Sắp tới Lễ Giáng sinh,mời các bạn đọc 1 bài do Hồ Nguyễn st
TIỂU SỬ ĐỨC CHÚA JESUS CHRIST
TIỂU SỬ ĐỨC CHÚA JESUS CHRIST
Đức Chúa Jesus Christ là một vị Thánh được kính trọng và chính thức
được tôn thờ trong Đạo Cao Đài, trong thời kỳ Đại Ân Xá Lần thứ ba của Đức Cao
Đài Thượng Đế, để cứu vớt nhơn loại ra khỏi sông mê tội lổi và tránh thãm họa
diệt vong.
Jesus Christ (có thể viết và
đọc khác là Giê-su, Giê-xu, Yêsu, Jésus, Gia-tô, …),
cũng được gọi là Chúa Giêsu Kitô, hay Gia-tô Cơ-đốc, là người
sáng lập ra Kitô giáo. Jesus là người Do Thái có tên là Yehoshua (có nghĩa là "Thiên
Chúa là Đấng Cứu Độ" trong tiếng Hebrew),
thường được gọi vắn tắt là Yeshua. Đối với người đương thời, Jesus còn
được biết dưới tên Jesus người Nazareth ,
hoặc Jesus con ông Joseph. Danh từ "Kitô" (tiếng Latinh: Christus;
tiếng Hy Lạp: Χριστός Khristós hoặc từ "Cơ
Đốc", hay Ji-du) là một danh hiệu của Jesus, có nghĩa là "người
được xức dầu", nhằm chỉ Ngài là một vị lãnh đạo, chính trị cũng như tôn
giáo, được chọn bởi Thiên Chúa. Những gì chúng ta biết được về Jesus là do được
ghi chép trong Thánh Kinh Tân Ước,
đặc biệt là trong bốn sách Phúc Âm.
Những nguồn
thông tin chính về cuộc đời và những lời dạy của Jesus Christ là bốn sách Phúc Âm quy điển, đặc biệt là trong Phúc âm Nhất lãm, mặc dù nhiều học giả cho rằng
những văn bản như Phúc âm Tôma và Phúc âm người Hebrews cũng
xác đáng. Trong Hồi giáo,
Jesus (tiếng Ả Rập: عيسى, chuyển tự là Isa)
được xem là một nhà tiên tri quan trọng
của Thiên Chúa, người mang lại Injil (Phúc âm), và là người làm những
phép lạ. Hồi giáo cũng xưng tụng và kính trọng Đức Jesus là Đấng Masih (Messiah), nhưng họ không được
dạy rằng Jesus mang đặc tính thần linh. Hồi giáo
dạy rằng Jesus đã lên thiên đường
cả linh hồn và thể xác nhưng không trải qua việc đóng đinh vào thập tự giá và
phục sinh, khác với niềm tin truyền thống của Ki Tô Giáo về cái chết và sự phục
sinh của Đức Chúa Jesus Christ.
Theo thông
lệ, người Do Thái đương thời thường thêm tên người cha hoặc tên quê
quán vào tên gọi cá nhân. Như vậy, trong Tân Ước, Jesus cũng được gọi là
"Jesus người Nazareth " (Matthew
26:71), "Jesus con ông Joseph" (Luca 4:22) hoặc đầy đủ nhất là
"Jesus con ông Joseph thành Nazareth "
(John 1:45). Tuy nhiên,
trong Marco 6:3 thì lại gọi là "con bà Maria, và anh em của các ông James,
Joses hay Joseph, Judas và Simon". Tên Jesus ngày nay trong các ngôn ngữ
hiện đại có nguồn gốc từ Iesus trong tiếng Latin, đây là một
hình thức chuyển tự của chữ Ἰησοῦς (Iesous) từ tiếng Hy Lạp. Hình thức thể hiện của tiếng Hy Lạp lại bắt
nguồn từ chữ ישוע (Yeshua) trong tiếng Aramaic,
nhưng tựu chung có nguồn gốc từ chữ יהושע (Yehoshua) của tiếng Do Thái. Tên Yeshua dường như đã được sử dụng
trong xứ Judea
tại thời điểm Đức Chúa Jesus ra đời. Theo giải thích của Tân Ước, tên gọi này
nghĩa là "Đức Javeh là sự cứu rỗi".
Các tín đồ
sơ khai của Ngài đã thường gọi Ngài là "Chúa Jesus Christ".Chữ
"Kitô" hoặc "Cơ Đốc" (tiếng Anh:
Christ) không phải là tên nhưng là một danh hiệu. Trong tiếng Hy Lạp Khristos
(Χριστός), có nghĩa là "người được xức dầu", được dịch từ tiếng
Hebrew là Messiah, để ám chỉ vị lãnh đạo được Thiên Chúa sai đến để giải
cứu dân Chúa, nhưng trong ngôn ngữ hiện đại được hiểu là "Đấng cứu
thế". Từ đó chữ Kitô hữu
được chỉ những người tin và theo Chúa Jesus Christ.
Theo ký thuật của các sách Phúc Âm, Đức Jesus xưng mình là
Con Người (the Son of Man - tức "Con của Loài người",
"Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa
đầu" - Mt 8:20). Danh xưng này thường được cho là để khẳng định Jesus là
một con người trọn vẹn cũng như Jesus được gọi là Con Thiên Chúa (the Son of
God, "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa" - Mt 27:54) để khẳng
định Jesus đồng thời cũng là Thiên Chúa một cách trọn vẹn.
Ngoài ra,
Đức Jesus còn có một số danh xưng khác như "Đấng Tiên tri",
"Chúa". Trong Phúc âm John
chương 14 câu 6 chép: "Đức Chúa Jesus phán rằng: Thầy là đường đi, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Chúa
Cha mà không qua Thầy" (John 14:6). Theo đức tin Kitô giáo, Đức Jesus
là con Đức Chúa Trời, và được sinh ra trên Trái Đất và chịu đóng
đinh, để cứu chuộc nhân loại khỏi tội lỗi, nên Jesus còn được xưng tụng
là Đấng Cứu Thế, Đấng Cứu Rỗi, Cứu Chúa -"Nhưng Thiên
Chúa tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có
tội, thì Chúa Cơ Đốc vì chúng ta mà chịu chết". (Roma 5:8).
Hầu hết các
học giả đồng ý rằng Jesus là một người Do Thái vùng Galilee, sinh vào khoảng đầu thế kỷ thứ nhất
và qua đời trong khoảng từ năm 30 đến 36 Sau Công Nguyên
tại xứ Judea. Chúa
chỉ sống và hoạt động tại Galilee và Judea chứ
không ở nơi khác. Các sách Phúc Âm chỉ tập chú vào quãng đời ba năm
cuối khi Chúa sống trên thế gian, đặc biệt là tuần lễ cuối cùng trước khi bị
đóng đinh trên thập tự giá, nhưng chúng cũng cung cấp một số manh mối liên quan
đến năm sinh của Chúa Jesus. Đoạn Matthew 2:1 liên kết sự giáng sinh của Chúa
Jesus với sự cai trị của Herode Đại đế - người đã chết vào khoảng năm thứ 4 trước Công
nguyên, và đoạn Luca 1:5 viết rằng Herode đã trị vì nước Do Thái trước khi Chúa
Jesus giáng sinh, ngoài ra Phúc Âm này còn đề cập đến cuộc điều tra dân số của
chính quyền La Mã diễn ra mười năm sau đó. Luke 3:1-2 và 3:23 viết rằng Chúa
Jesus bắt đầu sứ vụ khi Ngài khoảng ba mươi tuổi, và đó là năm thứ 15 của triều
đại Tiberius (khoảng năm 28 hoặc 29 Sau Công Nguyên). Qua những chi tiết này và
bằng các phương pháp phân tích khác nhau, hầu hết các học giả đi đến đồng thuận
rằng Chúa Jesus sinh trong khoảng từ năm
thứ 6 đến năm thứ 4 trước Công nguyên.
Về thời điểm
qua đời, tức là sự kiện Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự giá, hầu hết các học
giả đồng ý rằng sự kiện này xảy ra trong khoảng từ năm 30 đến 33 Công nguyên.
Các sách Phúc Âm nói rằng sự kiện này xảy ra trong thành xứ Judea mà Pilate là tổng trấn thuộc quyền Đế quốc La
Mã khoảng năm 26-36. Người ta tin rằng ngày mà Phaolô
theo Kitô giáo (ước tính khoảng năm 33-36) có mối liên hệ nào đó đến cho ngày
Chúa Jesus bị đóng đinh qua việc phân tích thư của Thánh Phaolô và sách Công vụ
Tông đồ. Các nhà thiên văn từ thời Isaac Newton
đã cố gắng ước lượng chính xác ngày Chúa Jesus bị đóng đinh bằng cách phân tích
chuyển động của Mặt Trăng và tính theo lịch sử của lễ Vượt Qua (Passover) theo
lịch của người Do Thái. Và ngày giả thiết được chấp nhận rộng rãi nhất theo
phương pháp này là ngày 7 tháng 4, năm 30 AD; và ngày 3 tháng 4, năm 33 (kể cả
lịch Julian).
Jesus, theo
các sách Phúc Âm, là một người Do Thái tôn trọng luật pháp Moses (kinh Torah), là nhà thuyết giáo và người chữa bệnh
bằng phép mầu, cũng là người thường bất đồng với giáo quyền Do Thái, và cuối
cùng, là người bị đóng đinh trên thập tự giá dưới phán quyết của chính quyền Đế quốc La Mã theo ý giáo quyền Do Thái lúc đó.
Vì vậy, Đức
Jesus sinh ra tại Bethlem (gần Jerusalem). Mẹ của Jesus, bà Maria (Mary hoặc Ma-ri),
là một phụ nữ đồng trinh đã mang thai bởi quyền năng siêu nhiên của Chúa Thánh Linh. Ông Joseph, chồng của bà Maria,
chỉ được nhắc đến trong thời thơ ấu của Chúa Jesus, dẫn đến những suy đoán rằng
ông qua đời trước khi Jesus bắt đầu đi giảng dạy. Theo các sách Phúc Âm, khi
Chúa Jesus sinh ra, các mục đồng được thiên sứ
báo tin đã đến thờ lạy và mấy nhà thông thái (còn gọi là mấy nhà chiêm tinh hay mấy đạo sĩ,
hoặc ba vua) từ phương Đông xa xôi, được dẫn dắt bởi một ngôi sao lạ, đã tìm
đến để tôn thờ Đức Jesus.
Đúng 12 giờ
khuya đêm 24 tháng 12 /DL, Bà Maria chuyển bụng hạ sanh Chúa Jesus. Chúa Hài
đồng được quấn tả và được đặt tạm vào máng cỏ cho đở lạnh vào mùa đông, nơi
chuồng chiên trong hang đá.
Các nhà tiên
tri đã báo trước ngày giáng sanh của Chúa: Ngày nào sao chổi mọc là ngày đó
Chúa giáng sanh, nên nhớ mà để ý tìm Ngài. Trong giờ Chúa giáng sanh, có nhiều
huyền diệu xảy ra: Đám chăn chiên ngoài đồng bỗng nghe giữa thinh không có tiếng
nói của Thiên thần: Có Chúa giáng sanh. Có hào quang chiếu sáng ngời.
Các người
chăn chiên liền đi tìm và gặp Chúa Hài đồng nằm trong máng cỏ. Họ là những người
đảnh lễ Chúa trước tiên hơn hết.
Lúc đó là
thời đại vua Hérode đang cai trị dân Do Thái. Một hôm, có các Đạo sĩ từ phương
Đông tìm đến yết kiến vua và hỏi rằng: “Vua dân Do Thái mới sanh ra hiện ở đâu?
Chúng tôi thấy ngôi sao của Ngài bên Trời Đông nên tìm đến để đảnh lễ Ngài”.
Nghe vậy,
vua Hérode hoãng hốt và cả thành Jérusalem náo động lên. Vua Do Thái lo sợ sự
ra đời của Chúa sẽ làm nguy hại đến quyền lực tối cao của mình nên tìm mọi cách
phải giết Chúa, vua đã ra lịnh giết tất cả các trẻ con mới sanh từ 2 tuổi trở
xuống. Thiên Thần đã hiện ra, báo mộng cho ông Joseph và bảo: Hãy thức dậy đem
hài nhi và mẹ Ngài trốn qua Ai Cập.
Joseph nghe
theo và nhờ vậy mà Chúa được bảo vệ bình an.
Sáu năm sau,
vua Hérode chết. Thiên thần báo mộng và xin mang Chúa Hài đồng trở về Do Thái
vì kẻ tìm giêt Chúa đã chết rồi.
Chúa Jesu dưới nét vẽ của hoạ sĩ Trung Hoa
Chúa Jesu dưới nét vẽ của hoạ sĩ Trung Hoa
Phúc âm Mark
6:3 ký thuật rằng "Jesus là con của
Maria, anh của James, Joses, Judas và Simon". Josephus, sử gia Do Thái, và Eusebius, sử gia Kitô giáo, cũng có nhắc đến
James như là em ruột của Đức Jesus. Tuy nhiên, Hieronymus
cho rằng James (hoặc Gia-cơ) chỉ là em họ của Jesus. Tất cả chỉ là anh em họ.
Những chị em gái của Jesus cũng không được biết là ai và tên gì vì phong tục
trọng nam hơn nữ?Cách giải thích này đặt nền tảng cho truyền thống Công giáo Roma và Chính Thống giáo Đông phương tin rằng
Maria đồng trinh trọn đời. Chúa đã trải qua thời niên thiếu tại làng Nazareth
thuộc xứ Galilee. Chỉ có một sự kiện xảy ra trong
thời gian này được ghi lại là khi cậu bé Jesus theo gia đình lên Jerusalem
trong một chuyến hành hương. Bị thất lạc khỏi cha mẹ, cuối cùng cậu bé Jesus 12
tuổi được tìm thấy trong ngôi Đền thờ Jerusalem và cậu bé Jesus đang tranh
luận với các học giả Do Thái giáo. Về anh chị em của Jesus, nhiều nhà nghiên
cứu không đồng ý nhau việc Chúa có anh em ruột, đa số cho rằng chỉ là anh em
họ, hay cùng cha khác mẹ mà thôi. Bà Maria với ông Joseph chỉ có một con là
Jesus.
Ngay sau khi
chịu lễ Baptism (lễ rửa tội hoặc Báp-têm) bởi Joan Baotixita
(Giăng Báp-tít), Chúa bắt đầu đi rao giảng, khi ấy khoảng ba mươi tuổi.
Theo Phúc Âm Lu-ca, Chúa và Joan Baotixita là anh em họ vì Maria và
Elizabeth,
mẹ của John, là hai chị em họ. Thuở thiếu thời, Jesus theo cha làm nghề thợ
mộc, đúng hơn là nhà xây dựng. Tài liệu ghi lại, Jesus làm nghề “tekton”, dịch từ chữ “charash” (tiếng Hebrew) có nghĩa là “crafsman hay builder”(thợ xây dựng).
Theo Kinh Thánh,
Chúa Jesus đã cùng các môn đồ đi khắp xứ Galilea
để giảng dạy và chữa bệnh. Cung cách giảng dạy mang thẩm quyền, uy lực cùng với
kỹ năng diễn thuyết điêu luyện, Chúa sử dụng các dụ ngôn để giảng dạy quan điểm về tình yêu
thương nên đã thu hút rất nhiều người. Họ tụ họp thành đám đông và tìm đến bất
cứ nơi nào Chúa có mặt. Đôi khi đám đông trở nên mất trật tự và Ngài buộc phải
ngồi trên thuyền mà giảng dạy. Và Chúa cũng tìm đến và thuyết giáo tại các
Thánh đường Do Thái giáo (synagogue).
Chúa áp dụng
các phương pháp khác nhau khi giảng dạy, phép nghịch lý, phép ẩn dụ
và các truyện dụ ngôn. Ngài thường tập trung vào Nước Trời
(hay Thiên Quốc). Nổi tiếng nhất là Bài giảng trên núi, trong đó đề cập đến Tám mối Phúc thật (Beatitudes). Trong số
những dụ ngôn của Chúa, được biết đến nhiều nhất là hai câu chuyện: Người Samaria nhân lành và Người con trai hoang đàng. Jesus có nhiều
môn đồ, thân cận nhất là mười hai sứ đồ (hoặc tông đồ), Phêrô (Peter hoặc Pierre )
được Công giáo Roma cho là sứ đồ trưởng. Theo Tân Ước,
Chúa Jesus làm nhiều phép lạ như chữa bệnh, đuổi tà ma và khiến một người đàn
ông tên là Lazaro sống lại khi đã chết. Chúa thường có
12 đệ tử cùng theo Ngài đi truyền giáo các nơi.
Mười hai đệ
tử của Chúa Jesus là:
1/ Simon Peter, hay Thánh Phero (Thánh
Pierre).
2/ Andrew, em của Phéro.
3/ James (con của Zebedee).
4/ John (con của Zebedee, là em của
James).
5/ Philip (bạn thân của Andrew, người
hướng dẫn Bartholomew đến với Chúa Jesus Christ) .
6/ Bartholomew (hay Nathanael).
7/ Thomas.
8/ Mathew (hay Levi) là người thu thuế.
9/ James, con của Alpheus .
10/ Thaddeus (con của James).
11/ Simon.
12/ Judas Iscariot (kẻ vì tham tiền
phản bội bán Chúa).
Giới lãnh
đạo Do Thái giáo bao gồm các nhóm quyền lực đối nghịch nhau như nhóm Sađốc (Sadducee) và nhóm Pharisêu (Pharisee) thường bất đồng với
Chúa Jesus. Chúa vẫn thường vạch trần tính chuộng hình thức cũng như tinh thần
đạo đức giả của người Pharisêu. Nhiều người xem Chúa như một nhà cải cách xã
hội, những người khác tỏ ra nhiệt tình vì tin rằng ông là vị vua đến để giải
phóng dân Do Thái khỏi ách thống trị của Đế quốc La Mã, trong khi giới cầm quyền xem Jesus Christ như
một thế lực mới đang đe dọa những định chế tôn giáo và chính trị đương thời.
Nhiều người tin nhận Jesus là "Đấng Cứu Tinh" đến để cứu chuộc nhân
loại.
Chúa bị bắt và bị xét xử:
Chúa Jesus Christ
cùng các môn đồ lên thành Jerusalem vào dịp Lễ Vượt Qua (Passover); Ngài vào Đền thờ Jerusalem. Các môn đồ đánh đuổi những
người buôn bán và những kẻ đổi tiền, lật đổ bàn của họ và quở trách họ rằng:
"Nhà ta được gọi là nhà cầu nguyện nhưng các ngươi biến thành hang ổ của
bọn trộm cướp". Sau đó, Chúa bị bắt giữ theo lệnh của Toà Công luận (Sanhedrin)
bởi viên Thượng tế Joseph Caiaphas. Trong
bóng đêm của khu vườn Getsemani ở ngoại ô Jerusalem , lính La Mã nhận diện Jesus nhờ cái
hôn của Judas Iscariot, một môn đồ đã phản Chúa để nhận
được tiền.
Chúa bị treo mình trên Thập Tự giá
Tòa công luận cáo buộc Jesus tội phạm thượng
và giao ông cho các quan chức Đế quốc La Mã để xin bản án tử hình, không phải
vì tội phạm thượng nhưng vì cáo buộc xúi giục nổi loạn. Dưới áp lực của giới
lãnh đạo tôn giáo Do Thái, Tổng đốc Pontius Pilate (Philatô)
miễn cưỡng ra lệnh đóng đinh Chúa. Tuy nhiên, theo các sách Phúc Âm, một tấm
bảng có hàng chữ viết tắt INRI
(của câu: "Jesus người Nazareth ,
vua dân Do Thái") được treo trên thập tự giá theo lệnh của Pilate.
Sau khi thoát
xác chết, Chúa được người Arimathea
đến gặp Pilate và xin được phép chôn với sự chứng kiến của Maria, Maria Magdalene
và những phụ nữ khác.
Phục sinh và thăng thiên:
Các Kitô hữu
tin rằng Chúa Jesus sống lại vào ngày thứ ba sau khi chết trên thập tự giá. Sự
kiện này được đề cập đến theo thuật ngữ Kitô giáo, được cử hành hằng năm vào
ngày Lễ Phục sinh (Easter).
Maria Magdalene
và Maria, mẹ của Giacobê, và Salome khi đến thăm mộ với thuốc thơm để
xức xác Chúa (theo tục lệ thời ấy) thì chỉ thấy ngôi mộ trống mà trước đó họ đã
an táng Ngài trong đó [Mác-Cô 16:1]. Phúc Âm Joan (20:12, 20:13, 20:14) thuật
rằng khi Maria Magdalene đến bên ngôi mộ trống thì thấy hai thiên sứ
mặc áo trắng. Hai thiên sứ hỏi: "Hỡi người đàn bà kia, sao ngươi khóc?”
Người thưa rằng: “Vì người ta đă dời Chúa tôi đi, không biết để Ngài ở
đâu". Vừa nói xong người đàn bà quay lại, thấy Đức Chúa Jesus tại đó;
nhưng chẳng biết người đó là Đức Chúa Jesus. Các sách Phúc Âm và Công vụ đều
ghi nhận rằng Chúa Jesus đã gặp lại các môn đệ tại các nơi chốn khác nhau trong
suốt bốn mươi ngày trước khi về trời. Phúc âm Mác-Cô (16:20) chép, về phần các
môn đồ, thì họ ra đi giảng đạo khắp mọi nơi, Chúa cùng đi với các môn đồ, và
lấy các phép lạ cặp theo lời giảng mà làm cho vững đạo. Và đức Chúa Jesus luôn
ở cùng các môn đồ của Ngài cho đến ngày tận thế [Mat-tê-ô 28:20].
Hầu hết Kitô
hữu chấp nhận câu chuyện phục sinh, như được ký thuật trong Tân Ước, là sự kiện
lịch sử và xem đây là tâm điểm cho Đức tin Kitô giáo của họ mặc dù theo quan điểm
của một số tín hữu thuộc trào lưu tự do (liberalism), đây chỉ là câu
chuyện có tính ẩn dụ. Tuy nhiên lịch sử chứng minh đây là niềm tin bất di dịch
của Kitô giáo. Tất cả Kitô hữu tin rằng Chúa Jesus đã làm nhiều dấu kỳ phép lạ
và các tông đồ được ban cho quyền lực siêu nhiên bởi ơn Chúa Thánh
Thần để chữa lành bệnh tật cho nhiều người và nói được nhiều thứ tiếng khác
nhau sau khi Chúa Jesus Christ về trời.
Bối cảnh văn hóa và lịch sử:
Bối cảnh văn hóa và lịch sử:
Thế
giới đương thời mà Jesus sống luôn biến động, được đánh dấu bởi những bế tắc
nối tiếp nhau cả về văn hoá và chính trị. Về văn hoá, vì người Do Thái phải vật
lộn với nền triết học và các giá trị của văn minh Hy Lạp và với sự mâu thuẫn nội tại của
kinh Torah, vì trong khi kinh Torah mặc khải
các chân lý có giá trị cho toàn thể nhân loại thì các luật lệ của nó chỉ áp
dụng riêng cho người Do Thái. Tình thế này dẫn dắt họ đến những cách giải kinh
mới chịu ảnh hưởng của tư tưởng Hy Lạp và nhằm đáp ứng quyền lợi của người
không thuộc chủng tộc Do Thái đã gia nhập Do Thái giáo.
Vào thời điểm
Jesus sinh ra, lãnh thổ Israel
thuộc Đế quốc La Mã, nhưng đặt dưới quyền cai trị của Hérođe Đại Đế. Vào năm thứ
4, Hoàng đế La Mã Augustus phế truất Herode Archelaus, con của Hérode Đại Đế và
đặt các xứ Judea, Samaria và Idumea dưới quyền cai trị trực tiếp của
chính quyền La Mã, được giám sát bởi một quan tổng đốc, người này có quyền bổ
nhiệm chức Thượng tế của Do Thái giáo. Tình trạng này kéo dài cho đến năm 64.
Xứ Galilea, nơi Jesus lớn lên, vẫn dưới quyền cai trị của Herode Antipas (một
người con khác của Hérode Đại Đế). Khi ấy Nazareth
là một làng quê nhỏ bé với vài trăm cư dân, không có hội đường Do Thái giáo (synagogue),
cũng không có cơ sở công cộng nào. Không có vàng, bạc hay
sản phẩm nhập khẩu được tìm thấy ở đây trong
Vài phe nhóm tranh giành ảnh hưởng với nhau
trong cộng đồng Do Thái như nhóm Saducee, có quan hệ mật thiết với giới tư tế và
đền thờ, trong khi nhóm Pharisêu có nhiều ảnh hưởng trong vòng các học giả,
giáo sư và lãnh đạo các hội đường. Các nhóm này chống đối sự chiếm đóng của Đế
quốc La mã nhưng vào thời Jesus họ vẫn cố kềm chế để không có phản ứng công
khai nào.
Nhiều người
kỳ vọng vào sự xuất hiện của một vị Cứu Tinh (Messiah), hậu duệ của vua David để giải phóng họ
khỏi sự cai trị của người La Mã. Theo đức tin Do Thái, lịch sử được điều khiển
bởi Thiên Chúa, có nghĩa là sự chiếm đóng của người La Mã là một phần trong
hoạch định của Ngài. Vì vậy đế quyền La Mã cần được thay thế bởi một vị vua Do
Thái nhờ sự can thiệp siêu nhiên. Những người thuộc nhóm quá khích tin rằng
chẳng bao lâu Vương quốc Do Thái sẽ được phục hồi và họ chuẩn bị các phương
tiện để chống người La Mã. Các phản ứng của người La Mã cuối cùng dẫn đến sự
phá đổ Đền thờ và sự suy vong của các nhóm kể trên.
Di sản của Jesus Christ:
Theo hầu hết các
giải thích của đạo Thiên chúa trong Kinh Thánh,
các chủ đề cơ bản của những lời răn dạy của Jesus là sự hối cải, tình thương vô
điều kiện, tha thứ tội lỗi và khoan dung và về Thiên đường. Khởi đầu như một
giáo phái nhỏ của người Do Thái, nó đã phát triển và trở thành một tôn giáo
riêng biệt so với đạo Do Thái vài thập kỷ sau cái chết của Jesus. Kitô giáo đã
lan rộng ra khắp đế chế La Mã dưới phiên bản được biết đến như Tín điều Nicea và trở thành quốc giáo
dưới thời Theodosius I. Qua hàng thế kỹ, nó lan rộng đến hầu hết châu Âu
và trên toàn thế giới. C. S. Lewis và Giáo hoàng Joan Phaolô II đã bảo vệ niềm
tin vào Chúa Jesus trước những sự chỉ trích về lịch sử.
Nhận định từ một số tôn
giáo về Chúa Jesus:
Hầu hết Kitô hữu
tin rằng, Đức Jesus là Thiên Chúa,
là Đấng Messiah mà sự xuất hiện đã được tiên báo trong Cựu Ước.
Họ tin rằng Jesus là Thiên Chúa hóa thân thành con người, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi;
rằng Giêsu nhập thể bởi quyền phép Chúa Thánh Linh, theo Ân điển
xuống thế gian để cứu nhân loại khỏi tội lỗi
và sự chết bởi máu của Jesus đã đổ ra khi bị đóng đinh trên thập tự giá như là
sinh tế chuộc tội cho loài người. Họ cũng tin rằng Jesus Christ đã sống lại từ cõi chết và sau đó trở lại Thiên Đàng.
Khác với đức tin của người Kitô giáo, tín đồ Hồi giáo
tin rằng, Jesus là một trong những nhà tiên tri đáng được tôn trọng, được Thiên
Chúa sai đến và là Đấng Messiah; nhưng họ không tin Jesus là "Con Thiên
Chúa". Họ cũng không tin về sự chết và sự phục sinh của Jesus, xem đó chỉ
là sự hóa phép của Thiên Chúa dành cho tiên tri Jesus để đánh lừa người đương
thời. Sau đó, Jesus về trời cả hồn lẫn xác.
Do Thái giáo
thì cực lực phản đối cả hai niềm tin của hai tôn giáo trên. Họ không xem Jesus
là Thiên Chúa xuống thế làm người cũng không nhận đó là nhà tiên tri, thậm chí
coi đó là nhà tiên tri giả hay kẻ xúc phạm đến Thiên Chúa của họ. Họ cho rằng,
kể từ sau sự sụp đổ lần thứ hai của Đền thờ Jerusalem, không có một tiên tri nào
xuất hiện thêm nữa. Cho đến tận bây giờ, họ vẫn đang hy vọng có một Đấng Messiah từ trời xuống.
Phật giáo
hầu như không đưa ra nhận định về vai trò của Jesus trong tôn giáo họ. Đối với
họ, dựa theo lịch sử, Jesus chỉ là một con người. Tuy nhiên, một số tín đồ
thuộc một số phái cho rằng, với những đức tính hiển nhiên của
"Jesus", chắc chắn sau đó Jesus cũng được sinh vào cõi trời dựa theo
luật nhân quả. Do đó, những người tu theo đạo
Phật cấp tiến, nhất là tông Tịnh Độ, có thể tôn kính "Jesus Christ"
như một vị A La Hán hay vị Bồ tát.
Một số Phật tử, trong đó có Tenzin Gyatso,
Đạt-lại Lạt-ma thứ 14 xem Jesus như một vị Bồ tát,
người cống hiến đời mình cho hạnh phúc của nhân loại. Nga Sơn Thiều Thạc ở thế kỷ 14 của Tào Động tông ngụ ý rằng những lời dạy của Jesus trong Sách Phúc Âm do một người theo Chúa, đã được giải thoát viết
lại.
Vì
có vai trò đặc biệt trong một số tôn giáo này, Đức Jesus Christ được nhìn nhận
là một trong những nhân vật quan trọng nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong
lịch sử nhân loại.
Đức Chúa Jesus Christ
trong Đạo Cao Đài:
Trong Đạo Cao
Đài, Đức Chúa Jesus Christ được xưng tụng là “Gia Tô Giáo Chủ Cứu
Thế Thiên Tôn”. Trong Thánh tượng thờ cúng tại Tòa Thánh, các Thánh
Thất và Thiên bàn tại gia đều có ghi nhận danh vị của Ngài, như đại diện Đạo
Thánh trong thời kỳ Tam giáo qui nguyên; Ngũ chi phục nhứt. Đạo của Ngài là
thuộc về Ngũ Chi Đại Đạo.
Hơn nữa, vai
trò và ảnh hưởng của Chúa Jesus trong Đạo Cao Đài cũng rất quan trọng:
- Theo diễn
biến Đạo sử từ ngày khai Đạo, nhân ngày Lễ Chúa Giáng sinh 24-12-1925, tại miền
Nam nước Việt, Đức Chí Tôn xưng là Đấng A, Ă, Â tức NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ
cho biết trước: Ngài khai sáng mối Đạo Cao Đài để cứu vớt con cái của Ngài
thoát khỏi sông mê, bể khổ.
“Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên.
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.
Đêm nay,
24 Décembre, phải vui mừng vì là ngày Ta xuống trần dạy Đạo bên Thái Tây (Europe ).
Ta rất vui
mừng mà đặng thấy đệ tử kính mến Ta như vậy.
Nhà nầy sẽ
đầy ơn Ta.
Ta sẽ làm
cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa.
CHIÊU KỲ TRUNG độ dẫn HOÀI sanh,
BẢN đạo khai SANG QUÍ GIẢNG thành.
HẬU ĐỨC TẮC CƯ Thiên Địa cảnh,
HƯỜN MINH MÂN đáo thủ đài danh”. (TNHT/Q1/trang 5)
(Mười hai chữ lớn trong ba câu đầu là tên 12 vị môn đệ đầu
tiên của Đức Chí Tôn. Ba chữ nghiêng trong câu chót là tên 3 vị hầu đàn; hay tên
3 vị sẽ trở lại sau này chăng?)
- Đức Hộ Pháp
Phạm Công Tắc, trong bài thuyết đạo này vía Đức Chúa Jesus (25-12-1948 và
25-12-1949) có dạy:
“Có một Đấng Chơn linh Tam Thế Chí Tôn, nhơn
loại đều biết danh, đó: Brahma Phật, tức là Tạo hóa; Nhị Thế Civa Phật, tức Tấn
hóa; Tam Thế Christna Phật, tức nhiên Bảo tồn. Đấng trọn quyền bảo tồn ấy là
lòng ái tuất thương sanh vậy.
Vì cớ cho nên, Đức Chúa Jesus Christ
thương nhơn loại một cách nồng nàn thâm thúy. Ngài đã ngó thấy Nhứt Kỳ Phổ Độ,
nhơn loại ký Hòa ước với Chí Tôn mà đã bội ước nên phạm Thiên Điều, nhơn quả
nhơn loại gớm ghiết. Do nhơn quả ấy mà tội tình nhơn loại lưu trử đến ngày nay.
Thánh giáo gọi “Tội Tổ Tông”. Chính mình Ngài đến, đến với một xác thịt phàm
phu, Ngài đến giơ tay để ký Đệ Nhị Hòa Ước với Đức Chí Tôn, chịu tội cho nhơn
loại, ký Đệ Nhị Hòa Ước đặng dìu dắt chúng sanh trở về cùng Đấng Cha Lành của
họ tức nhiên là Đức Chí Tôn của chúng ta ngày nay đó vậy.
Đấng ấy vô tận vô biên, thấy nạn của
nhơn loại đã dẫy đầy, Ngài chỉ xuống mặt thế nầy làm con tế vật đặng chuộc tội
cho nhơn loại, mà lại còn đem quyền của Chí Tôn để nơi tay của nhơn loại, bàn
tay đó đã ký Đệ Nhị Hòa Ước cho nhơn loại, nó làm cho Ngài thế nào?Do tay Ngài
ký tờ Hòa Ước với Chí Tôn, nên hai tay của Ngài bị đóng đinh trên Thập tự giá.
Hai chân của Đấng ấy đi trước nhơn loại, dìu đường hằng sống cho họ, rồi hai
chân của Đấng ấy cũng bị đóng đinh trên cây Thánh giá. Còn trái tim yêu ái nhơn
sanh vô hạn ấy bị một lưỡi kiếm vô tình đâm cạnh hông Ngài, lấy giọt máu cuối
cùng đó đặng cứu nhơn loại, một tình ái vô biên ấy để lại cho loài người một
tôn chỉ yêu ái. Tôn chỉ nhìn nhơn loại là anh em cốt nhục và khuyên nhủ nhơn
loại coi nhau đồng chủng.
Cho đến ngày nay, cả nhơn loại trên
địa cầu nầy không chịu nghe lời Ngài, không theo bước của Ngài, nên nạn tương
tàn tương sát sắp diễn ra gần đây. Nhưng nếu chừng nào toàn cả nhơn loại biết
thương yêu nhau, vì tình cốt nhục, thì cái nạn tương tàn tương sát trên mặt địa
cầu nầy sẽ không còn nữa.
Hai tấn tuồng, hai thảm trạng như
thế, có thể đưa nhơn loại đến chỗ tiêu diệt mà chớ, vì nhơn loại không biết
nghe, Đấng ấy đã lấy máu thịt của mình làm con tế vật dâng hiến cho Đức CHÍ TÔN
để cầu xin tha tội cho nhơn loại.
Nhơn loại sẽ mất đức vì không nghe
theo Đấng Cứu Thế. Đấng ấy đã bảo anh em yêu ái nhau cho trọn vẹn kiếp sanh.
Trái ngược lại, Đệ Nhị Hòa Ước kia
đã ký với Đức Chí Tôn bị nhơn loại bội ước nữa. Vì bội ước mà bảo nhơn loại
không bị tội tình mắc mỏ sao được.
Đêm nay, nhờ hiển Thánh anh linh của
Đấng Cứu Thế, Đấng ấy đã để lòng ưu ái vô tận, mong cứu vãn tình thế nguy ngập,
lấy cả tình ái ấy làm phương giải khổ cho nhơn loại.
Chúng ta để tâm cầu nguyện Ngài, để
Ngài mở con mắt Thiêng liêng cho chúng sanh đặng nhìn thấy cái chơn tánh của
kiếp sống họ nơi nào, đừng mê muội, đừng ngu dốt, lấy tinh thần sáng suốt, bỏ
cái lục dục thất tình đầy tội ác nầy”…….
-“Cái chết của Đức Chúa Jesus Christ là
gì? Là Ngài đem xác Thánh quí trọng dâng cho Đức Chí Tôn làm tế vật. Xác Thánh
trên Thánh giá là tế lễ đồng thể với Tam Bửu của chúng ta dâng cúng Đức Chí Tôn
ngày nay đó vậy.
Vậy, Đức Chúa Jesus Christ đã làm
con tế vật cho Đức Chí Tôn đặng cứu chuộc tội lỗi của loài người, nhứt là các
sắc dân Âu Châu, nên danh thể Ngài để hai chữ Cứu Thế chẳng có chi là quá đáng.
“Ngài chết như thế ấy, nếu không phải
con mắt Thiêng liêng oai quyền của Đức Chí Tôn thì cái chết của Jesus Christ
mai một mờ ám mà thôi, không có cái gì gọi là Chí Thánh cả. Không phải vậy. Đức
Chí Tôn đã hứa, đã nhìn nhơn loại là con và chính mình Ngài đã ở trọn hiếu cùng
hy sinh tánh mạng của mình làm cho danh của Đức Chí Tôn cao trọng và làm cho
nhơn loại đặng hưởng đặc ân của Đức Chí Tôn chan rưới, làm cho con cái của Đức
Chí Tôn biết cái hiếu của Ngài đối với Chí Tôn.
Từ thử tới giờ, chưa có một Giáo chủ
nào đã làm. Cái hiếu của Ngài đến giờ chót đối với Đức Chí Tôn đã trọn.
Còn Đức Chí Tôn, nếu không phải giữ
“Nghĩa” với đứa con yêu dấu, con hiếu hạnh của Ngài, thì cái chết của Jesus
Christ bất quá như kẻ tù nhân chết mà thôi, có đâu lên phẩm vị Giáo chủ, ngồi
trên ngai Thiêng liêng vô cùng quí báu trên mặt địa cầu nầy gần 2000 năm.
Trong lúc Đức Chúa Jesus Christ làm
con hiếu hạnh có 3 năm thôi, mà Đức Chí Tôn trả lại cái danh dự sang trọng cho
Ngài đến 1949 năm, là năm nay”.
- Vào dịp lễ
Noel năm 1967 tại Thánh Thất Bàu Sen, Đức Chúa Jesus Christ có giáng đàn cho
một bài THI sau đây:
“Ta đến với một mùa đông đầy gió rét,
Để hy sinh cứu rỗi cho nhân loài.
Ta lại đến trong cơn lửa bỏng dầu sôi,
Để cất tiếng từng hồi gọi đàn chiên lạc lỏng.
Chúa Cứu Thế muôn đời còn mãi sống,
Sống muôn đời và sống mãi muôn đời.
Việt Nam
ơi! Hồng Lạc ơi!
Đấng Thượng Đế, Đức Cao Đài đang ngự trị”
……Hởi chư hiền! Hãy thương những người đi trước chư hiền vì
đó mới có vết chân đi trước. Hãy thương những người đi sau chư hiền vì đó mới
có vết chân đi sau. Nhạc trùng dương không bao giờ dứt, vì mọi làn sóng cứ tiếp
tục theo nhau ngày đêm chẳng ngăn cách rời rạc.
Cuối cùng,
Ta muốn nói với chư hiền về Thiên mạng vi nhơn là hãy làm theo con chiên khôn
ngoan hơn là làm người chăn chiên u tối. Giá rét nào không trở lại mùa đông, sứ
mạng nào không trao cho người đã chọn.
Việt Nam ơi! Hồng
Lạc ơi! Đấng Thượng Đế Cao Đài đang ngự trị….”.
(CĐTĐ/Q1/trang 1267-1268)
-
Ngày 17-11-Ất Sửu (DL: 01-01-1926), có ông bà Đốc Phủ
Sứ CHI theo Đạo Thiên Chúa đến nhà Đức Cao Quỳnh Cư muốn xem thử cơ bút nên nói
với ông Cư rằng:
“Xin cho tôi để thử
trên bàn cầu cơ hình Đức Chúa Jesus và một cây Thánh giá. Nếu Đức Cao Đài là
Thượng Đế thiệt thì mới giáng cơ được, bằng là Quỉ Vương thấy hai vật báu ấy tự
nhiên phải tránh”.
Đức Cao
Quỳnh Cư bằng lòng cho thử, đoạn ông cùng Đức Phạm Công Tắc ngồi lại cầu cơ.
Trước hết, có Thánh Pierre giáng cơ cho 4 câu thi:
THÁNH PIERRE :
Thiên Đàng giữ cửa góc trời tây,
Truyền Đạo cho dân biết mặt Thầy.
Cứu chuộc đã gần hai ngàn tuổi,
CAO ĐÀI phú thác dắt dìu bây.
THẦY:
Con hiểu Jesus là ai chăng?
Trước Ta đã đổ máu cho loài người vì thương yêu. Nay Ta đến
cứu loài người cũng vì thương yêu.
Bây đủ
thương yêu Ta dường ấy chăng?
Ta cần bây
biết ăn năn hầu cứu chửa bây (ĐS.1:35)
(Trích
Thánh Giáo Sưu Tập Q1/trang 34)
Trong tôn
giáo Cao Đài, hàng năm khi đến ngày lễ Noel, là ngày Giáng Sanh của Chúa Jesus
Christ, tại Đền Thánh Tây Ninh và khắp các Thánh Thất tại địa phương từ trong
nước cho đến hải ngoại, đều có thiết Đàn Đại lễ cúng Vía Đức Gia Tô Giáo Chủ
Cứu Thế Thiên Tôn (Đức Jesus Christ) để nhắc nhở công nghiệp vĩ đại của Đức
Ngài, đã lấy cái chết của mình treo trên thập tự giá để chuộc tội cho nhơn loại
và trả hiếu với Đấng Cha Trời Thượng Đế.
__________Hiền Tài HỒ XƯA sưu tầm
và viết lại từ các tài liệu:
-
Thánh Ngôn Hiệp
Tuyển (Q1)
-
Thánh Giáo Sưu
Tập (Q1, Q2)
-
Cao Đài Tự Điển
(Q1)
-
Sưu tầm Lịch sử
Chúa Jesus, trang web.TWD.
-
History of Bible
page 1200-1276.
-
The book of
Mormon (USA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét