Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019

Thành Ngữ Điển Tích 28 : BẠCH - Đỗ Chiêu Đức Diển Giãi

  
                         
      
       BẠCH 白 là màu Trắng, Bạch là Sáng, Bạch là Rõ Ràng, Bạch là Ban ngày ... Ta lần lượt tìm hiểu nghĩa của các thành ngữ sau đây :

    * BẠCH BÍCH VÔ HÀ 白璧無瑕 : là Ngọc Trắng không tì vết, chỉ đá qúy, không có tì vết gì cả, dùng rộng ra chỉ người, vật hoặc sự vật hoàn hảo không chê vào đâu được. BẠCH BÍCH 白璧 hay BẠCH NGỌC 白玉 gì đều có nghĩa là Ngọc Trắng, là một loại đá qúy hiếm. Trong tác phẩm Sãi Vãi, khi cho ông Sãi luận về chữ SỢ, cụ Nguyễn Cư Trinh đã viết :

                          ...Chị dâu sợ em vì sáu cái ấn vàng;
                            Tôi hiền sợ giặc vì một đôi NGỌC TRẮNG.

      Câu đầu là tích của Tô Tần thời Chiến Quốc; câu sau là tích của Phạm Tăng thời Hán Sở Tranh Hùng về đôi Ngọc Trắng như sau :
      Phạm tăng 範曾, người ở kỳ-Cổ-San, giúp Tây Sở Bá-vương Hạng Võ, có lần đã xúi Hạng Võ giết Bái Công Lưu Bang, kẻo sau nầy Bái Công sẽ tranh thiên-hạ. Hạng Võ không nghe, tha Bái Công. Nên Trương Lương, mưu-thần của Bái Công, tới tạ Hạng Võ một đôi ngọc trắng, và dâng Phạm Tăng đôi chén ngọc. Phạm Tăng nổi giận nói : "Tranh thiên-hạ của quân vương chắc là Bái Công ". Bèn cầm gươm chém bể đôi chén ngọc.
                  
        BẠCH CÂU QÚA KHÍCH 白驹过隙: là Con ngựa non sắc trắng thoáng qua khe cửa. CÂU 驹 chỉ ngựa còn trẻ còn khỏe chạy rất nhanh, nên thành ngữ Bạch Câu Qúa Khích thường dùng để cường điệu thời gian qua đi rất nhanh, chỉ thoáng cái đà mất, theo như câu nói của Trang Tử trong Tri Bắc Du《庄子·知北游》:“人生天地之间,若白驹之过隙,忽然而已. Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược Bach Câu chi Qúa Khích, hốt nhiên nhi dĩ ".   Có nghĩa : " Con người sống trong trời đất cũng giống như là bóng ngựa trắng thoáng qua khe cửa, chỉ trong chốc lát mà thôi." Theo sách Hán Thư thì BẠCH CÂU là Ngựa non màu trắng lướt nhanh như bóng nắng mặt trời. Là bóng nắng lướt nhanh qua khe cửa hay khe vách gì đều dùng để chỉ thời gian qua rất nhanh, cuộc đời chỉ là cỏi tạm phù du, mà ta nói là "Như Bóng Câu Qua Của Sổ". Trong "Văn Tế Chiến Sĩ Trận Vong" của Nguyễn Văn Thành có câu :


                              Những là khen dạ đá gan vàng, 
                              Bóng Bạch Câu xem nửa phút như không,
                              Ơn dày đội cũng cam trong phế phủ ...

     Trong Nam Hải Tế Văn thì viết :

                             Bóng Bạch Câu bay vụt cửa phù sinh,
                             Hình thương cẩu đúc mòn khuôn đại khối.

               
                                           Bạch Câu Qúa Khích
           
      BẠCH DIỆN THƯ SINH 白面書生 : là Học Trò Mặt Trắng, chỉ những người chỉ biết đọc sách, chỉ có kiến thức trên sách vở, hoặc chỉ những người học trò nghèo chưa thành đạt như hai câu thơ :

                             ...Em là gái khuê môn bất xuất,
                               Phận anh nghèo BẠCH DIỆN THƯ SINH !...

      Nhưng trong văn học cổ thì Bạch Diện Thư Sinh thường dùng để chỉ những người chỉ có kiến thức trên sách vở mà không có kinh nghiệm thực tế theo tích sau đây :

      Tống Thư. Thẩm Khánh Chi truyện 宋書·沈慶之傳 : Thời Nam Bắc Triều có Kiến Võ Tướng Quân tên là Thẩm Khánh Chi, đánh giặc rất giỏi, đang trấn thủ ngoài biên ải. Một hôm nghe tin nhà vua nghe lời các mưu sĩ trong triều định cử binh đi đánh vùng Tây Bắc để mở rộng biên cương. Khánh Chi bèn can rằng : Bệ hạ kim dục phạt quốc; nhi dữ Bạch Diện Thư Sinh bối mưu chi; sự hà do tế !「陛下今欲伐國;而與白面書生輩謀之;事何由濟!」Có nghĩa : "Bệ hạ nay muốn cử binh đi chinh phạt nước khác, mà lại cùng bọn Bạch Diện Thư Sinh mưu tính kế sách, thì chuyện làm sao mà thành công cho được !" Vì Khánh Chi là tướng đánh trận, ông biết rằng vùng tây bắc địa thế hiểm trở, rất khó cho việc hành quân thảo phạt nên can vua. Nhà vua không nghe, cử tướng khác đi đánh, cuối cùng thất bại trờ về.

      Vì câu nói của Thẩm Khánh Chi mà thành ngữ BẠCH DIỆN THƯ SINH chỉ những người chỉ biết đọc sách suông mà không có kinh nghiệm thực tiễn. Trong truyện Nôm khuyết danh Trinh Thử của ta chỉ những thư sinh ít kinh nghiệm :

                                Chớ tin Bạch Diện Thư Sinh,
                            Một văn luận thử mà tin già này !
              
     * BẠCH KHỞI 白起 (332-227 trước Công Nguyên), còn gọi là Công Tôn Khởi 公孫起, là tướng giỏi của nước Tần thời Chiến Quốc. Ông làm tướng suốt 30 năm và đánh lấy hơn 70 thành trì của địch, được phong là Võ An Quân 武安君. Trong trận chiến thắng ở Trường Bình, ông đã ra lệnh giết sạch bốn mươi vạn (bốn trăm ngàn) quân Triệu đã đầu hàng vì sợ họ làm phản, đến nổi thây chất như núi máu chảy thành sông, đầu lâu của tử sĩ được gom lại chất thành một cái đài cao, gọi là "Bạch Khởi Đài".


      Trong tác phẩm Sãi Vải của Nguyễn Cư Trinh khi cho ông Sãi nói về chữ GIẬN, cụ đã viết câu :

                ... Thây chan chan lấp nội Trường Bình,
                    Giận Bạch Khởi ra oai rất dữ !...

      Còn Đặng Trần Thường trong bài Hàn Vương Tôn Phú tự ví mình như Hàn Tín ngày xưa, trong bài phú trên cũng có câu :

                             ...Dưới màn hằng tư tưởng Di Ngô,
                                Trên ngựa những băn khoăn Bạch Khởi...

      Trong thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì gọi Bạch Khởi là Bạch Sinh, với 2 câu  :

                                Lượng gã Bạch Sinh nào có mấy,
                               Tài người Quản Tử có đâu nhiều !

                                                
       * BẠCH MAO 白旄 : là một loại cờ trong quân đội ngày xưa, cán cờ có kết một mớ lông đuôi trâu trắng. Bạch Mao có 2 nghĩa : Một là cờ dùng để chỉ huy trong quân ngũ do đại tướng hoặc nguyên soái sử dụng; Hai là cờ của vua ban khi hạ lệnh cho tướng cầm quân đi chinh phạt nước nào đó. BẠCH MAO thường đi chung với HOÀNG VIỆT  黄钺 (búa vàng) thành BẠCH MAO HOÀNG VIỆT 白旄黄钺 mà ta hay nói là Búa Việt Cờ Mao để chỉ nhận lệnh vua xuất quân đi chinh phạt nơi nào đó.

      Trong truyện thơ Nôm Lưu Nữ Tướng của ta có câu :

                         Bạch Mao chịu dưới đan trì,
                        Tạ ơn tứ mệnh trở về sửa sang.

      BẠCH MAO 白茅 còn là tên một loại cỏ, như cỏ tranh của ta vậy, có thể dùng để lợp nhà dừng vách, gọi là Bạch Mao Ốc, như ta nói là Nhà Tranh Vách Lá vậy, thường dùng để chỉ nhà nghèo, như trong bài "Tịnh cư ninh thể phú" của Nguyễn Hàng đời nhà Mạc :

                        Lều Bạch Mao mảng học chàng Tôn;
                        Miền lục dã biếng tìm người Tịch.
                                         
      * BẠCH TUYẾT 白雪 : Không phải là nàng "Bạch Tuyết của bảy chú lùn", mà là Bài ca Tuyết Trắng nổi tiếng trong câu trả lời của anh chàng đẹp trai Tống Ngọc thời Chiến Quốc, trong một lần nói chuyện với Sở Tương Vương, vua Sở đã hỏi Tống Ngọc :" Chắc tiên sinh cũng có những hành vi gì đó không kiểm điểm, để đến nổi dân chúng có người sinh lời dị nghị ?". Tống Ngọc đáp rằng :" Vâng, đúng vậy, xin đại vương thứ tội cho thần nói cạn lời. Có một người khách trong kinh thành hát khúc "Hạ Lý Ba Nhân" (một khúc hát bình dân), thì có mấy ngàn người hát theo; khi hát khúc Dương A Cửu Lộ, thì chỉ có vài trăm người hát theo; đến khi hát khúc Dương Xuân Bạch Tuyết, thì chỉ còn có vài chục người hát theo mà thôi; kịp đến khi người đó dùng âm bậc cung thương, khắc họa với chủy vũ hòa thành tạp cao thanh nhạc, thì chỉ có vài người biết để họa theo mà thôi. Cho nên, khúc hát càng cao nhã thì người họa theo càng ít. Vì thế mà loài chim thì có phượng hoàng, loài cá thì có cá côn (một loại cá lớn như cá ông). Phượng hoàng có thể vổ cánh bay chín ngàn dặm, xuyên qua các tầng mây vút thẳng lên cao, ngao du giữa trời cao đất rộng; các loài chim sẻ chim cút chỉ la đà dưới các hàng giậu thưa thì làm sao mà biết được sự rộng lớn của đất trời ? Còn cá côn thì buổi sáng dạo chơi ở núi Côn Lôn, buổi trưa phơi nắng ở Yết Thạch sơn, buổi chiều thì về nghỉ ở bến Mạnh Chư; các con cá sặc cá he chỉ ở trong đầm lầy sông rạch nhỏ, thì làm sao biết được sự lớn rộng mênh mông của biển cả ? Con người cũng thế, kẻ sĩ là người vượt trội hơn người khác, thánh nhân là bậc cao minh, có tư tưởng và phẩm hạnh hơn người, đó là những hạng người vượt lên trên thế tục. Cho nên, người dân bình thường thì làm sao mà hiểu được hành động và việc làm của thần được ?!".

     Nên, Dương Xuân Bạch Tuyết là chỉ khúc ca hay và cao nhã, sau này dùng rộng ra còn chỉ cả các áng văn hay nữa, như trong truyện Nôm Nữ Tú Tài có câu :

                                     Miễn là lầm lỗi theo lời,
                       Chẳng ca BẠCH TUYẾT, chẳng tài Thanh Liên.

                               
      * BẠCH VÂN 白雲 : là Mây Trắng. Do thành ngữ Bạch Vân Thân Xá 白雲親舍. Ý nói : Dưới mây trắng là nhà của song thân,theo như tích sau đây : 《新唐书·狄仁杰传》:“荐授并州法曹参军,亲在河阳。仁杰登太行山,反顾,见白云孤飞,谓左右曰:‘吾亲舍其下。’瞻怅久之。云移,乃得去。”. Theo tích trong Tân Đường Thư, Địch Nhân Kiệt truyện :Địch Nhân Kiệt (630-700) người đời Đường, nhậm chức Tào Tham quân ở Tinh Châu. Nhưng nhà cha mẹ ông lại ở Hà Dương. Trên đường đi, khi lên núi Thái Hàng, quay đầu nhìn lại, thấy một đám mây trắng bay xa xa. Ông nói với những người tùy tùng rằng : " Nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng đó đó !" và ông ngắm mãi đám mây kia, đến khi mây tan mới chịu đi tiếp. 


      Người đời sau dùng tích nầy để nói lên nỗi lòng nhớ thương cha mẹ khi phải xa nhà. Cụ Nguyễn Du cũng dùng tích nầy để diễn tả nỗi nhớ nhà của Thúy Kiều khi ở với Hoạn Thư :

                                 Bốn phương Mây Trắng một màu,
                                 Trông vời cố quốc biết đâu là nhà !

     Còn trong truyện Nôm Quan Âm Thị Kính thì lại dùng từ Bạch Vân với :

                                Bạch Vân khuất nẻo xa xa,
                         Song thân ta đấy là nhà phải không ?!
                        

                         
 
     Ngoài những điển tích nêu trên, ta còn có các thành ngữ như :

      * Bạch Nhật Thanh Thiên 白日青天 hay Thanh Thiên Bạch Nhật 青天白日, là Mặt trời trắng và trời xanh, ý nói là "Ban Ngày Ban Mặt", như : Giữa Ban Ngày Ban mặt mà dám làm điều thương thiên bại lý !
      * Bạch Thủ Thành Gia 白手成家: Ta nói là "Tay Trắng Làm Nên" để chỉ những người làm nên sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng.
      * Bạch Đầu Giai Lão 白頭偕老 : Có nghĩa : "Cùng già với nhau đến lúc đầu bạc", thường dùng để ca ngợi những cặp vợ chồng già còn sống hạnh phúc bên nhau, hay dùng để chúc cho cô dâu chú rễ trong đám cưới cùng sống với nhau đến răng long đầu bạc.
      * Bạch Chỉ Hắc Tự 白纸黑字 : Ta nói là Giấy Trắng Mực Đen, để chỉ việc gì đó có văn bản, có chứng cứ đàng hoàng không thể chối cải được.
      * Bạch Hắc Phân Minh 白黑分明 : Ta nói là " Trắng Đen Rõ Ràng" hay " Trắng Đen Đã Rõ" để chỉ viêc gì đó đúng sai phải trái đã rõ ràng không còn đường để chối cải được nữa !.
      * Bạch Cốt Tha Hương 白骨他鄉 : Ta nói là "Xương Trắng Quê Người" Ý nói chết ở xứ lạ quê người, như lời của Thúy Kiều trước đêm theo Mã Giám Sinh đã chối lại với Vương Ông rằng :

                               ... Sá chi thân phận tôi đòi,
                      Dẫu rằng Xương Trắng Quê Người quản đâu.

      Trông người lại ngẫm đến ta, những người đang lưu vong ở hải ngoại hiện nay, sớm muộn gì cũng phải chịu chung cảnh "Xương Trắng Quê Người". Nhưng với đà vận động bảo vệ môi trường của thế giới hiện nay, e rằng cũng chẳng còn được Xương Trắng Quê Người nữa, mà tất cả đều trở thành tro bụi khi thân xác phải hỏa thiêu để giữ lại chút không khí trong lành cho hậu thế !.

         Hẹn bài viết tới !


                                                                                     Đỗ Chiêu Đức

Xem Thêm :Giai Thọai Văn Chương : Bốn Bồ Chữ (Đỗ Chiêu Đức ST )
                    
                    Điển Tích văn Học 27 : BA

1 nhận xét:

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...