Thứ Tư, 15 tháng 11, 2023

HỒI ỨC ĐỜI TÔI ( III ) - Nguyên Cang

HỒI ỨC ĐỜI TÔI KỲ IV
 
Biết phận mình tôi bỏ thêm thì giờ tự rèn luyện môn toán ở nhà nên thấy có nhiều tiến bộ. Những môn khác tôi vượt qua một cách dễ dàng nhờ học thuộc lòng. Thế là tôi yên tâm tiếp tục việc học, hy vọng cuối năm sẽ đậu bằng tiểu học.
Một hôm anh Việt ở gần nhà, đang học lớp nhất kế bên, rủ tôi đi lượm banh tennis ở gần sân vận động tỉnh. Anh bảo tôi việc lượm banh không có gì cực nhọc lại có thêm tiền ăn bánh. Tôi đồng ý. 
Hồi đó tỉnh Tây ninh chỉ có một sân tennis là nơi mỗi ngày các nhân viên Toà Hành chánh tỉnh và các thầy giáo đến đánh banh từ năm giờ chiều cho tới tối. Chủ nhật đánh tới 12 giờ trưa thì nghỉ. Mỗi chiều tôi đến nhà anh Việt để cùng anh khiêng lưới ra sân cách nhà chừng 300 mét. Nhà anh Việt đối diện với cư xá công chức Toà Hành chánh. Hình như anh là cháu của ông Quận trưởng. Mỗi lần tôi đến đều thấy anh ở dãy nhà nhỏ phía sau, còn phía trước là căn nhà đồ sộ của gia đình ông Quận trưởng ở. Tôi và ảnh xỏ thanh gỗ vào đống lưới đã buộc sẵn rồi khiêng đi. Coi vậy mà nó cũng nặng, chúng tôi phải nghỉ mấy chập ở dọc đường mới tới nơi. Chiều tối chúng tôi lại khiêng lưới về nhà anh Việt cất. Sau nầy khi sân vận động Tây ninh cất xong khán đài thì chúng tôi khiêng lưới vào cất dưới gầm, khỏi phải khiêng đi xa nữa. Toán lượm banh chúng tôi có ba người chánh: tôi, anh Việt( lớn tuổi nhất) và bạn Lắm. Ngoài ra, vào ngày lễ hoặc chủ nhật thì các thầy đánh banh trên cả hai sân nên phải kêu thêm người giúp.
Làm nghề lượm banh mỗi tháng tôi lãnh được ba đồng. Thật ít ỏi nhưng kệ có còn hơn không, tôi tự nhủ như vậy. Lượm banh cũng được cái an ủi là chúng tôi được uống nước trà ướp lài miễn phí do các thầy nấu sẵn mang tới để giải khát sau mỗi hiệp đấu. Chính các thầy cũng muốn tiết kiệm nên không dám uống nước ngọt hiệu con cọp. hay nước đá cục. Có khi các thầy đánh hăng quá, trời tối hẳn mà chẳng chịu về. Hồi đó sân banh không có gắn bóng đèn điện. Làm việc thêm giờ vào ngày chủ nhật nhưng chúng tôi không được tiền phụ trội. Có khi làm việc mệt mỏi, ngồi một mình thở dốc tôi nghĩ tới công việc mình làm, không lẽ cứ gắn chặt đời mình vào cái nghề lượm banh nầy mãi hay sao? Mình phải ráng học để sau làm thầy nầy thầy kia cho đỡ tấm thân chứ. Trong bóng tối chập chờn mờ ảo tôi lê bước về nhà mà lòng
bâng khuâng, không biết mai nầy cuộc đời mình sẽ ra sao?
Một hôm tôi đang ngồi học trong lớp, bỗng có một thầy dạy trong trường (lâu quá tôi không nhớ tên) đến gặp thầy tôi rồi xin với thầy cho tôi về đúng bốn giờ rưỡi sau tiếng trống tan học (hồi đó học sinh tiểu học học hai buổi sáng và trưa, nghỉ hai ngày thứ năm và chủ nhật) để tôi về chuẩn bị lưới vợt cho các thầy đánh banh. Tôi nghe rõ tiếng thầy trả lời: “Trò Cang hả? Được! Không sao, cứ bốn giờ rưỡi là tự động ra khỏi lớp, tôi sẽ nói lại cho trò ấy biết.”
Tôi lý luận rằng giữa thầy với nhau thì lời hứa của thầy C. chắc như đinh đóng cột. Đây là chuyện thoả thuận và đồng ý giữa các thầy, tôi chỉ biết vâng lời. Từ đó cứ bốn giờ rưỡi, khi tiếng trống trường vừa điểm xong là tôi tự động xách cặp ra khỏi lớp. Tuy nhiên, chuyện đời không dễ như tôi tưởng. Lúc đầu thầy C. bằng lòng nhưng sau đó tôi thấy thầy có vẻ khó chịu. 
Hồi đó tôi sống trong cảnh nghèo khó và đau buồn nên tôi hiểu đời và ý thức sớm. Thái độ khó chịu của thầy C. tôi có thể nhận thấy dễ dàng. Thói quen của thầy là tới giờ về thầy không chịu cho học sinh ra sắp hàng như các lớp khác mà thầy ngồi nán lại năm, mười phút để ôn bài tập toán cho học sinh, đợi cho các lớp khác đi hết thầy mới cho học sinh mình ra sau cùng. Trong năm, mười phút đó thầy coi như tôi bỏ học, không theo điều lệ của lớp ! Trong khi đó tôi dại khờ trong cách cư xử của người lớn, cứ thản nhiên ra khỏi lớp khi thầy còn giảng bài. Bước ra khỏi lớp mà lòng không an, tôi cảm thấy có cái gì bất ổn nhưng không biết giải quyết bằng cách nào. Càng về sau thầy càng nghiêm khắc với tôi, thầy truy bài tới tấp từ môn toán tới thường thức, sử ký, địa lý... Một lỗi nhỏ thầy cũng đánh, cũng phạt. Tôi sợ nhất là giờ toán, ngày nào thầy cũng ôn tập. Thầy gọi một học sinh lên bảng sửa bài tập, viết lời giải và thực hiện các phép tính, rồi bất ngờ thầy gọi tôi lên bảng sửa tiếp. Có khi tôi làm được có khi không. Lúc bí
tôi đứng thừ ra, thầy tiến tới dang tay tát mạnh liên tiếp hai cái vào mang tai tôi làm tôi choáng váng xây mòng mòng.
Có một lần không biết thầy buồn chuyện gì mà mặt thầy xám ngắt, vừa bước chân vào lớp, chưa kịp điểm danh, thầy từ từ tiến về phía tôi rồi bất ngò đặt câu hỏi:
“Muốn tìm quảng đường ta làm sao?”
Tôi lật đật đứng dậy trả lời:
“Thưa thầy, muốn tìm quảng đường ta lấy vận tốc nhân với thời gian.”
“Muốn tìm thời gian ta làm sao?”
“Ta... ta...”
Tôi lúng túng chưa kịp trả lời thì thầy bảo lên bảng quỳ gối. Tôi riu ríu bước lên, quỳ ngay dưới chân bảng đen. Thầy hỏi thêm vài đứa nữa rồi bắt lên quỳ gối như tôi. Sau cùng thầy bảo tôi đưa tay ra cho thầy khẻ 10 thước.
Chát... chát... chát... đến thước thứ sáu, đau quá tôi thụt tay lại, thầy bảo “bất”, đánh lại từ đầu.
Tôi cắn răng chịu đựng 15 cây thước kẻ, đau quá tôi vặn mình nhăn nhó nhưng không khóc. Tôi vừa sợ vừa tức giận vì sao thầy có thể đánh tôi một cách dễ dàng như vậy mà đánh thật nặng tay. Hay thầy đánh để tôi chịu không nổi để phải bỏ học như bạn Soạn hoặc tôi tự động chuyển sang trường khác lớp khác?
Tôi có cảm giác như lớp thịt dưới da bị vỡ ra. Mặt tôi xanh ngắt, bàn tay đỏ lòm. Tôi chịu đau như một thách thức. Càng thách thức thầy càng đánh mạnh. Tôi không còn biết sợ nữa. Khi thầy giận tới cực điểm và tôi chịu đựng tới hụt hơi thì vấn đề được giải quyết. Đợi học sinh ra về hết, thầy bảo tôi ở lại để thầy nói chuyện. Tôi quay vào lớp chờ đợi. Thầy nghiêm giọng bảo: “Ngày mai em xuống lớp nhì thầy Dõng, mấy tháng nay thầy để em học thử, thầy thấy em không học nổi nên em phải xuống lớp.”
Nghe thầy nói tôi choáng váng, bị một cú sốc bất ngờ vì tôi không kịp chuẩn bị cho tình huống nầy. Tôi không còn nghe thấy gì nữa, lảo đảo bước ra khỏi phòng. Tôi phải ăn nói với ba má tôi thế nào? Công ơn cha mẹ nuôi tôi ăn học bây giờ đổ sông đổ biển. Bao giờ tôi mới đậu được văn bằng tiểu học? Tôi còn phải mất thời gian bao lâu nữa? Tương lai tôi về đâu? Tinh thần bị căng thẳng cực độ, tôi bật lên tiếng khóc nức nở, bước ra khỏi cổng trường hồi nào mà không hay !
 
Nguyễn Cang
(Cựu giáo chức Trung học)
( Còn tiếp)

1 nhận xét:

ÂN CHÚA NHIỆM MẦU - Nguyễn Kim Trân

  ÂN CHÚA NHIỆM MẦU Đức Thánh Chúa giáng sinh nơi máng cỏ Chốn trần gian nào hiểu rỏ ngọn ngành Lại chẳng nghe lời Đức Chúa giảng sanh Nên b...