HÔÌ ỨC ĐỜI TÔI ( phần V)
Trong ba tháng học với thầy tôi bị bao nhiêu cái bạt tay, bao nhiêu cây thước kẻ, bao nhiêu lần quỳ gối tôi không đếm hết và ngày nay tôi cũng không còn nhớ nổi.
Không thể như vậy được, tôi tin rằng tôi không tệ, tôi có khả năng vượt qua kỳ thi cuối năm. Sự tức tốí trong lòng như nung nấu thêm ý chí phấn đấu trong tôi, tôi không thể buông xuôi, đầu hàng nghịch cảnh. Tôi kiên định sẽ học giỏi hơn trong năm tới. Xuống lớp mà tôi vẫn ấm ức trong lòng, tự hỏi tại sao chỉ có một mình tôi bị đuổi xuống lớp trong khi học lực tôi khá hơn một số bạn trong lớp? Hồi lớp nhì học thầy Đồng tôi thuộc loại khá, tôi không phải loại chuyển trường từ nơi khác đến, tôi là học sinh cũ của trường. Điểm thi của tôi được thầy dạy chứng nhận và hiệu trưởng duyệt. Muốn đuổi tôi xuống lớp ít ra cũng phải đưa ra hội đồng kỷ luật đằng nầy thầy tự quyết định lấy một mình. Hoá ra thầy có quyền hạn trên cả hiệu trưởng và cả giáo viên lớp dưới sao? Tại sao lại có chuyện học thử ba tháng? Nay xuống lớp nhì thì trong ba tháng đó tôi không có tên trong danh sách học sinh của lớp thầy Dõng, dĩ nhiên cũng không có điểm học tập, điểm chuyên cần. Muốn qua mặt Ban Giám Hiệu thì có hai cách: hoặc lấy điểm từ lớp thầy C. đưa xuống ( bất hợp pháp vì đó là điểm của lớp nhứt) , hoặc cho “điểm ma.” Vậy mà vấn đề được hợp thức hoá một cách đàng hoàng!!! Những điều nầy hồi đó tôi không biết nên tôi không thể khiếu nại ai, vả lại tôi có khiếu nại cũng chẳng ai tin. Người ta chỉ tin ở thầy cô giáo chứ ai đi tin một đứa bé như tôi. Gần 20 năm làm nghề thầy giáo, dạy
từ tiểu học cho tới trung học, tôi học được nhiều kinh nghiêm về chuyên môn cũng như hiểu được cái lắt léo và những khuất tất trong nghề. Tuyệt đối tôi không dám làm điều gì trái với lương tâm gây tác hại đến con đường học vấn của học sinh. Tôi không muốn phải ân hận về sau do lỗi lầm mình gây ra khi đối mặt với sự trách móc hay mỉa mai của học trò hoặc của phụ huynh học sinh.
Tôi sẽ vui lòng ở lại lớp nếu cuối năm tôi không đủ điểm đậu. Bao nhiêu thắc mắc cứ đeo đuổi mãi trong lòng. Rồi cũng do duyên số tôi lại trúng tuyển vào trường Sư Phạm Sàigon, tôi học và tìm hiểu thêm các môn Luân lý Chức nghiệp, Quản trị Học đường, Sổ tay Sư phạm... nhưng tôi vẫn không thấy điều khoản nào cho phép thầy đánh học trò hay đuổi học trò xuống lớp ngang xương như vậy. Và... khi sang Mỹ tôi cũng đã nhiều năm mài mòn đủng quần ở trường college, cũng không thấy giáo sư Mỹ nào tự ý đuổi học trò xuống lớp. Trường Mỹ một khi bạn lấy cái test nếu pass được trình độ nào thì cứ vô lớp đó mà học không ai có quyền đuổi bạn xuống lớp. Nếu thấy môn học khó quá bạn có thể xin xuống lớp ngay từ đầu ( giáo sư không hề đuổi bạn), nhà trường cho bạn thời hạn học thử ba tuần thôi. Nếu để gần cuối khoá mới xin drop lớp thì sẽ bị phạt đấy! Học cho đến cuối khoá mà bạn không pass được thì bạn bị rớt, phải ở lại lớp học bài cũ.
Tôi cũng có hơn bốn năm làm Teacher Aide tại các trường tiểu học và trung học ở San José. Thời gian nầy tạo điều kiện cho tôi học hỏi thêm về phương pháp giảng dạy của các giáo viên Mỹ đồng thời tìm hiểu thêm về qui chế của thầy giáo cũng như về quyền hạn của một người thầy. Tôi không thấy giáo viên nào đánh học trò, bắt học trò quỳ gối hay nói nặng với học trò. Đó là điều tối kỵ mà thầy giáo nào cũng phải tuân theo nếu không muốn bị bãi chức hoặc bị tù. Và tất nhiên thầy giáo cũng không có quyền bắt một học sinh xuống lớp theo ý riêng của mình ...
Trong niềm đau chất ngất cộng thêm lòng tự ái của tuổi nhỏ làm tôi nổi cơn thịnh nộ, rồi tự nhiên trong đầu loé lên một tia hy vọng rằng sẽ có một ngày, với quyết tâm sắt đá, tôi sẽ trở thành một thầy giáo gương mẫu không như thầy!Tôi muốn đứng trước bục giảng dùng khả năng và kiến thức để truyền đạt bài học cho học sinh. Tôi sẽ làm cho bài học trở nên dễ hiểu, dễ hấp thụ. Tôi cũng không đánh học trò dù chúng có học dở. Tôi cho rằng học trò học kém một phần do truyền đạt của thầy chưa đúng mức. Nghiệm ra điều nầy lòng tôi cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản. ..
Tôi học lâu năm ở Nam Tiểu học Tây Ninh. Sau đây là danh sách các lớp và các thầy phụ trách thời đó ( 1950-1955), ghi theo trí nhớ:
Lớp nhì:
Nhì A: Nguyễn Văn Biếu
Nhì B: Thầy Đồng
Nhì C: Lê Thị Bình
Nhì D: Thầy Dõng
Lớp nhứt:
Nhứt A: Nguyễn Văn Lung (1952-1953)
Nhứt A: CNC (1953-1964) cho tới 5, 6 năm sau.
Nhứt B: Nguyễn Văn Lợi
Nhứt C: Thầy Chặt
Nhứt C: Nguyễn Văn Cẩm
Lớp Tiếp Liên:
Nguyễn Văn Lung ( từ 1954-?), lớp nhứt A sau đó do thầy Mai thế chỗ.
Dàn lớp nhì và nhất được bố trí thật hùng hậu gồm các thầy cô giàu kinh nghiệm với văn bằng Tiểu học hay sơ học
thời xưa .Họ là những giáo viên làng xã đổi về hay tại địa phương, không qua một trường Sư Phạm nào . Chưa có thầy nào đậu được bằng Breuvet hay chứng chỉ đệ thất. Cho nên khi thầy CNC được bổ nhiệm về trường Nam Tiểu Học TN thì thầy được coi như là con cưng của Ban Giám Hiệu. Thầy được đồng nghiệp nễ nang vì tốt nghiệp trường Sư Phạm Nam Việt ( tiền thân của SPSG), điều kiện thi vào trường là có bằng Tiểu học, nếu đậu thì học 4 năm, 2 năm đầu học văn hóa ( tương đương chương trình đệ thất, lục), 2 năm sau học Sư Phạm lý thuyết + Sư Phạm Thực hành, ra trường được xếp ngạch Giáo Học cấp Bổ Túc. Thầy C. đứng nhứt trường lúc tuổi còn rất trẻ! Do đó thầy muốn đánh học sinh bao nhiêu cũng được, đuổi trò nào xuống lớp cũng xong !
Nguyễn Cang
Cựu giáo chức trung học
( còn tiếp)
thầy là phải chuẩn
Trả lờiXóa