Thứ Năm, 16 tháng 11, 2023

Cái Võng Quê - Lê Trung Ngân



Trong ký ức tuổi thơ của tôi, tôi nhớ lời ru êm ả của má bên chiếc võng quê nhà: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh dài thức đủ năm canh”. Lời ru ấy gợi cho tôi nhớ một tuổi thơ với biết bao khoảnh khắc yêu thương bên những người thân trong gia đình. Mỗi cái võng có những chất liệu và màu sắc khác nhau, đa dạng, phong phú được đan bằng đay, bằng dây lác, bằng dây nilông, nang tre thậm chí bằng vải vụng… có nhiều lỗ hình mắt cáo to nhỏ tuỳ chỗ. Hai đầu võng được mắc vào hai cây cột trong nhà hoặc ngoài hàng ba hoặc giữa hai thân cây ngoài vườn. Nếu không có chỗ giăng võng như ý muốn thì người ta có thể làm cái giá bằng cây hoặc bằng sắt để tiện sử dụng.
Cái võng, gắn liền với nhiều ký ức mà khó có thể quên, ký ức ấy vọng lại câu ca dao, vọng lại những thanh âm của bài hát ru. Tiếng võng kẽo kẹt buổi trưa hè oi ả vọng lại những tâm tình của má, vọng lại những ngày nắng mưa, vọng lại những giọt mồ hôi kết từ những gian lao vất vả một đời ba má nuôi con.
Cái võng mang đầy kỷ niệm tuổi thơ. Những ngày còn bé, mỗi buổi trưa má thường đưa võng ru tôi ngủ. Tiếng kẽo kẹt đu đưa, cái nắng hanh hanh của mùa hè, cùng với những lời ru ngọt ngào của má: “Ầu ơ...ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi...”, đưa tuổi thơ chìm sâu vào những giấc mơ đẹp. Cái võng như vòng tay ấm áp của má âu yếm những đứa con thương yêu. Và dù đã trưởng thành, chắc chắn rằng không một ai có thể quên được kỷ niệm thân thương với những điệu ru à ơi mượt mà ấm áp của má.
…Tôi nhớ lại một ngày ở làng quê trôi qua thật bình yên, êm ả! Một điều lạ, nhưng thật ra chẳng lạ gì đối với người dân ở nông thôn, mỗi nhà đều có ít nhất hai đến ba chiếc võng. Nào là võng để cho các cụ lão nằm nghỉ trưa sau buổi sáng tất bật công việc, nào là võng cho tụi trẻ con nằm ngủ hay đùa giỡn... Rồi thông thường cứ những lúc ra đồng, người ta cũng đem theo võng mắc tạm những thân cây để nằm nghỉ trưa, tán gẫu...
Vào những ngày rãnh việc, buổi sáng hay chiều nghiêng bóng, ba tôi hay cột dây võng dưới hiên nhà để đón những cơn gió mát rượi rồi dần chìm vào hoài niệm quá khứ của một thời tuổi trẻ. Những buổi trưa ba cũng đem võng ra vườn cây nằm nghỉ lưng. Chiếc võng đay màu vàng nâu ấy đã trở thành người bạn thân tình của ba, của lũ trẻ chúng tôi, của những người nông dân lao động vất vả.
Có đứa trẻ nào như tôi ngày xưa chưa từng được nâng niu trên cái võng quê? Không chỉ nhận nguồn sữa tình mẹ, tiếng ru vào giấc mơ, cái võng còn là nơi tôi cùng bè bạn lưu biết bao kỷ niệm một thời hồn nhiên, tinh nghịch.
Tôi nhớ ngày cả đám ra đồng mò cua, bắt ốc, vớt cá rô, mót trứng vịt chạy đồng… rồi đem về chung vui, san sẻ cùng nhau. Cả chục đứa trẻ tranh nhau ngồi trên chiếc võng chòng chành, đến lúc mệt lả thì ngủ quên lúc nào không biết.
Những dấu buộc võng lên cây cột dưới mái hiên nhà, hay trên những cây xoài, cây mít sau vườn nhà đã hằn in dấu vết của năm tháng… Chúng tôi đã lớn lên như thế bên chiếc võng quê thân thương, mộc mạc, bình dị.
Nếu không là người Việt Nam chắc hẳn cũng khó hiểu về cái võng. Nói không quá đáng, cái võng là hình tượng văn hoá bởi vì đơn thuần đó không chỉ là một dụng cụ hay một phương tiện để ru em bé, nhưng cái võng còn có cả một hồn dân tộc, không những ru em, có khi người ta còn ví von như ru tình, không dừng lại ở tình yêu mà ru cả cuộc đời những khi an bình hay cả những khi loạn lạc chiến tranh. Chiếc võng gắn liền với nhiều ký ức sống động, gắn liền với con người từ thơ bé đến khi già nua tóc bạc vẫn nằm trên võng để đi tìm giấc ngủ bình yên. Cái võng ít được thấy ở các nền văn hoá khác. Nếu người Châu Âu có chiếc túi ngủ, nhưng chẳng sánh bằng tiện dụng của cái võng. Với Việt Nam, võng có mặt nhiều nơi: Trong cuộc rước vinh quy bái tổ “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau”; trong hành trang người lính; trong chiếc túi của người đi xa; trong gánh hàng của mẹ; trong túi người đi thi. Võng mang một chức năng đa dạng, nơi nằm đọc sách, nơi nằm trầm tư, nơi ngồi kể chuyện cổ tích, nơi dỗ giấc ngủ, nơi nằm nghỉ ngơi… Chiếc võng đi vào văn hoá, mang những vần thơ, đọng vào những ký ức và dệt thành nhiều cuộc đời.
Tôi tin rằng dù tuổi thơ có trôi qua, nhưng những đứa con trên đất Việt vẫn sẽ nhớ mãi những chiếc võng bình dị, đời thường mà khó có một nơi nào có được. Trong điều kiện kinh tế, xã hội, văn hoá… ngày càng phát triển, người ta có thể nằm ghế xếp, lên phòng lạnh nghỉ ngơi nhưng không vì thế mà người ta lãng quên cái võng và thật sự cái võng đã trở thành sản phẩm góp phần lưu giữ nét văn hoá, nếp sống sinh hoạt độc đáo của người Việt.


 

1 nhận xét:

NỖI NHỚ MUỘN MÀNG - Thơ Ngoc Anh Nguoideplongyen

T ranh Hứa Xuân Trường   NỖI NHỚ MUỘN MÀNG   Hè ở đây vẫn ngày nồng đêm lạnh Nhớ quê nhà mùa bão tố chưa qua Nhớ dòng sông nước chảy những c...