Thứ Sáu, 8 tháng 12, 2023

Trang Thế Hy và “Đắng và ngọt”- Huỳnh Duy Lộc


Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh ngày 29 tháng 10 năm 1924 ở Hữu Định, quận Châu Thành, tỉnh Kiến Hòa (nay là tỉnh Bến Tre). Ngoài bút danh Trang Thế Hy, ông còn có những bút danh khác như Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn Minh Phẩm... Ông tham gia hoạt động cách mạng, làm cán bộ văn hoá thông tin, tuyên huấn, từng bị Chính quyền Sài gòn bắt giam năm 1962. Sau năm 1975, ông sinh hoạt văn nghệ tại Sài gòn, làm biên tập viên cho báo Văn nghệ TP.HCM, về hưu năm 1992, rồi “đi chỗ khác chơi”, về ẩn cư tại quê nhà Bến Tre. Ông được coi là một trong những nhà văn đương đại hàng đầu của văn chương Nam bộ cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21.
Ông từ trần ngày 8.12.2015 tại Bến Tre.
Trang Thế Hy từng được Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) với truyện ngắn “Anh Thơm râu rồng”; được tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện “Tiếng khóc và tiếng hát”, được trao Giải thưởng loại A của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2001 với tập truyện “Nợ nước mắt”…
Trong gần 50 năm cầm bút, Trang Thế Hy viết không nhiều, chỉ khoảng trên dưới 50 truyện ngắn. Những truyện ngắn gắn liền với tên tuổi Trang Thế Hy là “Nắng đẹp miền quê ngoại” (1964), “Mưa ấm” (1981), “Người yêu và mùa thu” (1981), “Vết thương thứ 13” (1989), “Tiếng khóc và tiếng hát” (1993).
Lúc sinh thời, khi được hỏi ông thích tác phẩm nào nhất trong những sáng tác của ông suốt mấy chục năm cầm bút, nhà văn Trang Thế Hy (1924-2015) cho biết ông thích nhất truyện ngắn “Thèm thơ” viết vào năm 1959, kể về mối tình thoảng qua giữa một nhà văn trẻ và một cô gái bán phấn buôn hương sống trong một xóm lao động nghèo ở Sàigòn.
Truyện ngắn “Thèm thơ” sáng tác năm 1959: https://sites.google.com/site/trangthehy/themtho
Ngoài văn xuôi, Trang Thế Hy còn sáng tác gần 20 bài thơ, trong đó có 13 bài đã in thành tập. Nhà văn Nguyên Ngọc có nhận xét rằng các bài thơ đó là “hồn cốt của ông - một người hiền của văn chương Nam bộ”.
Bài thơ “Đắng và ngọt” của Trang Thế Hy được đăng trên tạp chí Vui sống số 9 năm 1959 với bút danh Minh Phẩm, sau đó được nhà văn Bình Nguyên Lộc đăng trong tập truyện “Quán bên đường” nhưng không ghi tên tác giả. Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc bài thơ này thành bản nhạc “Quán bên đường” vào cuối thập niên 1960, để tên tác giả là “Vô danh” vì nhà văn Bình Nguyên Lộc không nhận là của mình.
Hai người bạn thuở ấu thơ tình cờ gặp lại nhau một buổi chiều mưa ở chốn thị thành, chợt nhớ lại những ngày còn thơ ngồi trên ngưỡng cửa một căn nhà đơn sơ ở quê nghèo, chia nhau một củ khoai sùng lượm dưới đất. Vị ngọt của củ khoai sùng còn đọng lại mãi trong ký ức về thuở thiếu thời, khi đầu chàng "còn húi trọc, khét nắng hôi trâu" và nàng "còn mái tóc bánh bèo", da mét vì thiếu ăn. Ngồi trong quán khi ngoài trời mưa lạnh rơi, nhìn quần áo bảnh bao, ngỡ rằng có thể mừng vui cho cuộc sống sung túc của bạn cũ, nào ngờ để có được vẻ bề ngoài bảnh bao ấy, cả hai đã phải đánh đổi bằng những gì quý giá nhất của đời mình: nàng phải lấy "hình hài đem bán", còn chàng phải bán trí óc, dùng ngòi bút làm "chiếc cần câu miếng cơm", miệt mài viết ngày đêm, nhưng phải giả ngơ giả điếc, tự dối lòng để ca ngợi những điều phù phiếm: "Đời thối phải nói là thơm". Khi chợt hiểu ra sự thật phũ phàng, hai người chỉ còn biết đau đớn nhìn nhau trong im lặng và không có nổi một nụ cười hay một giọt nước mắt trước khi chia tay vì chàng "đã vùi quên nụ cười", còn lệ của nàng "đã cạn từ lâu". "Chiều nắng khoe màu tơ" của những năm tháng "đã chìm xa mù khơi" bỗng dưng hiển hiện trong chiều mưa lạnh, và cả hai muốn nói đôi lời an ủi: "Hỏi nhau buồn hay là vui?" Nhưng ai có thể trả lời được đời mình buồn hay vui, hạnh phúc hay khổ đau vì muốn có câu trả lời thật sự, phải hỏi chính cuộc đời. Bài thơ đau đớn xé lòng của ông về hai người bạn thuở thiếu thời gặp lại nhau ở quán bên đường không chỉ thể hiện tâm trạng bế tắc của những thanh niên sống trong các thành thị ở miền Nam trước năm 1975, mà còn nói lên sự thật cuộc đời: ở bất cứ nơi nào, dưới bất cứ chính thể nào, vẫn luôn có những người phải bán những gì quý giá nhất của mình để sống qua ngày và nếu có trách cứ thì chỉ có thể trách chính cuộc đời.
 
ĐẮNG VÀ NGỌT
Ngày xưa hồi còn thơ
Một chiều nắng đẹp khoe màu tơ
Tôi cùng em hai đứa
Thơ thẩn ngồi chơi trên ngạch cửa.
Tóc em chừa bánh bèo
Môi chưa hồng, da mét: (con nhà nghèo !)
Đầu tôi còn hớt trọc
Khét nắng hôi trâu, thèm đi học
Em cầm một củ khoai
Cạp vỏ bằng răng rồi chia hai
Thứ khoai sùng lượm mót
Mà sao nó ngọt thôi là ngọt.
Bây giờ giữa đường đời
Kỷ niệm ngày xưa mù khơi
Gặp nhau chiều mưa lạnh
Hai đứa đều sang trong bộ cánh
Dung nhan em còn tươi
Anh mừng tưởng đâu đời em vui.
Dè đâu đây là quán
Em bẹo hình hài rao lên bán !
Đang thời đông khách mua
Chợ thịt còn sung được vài mùa.
Nghe nói anh cầm viết
Nghệ thuật là gì em muốn biết.
- “Mùi hôi nói mùi thơm
Cây bút cầm tay : cần câu cơm
Đó em ơi ! Nghệ thuật :
Nhắm mắt quay lưng chào sự thật.”
Rồi đôi ta nhìn nhau
Không có ai đánh mà lòng đau
Em mời ăn bánh ngọt
Nhắc củ khoai sùng mình lượm mót
Đường bánh tươm vàng mơ
Như nắng chiều xưa khoe màu tơ
Mới cầm tay chưa cắn
Mà sao nó đắng thôi là đắng !
Xin anh một nụ cười
- Cười là sao nhỉ ? Quên rồi !
Xin em chút nước mắt
- Mạch lệ em từ lâu đã tắt !
Hỏi nhau : buồn hay vui ?
- Biết đâu ? Ta cùng hỏi cuộc đời.
Trang Thế Hy
 
Nhạc sĩ Phạm Duy đã sửa lại nhiều câu thơ của Trang Thế Hy và phổ nhạc thành ca khúc "Quán bên đường":
 
Ngày xưa ngày xửa ngày xưa
Chiều mơ chiều nắng đẹp khoe màu tơ
Hai đứa mình còn trẻ thơ
Rủ nhau ngồi ngưỡng cửa chơi thẩn thơ
À a a nhớ, nhớ em còn mái tóc bánh bèo
À a a nhớ má chưa hồng da mét vì em nghèo
Đầu anh còn húi trọc, còn húi trọc
Khét nắng hôi trâu thèm đi học, thèm đi học
Em cầm một củ khoai
Ghé răng cạp vỏ rơi
Xong rồi mình chia đôi
Khoai sùng này lượm mót
Sao ngọt lại ngọt ghê
Giờ đây kỷ niệm ngày xưa
Giờ đây cảnh cũ chìm xa mù khơi
Gặp nhau một chiều lạnh mưa
Nhìn nhau quần áo bảnh bao mừng sao
Nhìn em còn xinh còn tươi
Đời em tưởng đâu là vui
Nhà em phải chăng là đây?
Dè đâu chẳng may là quán
Em đẹp hình hài đem bán
Rồi em hỏi anh làm chi?
Cầm bút để viết ngày đêm, anh viết gì?
Đời thối phải nói là thơm
Ngòi bút là chiếc cần cầu miếng cơm
Em hỏi nghệ thuật là chi?
Là đui, là điếc, là câm mà đi
Nhìn nhau lặng lẽ nhìn nhau
Nào có ai đánh mà sao lòng đau
Bánh ngọt cùng mời ăn
Nhớ chăng củ khoai ngon
Bánh tươm vàng như nắng
Bánh này mình chưa cắn
Sao mà miệng cay đắng?
Rồi xin một nụ cười thôi, cười ư?
Anh đã vùi quên, quên nụ cười
Thì xin vài giọt lệ rơi
Lệ em cạn đã từ lâu, người ơi
Trước khi từ giã hỏi nhau buồn hay là vui?
Thì cứ hỏi ngay cuộc đời...”
 
 Mời Nghe
Ca khúc "Quán bên đường" với giọng ca Thái Thanh
 

Ca khúc "Quán bên đường" với giọng ca Quỳnh Giao: 


Ảnh: Nhà văn Trang Thế Hy


 

1 nhận xét:

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH Và NĂM MỚI