Thứ Năm, 9 tháng 11, 2023

HỒI ỨC ĐỜI TÔI ( 1 ) (Nguyễn Cang) Về ... Tây ninh

 
Năm 1949 ba tôi xin được việc làm ở Tây ninh, đưa chị em chúng tôi từ Trảng Bàng về trên ấy sinh sống và tiếp tục việc học. Ba tôi làm nhân viên thu tiền điện hằng tháng ở các nhà có gắn đồng hồ. Mọi người trong gia đình đều vui mừng vì từ đây chúng tôi được sum hợp một nhà, không còn cảnh ăn nhờ ở đậu nhà bà con nữa. Dẫu sao được gần cha mẹ chị em là một điều hạnh phúc.
Căn nhà mới của chúng tôi nằm ngay trong khu vực “Nhà Đèn” ( tên gọi nhà máy điện thời đó) tỉnh Tây ninh. Đây là một khu nhà dành cho nhân viên nhà đèn. Ba tôi được cấp cho một căn nhà gạch mái tôn. Tôi thấy mình như lên thiên đàng vì trước kia ở nhà tranh vách đất, nay tường gạch sạch sẽ lại có đèn điện thắp sáng suốt đêm, biến đêm thành ngày, mặc sức chơi đùa học hành thoả thích. Thiệt là sung sướng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy bóng đèn trút ngược mà vẫn cháy, dầu hôi không đổ. Không lâu sau đó ba giải thích cho chị em tôi hiểu nên chúng tôi không còn thắc mắc nữa. Nối liền dãy nhà của chúng tôi là những căn khác dành cho gia đình binh sĩ giữ an ninh nhà đèn. Họ là những người lính Quốc gia thuộc lực lượng Liên Hiệp Pháp được trang bị đầy đủ súng ống. Hồi ở làng cũ, vào một đêm tối trời tôi bị một “ông kẹ” chỉa cây súng dài vào đầu làm tôi kinh hãi. Ở đây hằng ngày tôi thấy nhiều chú lính vác súng đi gác, trang bị đầy đủ dao găm, lựu đạn nhưng tôi không . Có một lần tôi tò mò đứng ngay cửa sổ kho súng đạn, chăm chú xem những cây súng xếp ngay hàng thẳng lối trên cái giá, bất thình lình ông đội trưởng đi ngang qua, quát lên: “Coi cái gì ? đi chỗ khác chơi!” Tôi hết hồn, từ đó tôikhông dám tới chỗ đó nữa. 
Thỉnh thoảng thầy đội thổi còi báo động vang dội khiến các binh sĩ chạy nhanh về kho súng, mỗi người lấy một cây cùng với lựu đạn chạy rần rật làm tôi hết hồn tưởng có giặc tới.
Nhà máy điện được bao bọc bởi hai lớp hàng rào kẽm gai, trên đó gắn những vỏ lon sữa bò treo lơ lửng. Lúc đầu tôi không hiểu tại sao lại treo những lon ấy, sau nhờ chú lính giải thích tôi mới rõ. Chú nói treo như vậy để khi ta nghe mấy cái lon khua lên thì biết có địch xâm nhập.
Mặc dầu có hai lớp hàng rào kẽm gai thật khít nhưng chính con cái mấy chú lính lại tìm cách xé ra một lỗ nhỏ vừa vặn để chui qua. Nhờ vậy mà thỉnh thoảng tôi theo chúng bạn chui qua hàng rào để tới sân banh bên cạnh để đá banh, bắt dế. Hồi nầy các bạn được cha mẹ mua cho banh cao su nên đá êm chân. Tôi không còn thấy các bạn dùng banh trái bưởi quấn rơm nữa.Thế mới thấy thành phố văn minh hơn hẳn làng tôi.
Tung tăng như cá lia thia
Sống lâu nơi nầy tôi kết được nhiều bạn và chơi thân với họ. Anh Danh, anh Lợi, anh Tám là con bác Năm Cải, làm xếp nhà máy điện Tây ninh. Hai anh thường rủ tôi đi bắn chim ở khu rừng thưa phía sau sân banh và tập cho tôi chơi cá lia thia. Nhà hai anh sát nhà tôi nên chúng tôi thường qua lại với nhau. Có lần hai anh khoe với tôi bằng cách cho một cặp cá lia thia đá nhau. Anh Danh chắt bớt nước ở hai cái ly đựng hai con cá rồi rót nhè nhẹ hai con vào một cài keo lớn hơn. Mặt nước trong keo chưa kịp lắng đọng thì hai địch thủ đã xông vào, vi, kì dựng đứng, hai mang phùng to ra, đuôi quạt tới tấp. Hai con cá ép sát vào nhau, kè nhau một đoạn rồi bất thình lình con đen phóng miệng cắn con đuôi đỏ một miếng. Con cá đuôi đỏ dạt ra một chút nó quay lại đớp thật mạnh vào đuôi con đen ngoạm lấy một miếng thịt rồi nhả ra. Tôi thấy một mảng nhỏ màu đen từ từ chìm xuống đáy keo. Như hăng máu hai con lại xoắn vào nhau, quạt mạnh cái đuôi đã tơi tả rồi quẫy mạnh như để trấn áp đối thủ làm nước trong keo dậy sóng. Bất thình lình con đen cắn mạnh một phát vào bụng con đuôi đỏ, con nầy vẫy mạnh làm sứt ra một miếng vẩy, lộ thịt trắng hếu. Từ đó chúng cắn qua cắn lại liên tục hơn 15 phút bất phân thắng bại nhưng xem ra sức lực đã yếu dần. Lúc nầy vi, kì hai con đều te tua, một con bị đứt hết nửa cái đuôi, con kia bị đứt hai cái kì trông thật thảm hại. Bỗng hai con cụng đầu cắn vào miệng nhau. Tôi buột miệng la lên: “Chúng khấu miệng!” Rồi hai con cá cứ lộn lên lộn xuống như làm trò xiếc nhưng không con nào chịu buông ra, vặn mình uốn éo tỏ vẻ đau đớn lắm. Tôi thấy tội nghiệp nên giục anh Danh: “Hay là mình can nó ra đợi dưỡng sức vài tháng rồi cho đá trở lại, hả anh?" Anh Danh bảo: “Không được, mình làm như vậy sẽ hư cá!” Lúc bấy giờ hai con yếu sức thấy rõ, chúng tìm cách né đòn, lượn qua lượn lại mà không chịu tấn công. Rồi bất ngờ con đen lấy hết sức lực cắn mạnh một phát vào bụng con đuôi đỏ, con này chịu không nổi ngón đòn nầy bèn thả ngửa rồi từ từ chìm xuống đáy keo. Nó cố trồi lên bơi thẳng một mạch vào vách keo rồi lủi lủi chạy trốn ...
Anh Danh bắt con thua bỏ vào ly rồi đưa cho tôi: “Tặng bạn đem về nuôi chơi.”
Tôi đưa tay nhận con cá vừa thua trận mà lòng tràn đầy niềm vui. Từ đó tôi mê nuôi cá lia thia, thường qua nhà anh Danh ngắm hai con cá đá bóng, thân cá trở nên đen sậm, lấp lánh sắc hồng ở đuôi, vi và kì trông thật đẹp và oai hùng. Thích thì thích vậy chớ tôi biết làm sao có cá để nuôi?
Một hôm anh Lợi chỉ chỗ cho tôi đi bắt cá. Ảnh chở tôi bằng xe đạp xuống tận Giếng Nước (nằm sau trường Trung học Tây ninh) để hớt cá lia thia. Ảnh bảo tôi chỉ có chỗ nầy mới có cá. Về mùa nắng, nước ruộng cạn, có chỗ đất khô nứt nẻ, chính khe nứt nầy còn đọng một ít nước là nơi cá tìm vào làm ổ đẻ. Nó nhả bọt trắng xoá như một cái bông mới nở tuyệt đẹp, thật công phu hết sức! Nơi nàobọt lớn thì nhất định cá trống lớn. Anh còn lưu ý tôi một điều là nếu bọt lớn quá hoặc bọt màu vàng thì không phải của cá lia thia mà là bọt cá sặc. Điều làm cho tôi thích thú nhất là khi khum sát mặt đất nhìn nghiêng nghiêng cái đầu, thấy con cá đang ẩn mình dưới bọt. Ôi, sao mà dễ thương lạ! Con cá trống mun ô đang lượn nhè nhẹ qua lại nhưng chớ có cử động mạnh nó lặn xuống kẹt đất hoặc bơi qua ngõ ngách khác thì hỏng. Bắt cá cũng là một nghệ thuật nếu không biết thì không thể nào bắt chúng được. Tốt nhất là sắm một cái vợt nhỏ kết bằng vải mùng, dùng để chận ngách còn tay kia nhè nhẹ lùa cá vào vợt. Xong rồi! Đã quá! được một con. Con cá đang cố giẫy giụa trong cái vợt tí tẹo nhưng làm sao thoát được?
Ba tôi cấm không được đi vớt cá lia thia vì sợ tôi té ao, té giếng. Tôi đợi ba đi làm buổi chiều rồi rủ bạn Danh hoặc Lợi đi hớt cá. Có một lần ba tôi bất chợt quay về nhà không thấy tôi, hỏi ra mới biết tôi đi vớt cá. Chiều về ba đánh cho một trận nên thân. Tôi cắn răng chịu đòn, những lằn roi mây vắt ngang đít rướm máu khiến má nóng ruột nên lấy dầu cù là thoa cho tôi đỡ đau. Song vì ham chơi cá lia thia quá nên tôi đâm liều. Sau cùng ba tôi bưng mấy cái hủ đựng cá đổ hết ra ngoài sân. Nhìn mấy con cá mun ô đang giẫy đành đạch dưới đất lòng tôi đau xót vô cùng. Từ đó tôi giã từ cuộc chơi, khi ấy tôi vừa lên lớp nhứt (lớp 5 bây giờ).
 
 Còn tiếp…



 

1 nhận xét:

NHỚ MỘT NGƯỜI - Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Ảnh của Đào Anh Dũng NHỚ MỘT NGƯỜI Ta có mối tình mãi khắc sâu Bóng hình người ấy, mối duyên đầu Có khi thương mến khôn tìm được Lắm lúc u h...