Chủ Nhật, 12 tháng 11, 2023

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 103 : TÙNG, TUỔI, TƯ, TỪ, TỨ, TỬ.- Đỗ Chiêu Đớc

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 103 :  

                               TÙNG, TUỔI, TƯ, TỪ, TỨ, TỬ.
                                          Nghìn tầm nhờ bóng TÙNG QUÂN
                                                Tuyết sương che chở cho thân cát đằng
               
      TÙNG 松 là TÙNG BÁCH 松柏, còn đọc là TÒNG BÁ, là loại cây cao bóng cả và xanh tốt quanh năm, QUÂN 筠 là một loại tre to, đốt thẳng, có màu xanh tươi quanh năm; nên TÙNG QUÂN 松筠 thường được dùng để chỉ những người có uy tín lớn, có chức có quyền, có thế lực, có thể che chở, giúp đỡ hay bảo bọc cho người khác. Khi đưa tiễn Thúy Kiều đi theo Mã Giám Sinh, Thúc Ông đã ví họ Mã như một chính nhân quân tử mà nhờ thương yêu che chở cho phận liễu yếu đào tơ của Thúy Kiều bằng câu tâng bốc họ Mã là :

                 Nghìn tầm nhờ bóng TÙNG QUÂN
             Tuyết sương che chở cho thân cát đằng !

      Ngoài ra, QUÂN 筠 còn là từ thế thân cho TRÚC 竹 là Tre : Như Quân Song 筠窗 là Cửa sổ bằng tre; Quân Liêm 筠簾 là Bức rèm bằng tre; Quân Tịch 筠席 là Chiếu bằng tre; Quân Sàng 筠床 là Giường bằng tre...   

     TÙNG CÚC có hai nghĩa : 
       * TÙNG CÚC 松菊 là Cây Tùng và Hoa Cúc. Trong bài "Quy Khứ lai Từ 歸去來辭" của ẩn sĩ cao khiết Đào Uyên Minh 陶淵明 đời Tấn có câu :

             三徑就荒,松菊猶存。 Tam kính tựu hoang, TÙNG CÚC do tồn.
Có nghĩa :
       Ba luống đất đều hoang phế, chỉ có cây tùng và hoa cúc là còn mà thôi.
       Ý muốn nói những thứ dẽo dai bất khuất như cây tùng, đẹp đẽ cao khiết như hoa cúc thì vẫn luôn còn tồn tại mặc cho đất đai có bị bỏ hoang, như kẻ sĩ cao nhã vẫn luôn vui thú điền viên mặc dù sống trong cảnh bần hàn. 
      Trong "Quốc Âm Thi Tập" của Nguyễn Trãi, bài "Ngôn Chí thứ 15 (Am Cao Thấp)" có bốn câu cuối như sau :

                   Phần du lẽo đẽo thương quê cũ,
                   TÙNG CÚC bù trì nhớ việc hằng.
                   Một phút thanh nhàn trong thuở ấy,
                   Thiên kim ước đổi được hay chăng.  

      * TÙNG CÚC 叢菊 : là Một khóm hoa cúc, là Một bụi hoa cúc. Như trong hai câu luận trong bài "Thu Hứng thứ nhất" của Thi Thánh Đỗ Phủ là :

               叢菊兩開他日淚,   TÙNG CÚC lưỡng khai tha nhật lệ,
               孤舟一繫故園心.   Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
   Có nghĩa :
              (Trên bước đường lưu lạc)... Hai lần cúc nở là hai lần khơi dậy dòng lệ sầu của những ngày tháng cũ; Cột chặc chiếc thuyền nan phiêu bạc như cột chặc lòng ta luôn nhớ đến quê hương.

                     Hai lần cúc nở khơi dòng lệ,
                     Một chiếc thuyền neo gợi nhớ nhà.

     TÙNG LĨNH 松嶺 : là Đỉnh núi có nhiều cây thông. Theo "Thuật Dị Ký 述異記" của  Nhậm Phưởng 任昉 đời Tây Tấn : Có tiều phu tên là Vương Chất 王質 lên trên "tùng lĩnh" để hái củi, tình cờ phát hiện một hang đá, bèn lần mò đi vào sâu bên trong. Bỗng trời đất như sáng ra, bên trong động dưới gốc cây tùng có hai tiên đồng đang ngồi đánh cờ. Hiếy kỳ Vương Chất bèn đặt búa xuống đất ngồi xem  cờ. Thấy hai tiên đồng đi những nước cờ tiên thật hay nên cứ mãi mê xem. Hai tiên đồng chẳng nói gì, thỉnh thoảng lấy trái đào trái táo lên ăn, lại mời cả Vương Chất cùng ăn nữa. Khi ván cờ đánh xong thì Vương Chất cầm cây búa đứng lên định đi về, nào ngờ cán búa đã mục nát, chỉ còn có lưỡi búa mà thôi. Khi về đến thôn làng thì thấy toàn người lạ, không có ai quen mặt cả; tìm nhà cũ cũng không thấy. Hỏi thăm bà con lối xóm về cha mẹ mình, thì có người già cho biết là đã chết hơn trăm năm rồi.
     Trong "Sơ Kính Tân Trang" của Chiêu Lỳ Phạm Thái có hai câu sau :

                             Một là vui thú tiên hương,
                Thăm miền TÙNG LĨNH, tìm đường Đào Nguyên.
       TUỔI HẠC chữ Nho là HẠC LINH 鶴齡 : Tuổi của con Hạc, vì Hạc là con vật nổi tiếng sống dai, lại có lông màu trắng như tóc bạc của người già. Trong các tích xưa, các tiên cô tiên ông hay cởi hạc để bay lên trời, vì thế hạc còn được gọi là Tiên Hạc, nên TUỔI HẠC thường dùng để chỉ tuổi của các cụ già, như trong Truyện Kiều khi Thúy Kiều bán mình chuộc cha đã an ủi và trấn an Vương Ông rằng :

                    Cỗi xuân TUỔI HẠC càng cao,
                Một cây gánh vác biết bao nhiêu cành.

      Còn trong truyện thơ Nôm khuyết danh Phạm Tải- Ngọc Hoa (cón có tên là Phạm Công Cúc Hoa) thì có câu :

                    Mẹ cha TUỔI HẠC cao vời,
                Nỡ nào con lại xa chơi suối vàng !?

      TUỔI RÙA chữ Nho gọi là QUY LINH 龜齡, là tuổi của con rùa. Rùa cũng được xem là một động vật bò sát sống lâu, lại là một con vật trong Tứ Linh là LONG LÂN QUY PHỤNG 龍麟龜鳳. Niệt Nam ta cũng nổi tiếng với các "Cụ Rùa" ở trong Hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm) với các lời thơ trong bài "Nước Tôi" của một thi sĩ Tiền chiến Nguyễn Văn Cổn như :

                     Mặt Hồ Gươm trăng vàng rung động,
                     Nhắc đêm xưa sóng vổ chập chùng.
                     Rùa thiêng nổi trước thuyền rồng,
                     Trên Hồ Hoàn Kiếm anh hùng là ai ?!

      Trong "Sơ Kính Tân Trang" của Chiêu Lỳ Phạm Thái có câu :

                      Đã ngoài sáu dật QUY LINH,
                Phương đông lại rạng tiểu tinh một nàng.
      Nên...
            QUY LINH hay TUỔI RÙA cũng đều chỉ TUỔI THỌ, chỉ sống lâu, sống thọ. Trong tác phẩm thơ Nôm khuyết danh "Lâm Tuyền Kỳ Ngộ" (còn có tên là Bạch Viên Tôn Các) có câu :

                     Minh Ngọc vóc vàng tiên dưới động,
                     TUỔI RÙA tóc bạc báu trên đời.
           
      TƯ MÃ PHƯỢNG CẦU 司馬鳳求 là Tư Mã Tương Như 司馬相如 đàn khúc "Phượng cầu kỳ Hoàng 鳳求其凰" để đánh động lòng của nàng góa phụ Trác Văn Quân 卓文君 (Xem Thành Ngữ Điển Tích 84 : Phù, Phương, Phượng). Trong Truyện Kiều, khi tả tiếng đàn của Thúy Kiều đàn cho Kim Trọng nghe, cụ Nguyễn Du cũng đã mượn ý của khúc đàn nầy với câu :

                      Khúc đâu TƯ MÃ PHƯỢNG CẦU,
                  Nghe ra như oán như sầu phải chăng ?... 
 
      TƯ VĂN 斯文 : là "Cái văn minh văn hóa nầy". Có xuất xứ từ sách Luận Ngữ 論語 Tử Hãn thiên 子罕篇.Đệ ngũ chương 第五章 : Tử úy ư Khuông. viết : [Văn Vương ký một, văn bất tại tư hồ ? Thiên chi tương táng tư văn dã, hậu tử giả bất đắc dữ ư tư văn dã. Thiên chi vị táng tư văn dã, Khuông nhân kỳ như dư hà ?] 子畏於匡,曰:「文王既沒,文不在茲乎?天之將喪斯文也,後死者不得與於斯文也。天之未喪斯文也,匡人其如予何?」Có nghĩa :
     "Khổng Tử bị dân đất Khuông vây hãm, bèn trấn an học trò rằng : Vua Văn Vương tuy đã chết, nhưng văn minh văn hóa của ông cũng chẳng còn ở đây hay sao ? Nếu trời muốn diệt cái văn minh văn hóa nầy, thì kẻ hậu sinh là ta đây làm sao có được cái văn minh văn hóa nầy. Trời đã không muốn diệt thì người đất Khuông làm gì ta được nào ?". Nên...
      TƯ VĂN là cái văn minh văn hóa của đạo Nho; con người TƯ VĂN là con người nho nhã có văn học. Chấn chỉnh TƯ VĂN là chấn chỉnh NHO HỌC. Trong "Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái khi nói đến vua Lê Thánh Tông đã có câu :

                     Thánh Tông mở rộng khoa trường,
                   Lập bia Tiến sĩ, trọng đường TƯ VĂN.
          
     
      TỪ PHI 徐妃 là Thứ Phi Từ Huệ của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, theo tích sau đây :
      TỪ HUỆ 徐惠(627-650)người đất Trường Thành Hồ Châu, là cháu gái bốn đời của Từ Nguyên Hầu Từ Văn Chỉnh, là trưởng nữ của Thứ Sử Từ Hiếu Đức. Bốn tuổi bà đã thuộc Luận Ngữ và Kinh Thi, Tám tuổi đã biết làm văn. Cha của bà muốn thử tài con gái mới lấy thiên "Ly Tao 離騷" của Khuất Nguyên để bà mô phỏng theo đó mà làm bài phú "Tiểu Sơn Thiên 小山篇" rất nổi tiếng, từ đó tiếng tăm của bà lừng lẫy đương thời. Đường Thái Tông nghe tiếng mới nạp bà vào trong cung làm Tài Nhân. Từ Huệ hưu bút thành văn, tứ thi mẫn tiệp, nên rất nhanh đã thăng làm Tiệp Dư, rồi lại thăng làm Sung Dung, Thứ Phi. Bà là Phi Tần được Lý Thế Dân yêu mến nhất. Cuối năm Trinh Nguyên triều đình bận chinh phạt tứ Di, rồi lại xây cất cung điện, sưu cao thuế nặng, dân chúng lầm than. Thứ Phi Từ Huệ đã làm sớ dâng lên vua can gián và tiết chế đời sống xa hoa trong cung, lời lẽ khảng khái chân thành thẳng thắngđược nhà vua hết lời ngợi khen tán thưởng. Sau khi Đường Thái Tông mất, bà cũng ưu sầu nhuốm bệnh rồi mất theo khi mới được 24 tuổi.
      Trong truyện thơ Nôm "Lục Vân Tiên" của cụ Đồ Chiểu tả lúc Lục Vân Tiên khen tài làm thơ của Kiều Nguyệt Nga bằng câu :

                       Đã mau mà lại thêm hay,
                 Chẳng phen Tạ nữ cùng tày TỪ PHI.

     Còn trong tác phẩm "Sãi Vãi" của cụ Nguyễn Cư Trinh thì Bà Vãi đã tranh luận với Ông Sãi để bênh vực cho phái yếu như là :

              Chương gián chúa khỏi vòng vật dục, ấy là Đường TỪ HUỆ THỨ PHI;
              Thơ cứu cha khỏi bước lâm nguy, nọ như Hán Đề Oanh thiếu nữ...
            

     TỨ ĐỨC 四德 : là Bốn cái đức hạnh ngày xưa của phụ nữ theo quan niệm của Nho Gia là : ĐỨC, NGÔN, DUNG, CÔNG. Có xuất xứ từ《sách Chu Lễ, chương Thiên Quan, Nội Tễ 周礼 天官 内宰》NỘI TỄ là chức nữ quan trong cung có từ đời nhà Chu, chuyên dạy cho các cung tần mỹ nữ trong cung về Phụ Đức, Phụ Ngôn, Phụ Dung, Phụ Công 妇德, 妇言, 妇容, 妇功. Giáo dục cho người phụ nữ trước tiên là phải có phẩm hạnh đạo đức tốt (Đức), thể hiện qua lời ăn tiếng nói phải hòa nhã thích đáng (Ngôn), phải chú ý dung mạo đoan trang vén khéo (Dung), sau cùng là phải giỏi về tề gia nội trợ, tướng phu giáo tử (Công). Sang đến Việt Nam ta thì các cụ túc Nho lại nói thành : CÔNG, DUNG, NGÔN, HẠNH. Đảo ngược hoàn toàn cái thứ tự giáo dục phụ nữ của Nho gia Trung Hoa ngày xưa; Vì lẽ gì ? hay chỉ là vì muốn nói nghe cho xuôi tai mà thôi ?!
      Trong "Sơ Kính Tân Trang" của Chiêu Lỳ Phạm Thái nói về phụ đức có câu :

                           Giữ bề TỨ ĐỨC tam tòng,
                 Xướng tùy cho vẹn đạo trong cương thường.

      TỨ HUNG 四凶 là Bốn kẻ hung bạo, cũng là bốn con quái thú hung dữ trong truyền thuyết Trung Hoa xưa. Đó là Hổn Đôn 混沌、Cùng Kỳ 窮奇、Đào Ngột 檮杌、Thao Thiết 饕餮. Theo Sơn Hải Kinh 山海經 thì Hổn Đôn là Hoan Đâu 驩兜, thủ lĩnh của Tam Miêu Tộc khi chết hóa thân mà thành. Cùng Kỳ là hóa thân của Cộng Công 共工 là một Thuỷ Thần. Đào Ngột là ông Cổn cha của vua Hạ Vũ khi chết oán khí hóa thân mà thành. Thao Thiết là Xi Vưu khi chết oán khí hóa thân mà thành. Tứ Hung nầy bị vua Nghiêu đày đi bốn phương để trấn áp chế ngự quỷ dữ của tứ vi. 
      Trong tác phẫm "Sãi Vãi" của cụ Nguyễn Cư Trinh có câu :

                          Đọc Ngu Thư, ghét đảng TỨ HUNG,
                          Coi Tống Sử, ghét bầy Ngũ quỷ.
        
      TỨ HỶ 四喜 là Bốn điều vui, còn được gọi là TỨ ĐẠI KHOÁI SỰ 四大快事. Bốn chuyện mà các cụ ngày xưa cho là "Vui nhất khoái nhất trong đời người". Đó chính là :

                久旱逢甘雨,   Cửu hạn phùng cam vũ,
                他鄉遇故知.    Tha hương ngộ cố tri.
                洞房花燭夜,   Động phòng hoa chúc dạ, 
                金榜掛名時。   Kim bảng quải danh thì.
     Có nghĩa :
                 Hạn lâu gặp được mưa rào,
                 Xa quê lại được chào người quen xưa.
                 Động phòng hoa chúc vui chưa,
                 Bảng vàng tên gọi khi vừa thi xong.

       Trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Phương Hoa- Lưu Nữ Tướng" có câu :

                    Ngâm thơ TỨ HỶ ngại ngùng,
                Nghỉ câu kim bảng động phòng tối nan.

       TỨ MINH 四明 là HẠ TRI CHƯƠNG 賀知章 (659-744) tự là Quí Chân 季真, về già tự xưng hiệu là "Tứ Minh Cuồng Khách 四明狂客", là thi nhân lại vừa là nhà Thư Pháp nổi tiếng đời Thịnh Đường. Ông người đất Vĩnh Hưng thuộc Việt Châu (Huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang hiện nay), đậu Trạng Nguyên khoa Ất Mùi (695), được phong là Quốc Tử Tứ Môn Bác Sĩ, Thiên Thái Thường Bác Sĩ. Ông tuần tự giữ các chức vụ Lễ Bộ Thị Lang, Bí Thư Giám, Thái Tử Tân Khách... Ông tính tình khoáng đạt, phóng túng, không thích gò bó, vì xưng hiệu là Tứ Minh Cuồng Khách, nên người đời gọi ông là THI CUỒNG 詩狂, cùng với Lý Bạch 李白, Trương Húc 张旭, Lý Thích Chi 李适之, Tiêu Toại 焦遂, Lý Tấn 李琎, Thôi Tông Chi 崔宗之 và Tô Tấn 苏晋, xưng là "ẨM TRUNG BÁT TIÊN 飲中八仙" (Tám ông tiên trong rượu). Đến 86 tuổi HẠ TRI CHƯƠNG mới cáo lão về quê, rồi mất ở quê cùng năm. Tác phẩm phần nhiều thất tán, chỉ còn lưu lại khoảng 20 bài thơ mà thôi.
     Trong các bài thơ về điền viên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu :

                         Cửu Lão kìa ai nhàn được thú,
                        TỨ MINH nọ khách dạy làm thơ.

      TỬ KỲ 子期 tức là CHUNG TỬ KỲ 鍾子期 người bạn Tri Âm của Du Bá Nha 俞伯牙. Bá Nha giỏi đánh đàn, Tử Kỳ giỏi nghe đàn. Sau Tử Kỳ chết, Bá Nha đập bể cây đàn không đàn nữa vì cho rằng không còn ai nghe hiểu được tiếng đàn của mình nữa.( Xem Thành Ngữ Điển Tích 17). Nên sau nầy dùng rộng ra, từ TRI ÂM chỉ những người bạn rất thân thiết, hiểu rõ cả ruột gan lòng dạ của nhau. Nguyễn Du còn dùng để chỉ những cặp đôi yêu nhau nữa, như lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng :

                      Nàng rằng : Gió bắt mưa cầm,
                     Đã cam tệ với TRI ÂM bấy chầy !
     
      Còm Kim Trọng cũng rất trân trọng và xem Thúy Kiều như là Bá Nha, nên mới khẩn khoản :

                        Rằng nghe nổi tiếng cầm đài,
                 Nước non luống những lắng tai CHUNG KỲ.  

      Trong truyện thơ Nôm khuyết danh "TRINH THỬ" cũng có câu :

                         Bá Nha đã gặp TỬ KỲ,
                    Bảo sơn ai nở trở về tay không ?!

      TỬ LÝ 梓里 : TỬ 梓 là cây Tử (dùng để đóng đàn; tượng trưng cho con), LÝ 里 là Làng xóm. TỬ LÝ là từ chỉ quê hương. Trong truyện thơ Nôm "Nhị Độ Mai" có câu :

                         Ngại ngùng thay lúc phân bào,
                       Kẻ về TỬ LÝ, người vào Ngọc Kinh.

     TỬ PHẦN 梓枌 : là cây TỬ và cây PHẦN, hai loại cây hay được cha mẹ trồng ở  quanh nhà ngày xưa. Nên TỬ PHẦN hay PHẦN TỬ đều chỉ nơi cha mẹ ở; dùng rộng ra để chỉ nơi quê hương mà ta được sinh ra và lớn lên. Trong truyện Kiều, sau mười mấy năm lưu lạc Thúy Kiều cũng đã nhớ về nơi quê nhà với câu :

                         Đoái thương muôn dặm TỬ PHẦN,
                       Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa... 

     TỬ PHÒNG 子房 : Tên tự của TRƯƠNG LƯƠNG 張良(250—186 trước Công Nguyên), thụy hiệu là Văn Thành, được phong là Lưu Hầu. Ông người đất Dĩnh Xuyên Thành Phụ (TP Vũ Châu tỉnh Hà Nam hiện nay). Thuộc nước Hàn thời Chiến Quốc. Sau khi nước Hàn bị Tần tiêu diệt, ông đã từng thích khách Tần Thủy Hoàng nhưng thất bại. Sau theo làm mưu thần cho Hán Cao Tổ Lưu Bang lập nên nhà Hán. Ông cùng với Tiêu Hà, Hàn Tín được xưng tụng là "Hán Sơ Tam Kiệt 漢初三傑", là ba vị khai quốc công thần của nhà Tiền Hán.
     Trong truyện thơ Nôm Khuyết danh "Phương Hoa - Lưu Nữ Tướng" có câu :

                       Nghe lời chính trấn mừng thay,
                    Khen rằng tài chẳng dưới tay TỬ PHÒNG.


     TỬ CÁC, TỬ THẤT 紫閣,紫室 : TỬ 紫 là màu tím, màu tía. CÁC 閣 là gác, là lầu. THẤT 室 là phòng, là nhà. Nên các từ trên chỉ chung cho các lâu đài nhà cửa mang màu tím, là màu của các quý tộc thời xưa. Như Trong truyện thơ Nôm khuyết danh Bích câu Kỳ Ngộ, chàng thư sinh Tú Uyên khi gặp Giáng Kiều bèn:

                   Mượn người thăm hỏi gần xa,
                 HỒNG LÂU TỬ CÁC đâu mà đến đây?

      Còn trong "Sơ Kính Tân Trang" của Chiêu Lỳ Phạm Thái thì có câu :

                     Qúy canh phỏng độ đôi mươi,
                Chẳng người TỬ THẤT, cũng người HỒNG LÂU.

      Ta có thành ngữ HỒNG LÂU TỬ CÁC 紅樓紫閣 là "Lầu màu hồng, gác màu tím" ta thường nói thành "LẦU SON GÁC TÍA" để chỉ chỗ ở của vua chúa hoặc các người quyền qúy ngày xưa.

      Hẹn bài viết tới :

                            TỰA, TƯỚC, TƯƠNG, TƯỜNG, TỬU.

                                                                                                     杜紹德
                                                                                                 Đỗ Chiêu Đức

Mời Xem :




1 nhận xét:

KHAI XUÂN - Thơ Trần Văn Hạng và Bài Họa Của Các Thi Hửu

Bài xướng: KHAI XUÂN Xuân về nhựa sống trải muôn nơi Hoa lá ngày xuân đẹp tuyệt vời Lộc nõn đầu xuân khai tiết mới Chồi non Ất tỵ lập xuân t...