Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

Nhớ tiếng rao xưa của Sàigòn-

Với nhiều dân Saigon, đậm đà trong ký ức tuổi nhỏ êm đềm chính là những tiếng rao, âm thanh trên đường phố. Nó lẩn khuất trong ngăn kéo ký ức, hiếm khi nghĩ tới nhưng bỗng nở bung ra, lao xao trong niềm nhớ khi ta động đến.

Hồi trẻ, tôi đọc bài " Quà đêm trên rạch Tàu Hủ " của Bình Nguyên Lộc trên một tờ báo và bật cười với nhận xét của ông khi nghe tiếng rao quà trong đêm Sài Gòn:
“Ai ăn, bột khoai... đậu xanh... bún tàu... nước dừa... đường cát hôn!”.
Điều ngộ nghĩnh là người rao kể rõ những thứ có trong món chè đó, rất thật thà, bộc tuệch.
Cô bạn người Nhật tôi quen kể rằng khi đến Sài Gòn, ngụ khách sạn nhỏ trong một con hẻm ở Q.1, không chiều nào cô không ra ngồi ngoài ban công để nghe tiếng rao rồi ghi âm và chụp ảnh.
Cô thích lời rao của chị bán súp cua, chị bán chè, chị bán bánh tráng nướng. Cô không thích lời rao ghi âm sẵn. Cô hỏi về cái ông tối nào cũng lắc những miếng kim loại nghe leng keng đi qua (đấm bóp dạo) là bán món gì.
Cô thích thú khi nghe tiếng hủ tiếu gõ lóc cóc. Cô mê chụp ảnh ông bán chổi lông gà vì mấy cái lông đuôi gà trống đẹp quá.
Những lời rao đường phố không có trên quê hương cô. Cô mơ ước làm một cuốn sách chỉ về những người bán hàng trên đường phố và lời rao của họ. Cô khiến tôi nhớ ra rằng ở VN hình như chưa có ai quan tâm thực hiện một cuốn sách mô tả những điều đó. Dù nó đang mất dần qua mỗi ngày.
Nhưng có một người Pháp, từ hơn 70 năm trước (1943) đã làm việc này, dù không hẳn là viết một cuốn sách. Ông viết một bài dài về những lời rao trên đường phố Sài Gòn, có vẽ minh họa, ký âm từng tiếng rao.
- Đó là E.Berges.
Những trang viết để lại của ông thật quý giá, vì nếu không ký ức về chuyện đó sẽ mất đi:
“Sáng bửng, Sài Gòn thức dậy trong tiếng rao hàng. Sự ồn ào của hàng ngàn kẻ buôn bán khiến không khí vui vẻ hẳn lên ở mỗi khu phố, mỗi con đường. Tiếng rao hàng vang lên từ Chợ Lớn đến Đa Kao, từ bến tàu Ba Son, chợ Mới (chợ Bến Thành) đến chợ Cũ (chợ Hàm Nghi), từ nhà thờ đến nghĩa trang. Suốt bảy ngày trong tuần, dưới ánh mặt trời miền Nam hay dưới cơn mưa tầm tã, họ cứ đi, đòn gánh trên vai hay đội rổ trên đầu, các ông và nhất là vô số bà bán hàng rao vang dưới những gốc me hay phượng vĩ, quyến rũ những người thèm ăn bữa nhẹ hay mua vài món nho nhỏ dằn bụng...”.
Ông Berges tả cô hàng bán mía ghim:
“Với một tay, cô điều chỉnh thúng trên đầu, tay còn lại rảnh, điều chỉnh bước đi nhịp nhàng. Cô ta cất giọng lúc này lúc khác thanh tao: Ai ăn mía không? Cô bị vây lại ở đường Norodom (Thống Nhất-Lê Duẩn) bởi những đứa trẻ với hai xu mua được hai cây mía ghim”.
Khi nói về cô bán cháo cá, ông không hề nhắc đến nhan sắc, mà chỉ nói về dáng điệu của cô và cách bán hàng:
“Đã 5 giờ chiều, dài theo đường Legrand de la Liraye (Phan Thanh Giản - Điện Biên Phủ), cất lên giọng rao hàng ngắn của cô hàng bán cháo cá. Cô dừng chân góc đường, để xuống vỉa hè hai nồi đựng, xếp xếp mau lẹ những chén trên mâm bằng tre, ở giữa hai nồi cháo, quạt lửa hong nóng nồi cháo và phục vụ cho những khách vội vã thích ăn cháo cá hay đậu nấu nhừ. Thỉnh thoảng, cô đổi món hằng ngày và rao:
" Ai ăn cháo cá, bún không?”.
Lũ trẻ nhỏ kiếm sống trên đường phố bán thức ăn chế biến sẵn, sách báo, dịch vụ tại chỗ như đánh giày. Ông Berges luôn quan sát chúng bằng đôi mắt dí dỏm:
“Chúng có hai đứa, tuổi chừng tám đến mười, để tóc cẩu thả bay theo gió, ánh mắt ranh mãnh. Chúng đi trên đường Pellerin (Pasteur), rồi cười giỡn, rượt bắt nhau, thỉnh thoảng chửi bới và đột ngột chỉnh sửa lại túi bán hàng rồi rao: đậu phộng rang, hạt dưa.
Chúng ngoác mồm rao lớn giọng, không để ý đến giờ nghỉ trưa”.
Có khi chúng là những đứa bé bán báo:
“Chúng tràn ngập trên đường Catinat (Tự Do-Đồng Khởi), ở những quán cà phê vỉa hè. Chúng rượt theo những bộ hành nhàn nhã, bằng những tiếng rao mời khó chịu mà tấn công liên tục khách uống bia. Trên đại lộ Norodom (Thống Nhất), trước nhà thờ, chúng chộn rộn, rình mò những người đạp xích lô và xe kéo, chạy lẹ tới họ, vừa chạy vừa lấy tiền. Chúng rao báo chữ Việt: Điện Tín, Sài Gòn ngày mai, thầy. Vào những chiều, khi nhà xổ số địa phương mở ra, cũng những đứa trẻ đó ngang dọc các đường phố, khoảng 22 giờ, bán vé số, giấy dò vé số trúng. Và sau đây là những lời tâng bốc sự giàu sang: Lô-tơ-ri, giấy dò số Đông Pháp, thầy!”.
Có khi là thằng nhỏ bán bánh men, thứ bánh bây giờ chúng ta không thấy ai bán dạo nữa:
“Nó để đầy bánh trong thùng gắn kiếng. Bánh nó làm bằng bột gạo lên men, rắc lên bánh loại bột thơm đậu và nước dừa. Nó đi bán trên đại lộ Catinat (TỰ Do), với thùng bánh trên vai và rao: Ai ăn bánh men nước dừa không?”.
Theo quan sát của ông Berges, trên đường phố Sài Gòn 74 năm trước, người bán hàng rong đa phần là đàn ông. Đó là chú bán chổi lông gà với lời rao ngắn gọn:
“Chổi lông gà không?”;
Những người bán chiếu bông:
“Chiếu không?”;
Người bán tiết canh:
“Ai ăn tiết canh không?”;
Người bán khoai lang:
“Ai ăn khoai lang nấu đường không?”...
(Trích Sài Gòn - Chuyện đời của phố tập 4, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM và Phương Nam Book)

Lời bàn của Mao Tôn...không cương...:

Xưa kia nhà tui ở đường Nguyễn Duy Dương / Da Bà Bầu - Q.10
Cứ tối trời đẹp hay mưa râm râm là có bà gánh một gánh chè nặng chĩu , có cái đèn dầu lớn treo ở gánh rao :
- Ai ăn bột khoai nước dừa đường cát hôn
Ba tui kêu vô sân , 3 anh em tui , mỗi thằng 1 chén chè bột khoai , còn Ba Ma tui thì ăn chè đậu đen , lúc đó 1 $ / 1 chén
Nghe tiếng 2 cái thanh tre gõ cóc cóc của thằng chệt con là biết có xe mì gõ đâu ngoài đường
Anh Hai bà con của tui kêu vô , mỗi người 1 tô mì do thằng nhóc đội rế đem mì vô , có cái bánh con tôm chiên , 1 cọng sà lách , 1 tô / 3 $
Có ông ba tàu kia , cứ trời mưa râm râm là nghe ổng rao :
- Tậu phọng dang đây
Ổng đeo 1 cái thùng dầu lửa , trong đó là đậu phọng rang , gói bằng giấy báo , tròn dưới đáy nhọn trên đầu , nhưng trong đó chỉ có mấy hột nóng giòn rụm mà ăn ngon chưa từng nơi nào có 1 gói / 1$ , mắc quá chời .
Những tiếng rao lanh lảnh đó cho mãi tới giờ tui đã 76 tuổi mà còn nghe văng vẵng trong lòng như mới ngày hôm qua .

Viết tại Montreal ,Canada , ngày 19 tháng 11 năm 2023
Thân mến TQĐ

1 nhận xét:

CHÚC MỪNG GIÁNG SINH Và NĂM MỚI