Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2023

THÍCH TUỆ SỸ, MỘT HÀNH GIẢ VÔ ÚY GIỮA TRẦN GIAN SẦU LỤY- Nguyễn Viện

 
Mặc dù đã được tiên liệu, nhưng sự viên tịch của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ vẫn tạo ra một xúc động lớn với những ai quan tâm đến Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn phức tạp này. Riêng với thày Tuệ Sỹ không chỉ là một vị lãnh đạo tinh thần đáng kính của giáo hội Phật giáo Thống nhất, thày còn là một thi sĩ tài hoa, một học giả uyên bác.
Với cá nhân tôi, tôi thành thật kính ngưỡng một khí phách đã trở nên hiếm có trong thời đại chúng ta. Đó là tinh thần vô úy không khoan nhượng, không thỏa hiệp với cái xấu, cái ác của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.
Tuy nhiên, ở đây tôi chỉ muốn "tản mạn" chút về văn chương của thày trong liên tưởng với vài thi sĩ nhà Phật khác. Bởi trước sau, Tuệ Sỹ vẫn là một nhà thơ cho đến những giây phút cuối cùng của đời mình, khi thày nguyện ước được trở thành mây trời bay trong cõi vô cùng, như di chúc thày để lại.
Hồi tôi còn trẻ, trước 1975, chỉ mới đọc cái tựa sách "Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng" của Tuệ Sỹ, tôi đã chết mê. Và cùng với những "phương trời viễn mộng" là "hàng mi xanh"... thơ của Tuệ Sỹ đẹp một cách đài các. Thơ của chàng có thể nói là một thứ đặc sản vùng miền đặc sắc chỉ có thể được sản sinh trong một bầu khí tự do, đa chiều của một miền Nam đã mất. Một thứ ngôn ngữ còn đậm đặc từ Hán Việt, sang cả và nhân hậu.
Với tôi, bản thân từ vựng Hán Việt đã rất uyên áo, không kể tri thức của người xử dụng nó như Tuệ Sỹ. Vì thế, độ quyến rũ của thơ Tuệ Sỹ là bất khả chối từ.
Tuy nhiên, con người tôi vốn đa mang hỗn tạp, cùng lúc tôi cũng thích thơ Thích Nhất Hạnh và Nguyễn Đức Sơn bởi sự giản dị rất thuần Việt của 2 nhà thơ này, dù họ rất khác nhau. Ở họ, tiếng Việt thuần thành liêm khiết đem đến một độ rung vừa mạnh vừa sâu.
Có lẽ, tôi cần minh định điều này, với Thích Nhất Hạnh và Nguyễn Đức Sơn tôi chỉ thích thơ của họ, những điều còn lại thì hoàn toàn không.
Bây giờ, càng ngày tôi càng thích sự chân thật. Và sự chân thật thì bao giờ cũng giản dị. Vì thế, càng lúc tôi càng cảm thấy gần gũi hơn với Nguyễn Đức Sơn. Mặc dù, giữa tôi và anh Sơn rất đối nghịch trong quan điểm về tôn giáo. Tôi còn nhớ có lần gặp anh sau một hội thoại giữa Đức ông Nguyễn Văn Phương, một Quốc vụ khanh ở tòa thánh Rôma và tôi về vấn đề tôn giáo và xã hội được tổ chức trên BBC, anh Sơn phang tôi mấy câu mang tính kỳ thị Thiên Chúa giáo, nhưng sau đó thì... huề, bởi chuyện đó vốn dĩ cũng bình thường trong sự chọn lựa niềm tin của chúng ta.
Trở lại với Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, cuộc sống và cái chết của thày củng cố một niềm tin của tôi: Con người chỉ thật sự lớn lao ở nhân cách, tài năng hay trí thức cũng chỉ là cái phù phiếm và thật sự vô nghĩa khi nó phản bội con người.
Giờ đây, nhục thân của Thích Tuệ Sỹ đã thành tro bụi, nhưng tôi tin cái tinh anh của thi ca và sự vô úy lẫm liệt của một Tuệ Sỹ bất khuất sẽ còn ở lại với chúng ta như niềm hy vọng về sự giải thoát đích thực cho một tâm thức dân tộc mòn mỏi.
25/11/2023
PS: Đây là bài tôi đã sửa chữa chút đỉnh để đăng trên tạp chí Diễn Đàn Thế Kỷ.

1 nhận xét:

KHAI XUÂN - Thơ Trần Văn Hạng và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Bài xướng: KHAI XUÂN Xuân về nhựa sống trải muôn nơi Hoa lá ngày xuân đẹp tuyệt vời Lộc nõn đầu xuân khai tiết mới Chồi non Ất tỵ lập xuân t...