Thứ Tư, 8 tháng 11, 2023

Bài 22 HƯƠNG VỊ RIÊNG CỦA CON NGƯỜI VÀ TUỔI TÁC




Trong tác phẩm NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ ĐỂ SỐNG của K. Matsushita.

 

(Điều 22 Mọi lớp tuổi tôn trọng lẫn nhau và giúp nhau phát huy ưu điểm của nhau sẽ đưa bạn đến thành công và xã hội ngày tốt đẹp hơn) (1)

 

MATSUSHITA Kônosuke (*)

Dịch: Nguyễn Sơn Hùng

***

  Con ngườ tùy theo tuổi tác mà hương vị (ưu điểm, đặc sắc) phát huy khác nhau.  Do đó chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt này lẫn nhau và cùng phát huy hương vị (ưu điểm, đặc sắc) của nhau (2).

 

Sau 60 tuổi bản thân tôi dễ mệt, thường cảm thấy thể lực suy giảm. Từ đó thỉnh thoảng tôi nghĩ rằng mặc dù bản thân mình tưởng mình còn khỏe mạnh nhưng thật ra không thể thắng được tuổi tác.

Trước hết, nếu nói về thể lực thì có thể nghĩ rằng thể lực thịnh vượng nhất có được vào lúc khoảng 15~30 tuổi, đây chỉ là theo sự phán đoán của tôi. Tôi cảm thấy đại khái con người khi vào tuổi 30 thì thể lực bắt đầu giảm xuống.

Thí dụ trong giới sumo (đô vật truyền thống của Nhật Bản) (3), người ta cho rằng nếu đến 30 tuổi (4) mà không đạt được cấp bậc yokozuna横綱 (danh hiệu để gọi cấp bậc cao nhất của sumo); và dù cho đã đạt được nhưng khi quá 30 tuổi cũng rất khó khăn để giữ được địa vị này. Do đó tôi nghĩ rằng thể lực có thể nói tối cao vào lúc 30 tuổi.

Đối với trí lực (năng lực của trí tuệ, khả năng làm việc của não) thì sao? Phán đoán sau đây cũng là do tôi tự nghĩ ra. Đỉnh tối cao của trí tuệ không thể ở tuổi 30, như vậy bao nhiêu tuổi là thịnh nhất? Phải chăng khoảng 40 tuổi?

Sau 40 tuổi trí lực dần dần giảm đi, phải chăng đó là tình trạng tổng quát nói chung của mọi con người chúng ta. Dĩ nhiên bởi vì có sự lênh lệch tùy theo cá nhân nên cũng có ngoại lệ. Tuy nhiên có thể nghĩ đại khái là vào tuổi này.

Nếu thể lực và trí lực tuần tự giảm thấp từ 30 và 40 tuổi, như vậy con người không thể giữ địa vị và tiếp tục làm việc sau các tuổi này sao? Không phải vậy. Ngược lại, sau các tuổi này con người có địa vị cao hơn và khả năng làm việc tuyệt vời hơn. Đó là trường hợp thực tế của nhiều người.

Nếu thử suy nghĩ tại sao có kết quả này thì có thể nghĩ rằng phần lớn do cấu trúc của xã hội. Tôi nghĩ phải chăng bởi vì những người tuổi cao là lớp người đi trước hoặc là lớp người có nhiều kinh nghiệm phong phú do đó được nhiều người mà phần đông là lớp trẻ ủng hộ hoặc sự biểu hiện kính trọng đẩy người tuổi cao lên địa vị cao và để họ làm những việc quan trọng hơn (5).

Trong thực tế, dù đã ở tuổi 50 hoặc 60 nhưng vẫn có nhiều người có thể đảm nhiệm công việc cần nhiều trí lực và đem tới thành quả. Điều này có lẽ chính vì nhờ sự chi viện tổng hợp hoặc hiệp lực (góp sức) của những người trẻ mới có thể được như vậy. Nếu như không có sự chi viện hoặc hiệp lực của lớp trẻ, khi đem lên bàn cân để so sánh thể lực, trí lực tôi nghĩ rằng người tuổi 60 sẽ thấp hơn người vào tuổi 30, 40.

Đây là điểm rất thú vị trong đời người. Chính vì sức mạnh tổng hợp của cá nhân không biểu lộ rõ ràng như trong giới sumo nên sinh ra hương vị kỳ diệu và thú vị của con người. Do đó, trong cuộc đời của mọi người chúng ta, việc nhận thức điều này rất quan trọng.

Thí dụ sau khi qua tuổi 50 hoặc 60, ở địa vị có trách nhiệm như Tổng giám đốc, dù là người này làm việc và đem lại thành quả rất tốt đẹp nhưng kết quả đó không phải do sức lực, khả năng của một người mà có được, phải chăng do những cấp dưới hoặc nói cách khác những người ở lứa tuổi 30, 40 đã hiệp lực để cho người cao tuổi phát huy kinh nghiệm của mình. Việc này người cao tuổi cần phải biết rõ.

Ngoài ra, lớp tuổi 30, 40 cũng cần biết rõ năng lực của họ được phát huy hơn là nhờ được các kinh nghiệm phong phú của các bậc đàn anh đi trước hướng dẫn. Thêm vào đó, tôi nghĩ rằng việc lớp tuổi 30, 40 cần có suy nghĩ, nhận thức như sau là quan trọng: trong tương lai rồi cũng đến phiên mình tuổi sẽ cao và cũng sẽ ở vào lập trường giống như các đàn anh, và nên có tư thế học hỏi kinh nghiệm như họ. Thời kỳ phát huy các đặc sắc, ưu điểm của kinh nghiệm phong phú, trí tuệ và thể lực tốt nhất, thịnh nhất thay đổi tùy theo số tuổi. Già trẻ nên tôn trọng sự chênh lệch do tuổi tác và mỗi lớp tuổi nên phát huy đặc sắc, ưu điểm của mình. Tôi nghĩ rằng phải chăng đây chính là điểm để tác dụng, hiệu quả làm việc của xã hội được cường mạnh hơn?

Nguyễn Sơn Hùng

21/12/2022

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

 

Nhận xét của người dịch

Theo kinh nghiệm sinh sống trên nửa thế kỷ ở Nhật Bản của người dịch, một trong những nguyên nhân đưa đất nước này cường mạnh về kỹ thuật và kinh tế là sự tôn trọng lẫn nhau của các lớp tuổi như tác giả đã nhận xét. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Âu Mỹ, nhất là Mỹ từ năm 2000 tinh thần này có khuynh hướng giảm đi, nghĩa là sức mạnh của Nhật Bản có phần giảm đi.

Tác giả đúng trong ý tưởng: “Già trẻ nên tôn trọng sự chênh lệch do tuổi tác và mỗi lớp tuổi nên phát huy đặc sắc, ưu điểm của mình”. Tuy nhiên, rất tiếc tác giả không đề cập đến vấn đề lương bổng. Người dịch từ đầu cho đến về hưu chỉ làm ở 1 công ty duy nhất nên không hiểu biết ở các công ty khác thế nào. Dưới đây người dịch xin được giới thiệu trường hợp của công ty đã làm việc. 

Trước năm 2000, trừ những trường hợp đặc biệt, thông thường chức vụ và lương bổng tăng theo số tuổi. Trong công ty cũng có trường hợp người chức vị cao nhưng hầu như không làm việc gì quan trọng mà lương bổng họ cao! Cũng có những người có chức vị cao và nhiệt tâm làm việc, lương bổng như nhau nếu chức vụ cùng đẳng cấp.

Sau năm 2000, người trên 50 tuổi đều lãnh lương năm với mức giống nhau và hầu như không thay đổi cho đến về hưu. Cấp quản lý được thêm phần lương của chức vụ. Đối với lớp trẻ, về mặt lương bổng của người tuổi cao có thể nói hợp lý hơn sau năm 2000. 

Do đó, phải chăng đối với cấp lãnh đạo của tập thể ngay cả một quốc gia, công việc xây dựng môi trường trong đó mọi lớp tuổi biết tôn trọng, giúp đỡ nhau phát huy ưu điểm của nhau đồng thời đánh giá và trả công thích đáng với thành quả mà các lớp tuổi đem tới là điều rất trọng yếu. 

Sau khi người dịch viết xong phần nhận xét trên và đã gửi đăng trên ERCT.com, tình cờ đọc đến được Bài 4 của chương 6 Đằng Văn Công hạ của sách Mạnh Tử, biết được Mạnh tử giảng cho học trò tên Bành Canh rằng “thù lao là trả công đối với thành quả của việc làm chớ không phải đối với mục đích của việc làm” như Bành Canh suy nghĩ. Ông lấy thí dụ nếu một người thợ mộc không làm nên công việc cất nhà mà còn làm tổn thất gỗ thì không ai muốn trả thù lao cho người như vậy. Nhiệm vụ của kẻ sĩ (người trí thức) là làm dân giàu nước mạnh, và nếu làm được thì thành quả này rất to lớn nên họ có thể nhận thù lao tương xứng.

Ngoài ra, trong phần cuối của Bài 4 chương 5 Đằng Văn Công thượng Mạnh tử cho rằng học thuyết của Hứa Hành, người đề xướng vừa cày cấy để sống vừa làm chính trị như Thần Nông chủ trương không nên có sự phân biệt giữa đồ vật tốt và đồ vật xấu là không thực tế, không thể áp dụng để vận hành quốc gia. Không ngờ suy nghĩ của Mạnh tử đã sớm tiến bộ như vậy! Ngày nay đọc lại sách Mạnh Tử, có rất nhiều điều để chúng ta tham khảo và hiểu rằng xã hội con người xưa và nay có nhiều điểm chung giống nhau và vẫn hề không đổi thay.

Nguyễn Sơn Hùng

Viết xong 28/4/2023

Bổ xung 1/5/2023

Ghi chú

(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

  1. Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
  2. Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.

(4) Người dịch đã thử tra cứu số tuổi của 33 lực sĩ được phong yokozuna từ người thứ 41 (năm 1951) đến người thứ 73 (năm 2021) xem tác giả có đúng không. Kết quả như sau. Tuổi 20~30: 29 người, 31 tuổi: 3 người, 33 tuổi: 1 người. Đúng như tác giả nói. Trong 33 người có 1 người xuất thân từ Mỹ, 5 người từ Mông Cổ. Người giữ được cấp bậc này dài nhất (15 năm) là Hakuhô Shô白鵬 翔 (Mông Cổ), thoái vị lúc 36 tuổi (năm 2021). Người tại vị dài thứ 2 (12 năm) là Kitanoumi Toshimitsu, thoái vị lúc 32 tuổi (năm 1985).

Quan hệ giữa số lần vô địch (trục tung) và số tuổi (trục hoành) của Hakuhô (Hình bên trái) và Kitanoumi (Hình bên phải) như dưới đây.

(5) Trong nguyên văn viết “việc lớn hơn”. Có lẽ tác giả đang là người có tuổi và chức vụ cao, tức đang viết về trường hợp của tác giả, nên khiêm tốn viết “việc lớn hơn”, không viết “việc quan trọng hơn”?

 

Sumo (Đô vật truyền thống của Nhật Bản)

Chuýến xe lửa đầu tiên SG-Mỷ Tho 20/7/1985

Mời Xem :

Bài 19 :TIẾP TỤC VÀ NHẪN NẠI

Bài 20 :TỰ KỶ QUÁN CHIẾU

Bài  21         ĐỪNG ĐỂ ĐỒ VẬT PHẢI RƠI LỆ

1 nhận xét:

NHỚ MỘT NGƯỜI - Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Ảnh của Đào Anh Dũng NHỚ MỘT NGƯỜI Ta có mối tình mãi khắc sâu Bóng hình người ấy, mối duyên đầu Có khi thương mến khôn tìm được Lắm lúc u h...