Tháng 7 âm lịch vừa qua và tháng 10 dương lịch là "tháng ma" được lưu truyền xưa nay tại các nước Á Đông và Phương Tây.
Ngày
trước, mỗi lần đến tháng 7 âm lịch, ba má tôi không cho tôi đi chơi vào
ban đêm, lý do là: " đi đêm có ngày sẽ gặp ma." Vì âm phủ mở cửa thả
hồn ma lên dương gian, nên rất dễ đụng đầu. Dù không gặp phải, tháng 7
âm phủ mở cửa toác hoác, cũng rất dễ đụng chạm.
Nhưng
tại Hoa Kỳ, mỗi năm đến tháng 10 dương lịch, người ta nói nhiều chuyện
về ma. Quảng cáo khắp nơi về ma quỷ yêu quái, thương xá trưng bày đủ
kiểu quần áo mặt nạ của ma, dân chúng giăng kết màng nhện, treo sô kết
tơ trước nhà, cố ý tạo một môi trường rùng rợn ma quái, thậm chí coi nhà
mình như nhà ma để đón lễ.
Đêm
cuối cùng của tháng 10, cha mẹ trang điểm con mình thành ma thành quỷ,
rồi dẫn đi xin kẹo từng nhà. Có người còn nói: " Đêm tháng 10 phải
thường xuyên ra ngoài, nếu may mắn sẽ có thể gặp được ma!"
Chuyện
đời thay đổi nhanh chóng, ý niệm sợ ma không còn như xưa nữa. Trước đây
nói đến ma, người ta sợ bỏ chạy; ngày nay nói đến ma, người ta lại tò
mò thích nghe, thích tìm hiểu. Vì vậy, chuyện ma, sách ma, phim ma trở
thành sản phẩm tiêu khiển thời thượng của con người.
Thực
sự, ma quỷ có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn hóa của dân tộc và sự an
ninh của xã hội. Dân tộc tin có quỷ thần sẽ có một nền văn hóa phong
phú, nhiều ý tưởng và sắc thái dồi dào; xã hội tin có ma quỷ thì tin có
nhân quả, luân hồi và quả báo."Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo", làm
tốt gặp tốt, làm xấu gặp xấu. Tin như vậy thì thiên hạ ít dám làm việc
bất lương, xã hội tự nhiên tương đối an lành.
Dưới
quan niệm cổ truyền, người ta xem những hồn ma như là "huynh đệ" của
mình. Vì vậy, theo tập tục truyền thống của dân tộc Á Đông, rằm tháng 7
âm lịch là ngày Địa Ngục mở cửa thả hồn ma, mà chúng ta gọi là "huynh
đệ" (好兄弟). Vì hồn ma bị hành hình đói khát quanh năm, nên ở dương gian
vào ngày này, người ta thường bày biện nhiều thức ăn, mời anh em ăn một
bữa hả hê. Nghi thức này gọi là "cúng cô hồn" (祭祀亡魂). Rồi đốt tiền giấy
cứu tế, đồng thời mời sư sãi tụng kinh siêu độ, mong anh em bất hạnh đọa
vào "ác đạo" sớm được siêu thoát, gọi là "phổ độ" (中元普度).
Theo
quan điểm của Phật giáo, rằm tháng 7 âm lịch là lễ "Vu Lan" (盂蘭盆), Vu
Lan là Phạn ngữ dịch âm, nghĩa là "giải đảo huyền" (解倒懸). Đảo huyền là
chỉ thú vật bị treo ngược để chuẩn bị đem bán hoặc dùng làm vật cúng tế.
Giải đảo huyền tức là giải cứu các loại súc vật. Ngày hôm đó, chúng ta
chân thành lễ Phật, cúng dường tăng ni, dùng công đức này để cứu ác đạo
chúng sinh được thoát khổ. Theo Kinh Vu Lan, rằm tháng 7 âm lịch cũng
là ngày Bồ Tát Mục Kiền Liên xuống Địa Ngục cứu mẹ.
Tổng
hợp những điểm nói trên, chúng ta thấy rằng rằm tháng 7 đúng là một
ngày "hiếu đạo". Cúng dường tam bảo (Phật Pháp Tăng), hiếu kính cha mẹ,
phổ độ quỷ thần, cứu giúp thú vật cũng đều xuất phát từ một chữ "hiếu".
Nói
về Halloween tại các nước Tây Phương, theo truyền thuyết thì trong ngày
này tất cả linh hồn đều trở lên thế gian. Người ta ăn mặc trang phục
giống như ma để đồng hóa với các “anh em” của mình. Xưa kia còn có người
để trái cây và thức ăn tại trước cửa hay sân sau để chiêu đãi hồn ma,
không biết từ bao giờ diễn biến thành cách thức cho kẹo. Đốt đèn bí rợ
trước cửa trong đêm tối là soi sáng đường về cho hồn ma, chúc “anh em”
thượng lộ bình an.
Tất
cả nghi thức trong ngày Halloween - mặc áo ma, cho bánh kẹo, đốt đèn bí
rợ đều hàm chứa ý nghĩa "từ bi". Ngày cuối cùng của tháng 10 thực sự là
một ngày "tình thương". Cúng tế hay cầu nguyện cho linh hồn đều biểu lộ
tình thương trân quý của con người.
Theo
Phật giáo, ma quỷ cũng là chúng sinh, họ cần tình thương và lòng từ bi,
chứ không phải sợ sệt và xa lánh. Sau khi chết, con người đi vào luân
hồi, không nhất thiết trở thành ma. Theo Kinh Lăng Nghiêm (楞嚴經):
Người có 7 phần tình dục, 3 phần trí tuệ, sau khi chết, trở thành thú vật.
Người có 9 phần tình dục, 1 phần trí tuệ, sau khi chết, trở thành ma quỷ.
Người hoàn toàn sống trong tình dục, sau khi chết sẽ đọa vào Địa Ngục.
Tham sân si là cội nguồn của tam ác đạo.
Vì
vậy, ma quỷ là một tấm gương để chúng ta soi xét. Bởi người đời chìm
đắm trong danh lợi quyền thế, say mê trong hồng trần tình dục, rằm tháng
7 và cuối tháng 10 là lúc để chúng ta tạm dừng lại và quay đầu nhìn lại
tấm gương này, soi sáng khuôn mặt và nội tâm của mình. Nếu vẫn còn mang
nặng tình dục, sân si giận hờn, thì đã cận kề ác đạo ma quỷ.
Trong Kinh Phật có kể nhiều chuyện về ma hầu đánh thức và cảnh giác lòng người.
"Kinh
Luật Dị Tướng" (經律異相) có kể: Một người chết rồi, linh hồn trở về dùng
roi đánh xác của mình, người bên cạnh thấy vậy liền hỏi: "Người này đã
chết rồi, tại sao còn đánh đập xác của nó?"
Ma
trả lời: "Nó là thân xác của tôi lúc trước, khi còn sống thì làm nhiều
việc ác _ lường gạt trộm cắp, xúc phạm đàn bà, bất hiếu cha mẹ, không có
từ bi, không trọng nhân nghĩa, keo kiệt không chịu bố thí. Sau khi
chết, khiến tôi đọa vào âm giới làm ma quỷ, đau khổ vô cùng. Cái xác này
quá tội lỗi và thối tha, cho nên đánh nó để bớt giận."
Vì
vậy, tháng 7 âm lịch trở thành tháng ma, không phải là ma quỷ khiến cho
người ta sợ hãi, mà là chúng ta phải biết sống với thái độ nghiêm cẩn
và giữ giới điều. Nếu chúng ta có lòng sợ sệt và bất an là đi ngược lại ý
nghĩa của Phật giáo, không đúng với tinh thần từ bi của nhà Phật.
Thực
sự, tháng 7 cũng như tháng 10 là tháng rất tốt để chúng ta hồi tâm tỉnh
thức. Chuyện ma quỷ đã ngầm chứa những chân lý của cuộc sống. Nhân ngày
này, chúng ta tìm lại sự thanh tịnh và trí tuệ.
Tâm sáng tất Thiên Đàng, tăm tối tất Địa Ngục.
Mở
rộng lòng từ bi, buông bỏ tham sân si là ngọn đuốc soi sáng và dìu dắt
chúng ta đến con đường tu hành quang minh và tươi sáng.
Lý Trinh Trường tại tư thất
08-31-2023
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa