Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2023

Đọc sách “Sơ học luân lý” của Trần Trọng Kim

 

Phần I – Tác giả: Nguyễn Sơn Hùng

Lời mở đầu: Trong quá trình tìm hiểu Luân Lý Giáo Khoa Thư, người viết biết được trước đó cụ Trần Trọng Kim đã viết Sơ Học Luân Lý. Sách Luân Lý Giáo Khoa Thư gồm có 3 quyển dành cho các lớp Đồng Ấu (học sinh khoảng 7 tuổi), lớp Dự Dị (khoảng 8 tuổi), và lớp Sơ Đẳng (khoảng 9 tuổi) của bậc Tiểu học. Từ ngữ “Sơ học” dùng để chỉ bậc học sau khi tốt nghiệp lớp Sơ Đẳng.

Sách Sơ Học Luân Lý mà người viết tìm được trên Internet là phiên bản do nhà xuất bản Tân Việt tái bản vào năm 1950 (1). Theo lời nhà xuất bản trong sách này viết, sách đã được xuất bản năm 1919. Tuy nhiên có tài liệu, thí dụ như trong Wikipedia tiếng Việt hoặc trong phần giới thiệu tác giả của nhà xuất bản in lại sách trên gần đây, viết sách được xuất bản đầu tiên vào năm 1914. Trong khi sách Luân Lý Giáo Khoa Thư được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1925 (2).

Sách Sơ Học Luân Lý được Nhã Nam & nhà xuất bản Hồng Đức in lại năm 2020 và nhà xuất bản Trẻ in lại năm 2021.

  1. Giới thiệu sơ lược nội dung sách

1.1   Mục lục sách

Để quý độc giả có thể biết được sơ lược của nội dung sách, người viết ghi lại mục lục dưới đây.

MỤC LỤC

TỰAIX-X
Bài mở13-15
GIA TỘC LUÂN LÝ17
Bổn phận ở trong gia tộc: 2) Đạo làm con ở với cha mẹ,3) Lòng yêu mến, 4) Tôn kính, 5) Vâng lời, 6) Biết ơn19-27
Con cháu ở với ông bà28
Thờ kính tổ tiên30
Ở với họ hàng33
Ở với anh chị em: 1) Anh em chị em, 2) Bổn phận người làm anh làm chị, 3) Anh em phải hòa mục, 4) Chuyện ba anh em họ Điền 35-41
Ở với đầy tớ: 1) Những đầy tớ, 2) Bổn phận chủ nhà ở với đầy tớ, 3) Bổn phận người làm đầy tớ, 4) Bổn phận con cái ở với đầy tớ 42-46
Đối với những người bạn hữu quen thuộc nhà mình47
Đối với láng giềng49
Sự sum hợp (*) trong gia tộc: 1) Sự sum hợp (*), 2) Lòng vị gia tộc, 3) Ngày giỗ ngày tết và sự đoàn viên tụ hội51-55
HỌC ĐƯỜNG LUÂN LÝ57
Sự đi học: 1) Sự đi học, 2) Bổn phận mình phải đi học, 3) Sự đi học có ích lợi, 4) Sự chăm học, 5) Đi học phải đúng giờ, 6) Sự chú ý, 7) Sự học vấn và sự giáo dục 59-66
Bổn phận ở với thầy: 1) Biết ơn thầy, 2) Tôn kính thầy, 3) Yêu mến thầy, 4) Vâng lời thầy 67-71
Bổn phận ở với anh em bạn học: 1) Tình hữu nghị ở học đường, 2) Chuyện Lưu Bình Dương Lễ, 3) Phải giúp đỡ lẫn nhau, 4) Bênh vực người hèn yếu, 5) Đừng thóc mách 72-76
Tính hạnh người học trò: 1) Sự ganh đua trong học đường, 2) Nghĩa đoàn thể ở học đường, 3) Tính sạch sẽ, 4) Tính có thứ tự, 5) Tính cần mẫn, 6) Tính lười biếng, 7) Tính khinh suất,8) Tính ngang ngạnh, 9) Tính khoe khoang và kiêu ngạo,10) Tính ghen ghét và độc ác, 11) Tính tức giận, 12) Danh dự nhà học đường  77-87
BẢN THÂN LUÂN LÝ89
Bổn phận đối với thân mình: 2) Vệ sinh, 3) Sạch sẽ, 4) Tiết độ, 5) Nghiện ngập và rượu chè, 6) Tập thể thao91-102
Bổn phận đối với cảm tình: 1) Cảm tình, 2) Tính tự kỷ,3) Tính hay giận dỗi, 4) Tính nhát sợ, 5) Tính ham mê cờ bạc103-108
Luyện tập những cảm tình tốt: 1) Những cảm tình tốt, 2) Tính hồn hậu, 3) Tính nhẫn nhường, 4) Tính từ ái109-111
Bổn phận đối với trí tuệ: 1) Trí tuệ, 2) Sự phán đoán, 3) Sự nói dối, 4) Sự kín đáo, 5) Sự khôn ngoan, 6) Sự thành thực112-116
Bổn phận đối với ý chí: 1) Ý chí, 2) Dũng khí117-119
Bổn phận đối với những ngoại vật: 1) Của ngoại vật, 2) Cái thực giá của những ngoại vật, 3) Sự làm lụng, 3) Sự tiết kiệm, 4) Tính biển lận, 5) Tính hào phóng, 6) Tính xa xỉ, 7) Tính liêm sỉ 120-129
XÃ HỘI LUÂN LÝ131
Bổn phận mình ở trong xã hội, 2) Nghĩa đoàn thể ở trong xã hội133-136
Công bằng và nhân ái137-138
Phải trọng tính mệnh của người ta139-140
Phải trọng của cải của người ta: 1) Của cải của người ta,2) Trộm cắp141-143
Phải trọng danh giá của người ta: 1) Danh giá, 2) Sự nói xấu,3) Sự nói vu, 3) Sự mật tố144-149
Lễ phép150-152
Sự biết ơn nghĩa153-154
Lòng nhân ái: 1) Lòng nhân ái, 2) Việc bố thí, 3) Sự ái quần,4) Tính hữu ái, 5) Lòng thí xả155-161
Bổn phận đối với cầm thú162-163
Mấy cái nghĩa vụ yếu trọng đối với nước: 1) Bổn phận làm dân trong nước, 2) Phải tuân kính pháp luật, 3) Phải đóng thuế164-166
TỔNG KẾT167-169
MỤC LỤC170-172

* Nguyên bản viết “sum hợp”, ngày nay viết “sum họp”. Người viết cố gắng giữ trung thực các từ ngữ trong nguyên bản.

Ghi chú

Người viết cố gắng ghi chép lại đúng như sách in trong phiên bản năm 1950 nhưng để quý độc giả dễ nắm được bố cục sách và không chiếm nhiều chỗ trong bài viết nên đã thay đổi một ít cách trình bày như sau.

Phần “Gia tộc luân lý”gồm có 9 bài. Trong sách không có dùng từ “bài”. Từ “bài” ở đây dùng để chỉ của mỗi phần có ghi “Toát yếu” (tóm tắt nội dung quan trọng) sau mỗi bài. Trong sách cũng không có đánh số cho mỗi bài.

Đối với “1. Bổn phận ở trong gia tộc”, trong sách không có tựa chung cho cả các mục sau mà viết trực tiếp: 1. Bổn phận ở trong gia tộc, 2. Đạo làm con ở với cha mẹ…6. Biết ơn. Trong bảng mục lục trên ghi: 1. Bổn phận ở trong gia tộc: 2) Đạo làm con ở với cha mẹ….6) Biết ơn. Nghĩa là không có mục 1). Trường hợp của “1.Bổn phận đối với thân mình” trong phần “Bản thân luân lý” cũng tương tự.

Đối với “5.Ở với anh chị em”, sách đặt “Ở với anh chị em” là tựa chung cho cả phần sau và chia: 1. Anh em chị em, 2. Bổn phận người làm anh làm chị…4. Chuyện ba anh em họ Điền, nên sau “5. Ở với anh chị em”, có mục 1) Anh em chị em, khác với trường hợp của “1. Bổn phận ở trong gia tộc” ở trên.

Sách giảng giải về luân lý của 4 phạm vi: 1) gia tộc gồm có 36 trang, 2) học đường 28 trang, 3) bản thân 38 trang, và 4) xã hội 33 trang.

   Sau mỗi bài, sách có ghi “Toát yếu” tóm tắt các điểm quan trọng của bài và có mục “Đầu bài” đặt những câu hỏi và bắt học trò kể những thí dụ để xem học trò có hiểu những điểm chính yếu của bài học không.

1.2   Lời tựa của sách

Về tầm quan trọng của việc dạy luân lý, trong “Tựa” của sách tác giả viết:

Luân lý là một sự quan trọng hơn cả trong sự giáo dục ở sơ đẳng học đường, cho nên chương trình của chính phủ đặt ra phải để mục luân lý đứng đầu cả các mục khác. (Tỉnh lược một đoạn).

Quyển sách hệ trọng cho sự giáo dục của những thiếu niên đi học như thế, thì cần phải cho giản dị, minh bạch, không có chỗ nào là chỗ tối tăm khó hiểu: trước là để cho khỏi sự sai lầm, sau là để tập sự ngôn ngữ và sự phán đoán của trẻ cho ngay chính, phân minh. Ấy là cái chủ đích của các nhà làm sách cho học trò trẻ con học cần phải như thế, thì quyển sách mới có ích vậy.

Về vai trò của sách và thầy dạy, tác giả viết:

Còn như sự dạy luân lý thì người làm thầy cũng phải hiểu rằng sách là thường chỉ để làm qui củ mà thôi, chứ sự dạy cốt ở lời ông thầy nói ra.

Về cách học và dạy luân lý, tác giả viết:

Học luân lý lại cần hiểu rõ mọi ý nghĩa hơn là học nhớ thuộc lòng, cho nên khi giảng bài xong, ông thầy nên bắt học trò nói tóm lại mấy câu những cái đại ý ở trong bài mình dạy, rồi hãy đọc lời toát yếu cho học trò viết vào vở để học thuộc lòng”.

Do đó, đọc sách chúng ta thấy khi bắt đầu mỗi hạng mục, tác giả luôn luôn giảng giải ý nghĩa, lý do phải học hoặc ích lợi của việc học tập hạng mục đó.

1.3   Bài mở đầu

Trong “Bài mở” tác giả bắt đầu:

Các anh ở nhà thì có ông bà, cha mẹ, anh em, chị em; đi học thì có thầy có bạn, rồi sau lớn lên thì có làng có nước. Tự lúc nhỏ cho chí lúc lớn, lúc nào các anh cũng cần phải biết cách cư xử (1) với kẻ nọ người kia cho phải đạo (2). Lại còn mình đối với bản thân mình phải giữ gìn thế nào cho cái phẩm hạnh được thanh cao, cái giá trị được tôn trọng. Những mối ấy đều là mối cốt yếu của sự luân lý vậy.

Nhưng tóm lại mà nói, thì luân lý chỉ cốt có một điều, là khiến cho sự ăn ở của mình thế nào cho hợp với cái đạo thường của người ta trong xã hội. Cái đạo thường đó nói vắn tắt lại, thì chỉ có hai câu mà thôi, là làm điều lành, tránh điều ác.

  1. Cư xử (chữ Hán: tỉnh lược ở đây) là cách ăn ở của mình đối với kẻ khác Manière de se conduire.” (Trang 13).

(2)”Đạo nghĩa đen là con đường đi như là nói đạo lộ đường sá, sơn đạo đường núi, thủy lộ đường bể v.v…Nghĩa bóng là cái tôn chỉ, cái qui tắc để ai cũng phải theo La voie droitte.

1.4   Luân lý đối với gia tộc

Trong phần này, tác giả giảng giải những bổn phận làm người phải có đối với gia tộc, cụ thể đối với 1) cha mẹ, 2) ông bà, 3) tổ tiên, 4) họ hàng, 5) anh chị em. Đặc biệt trong phần này tác giả còn thêm vào đối với 6) đầy tớ, 7) các bạn hữu quen thuộc nhà mình, 8) láng giềng, và 9) sum họp gia tộc. Trong phần đối với cha mẹ, anh chị em, đầy tớ và sum họp gia tộc, tác giả đi vào chi tiết cụ thể hơn.

Về “Đạo làm con ở với cha mẹ”, tác giả trích dẫn câu nói trong chương 3 “Chỉ Ư Chí Thiện” của sách Đại Học ““Vi nhân phụ chỉ ư từ, vi nhân tử chỉ ư hiếu” (*)Nghĩa là làm cha thì cốt phải có lòng từ, làm con thì cốt phải có lòng hiếu. Lòng từ là lòng cha mẹ thương yêu con, lo dạy bảo cho con thành người có đức hạnh. Lòng hiếu là lòng tử tế, của con phải ở với cha mẹ, cho cha mẹ được thỏa lòng.

Sau đó tác giả giảng thêm thế nào là hiếu để rồi tóm tắt lại đạo làm con “cốt yếu phải yêu mến, tôn kính, biết ơn, nghe lời và giúp đỡ cha mẹ.

Kế đến tác giả giải thích cụ thể nội dung và lý do của lòng yêu mến, tôn kính, vâng lời và biết ơn.

Người viết tự hỏi: Ngày nay có bao nhiêu cha mẹ hiểu ý nghĩa của từ “từ” như phần sau của lời giảng giải của tác giả? Ngoài ra, việc hiểu nghĩa “thỏa lòng cha mẹ” theo đúng nghĩa của Khổng học cũng không phải dễ nhưng đó là việc của người lớn, chưa phải là bổn phận của học sinh bậc tiểu học.

Ghi chú

Thứ tự “phụ” và “tử” trong sách Đại Học là “Vi nhân quân, chỉ ư nhân; vi nhân thần, chỉ ư kính; vi nhân tử, chỉ ư hiếu; vì nhân phụ, chỉ ư từ; dữ quốc nhân giao, chỉ ư tín.

1.5   Luân lý ở nhà trường

Trong phần “Sự đi học”, tác giả giới thiệu 1) lý do, 2) ích lợi, 3) mục đích, và 4) thái độ căn bản cần thiết của việc đi học. Theo kinh nghiệm của người viết, đây là nội dung rất cần thiết và quan trọng đối với người đi học không những đối với trẻ em mà ngay cả người lớn nhưng hiếm thấy nhà trường hoặc trong xã hội đề cập đến. Người viết rất có ấn tượng về nội dung mà tác giả giải thích giáo dục là gì và đoạn cuối của phần này nên xin trích dẫn dưới đây theo thứ tự.

Giáo dục là nói chung cả mọi cách dùng để mở mang trí tuệ, luyện tập tính tình và giữ gìn thân thể khiến cho đứa trẻ lớn lên có đủ tư cách làm một người hoàn toàn ở trong xã hội.

Các anh phải biết rằng sự đi học là sự rất quan trọng cho người ta, nhưng học thì cần phải mở mang trí tuệ và luyện tập tính tình, thì mới thành được người có học vấn và có giáo dục.”

Tác giả có chú thích “hoàn toàn” là “trọn vẹn”. Người viết thiết tưởng đoạn văn trên được viết trên 100 năm về trước nhưng vẫn ngày nay vẫn còn giá trị, không những cho trẻ em mà cả người lớn và đáng để cho bậc cha mẹ tham khảo để giáo dục, hướng dẫn con cái.

Trong phần “Bổn phận đối với thầy”, tác giả giới thiệu “thầy là người có học thức, cả đức hạnh” và bổn phận của học trò đối với thầy là 1) biết ơn, 2) tôn kính, 3) yêu mến, và 4) vâng lời. Đặc biệt, tác giả cũng nêu ra lý do phải có các bổn phận này và giải thích tại sao thầy yêu mến học trò nhưng phải phạt khi cần thiết. Người viết nghĩ rằng điều này quan trọng trong việc giáo dục trẻ em.

Trong phần “Bổn phận ở với anh em bạn học”, tác giả nói sơ lược lý do phát sinh tình bạn bè ở nhà trường, kể chuyện Lưu Bình Dương Lễ, khuyên nên giúp đỡ lẫn nhau, bênh vực các bạn yếu và không nên thóc mách vì hại người để lấy công là việc xấu.

Trong phần “Tính hạnh người học trò”, tác giả giải thích thế nào là sự ganh đua và tinh thần đoàn thể ở nhà trường, Tuy nhiên nội dung về tinh thần đoàn thể không được phong phú đầy đủ lắm. Các tính tốt người học sinh cần tập luyện là 1) tính sạch sẽ, 2) tính có thứ tự, và 3) tính cần mẫn. Các tính xấu cần tránh là 1) tính lười biếng, 2) tính khinh suất, 3) tính ngang ngạnh, 4) tính khoe khoang và kiêu ngạo, 5) tính ghen ghét và độc ác, và 6) tính tức giận. Cuối cùng tác giả không quên khuyên học sinh cần phải gìn giữ danh dự của trường mình học.

Đặc biệt khi nói về tính cần mẫn, tác giả nêu thí dụ khi học thì hết sức chú ý học nhưng khi chơi đùa thì thật vui vẻ. Khi nói về tính khinh suất tác giả khuyên không nên chơi trò chơi nguy hiểm. Hai điều trên đều giống với nội dung bài tập đọc đầu tiên trong Tiểu Học Độc Bản của thời Minh Trị ở Nhật Bản.

1.6   Luân lý đối với bản thân

Theo người viết, phần này là một trong các đặc sắc của “Sơ Học Luân Lý” vì hiếm có tác phẩm nào đề cập đến nội dung này trong các sách luân lý hoặc đạo đức làm người.

Mặc dù tác giả không nói cụ thể ra nhưng chúng ta có thể thấy trong phần “Bản thân luân lý” gồm có 3 phần chính: 1) phần “Bổn phận đối với thân mình” tác giả đề cập về “thân thể”; 2) phần thứ hai về phương diện “tinh thần” hoặc “linh hồn” gồm có 3 yếu tố chính là “cảm tình”, “lý trí” (được giải thích như “trí tuệ” trong sách) và “ý chí”; 3) phần thứ ba là đối với “đồ vật” hoặc “vật chất bên ngoài” mà tác giả dùng từ “của ngoại vật” để diễn tả.

Như chúng ta biết 3 yếu tố hoặc 3 năng lực của tinh thần con người được Aristoteles (TCN 384~TCN 322), Platon (TCN 427~TCN 347) đề xướng, triển khai và ngày nay vẫn còn được nghiên cứu để áp dụng trong sinh hoạt thực tế. Chúng ta có thể thấy sự học uyên bác và đầy trí tuệ của tác giả trong việc đem 3 yếu tố này để giảng giải cho luân lý ở bậc tiểu học sơ đẳng.

1.6.1 Bổn phận đối với thân thể

Khởi đầu của phần “Bổn phận đối với thân mình”, tác giả đã trích dẫn câu “Cái hồn lành ở trong cái xác khỏe” để giảng giải mục đích của bổn phận này là “nên được người có phẩm hạnh” và lợi ích của sức khỏe “thân mình có khỏe mạnh thì tâm tính ý chí của mình mới linh hoạt và minh mẫn được, tức là mình mới nên được người có ích cho mình và cho mọi người.

Tác giả giải thích “vệ sinh là nói gồm cả mọi cách của mìnhphải giữ gìn để khỏi mắc phải bệnh tật và sự đau ốm. Về đường luân lý là mình phải theo vệ sinh giữ cho thân thể mình được tốt tươi, để tăng cái phẩm giá của mình lên.”

Ngoài việc giữ vệ sinh để có thân thể khỏe mạnh điều căn bản quan trọng là 1) ăn ở sạch sẻ, 2) có tiết độ, 3) không nghiện ngập và rượu chè, và 4) tập thể thao.

Một độc đáo của tác giả khi nói về sạch sẽ, tác giả đã nhấn mạnh “Người ta ở trong xã hội phải đối đãi với kẻ nọ người kia, bao giờ cũng phải cần có lễ phépmà lễ phép nào cũng cần lấy sự sạch sẽ làm đầu cả.”

Một điểm khá thú vị là việc hiểu ý nghĩa khác về từ “thể thao” và “thể dục” của tác giả. Trong phần chú thích từ ngữ, tác giả đã viết như sau:

 “Thể thao là cách luyện tập thân thể để lấy thêm sức khỏe- Gymnastique, éducation physique.” (Trang 92)

 Thể dục là sự dạy về việc giữ gìn thân thể – Education physique.” (Trang 99).

Trong phần “Tập thể thao” ông viết “Sạch sẽ, tiết độ và vệ sinh là cốt để bảo dưỡng lấy thân thể. Nhưng muốn cho thân thể mình một ngày một mạnh mẽ hơn và tốt tươi hơn, thì phải tập thể thao nữa mới được.

Thể thao là tập đi, tập chạy, tập nhảy, tập các cách làm cho da thịt được nở nang, cân cốt được khỏe mạnh.” (Bỏ một đoạn.)

Ta xưa nay vẫn quen tưởng rằng đi học thì chỉ cốt mở mang trí tuệ, chớ không cần phải luyện tập thân thể, thành ra bao nhiêu những sự thể dục là đều bỏ cả. Tưởng như thế là lầm, vì rằng thân thể có khỏe mạnh thì trí tuệ mới minh mẫn được, chứ thân thể đã yếu đau, thì chắc là trí tuệ cũng phải kém đi.”

Xem ra “thể dục” lúc đó được hiểu như các môn học dạy giữ gìn thân thể, trong khi “trí dục” là các môn học dạy mở mang hiểu biết, suy nghĩ, xem xét. Ngay cả Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh và Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cũng chưa giải nghĩa 2 từ trên giống như ý nghĩa của hiện nay.

Như chúng ta biết xuất xứ của câu “Cái hồn lành ở trong cái xác khỏe” là từ lời bài thơ tiếng Latinh trong tác phẩm Satvrae của Decimus Junius Juvenalis (60~128) “(Orandum est, ut sit) mens sana in corpore sano” và đã được John Locke (1632~1704) dịch ra tiếng Anh, trích dẫn để giới thiệu trong sách “Some Thoughts Concerning Education” (xuất bản đầu tiên năm 1693): A sound mind in a sound body (Một tinh thần lành mạnh trong một thân thể lành mạnh).

1.6.2 Bổn phận đối với tinh thần

1.6.2.1 Bổn phận đối với cảm tình

Kế đến hãy xem phần “Bổn phận đối với cảm tình”. Mở đầu phần này tác giả giải thích “cảm tình” là gì và lý do quan trọng như sau:

Người ta thường hay yêu người nọ ghét người kia. Yêu ai là bạn hữu, ghét ai là thù địch. Cái lòng yêu lòng ghét như thế, tức là cảm tình của mình.

Những cảm tình quan hệ cho người ta lắm, bởi vì những công việc của mình làm, thường hay bởi những cảm tình mà ra cả. Như mình yêu mến người nào thì mình muốn thân cận với người ấy. Mà mình đã không ưa ai thì mình tránh xa không muốn nhìn mặt. Hoặc mình thích điều gì thì mình sẵn lòng muốn làm, mà khi mình đã không thích điều gì, thì mình lấy làm chán nản, khó khăn, không muốn làm. Xem như thế thì sự yêu ghét của mình quan hệ là dường nào.

Vậy nên ta phải xét kỹ những cảm tình của mình để mà khai hóa những cảm tình tốt và trừ bỏ những cảm tình xấu đi.”

Những cảm tình xấu phải bỏ đi là tính tư kỷ, tính hay giận giỗi (*), tính nhát sợ và tính ham mê cờ bạc.

Tư kỷ là riêng một mình, không biết đến ai, tương phản với bác ái”,đồng nghĩa với “ích kỷ”.

Tác giả khuyên “Luyện tập tình cảm tốt” là 1) tính hồn hậu (trung hậu, thật thà), 2) tính nhẫn nhượng, và 3) tính từ ái.

Ghi chú

(*) Trong nguyên bản viết “giận giỗi” ngày nay viết “giận dỗi”.

1.6.2.2 Bổn phận đối với trí tuệ (lý trí)

Trong phần “Bổn phận đối với trí tuệ” tác giả giải thích trí tuệ là gì, và sự quan trọng của trí tuệ. Cụ thể tác giả giới thiệu sự quan trọng của 1) sự phán đoán, 2) sự kín đáo, 3) sự thành thực, 4) sự khôn ngoan, và việc xấu của 5) sự nói dối.

1.6.2.3 Bổn phận đối với ý chí

Tương tự như những phần khác, trước hết tác giả giải thích ý chí là gì và lý do ý chí có vai trò quan trọng trong cuộc đời của con người. Tác giả nói:

Có khi mình thích làm việc gì, nhưng vì việc ấy trái với lẽ phải, hay là không hợp với lương tâm của mình, thì mình quyết ý không làm. Hoặc là có việc gì khó khăn hay là nguy hiểm, nhưng vì việc ấy là việc phải, thì thế nào cũng cứ nhất định làm cho được. Sự quyết định như thế là do ở cái năng lực (1) riêng của người ta, gọi là ý chí (2). (Bỏ một đoạn.)

Phàm người ta làm việc gì cũng bởi cái sức cố gắng của mình. Mà cố gắng ấy do bởi ý chí mà ra; hễ có ý chí bền chặt thì làm việc gì mới thành công được.

Vậy nên ta phải cố sức luyện tập ý chí cho chắc chắn bền chặt.”

(1) “Năng lực là cái sức tự nhiên để hiểu biết điều gì, hay là làm việc gì – Faculté.” (Trang 117).

(2) “Ý chí là cái năng lực để quyết định làm điều gì, mà làm cho kỳ được – Volonté.” (Trang 15).

Tác giả cho rằng “Dũng khí (3) là cái tâm lực (4) của những người có ý chí làm điều lành, điều phải, mà không sợ sự hiểm nghèo, hay là sự chết.

Người có dũng khí là người biết so sánh việc hay việc dở, biết lo trước nghĩ sau, biết kiên nhẫn để làm cho được việc.

(3) “Dũng khí là cái khí mạnh–Courage”. (Trang 118).

(4) “Tâm lực là cái sức về đường đạo đức của người ta –Force d’âme. (Trang 118).

Tác giả cũng giảng giải thế nào mới là dũng khí thật sự.

1.6.3 Bổn phận đối với đồ vật

Trong phần “Bổn phận đối với những của ngoại vật”, trước hết tác giả giải thích ý nghĩa “Của ngoại vật” và khuyên học trò cần phải biết phân biệt “Cái thực giá của những ngoại vật” để quý những vật đáng quý mà thôi.

Trong phần này tác giả giảng giải lý do “Sự làm lụng” của làm người, khuyên nên có “Sự tiết kiệm”, “Tính hào phóng” và “Tính liêm sỉ” và tránh “Tính xa xỉ” (1) và “Tính biển lận” (2). Đặc biệt khuyên học trò nên phân biệt “hào phóng” với “xa xỉ”.

(1) “Xa xỉ là tiêu nhiều tiền, tiêu hoang phí quá sự cần dùng của mình – Prodique”. (Trang 106)

(2) Biển lận là bủn sỉn keo cúi – Avare. (Trang 106)

Khi nói về tiết kiệm tác giả trích dẫn lời khuyên của Benjamin Franklin (1705~1790), danh sĩ của nước Mỹ:

Anh hãy cứ tiết kiệm, rồi sự độc lập nó sẽ làm áo giáp bênh vực cho anh, nó làm khiên che chở cho anh, nó là cái nón, cái mũ của anh: có sự độc lập thì anh đi ở ngoài đường chững chàng, không phải cúi luồn trước mặt đứa tiểu nhân có của, không thèm thò tay lấy cái gì của ai cho”.

Về hào phóng tác giả giải thích:

“Người hào phóng là người quân tử có nghĩa khí, biết dùng đồng tiền để làm mọi việc, mà bao giờ cũng thật bụng làm điều lành điều phải, chứ không có phô trương giả dối, như những đứa tiểu nhân.

Thường những người đã có tính hào phóng, lại hay cần kiệm, nghĩa là siêng năng và tiết kiệm, biết tìm cách sinh lợi để lấy tiền mà làm việc rộng rãi. Bởi vậy cho nên người hào phóng ở đâu cũng có danh vọng, mà đi đâu người ta cũng kính phục.”

1.7   Luân lý đối với xã hội

Trước hết tác giả giải thích sự quan trọng của xã hội để học trò hiểu tại sao có “Bổn phận mình ở trong xã hội” và có “Nghĩa đoàn thể ở trong xã hội.”

Kế đến tác giả giải thích ý nghĩa của 2 từ “trung thứ” của Khổng học để giảng luân lý căn bản đối với xã hội là công bằnvà nhân ái. Cụ thể, tác giả viết:

Trung (1) là cứ thẳng mà làm, đừng có giả dối gian ác; thứ (2) là trong bụng mình muốn người ta làm cho mình điều gì, thì mình làm cho người ta điều ấy. Nghĩa là dạy người ta ở với nhau trong xã hội chỉ cốt có đạo công bằng và nhân ái.

Công bằng là không giết ai, không lấy của ai, không làm mất danh giá của ai; nhân ái là làm phúc, làm đức, bố thí cho kẻ nghèo đói, cứu giúp những người hoạn nạn, và bênh vực những người hèn yếu. Cái nghĩa vụ (3) lớn của người ta ở trong xã hội cốt có hai điều ấy.

  1. Trung là thẳng – Droll, loyal”. (Trang 137)
  2. Thứ là thương yêu người ta như thương yêu mình – Aimer les autres comme soi même.” (Trang 137)
  3. Nghĩa vụ là việc nghĩa mình phải làm – Devoir, obligation morale. (Trang 137)

Tiếp theo tác giả giải thích cụ thể về “Phải trọng tính mệnh”, “Phải trọng của cải” và “Phải trọng danh giá” của người khác. Về “Lòng nhân ái”, giảng giải cụ thể về “Việc bố thí”, “Sự ái quần” (bác ái), “Tình hữu ái” (thương yêu bạn bè), “Lòng thí xả” (xả thân vì người, xuất phát từ lòng nhân ái).

Ngoài ra, tác giả giảng giải cụ thể “Lễ phép” khi chào hỏi, trò chuyện, ăn uống, đồng thời cũng không quên đề cập đến “Biết ơn nghĩa” đối với người trong xã hội.

Tác giả cũng lòng nhân ái không chỉ đối với con người mà ngay cả “Bổn phận đối với cầm thú” (động vật) cũng phải có.

Cuối cùng tác giả cũng không quên nói đến lý do làm người phải có “Mấy cái nghĩa vụ yếu trọng đối với nước” khi lớn lên như “Phải tuân kính pháp luật” và “Phải đóng thuế”.

1.8   Tổng kết

Theo thiển ý của người viết, phần “Tổng kết” tác giả nói lên được tâm huyết của tác giả muốn nhắn nhủ đến người trẻ và nói lên được tinh túy của sách. Do đó, mặc dù bài viết sẽ trở nên quá dài nhưng xin được ghi chép lại hết phần này, để quý độc giả có dịp biết được tấm lòng của một nhà sư phạm đáng kính.

Những bổn phận của người ta đối với gia tộc, với học đường, đối với bản thân và với xã hội là thế nào thì đã giảng giải rõ ràng cho các anh nghe, mà các anh cũng đã hiểu rằng người ta bất kỳ giàu sang nghèo hèn thế nào mặc lòng, hễ cái cách ăn ở của mình mà không hợp đạo luân lý, thì cũng thành ra người không có phẩm hạnh, không có giá trị, chỉ là một giống đáng khinh đáng bỉ mà thôi.

Vậy nên cha mẹ sinh con ra nuôi cho khôn lớn lên, cho đi học để biết sự nọ vật kia và những bổn phận của mình là thế nào. Là vì cha mẹ muốn cho con nên người lương thiện tử tế, có cái nhân cách đáng kính đáng mến. Cha mẹ có lòng tốt mà muốn cho con điều lành điều hay như thế, thì đạo làm con là phải cố gắng hết sức mà học tập, để khỏi phụ lòng cha mẹ.

Theo kinh nghiệm bản thân của người viết và tham khảo nhiều sách giáo dục của người Nhật Bản viết, đoạn kế tiếp nói lên được cơ sở căn bản nhất của giáo dục trẻ em, không những người đi học mà ngay cả các bậc cha mẹ và các nhà giáo dục không nên quên lãng bỏ qua.

Các anh phải học và phải tập, nghĩa là học cho biết những điều mình cần phải biết và tập mà làm những điều mình cần phải làm cho thành cái thói quen của mình. Hễ các anh biết được điều phải điều trái, và lại có cái thói quen làm những điều hay, điều lành, thì tất là sự giáo dục của các anh đã tiến bộ lắm.

Nội dung viết sách có lẽ tác giả đã căn cứ theo tinh thần của đoạn tiếp theo:

Đức Khổng tử nói rằng “Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân; hành(*) hữu dư lực, tắc dĩ học văn: Người học trò ở trong nhà thì phải hiếu với cha mẹ, ra ngoài đường thì phải kính nhường kẻ bề trên, làm việc gì thì phải cẩn thận, mà nói điều gì thì phải có tín, nghĩa, là nói thật không nói sai, mở rộng lòng thương người và lại thân với những kẻ có nhân. Hễ làm được những điều ấy rồi, mà còn thừa sức thì hãy học văn chương, xảo kỹ”. Ngài dạy người ta cốt lấy cái đức hạnh ở trong làm gốc, lấy cái văn chương hoa mỹ ở ngoài làm ngọn. Vì rằng người có hạnh cũng như cái hoa có hương thơm vậy, càng thơm bao nhiêu, lại càng quí bấy nhiêu. Vậy ta nên theo lời ấy mà khiến sự sửa mình của ta cho hợp với đạo thường của người ta ở trong xã hội.

Cái đạo thường ấy nói tóm tắt lại là: ở trong nhà thì phải yêu kính cha mẹ, yêu mến anh em, đi học thì phải chăm chỉ học hành, kính trên nhường dưới; đối với thân mình thì giữ gìn cho thân thể được khỏe mạnh tốt tươi, tâm tình được tao nhã thanh tú (**); ở với mọi người thì cần phải có công bằng, có nhân ái, biết vị nghĩa quên lợi, biết cứu giúp người trong lúc gian nan. Ai theo được cái đạo thường ấy thì cũng như con đường cái lớn, “đạo nhược đại lộ”, cứ thẳng mà đi thì không bao giờ lạc được, mà công việc của mình làm thành ra có giá trị, và cái nhân phẩm của mình cũng cao lên.

Ấy mọi lẽ luân lý đại để là thế, các anh đã đi học, thì cần phải gắng mà noi theo, khiến cho người ta càng ngày càng tốt hơn và hay hơn.”

Ghi chú

(*) Trong sách viết “…nhân hành, hữu dực…”. So sánh với sách của Nguyễn Hiến Lê, sách của Lý Minh Tuấn, và ý nghĩa của câu văn có thể suy biết sách in sai nên đã sửa lại.

(**) Trong sách viết “thanh thú”. Tra các từ điển không thấy từ này nên đã sửa lại.

Trong khi viết bài này, người việt nhận được từ một cựu giáo sư thời trung học giới thiệu bài viết “Việt Nam – nhà giàu và những đứa con chưa ngoan” đăng trên https://thanhnien.vn/ ngày 24/3.2014. Người viết không rõ tác giả có phải thật sự là một sinh viên người Nhật Bản từng ở Việt Nam hơn 4 năm không nhưng nội dung bài viết này gợi cho thấy phần “Luân lý đối với xã hội” của sách nên thêm các nội dung: 1) giữ sạch sẽ, 2) giữ trật tự, xếp hàng không chen lấn, 3) giữ sự yên tĩnh (không trò chuyện, cười đùa lớn tiếng) nơi công cộng.

***

Nguyễn Sơn Hùng, Phần I Viết xong ngày 29/9/2023

Trở về trang chủ

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Tài liệu tham khảo

(1) Trần Trọng Kim (1914): Sơ Học Luân Lý, tái bản năm 1950, nhà xuất bản Tân Việt.

https://thuongmaitruongxua.vn/sach/giai-doan-1900-1949/doc-sach/so-hoc-luan-ly-1949.html#page1

(2) Trang giới thiệu các hình bìa của sách Luân Lý Giáo Khoa Thư.

https://luanvan123.info/threads/luan-ly-giao-khoa-thu-lop-dong-au-nxb-nha-hoc-chinh-1925-tran-trong-kim-60-trang.163595/

xem thêm ;

 Trần Trọng Kim       

🌹🌹🌹🌹🌹🌹

 THỬ TÌM HIỂU SÁCH DẠY QUỐC VĂN BẬC TIỂU HỌC VÀO THỜI BẮT ĐẦU DẠY QUỐC NGỮ Ở VIỆT NAM

1 nhận xét:

NHỚ MỘT NGƯỜI - Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Ảnh của Đào Anh Dũng NHỚ MỘT NGƯỜI Ta có mối tình mãi khắc sâu Bóng hình người ấy, mối duyên đầu Có khi thương mến khôn tìm được Lắm lúc u h...