Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2023

Đoàn 76 tù binh - Ngộ Không Phí Ngoc Hùng

     Đoàn 76 tù binh

        Chuyện về gã không có gì lạ lẫm cho mấy, vì nhiều người đã viết rồi, chỉ khác trước gã là tù binh, sau mới là tù cải tạo. Tuy nhiên nghe thủng xong, tôi bòn mót chữ nghĩa có phần…ngon ăn hơn vì gã là…em vợ tôi. Ngoài ra, đi lính, gã cũng uống rượu đế Kim Long (rượu Quảng Trị) và chửi thề kiểu con nhà lành như…tôi.

       Thêm nhẽ nữa nghe kể chuyện…tù binh, tôi bị xiềng vào chữ nghĩa như anh tù văn, bèn bê vào bài bút ký thằng bạn có hơi hám nhà văn, vì nó cũng đi lính và chửi thề như…máy. Thằng này trước là bạn cà phê Pasteur của tôi, sau là bạn tù với gã. Dây cà ra dây muống thế đấy.

         Gã nằm chết dí trong trại cải tạo Cồn Tiên, Ta Cơn ở Khe Sanh, có tên “Trại tàn binh”. Sau sát nhập về trại Ái Tử. Những Trại tàn binh kiểu du kích địa phương “tự biên tự diễn” khỏang 3000 người đủ mọi thành phần. Vì vậy mới ba bốn tháng đã có người được tha về, thường là những sĩ quan cấp thấp, như chuẩn úy, thiếu úy.

       Một ngày gã qua văn phòng trưởng trại “làm việc”, nhòm trụ sở hội đồng xã, trước cửa có ruộng ngô. Bởi trong trại tàn binh, sáng một lát bột mì luộc (bánh xe lãng tử), trưa vài củ khoai sắn, chiều một chén cơm độn. Thấy rẫy ngô cao hơn đầu người bèn lui cui chui vào. Khổ nỗi khi bẻ bắp ngô, lá lay động, thằng du kích ở chòi cao trông thấy. Gã bị thằng du kích lấy báng súng đánh ngược lên. Gã bật ngửa ra đằng sau, va vào mắt nguyên con một mảng trời xanh, mây trắng, nắng vàng. Đang nằm ngửa ngắm nắng vàng…vọt, nó dọng vào mồm gã thêm một nhát nữa. Thế là mất bu nó hàm răng. Xong, nó đưa vào trụ sở xã. Vừa lúc lão xã trưởng đi về định ngồi xuống làm một bi thuốc lào cho đã điếu.

        Không hiểu nghĩ sao lão quay lại nhìn gã, và bật ra hai chữ: “Ô Ba”. Gã cũng muốn bật ngửa người ra đằng sau như hồi nãy. Vì “03” là tên hiệu truyền tin của gã. Nhưng gã nín khe, vì trại cải tạo kia, trụ sở xã này nằm trên đất đóng quân ngày nào của gã. Lão búng thêm một câu: “Đủ má! Thiếu úy Nghĩa”. Hóa ra lão là thượng sĩ thường vụ của gã trước 75. Lão xã trưởng mang khoai mì cho gã ăn, khi không gã bật một tiếng: “Đủ…”. Mới được nửa chữ, gã ngậm miệng lại cho chắc ăn vì còn răng lợi khỉ đâu nữa!

        Nghe chuyện khoai lang, khoai mì mất sướng, bèn hỏi gã chuyện Sư đoàn 1…tắc bọp nghe đã hơn. Ngỡ được nghe đánh đấm ở tuyến đầu hỏa tuyến, gã lại…cắc cù: “Đủ má…”. Rồi gã gọ gạy “Sui tận mạng!”. Số là từ trụ sở hội đồng xã giải về trại, gã mới biết qua văn phòng trưởng trại để làm giấy tờ…“phóng thích”. Vậy mà trưởng trại cóc chịu nói trước vì sợ lộ…tiết lộ bí mật quốc gia. Nghe xong chuyện cứ như thật ấy, tôi cũng muốn “đủ…với thiếu” như gã.

       Chuyện đánh đấm của gã lụi đụi thế này đây…

       Ra Vùng 1 chiến thuật, trình diện Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 54. Gã dẫn lính vào nơi gió cát tới tận Quảng Trị. Ở đây gã gặp lão thượng sĩ thường vụ cũng người xứ Quảng. Gã ngay đơ: Chuẩn úy mới ra trường, lão…“chỉ huy” gã chứ gã nào…dám chỉ huy lão. Như chuyện lon lá, lão dậy khôn gã thêu thùa ở cổ áo làm gì, cứ gắn miếng thiếc cho gọn. Lỡ bị VC rượt chạy có cờ thì quẳng bu nó đi cho đỡ mất công cái màn lỉnh kỉnh…hòm gỗ cài hoa. Gã quần nát địa đầu giới tuyến xuống đông, đông…không tĩnh, xuống đoài, đoài…chẳng tan, đành giữ tuyến, đào hố…mệt nghỉ. Cho đến một ngày gã và lão “lỳ một lam”…làm một ly…đế Kim Long cho bõ cái đời lính thú.

       Đang ngẫu sự đến đây, bỗng tôi nhớ lại thằng Tháng ba gãy súng về phép ngày nào ở quán cà phê Pasteur. Dòm nó gài bông mai mạ đen lên túi áo thấy lạ lẫm, tôi hỏi mắc chứng gì vậy? Nó nói in hịt như lão thượng sĩ già vừa rồi.

       Tiếp, gã em vợ tôi dón chuyện giữ tuyến, đào hố đánh nhau cầm chừng. Bèn hỏi. Gã cho hay hai bên đào hết giao thông hào đến hầm trú ẩn. Sau đó ngồi xổm nghe ếch nhái ồm ộp gọi tình. Lâu lâu ngóc đầu lên đì đọp mấy phát cho vui. Tình trạng ì oạp, ì oạp như ếch nhái gọi nhau chẳng kéo dài bao lâu…

       Thằng bạn cà phê ngày nào cũng ở giao thông hào…

(…) Hiệp định Paris ký ngưng bắn. Lính hai bên ùa lên giao thông hào, những bộ quân phục rằn ri miền Nam trộn lẫn những bộ quân phục cứt ngựa miền Bắc ôm nhau hò hét “Hết chiến tranh rồi! Hết chiến tranh rồi”. Là hết bắn giết nhau, là chấm dứt chiến tranh. Trong đêm của ngày hoà bình đầu tiên, tưởng tượng sẽ đi theo anh chàng bộ đội về Hà Nội ngắm nhìn hồ Hoàn Kiếm (…).

         Chuyện đánh nhau như đùa ấy, theo gã bên ta vì tiết kiệm đạn, bên địch làm như nhờ Hòa đàm Paris sẽ bất chiến tự nhiên thành nên bắn khỉ gì cho phí đạn. Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh gã cho là vậy. Sau mới vỡ nhẽ ra...Một chiều vừa…tu đế Kim Long, không phải cho bõ cái đời lính thú mà là…Giã từ vũ khí. Vì lão vừa…tu hú với gã: “Tôi ở vùng này tôi biết, trước sau cũng tiêu”. Lão góp nhóp: “Ông thầy không dọt. Tôi dọt”. Gã không biết làm gì là làm thinh. Không xong thật. Và trong quân sử của trận địa, chẳng có “ca” nào như gã kể lể. Buổi sáng gã đang ngủ bét con mắt, khi không như có linh tính chớp chớp mắt tỉnh dậy. Làm như trời đi vắng hay sao ấy, trời đất êm ru bà rù. Hốt nhiên có mấy khẩu AK dí vào người. Mấy thằng chết bầm cũng chẳng thèm vén môi hỏi một câu: “Hàng sống chống chết” mà khơi khơi bắt gã làm tù binh.

        Gã bị bắt năm 1974, một buổi sáng năm 1977, một đoàn xe Molotava 25 chiếc bao phủ kín mít chờ sẵn tại Khe Sanh. Ở đây gã gặp một hảo hán có bộ râu như râu ngô ngồi tựa gốc cây đang ư hử chiều trên phá Tam Giang, anh chợt nhớ em…Và chợt nhớ ra để không quên kể chuyện ngày 24-3-1975 về cuộc rút quân vượt phá Tam Giang:

(…) Phía bắc là cửa Thận An, phía nam là cửa Tư Hiền, phía tây là phá Tam Giang. phía đông là biển đông. Nhìn ra biển là hai chiếc M-113, những chiếc bánh xích đua nhau cán lên đầu không biết bao nhiêu là người đang nhấp nhô từ bờ ra đến tàu. (…)

       Mãi khi là em rể tôi, gã mới hay ấy là Cao Xuân Huy với Tháng ba gãy súng.

       Nhưng tôi biết thằng gãy súng không leo lên HQ-801 mà leo lên Molotova “vượt tuyến” ra Bắc như gã, vì qua thư nó gửi ông bạn cũng tên Hùng ở Sài Gòn.

(…) Hùng thân. Sau khi bà cụ tao từ Sài Gòn ra Ái Tử thăm nuôi. Nhưng quản giáo trại từ chối vì mai này, bọn tù tụi tao phải ra Bắc. Khoảng tháng 10/1977 (…).

       Thế là thằng gãy súng và gã em vợ tôi có mặt trong Đoàn 76 tù binh được đưa ra Bắc trong công tác lao động Công trình thủy lợi Bara Đô Lương ở Hà Tĩnh và Công trường Lòng hồ sông Mực tại Nông Cống ở Thanh Hoá.

        ***

       Gã kể lể xe qua cầu Hiền Lương, xóm làng hai bên đường nghèo nàn, đồng ruộng xơ xác. Đoàn xe chạy trên Quốc lộ 1 qua cảng Đồng Hới, một hải cảng lớn của miền Trung nhưng trông tiêu điều, tàu bè thưa thớt. Xe chạy đến Quảng Bình, thành phố xem như bình địa vì bị bom Mỹ rải nát. Thành phố lợp tranh trên những nền nhà cũ. Nhà thờ chính Đồng Hới chỉ còn trơ lại gác chuông. Đoàn tù binh đi phà qua sông Gianh. Lòng sông không rộng, ra đến giữa sông, sông nước rì rào, gió thổi rát cả mặt.

       Từ nãy giờ tôi bị gã cho hai lần vượt sông, chỉ thấy nước sóng vỗ ì ầm, thằng tôi cũng muốn đi tìm thằng gãy súng lẩn quẩn đâu đó ở bên sông…Bèn hỏi thằng gãy súng đâu chả thấy!? Gã vặc tôi như vặt thịt, vì gã qua thêm hai cái phà nữa: phà Ròn ở Đèo Ngang và phà Vinh, cứ lên xe xuống xe nên còn biết ai với ai.

        Xong, gã quắn đầuxế trưa đoàn xe ngừng lại ở đỉnh Đèo Ngang ranh giới giữa Quảng Bình, Hà Tĩnh để nghỉ ngơi. Đến tao đọan này, với bút ký Đòan 76 tù binh đang hình thành trong đầu: tôi hư cấu thật, hiện tượng giả để hồn đi hoang trong một cõi đi về với 500 tù binh và bà huyện…Quay nhìn về phương Bắc, tôi đi ngược thời gian 150 năm trước, và mường tượng võng cáng của bà Huyện Thanh Quan từ Thăng Long vào Thuận Hoá. Họ đang ngược chiều lên đèo đi ngang qua đám tù binh đang đứng, ngồi ở đây. Bà vẫy vẫy tay chào nhưng cau mặt với tang thương tạo hoá gây chi cuộc hý trường, đến nay thấm thoắt mấy tinh sương".       

        Quay quả trở lại với gã. Khoảng 4 giờ đoàn xe tới Vinh nằm giữa ranh giới Hà Tĩnh, Nghệ An. Thành phố với những chung cư cho nhân công kỹ nghệ do Đông Đức xây cất vào thập niên 60. Đường phố thưa thớt người đi lại, chỉ thấy công nhân viên đầu đội nón cối, áo quần kaki Nam Định, xe đạp thồ Trung quốc.

       5 giờ chiều đoàn xe ngừng lại ở quận Đô Lương.

       Ngày đầu chuẩn bị cuốc xẻng và xe cải tiến để tải đất. Gã và anh em theo anh bộ đội ra chợ huyện gánh rau quả. Khi sắp tới chợ huyện trên quốc lộ 7 có đám nhóc đứng bên đường, dưới chân là đống đá được để sẵn. Một cô gái khoảng 16 chỉ trỏ, hung hăng ném đá vào đám tù binh. May có người đàn ông đi tới đuổi lũ nhóc, dẫn cô con gái về. Vì lộn xộn nên phải ngừng một nhát, đi được một quãng gặp lại cô con ngồi trước hiên. Anh bộ đội tạt ngang nói năng gì đó. Ông bố liếc nhìn đám tù binh và nói lớn: “Thứ đó đem bén bỏ cho rồi. Nước đâu mà cho uống”. Anh bộ đội bỏ đi. Ông bố kề tai nói nhỏ với cô con. Lát sau cả hai mang hai gầu đầy nước cho đám tù binh.

        Theo anh bộ đội vào chợ, trong khi chờ đợi anh ta mặc cả với bạn hàng, gã mon men qua hàng chè vối bên cạnh và bắt gặp cô hàng nước. Cô ngồi dưới một tấm liếp tranh, trên cái trõng tre có lọ thủy tinh đựng vài chiếc kẹo vừng, cái điều cày, cái ô gỗ nhỏ có dăm bao thuốc lá xé dở. Khách đến, cô lấy gáo múc chè vối rót vào bát. Tiện tay múc cho gã một bát nữa, gã lắc đầu ra dấu không có ”xu teng” nào. Mắt gã hết nhìn ông khách rít thuốc kêu tanh tách, lại nhòm “cái ô gỗ”. Cô thản nhiên đưa gã bát nước. Tay cầm bát chè vối, đầu gã cứ xoay vần…Vì dường như gã đã nhìn thấy cảnh này ở đâu đó có quán nước đầu làng. Ấy vậy mà sao vẫn không thay đổi. Vẫn cái trõng xiêu vẹo ấy, nồi nước vối đó, tấm liếp tranh, lọ kẹo vừng!       

       Uống xong, trả lại cái bát,  thì…thì cô dúi vào tay gã nửa bao thuốc lá Sông Cầu.

       Quỷ tha ma bắt, chẳng phải tìm đâu xa, thằng gãy súng cũng ở ngay đây…

       (…) Bọn tôi vừa mới chớm quẹo trái, có tháp chuông nhà thờ nhô lên ở cuối đường, có mùi hăng hắc của những hột bàng bị đập vỡ bên lề đường, nhặt lên, không chùi, tôi gặm. Tôi không biết có bà bán xôi gánh đăm đăm nhìn tôi…gặm hột bàng ngon ơ. Bà moi trong thúng lấy ra gói xôi lúa bằng năm tay lẳng lặng đưa cho tôi, không nói một tiếng. Há mồm cắn một miếng và nuốt, chưa bao giờ tôi ăn ngon lành như thế, tôi nuốt cả tình người miền Bắc vào trong bụng. Vừa lầm lũi đi, vừa nhấm nháp từng miếng một, đến gần cuối đường tôi chợt nhớ ra quên cám ơn bà bán xôi đầu đội…nón cối. Quay lại, bà vẫn hóng mắt nhìn theo, tôi mờ nhân ảnh bà chít khăn mỏ quạ màu đen (…).

        Nghe mùi thuốc điếc mũi, đang định đốt một điếu, gã tống tôi đi…“lao động”.

       Những ngày kế tiếp Đoán 76 tù binh đào vét lòng kinh Mụ Bà cho kịp mùa mưa để sông Mã cung cấp nước cho Đô Lương và hai quận kế cận. Đào, cuốc, gánh, tải đất từ lòng kinh để đắp cao hai bên bờ. Ba tuần “lao động” rồi cũng trôi qua. Hôm sau trên đường đi Nông Cống, Thanh Hoá. Đang ngồi trên xe Molotova ngược lên phương Bắc. Đùng một cái nghe tiếng ầm chát chúa, không ai biết chuyện gì xảy ra…

      Gã lụi đụi dân công giáo Nghệ An ở Quỳnh Lưu nghèo khổ, rách rưới không sao kể xiết. Tôi rách miệng hỏi rách thế nào? Gã bảo có quần áo đâu! Cùng cuốc đất vét kinh với tù, nhìn quần áo tù sọc dưa họ thèm thuồng thấy rõ. Có anh tù biếu một ông cái áo. Ông này trên mặc áo sọc, dưới đóng khố…vải bao cát.

      Thêm một lần tôi gặp lại thằng gãy súng qua truyện Vải bao cát:

(…) Giao thông hào, hầm chữ A, hầm chữ T. Những xác ta, xác địch. Một viên đạn bắn sẻ, thằng đệ tử ruột ngã ngửa. Chẳng thể thiếu đôi dép râu với cặp chân vắt ngang giao thông hào. Và, bao cát, những bao cát đẫm máu người, thịt da dính bầy nhầy óc trắng, trộn lẫn với đất từ những bao cát...Cái hình ảnh ấy trở thành nỗi ám ảnh triền miên…Một ngày nào đó, chúng ta sẽ không còn phải dùng bao cát để làm hầm trú ẩn, không bao cát để đắp giao thông hào. Vì: Chiến tranh đã hết rồi mà. (…)

       Sau gã mới nghe chuyện ông tướng ở núi Kinh ở Đô Lương…kinh thật. Ông tướng sẵn có thuốc nổ TNT của Mỹ Ngụy để lại, ông cho nổ tung…núi thành hang sâu thun thút. Mìn nổ thêm mấy quả nữa, thì…như gã vừa một ngắn hai dài, đang ngồi trên xe Molotova đi Thanh Hoá, xe chạy ngang qua núi Kinh nghe tiếng ầm chát chúa kinh thiên động địa với 112 người chết vùi dập trong hang núi ấy.

        ***

       Vừa khi đoàn xe rời Nghệ An, đang theo gã trâu rong bò dắt đi Nông Cống. Chợt nhớ gã gặp cô gái bên đàng được cả…gầu nước, thêm cô hàng nước với nửa bao thuốc lá. Lại nữa, không có lửa sao có khói vì suốt chuyến đi, chả thấy gã thở ra…khói gì sất! Trộm nghĩ dám gã bịa lắm ạ! Bèn hỏi gã có mối tình “em gái Bắc, anh tù Nam” chăng. Gã nhành mồm ra rằng trại cải tạo trong Nam có lán, còn ở đây, họ đâu có rỗi hơi dựng nhà cho đám tù binh đang lêu bêu nay đây mai đó. Thêm cái đói xanh rờn cả mặt, héo cả tim gan, bủn rủn cả tay chân. Vì vậy đói gặp rắn rít, cóc nhái, ễnh ương, cào cào châu chấu là xong tuốt, con gì nhúc nhích nhai bằng thích, trừ con…“bù-loong”. Đêm về với cái lạnh cóng da buốt thịt của rừng núi thì trốn đâu cho thóat. Lạnh teo…“bu-di” còn làm ăn khỉ gì nữa.

        Với teo “bu-di” còn làm ăn gì nữa, bèn dòm dỏ thằng gãy súng:

(…) Tôi và Bưởi về đến hố của Bưởi. Người con gái nằm trong hố, chùm poncho chỉ thò mỗi cái đầu ra ngoài. Khuôn mặt kể cũng dễ coi. Vừa xuống hố, Bưởi nói: “Ông thầy nằm đắp chung poncho với con nhỏ này, em đi tìm cho ông thầy cái áo giáp”. Tôi nằm đắp chung poncho với cô gái. Hơi ấm từ người cô làm tôi khó chịu, không phải tôi khó chịu cô gái mà tôi khó chịu tôi. Bàn tay tầm bậy của tôi mầy mò tứ tung trong poncho. Cô thở dồn dập. Ðến một lúc thuận tiện, tôi tìm một vị thế thích hợp. Nhưng vị thế thích hợp đã không có với chúng tôi. Cát dính lung tung lên người, ở dưới hố thì hố được đào cong vòng như cái võng, kéo nhau lên trên miệng hố, đạn Việt Cộng bay loạn xạ ở tầm rất thấp. Rất thèm. Nhưng thôi thì đành chịu, lắc đầu, chép miệng, “ngậm ngùi” (…).

        Cái hố cong vòng như cái võng ngập “hình tượng” thống khoái của một kiếp nhân sinh. Vì Tàu có được cái linh sàng là…chết ngắc. Ngẫm chuyện đời thường, thằng gãy súng đánh vật với Miếng ăn cũng vậy:

(…) Tôi phải tự “mưu sinh” để được bồi dưỡng bằng những con cóc, con nhái, con rắn, con chuột ở ngoài ruộng, ngoài bìa rừng trong những lúc đi lao động, chỉ có những con vật nào không nhúc nhích hoặc nằm ngửa mới thoát khỏi cái mồm của tôi... Tóm lại, với “mưu sinh” thêm, tôi đã cầm cự được với cái đói trong nhiều năm nay (…).

        Và nó vật lộn với anh hùng mạt vận:

(…) Hai thằng cạnh tôi nói với nhau: “Mày ăn hết đi” – “No thấy mẹ rồi” - “Hay là đổ đi”. Tôi nghiến chặt răng, nuốt liên tục mà sao nước dãi cứ ứa ra, đầy mồm rồi trào ra mép. Tôi thua cuộc rồi. Tôi lẩm nhẩm trong đầu: “Mời tao đi, mời tao một tiếng, một tiếng thôi”. Nhưng chẳng có tiếng nào. Cuối cùng hai thằng đem đổ. Đầu tôi như vỡ tung ra tôi không còn biết mình đã làm những gì nữa. Cho đến tận bây giờ, mọi người có mặt trong lán, kể cả hai thằng bên cạnh tôi vẫn không biết lý do tại sao lại bị một trận đòn thù đến nỗi phải đi nằm trạm xá. Và tôi, bị cùm để được ăn một cái Tết trong xà lim (…).

        ***

        Vào đến Thanh Hoá, đoàn xe chạy qua quận Như Xuân tới Nông Cống. Xuống dốc lên đồi lên tuốt luốt thượng nguồn sông Mực. Tại nơi chố này, tay cái cuốc chim, gã bổ đá lớn, đá nhỏ từ lòng đáy hồ. Với xẻng, xà beng nạy xới từng rổ, từng thúng đá chuyển lên bờ cho lòng hồ sâu hơn để lập…nhà máy thủy điện. Tiếp đến lên rừng đốn cây làm đập, cây lim to bằng hai ba người ôm, vừa cứng vừa nặng nên phải dùng cưa “cá mập”, chỉ cưa mỗi khúc 2 mét, vậy mà phải cần 8 người khiêng. Gã búi bấn đập nước nhà máy thủy điện bằng bê tông cốt sắt lắm khi còn bị vỡ, huống chi mấy khúc cây. Y như rằng, sau cơn bão kéo dài cả tuần, nước ập xuống, đập bị vỡ, một số bị cây đè, một số bị bị nước cuốn, tù binh chết khoảng hai chục người. Trong đó có đại úy Lực SĐ1 BB chết vì đói quá ăn nhằm nấm độc, mật cóc.

       Một ngày chủ nhật không lao động. Lại cũng vì đói quá, gã rủ anh bạn tù lần theo tiếng gà gáy, leo qua hai ngọn đồi thấp xuống làng. Vào nhà gặp một anh bị cụt một chân đang…nhẩy lò cò. Bèn thăm hỏi mới hay anh đi B dài, phế binh cấp 1, chỉ mất một chân, chưa mất…cái đầu, ấy vậy mà thuộc diện…phế phẩm. Gã hỏi có gì để…ăn. Anh đáp cơm nguội muối vừng cứ ”thoả mái”. Đợi no căng rốn rồi, anh…nấu chè.

      Tưởng tượng gã mũ sắt ngồi với ông nón cối. Tôi được thể lễnh đễnh với thằng gãy súng từ giấc mơ ngày hoà bình đầu tiên, tưởng tượng theo anh bộ đội về Hà Nội thăm hồ Hoàn Kiếm. Thế là tôi đi tìm một dấu tích nón xanh, mũ cối bên Hồ Gươm, qua ông bộ đội nhà văn Bảo Ninh với bài viết Nhớ Cao Xuân Huy…

(…) Đã chiều muộn. Tiệm đông dần lên và bắt đầu nhạc nhọt. Huy nói bữa nay mình kiếm chỗ nào. Mà hay nhất là chỗ còn lưu dấu Hà Nội 54. Biết một chỗ như vậy, tôi chạy xe máy chở anh tà tà vòng quanh Bờ Hồ. Rồi dừng ở nhà Thuỷ Tạ vì ở đấy có quầy rượu. Huy nói tửu lực xuống nên bấy lâu chỉ bia, song bữa nay, giữa Hà Nội, bên hồ Gươm, thì đúng là phải thứ gì nặng ký, để tụi mình, thuở nào nón xanh mũ cối giờ đây đầu bạc thù tạc coi sao. Chúng tôi gọi một chai và ra ngồi ở bàn kê bên lan can kề mép nước. Thật may, Thuỷ Tạ tối ấy thưa khách, như là chỉ có hai chúng tôi với mặt hồ. (…)

      Đang uống chè vối, nhòm ra ngoài đồi núi với cây rừng, anh ngập ngừng: “Các anh sắp được về rồi”. Ngày ấy cũng đến, đoàn xe lăn bánh, người đang làm rãy bên đường ngẩng lên nhìn theo. Trong đó có anh phế binh cấp 1 đứng bất động như pho tượng gỗ.

      Nghe gã được về là…hết chuyện. Tôi cũng chẳng muốn gặp thằng gãy súng nữa vì vừa đọc thư nó gửi cho ông bạn tên Hùng ở trên:

(…) Hùng thân. Khi Trung Cộng sửa soạn tấn công các tỉnh phía Bắc. Đoàn 76 tụi tao được trả về Ái Tử (1). Gửi lời thăm mày và gia đình. Thân (…)

 

      Thôi thì mọi sự cũng xong, vì cuộc chiến đã qua gần 40 năm. Ấy vậy mà trận địa khỉ gì chả thấy nhất tướng công thành vạn cốt khô đâu, mà chỉ thấy gã vẫn sống nhăn răng cạp đất. Vì vậy tôi trở lại khúc đầu qua một mảnh đời chiến địa của gã, đánh đấm câu giờ như Lã Vọng…câu cá! Ngoài ra đánh nhau như đùa với…rượu đế Kim Long.

      ***

      Gã và thằng gãy súng bị bắt năm 1974, tôi lấy ngắn nuôi dài tới một nhà văn miền Bắc đi B (2). Ông kể chuyện Bắc Nam úynh nhau qua đỏan văn thế này đây:

(…) Tôi nhớ tết năm 1974, tại một đỉnh đèo trên Trường Sơn, tôi thấy một anh lính lái xe trong đơn vị, quăng xuống cái bi đông rượu đế trắng rồi nhảy xuống đường, chửi đổng: Mẹ kiếp, thằng miền Bắc cứ ở ngoài Bắc, thằng miền Nam cứ ở trong Nam, đánh nhau làm chó gì cho bố mày khổ thế này? (…).

 

                                                                                            Thạch trúc thảo lư

                                                                                     Tháng 11 Giáp Ngọ 2014

                                                                                    Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

                                                                                   (thêm bớt 2017, 2020, 2023)

(1)  Năm 1978, Đòan 76 tù binh do bộ đội cai quản, sau 4 tháng ra Thanh Hóa làm công trường “Lòng hồ sông Mực” về lại Huế trên chuyến xe hỏa cùng với súc vật, tập trung tại trại tù cải tạo Ái Tử-Bình Điền do công an áo vàng quản lý.

(2)  Phạm Thị Hòai nói chuyện với nhà văn Nhật Tuấn (em nhà văn Nhật Tiến)

  Nguồn: Bồ Tùng Ma, Nhật Tuấn, Phan Xuân Sinh.

Với chuyện “Đoàn 76 tù binh” nạo kinh vét hồ năm 1977-78 và cũng là chuyến ra Bắc duy nhất được góp nhặt từ một chuyện kể và ba bút ký:

1 - Chuyện kể từ Hoàng Chính Nghĩa (Bộ Binh)

2 - “Lòng hồ sông Mực” của Giang Văn Nhân (Thủy Quân Lục Chiến)

3 - “Những lá thư đi” của Hoa Biển (Thủy Quân Lục Chiến)

4 - “Những mảnh đời dang dở”, Nguyễn Ngọc Minh (Thủy Quân Lục Chiến),

tù binh từ Quảng Trị ra Bắc và vào Nam cải tạo tiếp tổng cộng sáu năm.

5 - Xin ghi lòng tác dạ anh Obien 81 (Thủy Quân Lục Chiến) để có bài bút ký này.

6 - Trại tù “Cải tạo” Ái Tử-Bình Điền nỗi đau vẫn còn đây của Phạm Văn Tiền.

 


                                                      

Cao Xuân Huy mất ngày

12.11.2010 tại California

 

 

 

 

 

 Mời  Xem Lại 

 

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Chuyện đời thường (hay…“Vợ con tôi”)-Từ Trang T.Vấn Và Bạn Hửu

Lưu Ý : Cao Xuân Huy trong truyên của Ngộ Không Phí ngọc Hùng là hậu bối.

Tiền bối là GS Cao Xuân Huy (1900-1983)

Con trai cụ là GS.Cao Xuân Hạo

Mời xem tại;

 

GS Cao Xuân Huy (1900-1983 ) 


1 nhận xét:

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...