bèn ra đứng ở
mũi thuyền nói to lên rằng:
何必"與 共"二字 !? Hà tất "Dữ Cộng" nhị tự !?
Có nghĩa :
Sao lại phải dùng hai chữ DỮ 與 và CỘNG 共 (Với và Cùng) vậy !?
Mọi người hỏi tại sao, thì Hồ Tông Thốc giải thích rằng:
Hai câu văn tuy hay, song thừa hai chữ Dữ 與 và Cộng 共, vì đã nói "tề
phi" (cùng bay) thì mặc nhiên là có ý Dữ 與 (Với) trong đó rồi; đã nói
"nhất sắc" (một màu) thì mặc nhiên là có ý Cộng 共 (Cùng) trong đó rồi!
Nên, hai câu trên nên sửa lại như sau:
落霞孤骛齐飞, Lạc hà cô vụ tề phi,
秋水长天一色. Thu thuỷ trường thiên nhất sắc.
Mọi người nghe nói, đều phục ông bắt bẻ có lý, và hai câu của ông
tuy về mặt âm hưởng không bằng hai câu của Vương Bột, nhưng về mặt văn
tự thì quả có gọn ghẽ và hàm súc hơn.
Rôi từ đó, trên
khúc sông ấy, người ta không còn nghe tiếng ngâm thơ của oan hồn thi
nhân họ Vương nữa.
Thật ra, hai câu văn tuyệt tác đó cũng không phải là do Vương Bột
hoàn toàn nghĩ ra, mà đã mượn lời và ý trong bài "Tam Nguyệt Tam Nhật
Hoa Lâm Viên Mã Xạ Phú 三月三日華林園馬射賦" của Dữu Tín 庾信 người đời Bắc Chu 北周
(thời Lục Triều). Trong bài phú của Dữu Tín có hai câu tả cảnh du xuân như sau :
落花與芝蓋同飛, Lạc hoa dữ chi cái đồng phi,
楊柳共春旗一色. Dương liễu cộng xuân kỳ nhất sắc.
Có nghĩa :
Hoa rụng cùng bay phất phới với rèm xe,
Hàng dương liễu cùng cờ xuân xanh xanh một màu.
Hai câu tả cảnh mùa xuân nêu trên, tuy hay nhưng ít người biết tới,
vì chưa thật xuất sắc, kịp đến khi Vương Bột vận dụng hai câu trên để
tả cảnh mùa thu trong bài Đằng Vương Các Tự thì mới trở thành bất hủ và
lưu danh thiên cổ ! Hễ nhắc đến Vương Bột là người ta nghĩ ngay đến bài
phú Đằng Vương Các Tự, và hễ nhắc tới Đằng Vương Các Tự thì người ta
cũng nghĩ ngay đến hai câu tả cảnh mùa thu bất hủ nầy :
Lạc hà dữ cô vụ tề phi, 落霞與孤鶩齊飛,
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc. 秋水共長天一色.
Có nghĩa :
Ráng chiều cò trắng cùng bay,
Long lanh thu thủy nước mây một màu.
Sau khi Vương Bột chết, rất nhiều ngư phủ và những người sống trên
vùng sông nước miền nam đã tưởng nhớ tôn xưng ông là "Thủy Tiên Vương"
và thờ phượng ở trên thuyền, trên bến nước bên bờ sông. Hiện nay ở huyện
Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An của Việt Nam ta vẫn còn mộ và đền thờ Vương
Bột..
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Mời Xem :
bài rất hay
Trả lờiXóa