Thứ Tư, 1 tháng 11, 2023

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 102 : TÔN, TỐNG, TƠ, TÚ, TỤ, TUYỀN

 (Loạt Bài Lưu Trữ từ 2/9 đến 31/10/2023             

 Mời xem ;

-THÀNH THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 101 : TIN -TINH -TÒNG -TÔ- TỐ - Đỗ Chiêu Đức Diển Giãi 

 

Tôn Võ  và  Ngô Khởi 


      TÔN NGÔ BINH PHÁP 孫 吳 兵 法 là chỉ: Binh pháp của hai nhà quân sự nổi tiếng thời Xuân Thu Chiến Quốc là Tôn Võ và Ngô Khởi.
      TÔN VÕ 孫 武(khoảng 545-470 trước Công nguyên), tự là Trường Khanh, là nhà quân sự, chính trị và được tôn xưng là Binh Thánh của thời Xuân Thu Chiến quốc. Người đời sau tôn xưng nên gọi ông là Tôn Tử, Tôn Võ Tử, là Sư của Bách Thế Binh Gia, là Tị tổ của Đông Phương Binh Học (Ông Tổ của quân sự chiến lược).
      NGÔ KHỞI(khoảng 440-381 trước Công nguyên), là nhà chính trị và cải cách quân sự thời Chiến quốc, là nhân vật tiêu biểu của binh gia. Đời Đường Túc Tông ông được thờ trong Võ Thành Vương Miếu cùng với mười vị võ tướng nổi tiếng trong lịch sử. Đời Tống Huy Tông được truy phong là Quảng Tông Bá và được liệt vào một trong 72 danh tướng trong Tống Võ Miếu.

     Trong truyện thơ Nôm "Mai Đình Mộng Ký" của Nguyễn Huy Hổ có câu:    

                      Đền Thương cùng nếm vạc mai,
                Cũng trong Y, Phó; cũng ngoài TÔN, NGÔ.

     Trong "Thiên Nam Ngữ Lục" một tác phẩm sử thi bằng thơ Nôm ở cuối đời Hậu Lê thì gọi Tôn Võ là TÔN VŨ:

                      Những tài tót núi nhảy sông,
                 Sánh cùng TÔN VŨ, sức cùng Ban Siêu.

Còn...
     TÔN TẪN 孫 臏(382—316 trước Công Nguyên)là Tôn Bá Linh 孫 伯 靈, hậu duệ của Tôn Võ Tử. Trong truyện Đông Châu Liệt Quốc có kể truyện Tôn Tẫn 孫 臏 và Bàng Quyên 龐 涓 cùng cầu học binh thư với Quỷ Cốc Tử, và cùng cầu công danh ở nước Ngụy. Bàng Quyên ganh tài đã bịa chuyện hại Tôn Tẫn bị hình phạt Tẫn, là hình phạt đánh gãy xương đầu gối, nên mới gọi là TÔN TẪN. Sau đó Tôn Tẫn đã phải giả điên để trốn qua nước Tề, và đã giúp cho tướng Điền Kỵ của Tề đánh bại Bàng Quyên bằng hai trận chiến nổi danh trong lịch sử thời Xuân Thu: Đó là hai trận Quế Lăng và Mã Lăng đã làm nên bá nghiệp cho nước Tề.

     Trong tác phẩm "Lục Vân Tiên" nổi tiếng của cụ Nguyễn Đình Chiểu có câu:

                        Cười người TÔN TẪN không lừa,
                Trước đà thấy máy, chẳng ngừa Bàng Quyên.

             

               Tôn Tẫn Bàng Quyên                Lục Vân Tiên

      TÔN SƠN 孫  山 là tên của một thư sinh ngày xưa đi thi đậu ở cuối bảng, nên ta có thành ngữ DANH LẠC TÔN SƠN 名 落 孫 山, để chỉ những người thi rớt theo như tích lý thú sau đây:
      Vào đời nhà Tống có thư sinh tên là Tôn Sơn 孫 山, tính tình vui vẻ lại thích nói đùa, nên mọi người đều gọi anh ta là "Hoạt kê Tài tử 滑 稽 才 子". Có một bận, anh ta cùng với con trai nhà hàng xóm đi thi Hội. Khi bảng vàng được trương ra, anh ta thấy tên mình đậu ở cuối bảng, nhưng lại không thấy tên của con người hàng xóm. Khi về đến thôn làng, người hàng xóm đón anh ta lại để hỏi thăm xem con của mình có đậu được Cử Nhân hay không. Với tính khôi hài cố hữu, hơn nữa lại sợ làm đau lòng người hàng xóm, anh ta bèn đáp rằng: “Giải Nguyên tận xứ thị Tôn Sơn, Hiền lang cánh tại Tôn Sơn ngoại 解 元 盡 處 是 孫 山,賢 郎 更 在 孫 山 外! Có nghĩa: Người đậu Giải Nguyên (cách gọi tôn xưng đối với người đậu Cử Nhân) cuối cùng là Tôn Sơn tôi đây, còn tên con của bà thì ở phía ngoài tên Tôn Sơn của tôi nữa! Có nghĩa: Tôi là người đậu cuối bảng rồi, con của bà ở phía sau tên của tôi nữa là nó đã "rớt mất tiêu" rồi! Câu nói vừa khôi hài vừa an ủi, tên con của bà đứng sát sau tên của tôi là khoa tới nó sẽ đậu đó.
      Từ đó về sau, người ta gọi người thi rớt là DANH LẠC TÔN SƠN, hay người thi rớt tự nói cho đỡ ngượng là: "Kỳ thi này, tôi đã DANH LẠC TÔN SƠN 名 落 孫 山 mất rồi!
      Trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Phương Hoa- Lưu Nữ Tướng" khi dẫn lời của Phương Hoa cho biết Cảnh Yên đã đậu Tiến sĩ có câu:            

                        Chàng đà giật giải thu vi,
                  TÔN SƠN tên đã cao đề bảng xuân.
              
                  Danh Lạc Tôn Sơn : Thi Rớt !
       
     TỐNG CÔNG 宋 公 chỉ TỐNG HOẰNG 宋 宏. theo tích sau đây :

     Đầu đời Đông Hán, Quang Võ Đế Lưu Tú 光 武 帝 劉 秀 trọng dụng thị thần là Tống Hoằng 宋 宏, phong làm Thái Trung Đại Phu. Chị của Lưu Tú là Hồ Dương Công Chúa 湖 陽 公 主, ở góa lâu ngày lại phải lòng Tống Hoằng, nên Lưu Tú muốn gả chị mình cho Tống Hoằng, bèn hỏi Hoằng về phép giao tế ở đời với cái nhìn "Giàu đổi bạn, Sang đổi vợ" như thế nào? Hoằng đáp là: "Bần tiện chi giao bất khả vong, Tao khang chi thê bất hạ đường 貧 賤 之 交 不 可 忘,糟 糠 之 妻 不 下 堂" có nghĩa: "Những người bạn lúc ta còn nghèo hèn thì không thể quên; Người vợ tấm mẳn lúc nghèo khó thì không thể bỏ được". Quang Võ Đế Lưu Tú nghe xong bèn thôi, không dám ép Tống Hoằng lấy chị của mình nữa. 

     Cũng trong truyện thơ Nôm "Lục Vân Tiên" của cụ Nguyễn Đình Chiểu có câu:

                        Hồ Dương Xưa mới goá chồng,
                  Còn mơ nhan sắc, TỐNG CÔNG cũng vừa.
                 

   Bần tiện chi giao bất khả vong, Tao khang chi thê bất hạ đường 
          
     TỐNG NGỌC 宋 玉(322-298 Trước Công Nguyên)tự là Tử Uyên, là học trò của Khuất Nguyên. Ông là Công tử của nước Tống thời Chiến Quốc, nhưng lại sang phò vua Sở, rất đẹp trai thường hay có những thiếu nữ nhìn lén ông khi đi ra ngoài. Ông giỏi thi phú, nổi tiếng nhất là Cao Đường Phú kể lại chuyện mây mưa giữa Thần Nữ và Sở Vương, hình thành các thành ngữ như: Cao Đường Thần Nữ 高 唐 神 女, Vu Sơn Vân Vũ  巫 山 雲 雨... TỐNG NGỌC cũng là một trong Tứ Đại Mỹ Nam cổ Trung Hoa.
     Trong Truyện Kiều, khi tả Thúy Kiều bị chìm đắm trong cuộc sống của lầu xanh, cụ Nguyễn Du đã viết:

                          Dập dìu lá gió cành chim,
                Sớm đưa TỐNG NGỌC, tối tìm Tràng Khanh.
      
      TƠ HỒNG còn gọi là CHỈ HỒNG, CHỈ THẮM, GIÂY THẮM... đều do gốc chữ Nho XÍCH THẰNG 赤 繩 mà ra (Xem Điển Tích Văn Học 2 : CHỈ HỒNG). Như trong Truyện Kiều, khi nghe Kim Trọng tỏ tình, Thúy Kiều đã trả lời một cách rất khéo léo và khôn ngoan rằng:

                    Dù khi lá thắm CHỈ HỒNG,
              Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.

     Còn trong Tây Sương Ký thì gọi là CHỈ THẮM :

                    Nhân duyên sao khéo hẹn hò,
               Rắp đem CHỈ THẮM xe cho Trịnh Hằng.

     Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, thì được gọi là DÂY THẮM như :

                   Ý cũng rắp ra ngoài đào chú,
                   Quyết lộn vòng phu phụ cho cam.
                   Ai ngờ trời chẳng cho làm
                   Nở đem DÂY THẮM mà giam bông đào.

     Còn trong Quan Âm Thị Kính thì ta lại gặp từ TƠ HỒNG:

                    TƠ HỒNG đã khéo xe vào,
               Viết thư toàn cát mà trao họ Sùng.

     Trong truyện Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng thì lại gọi là TƠ TRĂNG:

                    Song le còn kén TƠ TRĂNG,
               Ngọc lành đợi giá đến chừng mới trao.

      TƠ TRĂNG là chỉ "Ông già xe tơ dưới ánh trăng" tức là Nguyệt Lão(Đọc lại Thành Ngữ Điển Tích thứ 2).
               
              
                              Tơ Hồng Nguyệt Lão
       
       TÚ CẦU 綉 球 là Qủa Cầu Thêu, là những qủa cầu được kết bằng vải lụa có thêu hoa rực rỡ, thường để cho các cô gái con nhà khuê các, các tiểu thư gieo cầu để kén chồng. Như trong truyện thơ Nôm khuyết danh NHỊ ĐỘ MAI có câu:

                     Ngư bà mới bảo Ngọc Kiều,
                 Mượn điều bói cá thay gieo TÚ CẦU.

      Còn trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du thì khi Thúy Kiều bán mình, Vương Ông đã cất tiếng than rằng:

                     Nuôi con những ước về sau,
                Trao tơ phải lứa GIEO CẦU đáng nơi. 
                     Trời làm chi cực bấy trời. 
                 Này ai vu thác cho người hợp tan 
 
                

      TỤ HÙNH 聚 螢 là Gom các con đom đóm lại. Theo《Tấn Thư, Quyển 83, Xa Dận Truyện 晉 書· 卷 八 十 三· 車 胤 傳》:
      XA DẬN 車 胤 tự là VŨ TỬ, người đất Nam Bình. Ông là Danh tướng đời Tấn, từ nhỏ đã hiếu học. Nhà nghèo, không đủ tiền mua dầu thắp đèn để học. Trong các đêm hè ông thấy có rất nhiều đom đóm bay trên các cành cây, bèn bắt lấy dùng vải the trắng bọc lại, rồi treo trên đầu bàn để lấy ánh sáng mà đọc sách học hành.
     Trong bài "Hàn Nho Phong Vị Phú" của cụ Nguyễn Công Trứ có câu:

                Cần nghiệp Nho khi Tạc Bích TỤ HUỲNH;
                Thuở trước Chàng Khuông Chàng VŨ.

     Chàng VŨ là chàng Tử Vũ, tức là Xa Dận đó; Còn Tạc Bích 鑿 壁 là Đục vách, chỉ Khuông Hành 匡 衡, danh sĩ đời Tây Hán. Lúc nhỏ nhà nghèo phải xin ông hàng xóm cho khoét cái lỗ trên vách lấy ánh sáng để học hành.
               

                               Tạc Bích                Tụ Huỳnh 
     
       TUYỀN ĐÀI 泉 台 : Theo sách《Xuân Thu, Công Dương Truyện, Văn Công Thập Lục Niên 春 秋· 公 羊 傳· 文 公 十 六 年》giải thích: Tuyền Đài là Huyệt mộ, là Cõi âm, là Âm Phủ, như hai câu thơ của Lạc Tân Vương, một trong "Sơ Đường Tứ Kiệt" là:

                   忽 見 泉 台 路,   Hốt kiến Tuyền Đài lộ,
                   猶 疑 水 鏡 懸。   Do nghi thủy kính huyền.
      Có nghĩa :
                   Nhác trông đường xuống TUYỀN ĐÀI,
                 Còn ngờ kiếng nước treo ngay đầu ghềnh. 

       Trong Truyện Kiều, lúc Thúy Kiều bán mình chuộc tội cho cha, đã tâm sự với Thúy Vân về mối tình của mình với Kim Trọng là:

                            Nợ tình chưa trả cho ai,
                Khối tình mang xuống TUYỀN ĐÀI chưa tan.

       
Hẹn bài viết tới :
                         TÙNG, TUỔI, TƯ, TỪ, TỨ, TỬ.

                                                      杜 紹 德
                                                   Đỗ Chiêu Đức






 

1 nhận xét:

KHAI XUÂN - Thơ Trần Văn Hạng và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Bài xướng: KHAI XUÂN Xuân về nhựa sống trải muôn nơi Hoa lá ngày xuân đẹp tuyệt vời Lộc nõn đầu xuân khai tiết mới Chồi non Ất tỵ lập xuân t...