Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2023

HỒI ỨC ĐỜI TÔI ( Tiếp theo, phần I) - Nguyễn Cang

Học trò nghèo
 
Sau khi ba tôi đưa chị em tôi về Tây ninh, mỗi ngày tôi đi bộ tới trường Nam Tiểu Học để học. Mỗi ngày học 2 buổi.
 Nhắc tới ngôi trường nầy tôi không thể nào quên được hai cây gõ trước trường nằm sát hàng rào, không biết ai trồng hồi nào mà nó cao to quá như vậy? 
Những buổi trưa hè cây toả bóng mát che nắng cho học sinh và cho cả những người bán quà vặt nữa, trong đó có chú Liêm bán nước đá. Chú là người bạn đồng hành lâu năm của đám “nhóc con” chúng tôi. Chú Liêm bào nước đá bằng tay, lưỡi bào sáng giới, sau nầy chú thay thế bằng cái bào mới tân tiến hơn có tay quay vừa nhanh vừa tiện lợi. Chú không cần rao hàng, thỉnh thoảng chú lắc cái chuông kêu leng keng là chúng tôi biết chú đã ở chỗ nào rồi, thế là học trò nhỏ chúng tôi kéo tới. Hai cắc mua được một ly nước đá nhận nhỏ có chế si-rô. Không hiểu tại sao nước đá nhận si-rô của chú ăn ngon và thơm quá, không nơi nào ngon bằng. Đôi khi chú tặng thêm cho chúng tôi một chút xíu sữa hộp hiệu “Con chim.” Trời ơi, nhìn giọt sữa chảy xuống thấy bắt thèm? Nầy, từ từ một chút, hãy liếm một cái để thưởng thức hương vị ngọt ngào thơm ngon của sữa rồi mới cắn một cái thật nhẹ vào cục đá bào. Vị ngọt của sữa hoà lẫn mùi thơm của si-rô đang thấm vào lưỡi, vào họng, từ từ chảy xuống cổ họng, nghe đã quá! Còn chị Tư bánh cuốn nữa. Hai cắc một cuốn, rẻ ơi là rẻ. Bên này một cuốn bên kia một cuốn. Chị Tư lăng xăng vừa cuốn bánh, vừa trao bánh, vừa lấy tiền. Bánh ngon quá ăn quên thôi, ngon hơn bánh mẹ làm ở nhà. Thực ra cái vị giác nó đánh lừa ta chứ bánh làm gì ngon bằng mẹ làm. Trong bánh chỉ có vài con tép riêu nhỏ xíu mà sao ăn ngon thế! Đang lang thang nhìn các bạn đùa giỡn trước sân bỗng tiếng trống trường giục giã báo hiệu giờ học bắt đầu, tôi và tất cả bạn bè đều ba chân bốn cẳng chạy vào sắp hàng trước cửa lớp. Thế là cuộc chơi bị cắt ngang, bạn nào đang ăn uống cũng phải nuốt lẹ lẹ để còn vào lớp cho kịp.
Lúc mới về trường tôi được xếp học lớp ba thầy Hoặc, sang năm sau lên lớp nhì thầy Đồng. Thầy Đồng bà con với bạn Đĩnh sao đó. (Tôi và Đĩnh học chung lớp). Nhà thầy Đồng cách trường không xa. Nếu đi thẳng từ
văn phòng hiệu trưởng trở ra thì nhà thầy cách đó chừng 300 mét. 
Trước nhà thầy có một cây me thật to. Tôi nhớ có một lần bạn Đĩnh rủ tôi vô nhà thầy coi điểm sắp hạng hằng tuần, tôi không dám vì sợ thầy phạt. Bạn bảo: "Không sao đâu, đừng sợ.” Sau đó tôi mới biết bạn có bà con với thầy nên mới bảo đảm với tôi như vậy. Ba Đỉnh là ông Chung, thư ký chánh ngạch tại Tòa hành chánh Tây Ni nh. 
Năm 2011 tôi đi dự hội đồng hương Tây ninh ở Nam Cali mới biết thêm bạn Đĩnh bây giờ có con gái là Thùy Dương làm MC cho Trung tâm Ca nhạc Asia. Bạn Đĩnh là Hội trưởng hội Đồng Hương Tây ninh ở Úc Châu.
Năm lớp nhì tôi học hành rất khá, được cho lên lớp nhứt. Lúc nầy tôi đã lớn khôn, tôi hiểu được sự nghèo khó của gia đình nên suy nghĩ cách kiếm ít tiền ăn bánh và mua tập vở.
Hồi đó trường có bốn lớp nhứt do bốn thầy dạy, tôi vào lớp của thầy C.N.C. Thầy C. còn trẻ lắm, tuổi độ 26, dáng cao ráo khoẻ mạnh. Nghe nói thầy mới ra trường Sư Phạm Sài gòn được vài năm. Thầy ăn mặc gọn gàng bảnh bao, phong cách chững chạc nghiêm trang. Thầy thường mặc cái áo sơ mi trắng dài tay, gài nút tay áo cẩn thận. Tóc thầy rất mướt, xức brillantine láng lẫy. Thỉnh thoảng thầy đưa tay vuốt nhẹ mái tóc vốn đã được ép sát ra sau rồi. Đặc biệt thầy đánh phùn tóc trước trán theo mốt tân thời để làm dáng
Thầy còn độc thân, tôi không dám tò mò về đời tư của thầy vả chăng chuyện ấy là chuyện của người lớn nên chỉ biết có bấy nhiêu. Có lần tôi theo bạn ôm sổ điểm về nhà thầy ở sau văn phòng hiệu trưởng. Đó là một căn phòng nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi cho cuộc sống độc thân của thầy. Nhìn lên vách tôi thấy treo một cây đàn banjo. A! Thì ra thầy cũng tài tử, thích đàn ca nữa! Có lần tình cờ tôi nghe thầy đờn bản nhạc Trăng mờ bên suối, Lòng mẹ... nghe cũng réo rắc thiết tha.
Tôi học với thầy chưa đầy một tháng mà đã bị thầy đánh bốn, năm lần. Tôi mất tinh thần vì tánh nóng nãy và sự mạnh tay của thầy. Những bài toán động tử sao thầy giảng khó hiểu quá! Mỗi lần làm toán là thầy canh chừng rất nghiêm nhặt, trò nào làm bài xong thì bước ra khỏi lớp, đứng bên ngoài đợi khi nào tất cả xong hết thì thầy mới cho vào lớp trở lại. Lúc làm bài học sinh không được nói chuyện, nhắc bài hay quay cóp. Trò nào vi phạm thì thầy thẳng tay phạt bằng cách đánh bằng thước kẻ, xách lỗ tai, thụt dầu, quỳ gối ... Trong những cách phạt ấy thầy thường xử dụng cách bạt tay và đánh bằng thước kẻ ... Tôi không hiểu tại sao thầy đánh học trò dữ quá như vậy? Hậu quả là có đứa trốn học vì sợ bị đòn, như trò Trần văn Soạn, nhà ở sau nhà thờ cạnh trường. Tôi nhớ một lần trên đường đi học về tôi tạt ngang nhà bạn, hỏi thăm tai sao bạn bỏ học. Bạn trả lời rằng bị đòn đau quá nên nghỉ học. Chuyện xảy ra hơn nửa đời người mà sao tôi vẫn nhớ như mới xảy ra hôm qua! Lúc tôi tới chỉ có một mình bạn ở nhà. Nhà bạn Soạn có vẻ nghèo lắm, trống trước trống sau, lâu quá tôi không còn nhớ hoàn cảnh cha mẹ của bạn lúc đó. Còn tên của bạn và nhà của bạn sao tôi vẫn nhớ hoài.
Hồi nhỏ nơi quê nhà,tôi có đi học tư ở nhà thầy đồ tên Ngọc. Thầy Ngọc đánh học trò mạnh quá khiến tôi sợ hãi nên trốn học. Nhưng so với thầy C. thì chẳng thấm vào đâu! Trường hợp của tôi khác hẳn với bạn Soạn, tôi không thể trốn học vì trốn học rồi đi đâu? Trường nào dám nhận tôi nữa? Hơn nữa ba tôi sẽ không tha thứ cho tôi cái tội tày trời nầy. Tôi âm thầm chịu đựng nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần. Càng bị đỏn tôi càng ngu ra!

 còn tiếp

1 nhận xét:

Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891]

  Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891], các thí sinh đang lều chõng đi thi, một cụ làm bài xong ra ngoài ngồi, còn các cụ kh...