Tôi cúi xuống. Mùi khét xộc vào mũi, luồn ngay lên óc làm tôi chóng mặt. Trong một giây mắt tôi mờ đi. Tôi ngồi thụp xuống nhắm mắt cả phút đồng hồ. Mọi người nhìn tôi. Mặc. Họ cũng có khác gì tôi đâu. Nếu họ không quay cuồng trước những đống vụn nát này thì họ chẳng còn là con người. Tôi mở hé hai mắt, xăm xoi đống hỗn độn trước mặt. Những mảnh vụn không thể nhận dạng. Bao nhiêu thứ không thể gọi tên. Tất cả tung tóe khắp nơi, người ta gom lại thành từng đống. Những mảnh giấy cháy xém. Những cuốn sổ thông hành nám đen. Những cuốn sách cháy giở. Nhiều cây bút không có nắp đậy. Những chiếc mũ cháy gần hết vành. Những kính đeo mắt sứt gọng, hoặc mất mắt kính. Nhiều vô kể, nhìn hoa cả mắt. Và giầy nữa. Rất nhiều giầy. Người ta cố xếp chúng thành đôi với nhau. Những chiếc giầy có đôi thường rách nát. Người ta cũng xếp những mảnh giầy vụn thành đống. Những chiếc giầy bị xé rách. Chiếc này còn mũi giầy, chiếc kia còn một chút đế giầy. Những bàn chân mang những chiếc giầy ấy bây giờ ở đâu? Tôi bới hết đống vụn này tới đống vụn khác. Người nào đó xô tôi ra để chen vào gần hơn chỗ đống đồ vụn nát. Người nào khác ho sặc sụa một tràng. Tôi cũng gồng gân cổ chặn cơn ho trong lồng ngực cứ chực trào ra miệng. Bởi ho thì sẽ làm chậm lại cuộc tìm kiếm và cũng làm thiên hạ quanh tôi sợ lây bệnh. Tôi bỏ qua đống đồ vụn đàn ông. Ví da. Dây thắt lưng da. Áo khoác. Mắt kính. Tôi chú tâm vào những đống đồ vụn của phụ nữ. Những ngón tay cầm lên, bỏ xuống, mỏi rã rời và đen kịt bụi than.
Chợt tay tôi chạm vào chiếc giầy phụ nữ màu đen. Tim tôi thắt lại. Chiếc giầy còn nguyên vẹn. Tôi vồ lấy và trịnh trọng hai bàn tay nâng chiếc giầy ấy lên. Tôi mân mê nó trên tay. Đúng là chiếc giầy của N. Tôi vuốt ve lớp da mềm. Ngay một vết trầy nhỏ cũng không có. Quả là phép lạ. Vậy là biết đâu N. cũng còn nguyên vẹn. Vậy thì em ở đâu? Người nào đó đẩy tôi ra khỏi cái vòng chen lấn.
Tất cả đã nát vụn. Chỉ chiếc giầy của em là còn nguyên vẹn. Nhưng người ta chỉ tìm được một mình nó. Chân này đây còn chân kia đâu rồi? Người ta đâu thể nào tan thành mây thành khói. Người ta ngồi êm ả ấm cúng trong lòng chiếc máy bay khổng lồ. Dù là bom khủng bố hay trúng hỏa tiễn của bọn phiến loạn thì hành khách cũng đâu có thể biến đi như thế. Thân thể con người cũng là những khối vật chất như chiếc giầy, cái mũ, chiếc xách tay, cuốn sổ thông hành, cuốn tiểu thuyết. Những thứ ấy người ta gom lại được thành đống, còn những thân người, người ta không tìm được chút gì. Dẫu chỉ một mảnh xương vụn hay một chùm tóc rối.
Tôi ôm chiếc giầy vào sát lồng ngực. Một nhân viên an ninh nhìn tôi, “Ông tìm thấy giầy của người nhà?”
“Vâng,” tôi thở hắt ra. “Giầy của vợ tôi.”
“Ông may mắn quá,” người đàn ông nói nhỏ.
“May mắn?” tôi tròn mắt ngạc nhiên. Chiếc Boeing chở người nhà tôi nổ tung trên không phận nước ông mà ông nói may mắn, may mắn ở chỗ quỷ quái nào. Tôi muốn gào lên như thế, nhưng người nhân viên đã vội nói, “Ít ra ông cũng tìm được di vật của người thân.”
Tôi nhỏ giọng, “Còn chiếc giầy nào khác như thế này không?”
“Không có. Tất cả ở đây rồi.”
“Hay là các ông tìm không kỹ. Người chứ có phải là máy đâu, thế nào chẳng sơ sót,” Tôi lẩm bẩm.
“Không,” người nhân viên giải thích. “Chúng tôi đã tìm khắp nơi cả tuần lễ rồi.”
“Sao lại cả tuần lễ?” Tôi hỏi, lòng đầy hoang mang. Hay là trí nhớ tôi cũng gẫy vụn sau bản tin chết người. Tôi nhớ mới đây thôi mà. Người ta báo tin cho tôi. Ban đầu chiếc máy bay có vợ tôi trên ấy biến mất khỏi màn hình radar. Vài ngày sau đó họ tìm thấy những mảnh vụn tan nát trên một cánh đồng xanh thẫm lúa mì. Vài ngày chờ đợi dù dài hàng thế kỷ nhưng đâu đã đến một tuần lễ.
Người nhân viên ném cho tôi cái nhìn ái ngại.
“Sao không cho chúng tôi đến đó tiếp tay tìm với các ông?” tôi gằn giọng.
“Không được. Nơi ấy là phạm trường để điều tra.”
“Điều tra gì nữa. Đã tan nát hết rồi,” tôi nói như gào trong cuống họng.
“Không đâu. Phải tìm nguyên do. Có thể là bọn khủng bố gài bom, nhưng cũng có thể máy bay trúng hỏa tiễn dưới đất bắn lên.”
Tôi chóng mặt. Tôi không muốn nghĩ đến chuyện đó. Tôi không thể nào nghĩ đến bất kỳ chuyện gì khác ngoài chuyện chiếc giầy. Ừ, tôi ngẫm nghĩ, nếu có miếng lót thì nhất định là của nàng. Nhưng nàng bỏ miếng lót ở nhà vì đi công việc nên ít đi lòng vòng, sẽ không đau chân.
“Có nhiều dấu hiệu là hỏa tiễn loạn quân,” người đàn ông nói. Hình ảnh một khung trời biếc xanh hiện ra trong óc tôi. Một cái hỏa tiễn vùn vụt lao tới, vệt khói trắng vạch dài trên bầu trời biếc xanh. Hành khách biến mất trong chớp mắt. Những mảnh vụn lấp lánh bầu trời. Ngọn pháo bông tung toé những bông hoa máu. Chiếc giầy đây còn bàn chân đâu. N. hay cởi giầy để chân trần khi ngồi trong xe, chắc lúc ngồi trên máy bay cũng vậy. Tôi không muốn nghe người nhân viên nói nữa. Tôi quay mặt đi, nhắm nghiền hai mắt và ôm sát chiếc giầy vào lồng ngực.
Bàn tay nào đó giằng lấy chiếc giầy trong tay tôi. Tôi mở choàng mắt. Một bà cụ người da trắng có mái tóc bạch kim, níu chặt chiếc giầy trong tay tôi, “Con gái tôi, giầy của con gái tôi.” Bà hổn hển nói bằng giọng khàn đục.
Tôi ghì chặt những ngón tay trên làn da mềm của chiếc giầy, “Không! Bà lầm rồi. Giầy của vợ tôi.”
“Giầy của Angelica,” bà cụ quả quyết.
“Giầy của N.” tôi nói, và tôi gằn giọng đánh vần từng chữ tên của vợ tôi cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt.
Hai chúng tôi giằng kéo chiếc giầy. Tôi nhìn đám người vây quanh, phân bua, “Giầy của vợ tôi.”
Bà cụ giằng mạnh chiếc giầy nhưng tôi nhất định không buông. Bà cũng ngước nhìn những con mắt tò mò, thương hại chung quanh, “Giầy của Angelica.”
Người nhân viên an ninh bước tới, đưa cao hay bàn tay như muốn tách chúng tôi ra, từ tốn, “Xin bình tĩnh. Cho tôi tạm giữ chiếc giầy ấy. Ngày mai mời quý vị trở lại, chúng tôi sẽ giải quyết…”
“Giầy của Angelica, giải quyết gì nữa? Rõ ràng giầy của con gái tôi, của Angelica,” bà cụ gằn giọng.
“Bà lầm rồi, giầy của N. vợ tôi. Tôi chắc chắn như thế,” Tôi khàn giọng cãi.
Người nhân viên gỡ chiếc giầy từ những bàn tay gồng cứng của hai chúng tôi. “Hôm nay thứ Sáu, sáng thứ Hai mời hai vị lại đây, chúng tôi sẽ giải quyết chuyện này.”
Ai phán xử được chuyện này. Một chiếc giầy còn nguyên vẹn. Hai người cùng quả quyết là của người nhà mình. Ai sẽ đứng ra hòa giải đây. Chuyên gia tâm lý ư? Hay tìm DNA trên chiếc giầy? Hai ngày cuối tuần người ta không làm việc. Vậy là phải chờ đến thứ Hai để nghe người ta phân xử. Mà họ sẽ xử cách nào. Cắt đôi chiếc giầy cho mỗi người một nửa chăng?
“Con gái tôi,” bà cụ lắp bắp. “Con gái út của tôi.”
Tôi nhìn đôi mắt buồn. Tất cả những người đứng quanh đây đều có đôi mắt buồn. “Con gái út của tôi.” Bà cụ lẩm nhẩm như nói cho một mình bà nghe. Tôi thì thầm đáp lời bà, “Vợ thân yêu của tôi.” “Con gái út của tôi.” Bà lặp lại câu nói và rụt rè chỉ vào chiếc giầy trên tay người đàn ông. “Chiếc giầy của con gái tôi.” Và bà run run đưa bàn tay xương xẩu ra trước chạm nhẹ vào chiếc giầy trên tay người đàn ông. “Giầy của con gái tôi. Đôi giầy nó yêu thích nhất. Ông tìm thấy nó ở đâu vậy? Angelica sẽ thích lắm. Giầy của con gái tôi. Tên nó là Angelica.” Rồi bà nhìn người đàn ông, khẩn khoản, “Làm ơn cho tôi nhìn chiếc giầy của Angelica một lần nữa.”
Và bà trịnh trọng cầm chiếc giầy đưa lên mũi hít hà, mắt nhắm như cố thả hồn về cõi nào xa lơ lắc.
“Bà làm gì thế?” tôi hỏi.
“Tôi ngửi được mùi con gái tôi. Tôi quen mùi của nó từ khi nó còn mặc tã. Ông ngửi thử mà xem,” bà nói và đưa chiếc giầy sát mặt tôi. Tôi chỉ ngửi được mùi khét của khói, nhưng sao từ sâu thẳm lòng tôi, tôi vẫn thuyết phục tôi rằng quả thật có mùi da thịt vợ tôi. Tôi nghĩ nếu tôi nhắm mắt, cố đừng để ý đến những thứ chung quanh, tôi sẽ nhận ra chút mùi quen thuộc của vợ tôi, như bà già nhận ra mùi con gái bà trong chiếc giầy.
“Sao ông không tìm thứ gì khác nữa của cô ấy, như ví, túi xách, hay cuốn sách mà cô ấy mang theo để đọc,” nhận lại chiếc giầy từ tay bà cụ, người nhân viên xoay qua tôi. “Cô ấy có đọc sách không?”
“Vợ tôi siêng đọc sách. Cô ấy mang theo cuốn sách của Milan Kundera để đọc, chính tôi là người nhét cuốn truyện ấy vào túi xách cho nàng, nhưng tôi đã tìm kỹ đống túi xách chưa cháy trọn thành than hay mớ giấy chưa kịp cháy, không có thứ gì của nàng.” Tôi nói liên tục như thể những tin tức ấy sẽ giúp nhân viên hãng hàng không giúp tìm N. lại cho tôi. Tôi nhớ có gặp một cuốn sách chỉ còn lại phần lưng dính bết vào chất chocolate tan chảy, tôi có lật lên xem, nhưng không phải tên cuốn sách N. mang theo. Tôi hình dung ai đó kẹp cái kẹo sô cô la vào cuốn sách để nhâm nhi trên máy bay lúc đọc sách. Vợ tôi không thích sô cô la nên nhất định không là cuốn sách của nàng. N., và tất cả những thứ thuộc về nàng đều đã tan biến, chỉ còn chiếc giầy đang nằm trong tay gã nhân viên này.
Chiếc giầy bằng loại da mềm. Tôi vẫn nhớ lúc mới mua về da còn cứng, tôi phải ngồi xuống, giúp nàng xỏ chân vào. Tôi đỡ nhẹ bàn chân, chạm nhẹ vào chỗ da bị chai, nhắc nàng đi bác sĩ. Chỗ chai để lâu không tốt. Nàng ừ hử cho qua. Lúc giúp nàng xỏ chân vào chiếc giầy tôi thường vuốt nhẹ lưng bàn chân nàng nơi những sợi gân xanh phập phồng ẩn hiện. Vết chai của sự vất vả vẫn làm lòng tôi mềm lại, và sợi gân xanh mời mọc luôn gợi trong tôi những xôn xao nếu nói ra sẽ làm nàng đỏ hồng hai má.
Em thích nhất đôi giầy này. N. của tôi vẫn nói thế. Bây giờ chỉ còn một chiếc. Chiếc giầy này của chân phải. Chiếc kia đâu. Chân phải đây còn chân trái đâu. Chân trái có chỗ da bị chai cứng. Mấy lần nhắc nàng đi bác sĩ. Nàng bảo tại những chiếc giầy làm tại China. Kiểu thì đẹp nhưng không bền. Và cũng không được tốt.
Moi túi, lấy cái điện thoại di động ra, tôi nài nỉ, “Cho tôi chụp tấm hình.”
Người nhân viên ngạc nhiên nhưng cũng đưa chiếc giầy ra cho tôi chụp hình. Tôi nghĩ lỡ như tôi thua bà cụ trong cuộc tranh chấp này thì ít ra tôi cũng có tấm hình để nhớ. Bà cụ có chiếc giầy còn tôi, tôi có tấm hình. Nhìn chiếc giầy, tôi sẽ thấy lại bàn chân của người tôi yêu.
Sáng Chủ Nhật tôi bắt gặp bà cụ hôm trước gặp ở chỗ nhận di vật người quá cố. Thì ra chúng tôi ở chung khách sạn. Có lẽ hãng hàng không thuê cho thân nhân những nạn nhân. Hèn chi tôi bắt gặp rất nhiều những con mắt buồn.
Bà cụ nhận ra tôi. Và chúng tôi nhìn nhau vài giây ngơ ngác như hai đối thủ trên võ đài tình cờ đụng đầu nhau trên đường phố. Hai đấu thủ trên võ đài dùng hết sức mình để dành lấy phần thắng, còn hai chúng tôi hầm hè nhìn nhau như hai con thú trước miếng mồi ngon là chiếc giầy size 7. Chiếc giầy da màu đen.
Sau hơn một phút chằm chặp nhìn nhau, tôi bừng tỉnh. Tôi lên tiếng trước, như gã võ sĩ đưa tay cho đối thủ bắt. “Chào bà.”
Bà cụ khẽ gật đầu. Cái gật sượng và chậm như thế vướng vít nỗi đau. Như thể bà cố gật đầu thật nhẹ để không làm trầy trụa, lở loét thêm vết thương của sự mất mát.
“Tôi vẫn nghĩ con bé nhà tôi hụt chuyến bay vào giờ chót. Nó có tật hay đến trễ, làm gì cũng cà kê. Cậu có nghĩ Angelica lỡ chuyến bay này không?” Bà cụ gợi chuyện lúc hai chúng tôi bước vào nhà hàng của khách sạn.
Tôi kéo ghế cho bà ngồi. Trong đầu tôi chợt nảy ra ý nghĩ rằng người vợ thân yêu của tôi biết đâu cũng hụt mất chuyến bay. Nàng cũng rề rà phát sợ. Và danh sách nạn nhân thì nhân viên hãng máy bay hoặc giới chức điều tra đã lấy lộn từ một chuyến bay khác.
Bỗng dưng tôi bám cứng lấy niềm hy vọng mong manh ấy. Và chỉ có vậy mà lòng tôi quẫy động cơn vui. Tôi hỏi đêm rồi bà ngủ được không? Bà cụ moi túi xách, lấy ra lọ thuốc nhỏ. Bà lắc lắc lọ thuốc rồi đặt xuống bàn. Tôi nhìn những viên thuốc hình con nhộng trong lọ. Chiếc lọ nhựa màu nâu nên không nhìn rõ màu của viên thuốc.
“Tôi phải uống tới ba viên này mới ngủ được một tí. Nhưng cứ chợp mắt là Angelica lại lay tôi dậy, nó đánh thức tôi trong chiêm bao,” bà cụ nói, giọng khô như cỏ cháy trên cánh đồng mùa nắng hạn.
Cầm tờ thực đơn trong tay, tôi hỏi bà dùng cà phê hay trà. Và bà muốn điểm tâm món gì. Bà lắc đầu, “Cậu có nghĩ con Angelica trễ chuyến bay không?”
Tôi ngạc nhiên nhìn vào đôi mắt mệt mỏi của bà cụ, thầm nghĩ tôi mong Angelica của bà trễ chuyến bay, tôi mơ ước N. cũng trễ chuyến bay, tôi mong tất cả hành khách đều trễ chuyến bay. Nhưng tôi biết đó là chuyện không tưởng.
“Nó có tật đi trễ, tôi la nó hoài,” bà cụ nói.
Tôi gượng gạo gật đầu. Và tôi đổi đề tài khi bóng người chạy bàn thấp thoáng trước mặt, “Bác dùng bánh mì với trứng chiên nhé.”
Bà cụ lắc đầu, “Cho tôi ly nước trà.”
Chúng tôi nói chuyện thời tiết, chuyện những con phố đông nghẹt xe cộ. Chuyện chúng tôi phải đáp chuyến bay đến nơi này. Với nỗi lo âu rờn rợn sống lưng. Khi biết mình sắp bay đến nơi nhận diện người nhà thiệt mạng cũng trong một chuyến bay. Nhưng cả hai chúng tôi không ai đề cập đến chiếc giầy.
Chờ cho người hầu bàn đặt ly trà của bà và ly cà phê của tôi xuống bàn, chúc chúng tôi ngon miệng và lui bước, bà cụ nói nhỏ, “Angelica còn một đôi giầy nữa giống hệt như thế, chỉ khác màu.”
Tiếng chuông khai mạc trận đấu vừa điểm. Câu nói của bà cụ là tiếng chuông ấy.
Đối thủ nhìn vào mắt nhau. Tiếng chuông reo vang. Trận đấu thực sự bắt đầu. “Vợ tôi cũng có một đôi giầy nữa giống hệt như thế, chỉ khác cái quai. Cô ấy thích lớp da tốt nhưng kiểu khác nhau.” Tôi trả đòn.
“Hai người lấy nhau lâu chưa?”
“Ồ,” tôi lúng túng. “Hơn bốn năm.”
Chuyện gì đây. Tôi cố đoán thâm ý của bà cụ.
“Con Angelica sống với tôi hai mươi năm trời, không sót một ngày.”
À tôi hiểu rồi. Tôi đáp trả, “Chúng cháu có với nhau chỉ bốn năm nhưng còn nhiều hơn cả một đời người.”
Bà cụ không để ý đến câu nói của tôi.
Bây giờ chúng tôi đem thời gian ra để song đấu. Ai có thời gian lâu dài với người quá cố sẽ nhiều hy vọng thắng cuộc. Angelica của bà hai mươi tuổi, là mẹ cô, bà đã có hai mươi năm trời với cô. N. và tôi mới chỉ có với nhau bốn năm trời. Nhưng những gì chúng tôi có với nhau cả đời người gom lại còn chưa đủ chỗ chứa. Tuy nhiên, tính con số cụ thể đời thường thì thời gian hai chúng tôi chia sẻ đời nhau không nhiều bằng khoảng thời gian hai mẹ con bà có với nhau.
“Bà nghĩ bà sẽ làm gì với chiếc giầy?” Tôi đổi để tài.
Bà cụ cúi đầu suy nghĩ. Những nếp nhăn xô đẩy nhau trên vầng trán. Những sợi tóc bạc như cước lòa xòa trước trán. Tôi chợt nhận ra mình tàn nhẫn. Không gì độc địa hơn chuyện nhắc đến chiếc giầy ngay phút giây này.
Bà cụ nhìn dõi vào khoảng trần nhà màu xám, thở dài, “Tội nghiệp Angelica, không bao giờ biết mặt bố nó.”
Mặt trận đổi hướng. Bây giờ là giai đoạn khuấy động lòng thương xót.
Tôi đỡ đòn, “Vợ tôi cũng mồ côi từ nhỏ.”
“Nếu được chiếc giầy cậu sẽ làm gì?” Bà cụ bất chợt hỏi.
Tôi nặn óc suy nghĩ. Tôi sẽ làm gì với chiếc giầy ấy nhỉ. Tôi không có câu trả lời. Đem về cất kỹ trong ngăn tủ, đặt trên chiếc bàn ngủ ở đầu giường, đặt trên phần ghế trống trên xe, hay hỏa thiêu nó như món quà gửi về thế giới bên kia?
“Cậu còn trẻ. Cậu giữ kỷ vật làm gì? Cậu sẽ phải tìm người đàn bà khác. Đời cậu còn dài.”
Trận đấu xoay qua trò thuyết phục.
Tôi cần có N. Chiếc giầy là vật gần gũi sau cùng của N. Giữ được nó, tôi giữ được hơi hướm của nàng. Tôi phải có chiếc giầy này. Tôi sẽ tranh đấu đến cùng để có được kỷ vật của người đàn bà tôi yêu.
Chiếc giầy mang dấu chân nàng, mang hơi hướm nàng.
Chúng tôi ngồi im. Bốn con mắt nhìn về hai hướng khác nhau, nhưng tôi biết ở cuối tầm nhìn ấy là hình ảnh thân yêu mà cả hai cùng mới vừa đánh mất.
Rồi như chợt tỉnh, tôi uống vội ly cà phê đã nguội, và nhẹ nhàng kéo ghế đứng dậy, “Xin phép cụ, cháu có chút việc phải đi ngay.”
Bà cụ ngẩng đầu lên, hai con mắt sững sờ. “Vậy à. Chúc may mắn.”
Tôi giật mình. Và tôi cũng chúc bà may mắn. Chỉ là cái câu quen miệng. Nhưng ngày mai không thể cả hai chúng tôi cùng may mắn. Trong trận đấu trên võ đài, hai đối thủ có thể huề nhưng trong trận đấu của hai chúng tôi chỉ một bên thắng trận bởi giữa bao nhiêu thứ tan nát vỡ vụn, chỉ chiếc giầy da cao gót màu đen kia sống sót.
Suốt đêm tôi trằn trọc. Hình ảnh chiếc giầy cứ chập chờn trước mắt. Không biết bà cụ kia có bị giống tôi không. Tôi nhớ N., nhớ cái gác chân mỗi khi trở mình trên chiếc giường rộng thênh thang. Chỉ có hai người mà nhiều khi thấy chật. Còn ở đây, chiếc giường khách sạn nhỏ bằng nửa giường của hai chúng tôi, nhưng sao rộng thênh thang. Bà cụ giờ này chắc cũng đang thao thức. Những viên thuốc ngủ chẳng biết có đủ để bà có giấc ngủ sâu, sau những chấn động kinh hoàng của đời sống. Chiếc giầy treo lơ lửng trên trần nhà. Tôi dụi mắt nhìn cho rõ. Chiếc giầy biến đi. Chỉ là ảo giác gây ra do mệt mỏi. Phải như tôi có thể đột nhập chỗ người ta giữ di vật những người quá cố, tôi sẽ lẻn vào và lấy chiếc giầy da màu đen ấy, chiếc giầy của người tôi yêu. Bỗng dưng tôi mong cho bà cụ uống thuốc ngủ quá liều, bà sẽ ngủ mê mệt hai ba ngày. Đến khi thức giấc, chiếc giầy đã cùng với tôi trở về xứ sở tôi. Tôi cố đẩy ý nghĩ ấy ra khỏi bộ óc chật chội. Nghĩ vậy không tốt. N. của tôi sẽ không vui khi biết tôi làm điều đó. Nhưng mà bà cụ đã già rồi. Bà còn sống được bao lâu nữa đâu. Lấy được chiếc giầy, ít lâu bà mất, chiếc giầy sẽ đi đâu. Để tôi giữ là hay nhất, giả như không phải của vợ tôi mà là của Angelica thì chiếc giầy cũng được cất giữ lâu dài. Bởi tôi còn trẻ. Đời tôi còn dài. Em phụ với anh một tay để lấy chiếc giầy về nhé. Tôi thì thầm với N. như thế. Nàng yêu tôi, nên tôi biết chắc nàng còn quanh quẩn bên tôi.
Buổi sáng, tôi đến nơi nhận di vật thật sớm, và chờ ngoài hành lang.
Gần trưa, vẫn không thấy bà cụ. Chắc bà uống thuốc ngủ quá liều lượng. Quá trưa nhân viên phòng di vật cho biết bà bị bệnh gì đó vào cấp cứu hồi đêm. Xế chiều, người ta đưa bà đến trên chiếc xe lăn. Bà bị tai biến. Bà ngồi như dán chặt vào lưng tựa chiếc xe lăn.
Nhân viên hãng hàng không và một chuyên viên tâm lý chuyên về hòa giải đứng sát cạnh chúng tôi. Hòa giải cách nào đây, tôi thầm nghĩ. Tôi đứng bên cạnh bà cụ. Người ta đưa chiếc giầy cho hai chúng tôi nhận diện một lần chót. Tôi chạm những ngón tay lên lớp da mềm. Tôi lật úp chiếc giầy, nhìn vào góc khuất của đế giầy và tim tôi ngưng đập. Chữ viết của tôi bằng ngọn bút rất mảnh. “Cho N.” Và trí nhớ bùng vỡ. Tôi viết những chữ ấy cho N., chờ một lúc nào đó nàng tình cờ phát hiện, niềm vui sẽ đến thêm một lần. Như câu chúc sinh nhật lần thứ hai. Vậy là tôi thắng rồi. Bà cụ tìm đâu ra bằng chứng chiếc giầy thực sự là của con gái bà. Chữ viết của tôi rõ từng nét. Bằng thứ mực không phai. Câu chúc sinh nhật lần thứ hai. Sao tôi không nhìn ra những chữ ấy ngay hôm thứ Sáu nhỉ? Đầu óc tôi mụ mẫm quá rồi! Tôi hít đầy không khí vào lồng ngực. Chuyến đi này, tôi đem về được một chút nàng.
Bà cụ chợt bật một tràng ho. Những tiếng ho khản giọng đánh thức tôi. Tôi nhìn hai con mắt nhắm nghiền và những giọt nước ứa ra lăn dài trên gò má nhăn nheo.
“Bà có sao không?” tôi hỏi. Bất chợt, những ý nghĩ đuổi bắt nhau trong đầu tôi. Bà cụ bao nhiêu tuổi rồi. Những sợi tóc lưa thưa để hở ra những khoảng hói tóc trên xương sọ. Con mắt mờ đục tại màu mắt bà như thế hay vì tuổi già tôi cũng không rõ. Angelica là con gái út. Angelica hai mươi tuổi thì tuổi bà là bao nhiêu. Tôi không cách chi đoán ra được, nhưng tôi biết chắc bà cụ chẳng còn sống bao lâu nữa. Bà cụ yếu lắm rồi. Đã vậy còn cái cơn tai biến mạch máu não dù nhẹ nhưng cũng để lại di chứng. Lại thêm cái tang con gái.
Bỗng dưng tôi thấy tôi đặt chiếc giầy lên bàn tay gầy guộc của bà cụ, “Đúng của Angelica rồi, bác ạ.”
Hai con mắt bật mở, cơn ho lắng xuống. Hai con mắt nhìn tôi. Những giọt nước theo nhau lăn xuống hai gò má. Người nhân viên hoà giải hỏi bằng giọng ngạc nhiên, “Vì sao anh biết chắc chiếc giầy không phải của vợ anh?”
Tôi không chuẩn bị cho câu hỏi này.
“Tôi biết chắc chắn,” tôi nói. Tôi nhìn vào con mắt và ánh nhìn van nài của bà cụ. Rồi quay qua nhân viên hãng hàng không. Hãng hàng không muốn người nhà có được kỷ vật của thân nhân, điều nhỏ bé mà hãng chúng tôi có thể làm cho khách hàng của chúng tôi. Người ta nói đi nói lại như thế.
Tôi thầm nói với N. Anh biết em rất yêu quý người già. Anh biết tính em. Hãy tặng lại bà cụ niềm hy vọng. Đây cũng là một dịp làm việc tốt cho nhân gian. Hai đứa mình vẫn vậy. Chúng ta còn trẻ. Đường đời còn dài. Ờ nhưng mà em không còn… với anh, em sẽ mãi mãi hai mươi bốn tuổi. Anh thì sẽ phải già đi. Một ngày kia anh cũng sẽ nhăn nheo như bà cụ này. Tưởng tượng mình đem chiếc giầy về rồi sẽ làm gì. Giữ làm kỷ vật hay sẽ hỏa táng nó. Thiêu nó với một cái bọc gói đầy trí nhớ chăng?
Tôi bay về chốn cũ. N của tôi. N sẽ vui. Hai chúng tôi dù gì cũng còn có nhau. Nhường cho bà cụ niềm vui ấy. Bà chẳng còn ai. Hai chúng tôi hạnh phúc hơn mẹ của Angelica rất nhiều. Và dù sao tôi cũng còn hình chiếc giầy của N. trong điện thoại. N. à, mình cùng chúc Angelica an nghỉ nhé.
Rest in Peace, Angelica!
(Viết bằng cellphone trong lúc chờ phiên tòa ở Newmarket 29 & 30 tháng Tám 2022)
bài rất hay
Trả lờiXóa