Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2023

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 104 : TỰA, TƯỚC, TƯƠNG, TƯỜNG, TỬU.- Đỗ Chiêu Đức

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 104 :  


                          TỰA, TƯỚC, TƯƠNG, TƯỜNG, TỬU
                 
                                         Xót người TỰA CỬA hôm mai
                                 
     TỰA CỬA chữ Nho là Ỷ MÔN 倚門 hay Ỷ LƯ 倚閭 : Chỉ Cha mẹ mong ngóng con cái. Theo《Chiến Quốc sách 戰國策· Tề Sách Lục 齊策六》có ghi lại truyện sau đây :
     Vương Tôn Giả 王孫賈 là Đại phu của nước Tề thời Chiến Quốc. Năm 15 tuổi ông đã theo phò Tề Mẫn Vương. Tề Vương là người rất kiêu ngạo, nên chư hầu đều bất mãn. Nước Yên bèn hp với các nước Triệu, Ngụy, Hàn, Tần đem binh đánh Tề. Tề vương bèn cầu cứu với nước Sở. Sở sai đại tướng Náo Xỉ đem binh tiếp viện; nào ngờ Náo Xỉ cấu kết với nước Yên thừa cơ giết chết vua Tề. Trong cơn binh biến Vương Tôn Giả thất lạc với vua Tề, bèn chạy về nhà. Bà mẹ thấy con về rất giận mà mắng rằng :"Mỗi sáng con đi, mẹ đều tựa cửa ngóng trông con về. Đến tối con vẫn chưa về thì mẹ lại ra tựa trước cổng nhà để ngóng con về. Nhưng nay con theo phò vua, vua bị lạc mất, con không tìm vua mà còn dám vác mặt về đây gặp ta được sao !?" Vương Tôn Giả cả thẹn, bèn đi tìm Tề Mẫn Vương. Khi nghe tin Vương đã mất, bèn hô hào các dũng sĩ nước Tề, tập họp lại hơn được 400 trăm người cùng kéo nhau đi tìm và giết chết tướng Náo Xỉ của nước Sở.  
     Do tích trên, nên hình thành thành ngữ "Ỷ LƯ CHI VỌNG 倚閭之望", có nghĩa là "Tựa Cửa Ngóng trông"; thường dùng để chỉ cha mẹ nhớ mong ngóng trông khi con cái đi xa nhà. Như trong Truyện Kiều khi Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích đã nhớ về cha mẹ với câu :

                         Xót người TỰA CỬA hôm mai,
                     Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ ?!
               
                               Xót người TỰA CỬA hôm mai

      TƯỚC BÌNH 雀屏 là "Bình phong có vẽ hình chim khổng tước", là từ nói gọn lại của thành ngữ TƯỚC BÌNH TRÚNG TUYỂN 雀屏中選 theo như tích sau đây :
      Vào thời Nam Bắc Triều của Trung Hoa, một trong những nước của Bắc Triều là Bắc Chu 北周 (557-581) có một đại thần tên là Đậu Nghị 竇毅, người đất Hàm Dương (Thiểm Tây) được phong hiệu là Thần Võ Quận Công. Đâu Nghị có một cô con gái tài mạo song toàn, cầm kỳ thi họa mỗi thứ đều tinh thông; nên ông không muốn gả con cho những kẻ tầm thường theo mai mối; ông muốn chọn một chàng rễ thật sự có tài, bèn cho thợ vẽ hai con khổng tước (con Công) lên trên bức bình phong trước nhà và ra thông cáo rằng : Hễ chàng trai nào cùng lúc dùng 2 tên bắn trúng vào 2 con mắt của 2 con khổng tước thì ông sẽ gả con gái cho. Rất nhiều vương tôn công tử đến xin bắn thử đều không cùng lúc trúng đích. Lúc đó Đường Cao Tổ Lý Uyên 唐高祖李渊 còn là một bạch y tú sĩ, đã phát 2 tên cùng trúng vào 2 mắt của chim công; nên được Đậu Nghị gả Đậu tiểu thơ cho chàng; bà chính là Thái Mục Hoàng Hậu 太穆皇后 sau nầy khi Lý Uyên Đường Cao Tổ lên ngôi nhà Đường. 
     Nên "Tước Bình Trúng Tuyển 雀屏中選" là "Trúng tuyển được làm rể vì bắn chim khổng tước trên bình phong" và một thành ngữ tương cận nữa là "Xạ Bình Đắc Ngẫu 射屏得偶" là "Vì bắn vào bình phong mà có được người phối ngẫu". Trong truyện thơ Nôm khuyết danh Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng có câu :

                         Có chi mà dám Châu Trần,
                Mà đem gương ngọc vào sân TƯỚC BÌNH.

     Trong "Sơ Kính Tân Trang" của Chiêu Lỳ Phạm Thái thì gọi là RẠNG BÌNH XẠ TƯỚC với hai câu sau :

                     Nguyện lòng này với lửa hương,
                RẠNG BÌNH XẠ TƯỚC níu giường thừa long.

     Nhưng vì chữ TƯỚC 雀 khi được ghép với chữ Khổng là KHỔNG TƯỚC 孔雀 thì là con Công; nhưng khi được ghép với chữ Hoàng thành HOÀNG TƯỚC 黃雀 thì là con chim Sẻ. Nên XẠ TƯỚC 射雀 còn được hiểu lệch đi là "Bắn Sẻ" như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều khi tả sắc đẹp của nàng cung nữ cũng đã có câu :

                   Làng cung kiếm rắp ranh BẮN SẺ,
                   Khách công hầu gấm ghé mong sao. 

      Nhưng BẮN CÔNG hay BẮN SẺ gì đều có nghĩa là "việc đua tài trong một cuộc kén rể qúy, rể hiền ngày xưa" mà thôi.
          
                                  Xạ Bình Trúng Tuyển

      TƯƠNG GIANG 湘江 là Sông Tương; còn có tên là Tương Thủy 湘水, là một nhánh lớn của sông Trường Giang chảy qua Quảng Tây, Hồ Nam, Trường Sa rồi đổ vào Động Đình Hồ. Tương truyền khi vua Thuấn đi tuần ở miền Nam, ngã bệnh và mất ở đất Thương Ngô. Hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh đi tìm chồng và cùng tự trầm ở dòng sông Tương nầy. Trong một khúc cổ cầm có tựa là Tương Giang Oán 湘江怨 với lời từ của Lương Ý Nương 梁意娘, một nữ sĩ Hậu Chu đời Ngũ Đại ở đất Hồ Nam, trong đó nổi tiếng với các câu :

                   君在湘江頭,  Quân tại Tương Giang đầu,
                   妾在湘江尾。  Thiếp tại Tương Giang vĩ.
                   相思不相見,  Tương tư bất tương kiến,
                   淚滴湘江水。  Lệ trích Tương Giang thủy !
    Có nghĩa :
               Chàng ở đầu sông Tương,
               Thiếp ở cuối sông Tương.
               Nhớ nhau mà chẳng gặp được nhau,
               Giọt lệ nhớ thương cùng nhỏ xuống dòng sông Tương !

      Một dị bản của câu cuối là :

                   同飲湘江水。  Đồng ẩm Tương Giang thủy.

      Có nghĩa là : Cùng uống nước của dòng sông Tương.

      SÔNG TƯƠNG hay TƯƠNG GIANG thường dùng để nói lên sự mơ ước nhớ nhung mến thương của lứa đôi, trai gái, người yêu, chồng vợ. Như sau khi trao đổi tín vật và hứa hẹn đá vàng thủy chung với nhau thì Kim Trọng và Thúy Kiều càng tưởng nhớ đến nhau hơn :

                       Từ phen đá biết tuổi vàng,
                Tình càng thắm thía dạ càng ngẩn ngơ.
                    SÔNG TƯƠNG một dải nông sờ,
                 Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia ! 

     Còn trong truyện Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng thì có câu :

                    Ve gầy vẳng tiếng cầm xoang,
               Hành Sơn nhạn liệng, TƯƠNG GIANG cá chìm.
          

                            SÔNG TƯƠNG một dải nông sờ...

     Mãi cho đến hiện nay, SÔNG TƯƠNG vẫn còn là dòng sông tương tư thương nhớ của văn nhân thi sĩ và cả nhạc sĩ nữa. Khoảng thập niên năm mươi của Thế kỷ trước, giới thanh niên tuổi trẻ ai mà không biết đến bản nhạc "Ai Về SÔNG TƯƠNG" của nhạc sĩ Thông Đạt. Cho đến hiện nay giới ca nhạc trong nước cũng như hải ngoại vẫn còn hát mãi "Ai có về bên bến SÔNG TƯƠNG, nhắn người duyên dáng tôi thương...."

     Mời bấm vào link dưới đây để nghe nhạc.



Ngoài ra, ta còn gặp các điển :

     - TƯƠNG PHI 湘妃 chỉ hai bà phi vợ của vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh. Như trong truyện thơ Nôm Tây Sương Ký có câu :

                      Hay là quyến luyến lòng trần,
                 TƯƠNG PHI dắt díu, Lạc Thần đi đêm.

     Khi vua Thuấn mất ở cánh đồng Thương Ngô bên bờ sông Tương, hai bà phi đã khóc đến nước mắt chảy thành máu vẫy đầy lên trên những cây trúc xanh ở quanh nơi đó thành các đóm đỏ sậm màu. Loại trúc có đốm nầy rất đẹp và qúy, gọi là Tương Phi Trúc 湘妃竹. Nên RÈM TƯƠNG là loại rèm được làm bằng trúc Tương Phi, ý chỉ rèm qúy của các gia đình quyền quý giàu sang, như trong Bích Câu Kỳ Ngộ tả lúc Tú Uyên và Giáng Kiều cùng nhau uống rượu giao bôi :

                      Phòng tiêu dìu dặt chén đồng,
               RÈM TƯƠNG rủ thấp, trướng hồng treo cao.

       Còn trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du lại gọi là MÀNH TƯƠNG để tả lúc Kim Trọng tương tư Thúy Kiều :

                    MÀNH TƯƠNG phân phất gió đàn,
                Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình.

     - TƯƠNG PHỐ 湘浦 : PHỐ là bến sông; nên TƯƠNG PHỐ là "Bên bến sông Tương". Sông TƯƠNG là dòng sông thương nhớ của hai bà phi khóc chồng; Có lẽ vì thế mà nữ sĩ Đỗ Thị Đàm, một thi nhân thời Tiền Chiến, vì làm thơ khóc chồng nên đã lấy bút hiệu là TƯƠNG PHỐ chăng !?. Tương Phố trong văn học cổ thường được dùng để chỉ "bên bờ sông thương nhớ" như nàng chinh phụ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã luôn luôn thương nhớ đến chồng đang dấn thân vào miền gió cát chiến chinh :

                  Tìm chàng thuở Dương Đài lối cũ,
                  Gặp chàng nơi TƯƠNG PHỐ bến xưa... 
     
                    Tương Phi, Tương Ph và Tương Phi Trúc
       
      TƯỜNG ĐÀO NGÕ MẬN là "Trong tường trồng cây Đào, ngoài ngõ trồng cây Mận". MẬN chữ Nho là LÝ 李; nên ĐÀO MẬN là ĐÀO LÝ 桃李, là hai loại trái cây qúy, không có vỏ cứng lại dòn ngọt thanh thanh, nên được ví như là phần tử xuất sắc, giỏi giang, là con ngoan trò giỏi, là nhân tài trong xã hội, như câu nói trong "Ấu Học Quỳnh Lâm 幼學瓊林" về Khổng Tử : "Hiền nhân thất thập, đệ tử tam thiên. Đào Lý tại công môn, xưng nhân đệ tử chi đa ... 賢人七十,弟子三千。桃李在公門,稱人弟子之多..." Có nghĩa : Người hiền tài có bảy mươi người trong số ba ngàn đệ tử. Những người ƯU TÚ (Đào Lý) đều làm quan, được xưng tụng là đệ tử nhiều hơn những người khác...
      Trong Truyện Kiều lúc quan Phủ gia hình cho người đánh Thúy Kiều ở công môn, cụ Nguyễn Du đã hạ câu :

                       Tiếc thay ĐÀO LÝ một cành,
                 Một phen mưa gió tan tành một phen !

      Trong truyện thơ Nôm "Lâm Tuyền Kỳ Ngộ" (Bạch Viên Tôn Các) thì có câu :

                   Cửa chen ĐÀO LÝ người sum họp,
                   Nhà chật trân châu của đãi đằng.   

      Trong "Cung Oán Ngâm Khúc" của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều thì có câu :

                   Sân ĐÀO LÝ mây lồng man mác,
                   Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng.

      Còn trong thơ của cụ Nguyễn Trãi thì sử dụng "Tường Đào Ngõ Mận":

                   Ngày tháng kê khoai những sản hằng,
                   TƯỜNG ĐÀO NGÕ MẬN ngại thung thăng.
         

       TƯƠNG TIẾN TỬU  將進酒 : TƯƠNG 將 là Sắp, là Sẽ; ở đây có nghĩa là Mời; TIẾN TỬU 進酒 là Đưa rượu vào (bụng), nên TƯƠNG TIẾN TỬU có nghĩa là "Mời Uống Rượu; Mời Cạn Ly". Đây là tên khúc hát thứ 9 trong "Hán Cổ Xuy Nhiểu Ca thập bát khúc 漢鼓吹鐃歌十八曲". 
      Đầu năm Thiên Bảo đời Đường Huyền Tông, Lý Bạch được triệu vào cung để giữ chức Hàn Lâm Học Sĩ, nhưng vì không chịu xu phụ quyền thế, nên bị các quan đương quyền bài xích. Đến năm Thiên Bảo thứ 3 (CN 744) Đường Huyền Tông đành phải "Tứ Kim Phóng Hoàn 赐金放还" (tặng vàng cho về quê). Lý Bạch trong lòng phiền muộn nên cứ nấn ná mãi ở miền sông nước Giang Hoài, kết giao với một bạn rượu mới là Sầm Huân 岑勛(岑夫子 Sầm Phu Tử)cùng rủ nhau du ngoạn Tung Sơn để hội ngộ với một người bạn khác là Nguyên Đan Khâu 元丹丘 ở Dĩnh Dương Sơn. Cả ba cùng đăng cao bày tiệc rượu trên núi để uống cho thỏa thích và để giải toả nỗi lòng ẩn ức vì chính trường thất ý, hoài bão không thực hiện được nên mượn rượu để giải sầu và để bày tỏ ý chí, sự bất bình ở trong lòng của mình. Bài thơ bất hủ TƯƠNG TIẾN TỬU đuợc làm ra trong tiệc rượu nầy.
     Cái tính khinh thế ngạo vật nầy của Thi Tiên Lý Bạch ta còn thấy được qua tính cách ngông cuồng bất phục của Chu Thần Cao Bá Quát. Cao Chu Thần cũng đã chán nản qua thế thái nhân tình và nhất là sự bát nháo của quan trường lúc bấy giờ, nên đã nhại theo cách sống của Thi Tiên Lý Bạch qua bài hát nói "Uống Rượu Tiêu Sầu" là :

             ...Gõ nhịp lấy, đọc câu “TƯƠNG TIẾN TỬU”:
                    “Quân bất kiến:
                     Hoàng Hà chi thuỷ thiên thượng lai,
                     Bôn lưu đáo hải bất phục hồi.”
                     Làm chi cho mệt một đời !
        (Mời đọc bài "Tương Tiến Tửu của Lý Bạch" trong phần Góc Đường Thi)
         

       Hẹn bài viết tới :
                               THẢ, THẠCH, THÁI, THAM, THANG.

                                                                                              杜紹德
                                                                                         Đỗ Chiêu Đức
                                        





 

1 nhận xét:

Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891]

  Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891], các thí sinh đang lều chõng đi thi, một cụ làm bài xong ra ngoài ngồi, còn các cụ kh...