Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2019

Ngày hôm nay, bạn có mối lo âu nào không? Nếu có, xin hãy đọc 2 câu chuyện này

Ngày hôm nay, bạn có mối lo âu nào trong lòng không? Nếu có, xin hãy tạm đặt nó xuống và đọc 2 câu chuyện dưới đây.
Đôi khi tôi có cảm giác: Dường như đời sống vật chất đầy đủ hơn, tiện nghi hơn không làm con người trên thế giới cảm thấy thanh thản hơn. Trái lại, nó tạo ra những mối lo âu mới, khiến con người sống trong trạng thái bất an, căng thẳng.
Người có tiền nơm nớp lo sợ tài sản của mình bị đánh cắp, hoài nghi tình cảm chân thành của những người thân thiết với mình, và vắt óc suy nghĩ để số tiền ấy sinh sôi.
Bao nhiêu triệu gia đình sống trong cảnh lục đục, bạo hành, tan vỡ; giới trẻ bơ vơ, rơi vào lối sống truỵ lạc và nghiện ngập.
Những nền kinh tế theo đuổi tăng trưởng mù quáng và tiêu dùng vô hạn độ dẫn tới cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm nguồn nước và không khí, gây ra nhiều chứng bệnh nan y.
Các nước nghèo đối diện với tham nhũng, các nước lớn lại phải chạy đua vũ trang để giữ vị thế quân sự.
Tóm lại, kẻ giàu, người nghèo, nước giàu, nước nghèo đều mắc kẹt trong nỗi lo âu về tương lai với bao bài toán mới chưa có lời giải đáp.
Bài học từ chim trời và hoa huệ
Cách nay hai ngàn năm, Đức Chúa Giêsu đã dạy môn đệ Ngài đừng lo.
“Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao?
Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao?
Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không?
Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salomon, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy.
Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!
Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây?
Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó.
Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”.
(Ảnh minh họa: stmichaellivermore.com)

Con bò của người Bà-la-môn
Cùng thời với Đức Chúa Giêsu, ở phương Đông cũng có một vị Thầy giác ngộ dạy con người cách giải thoát khỏi lo âu phiền não. Đó là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Một hôm, Đức Phật và các tỳ kheo cùng ngồi dưới một gốc cây bồ đề. Khi Đức Phật và các tỳ kheo đang thiền định thì có một người Bà-la-môn nọ chạy đến với tâm trạng rất lo lắng, sợ hãi. Người này nói với Đức Phật rằng:
– Này Sa Môn Cồ Đàm, nãy giờ ngài ngồi thiền với các vị đệ tử ở đây có thấy con bò nào chạy ngang không?
Đức Phật đáp:
– Nãy giờ ta ngồi thiền với các thầy ở đây không thấy con bò nào chạy ngang cả!
Người Bà-la-môn nghe Đức Phật nói như vậy mới bỏ đi và tiếp tục tìm con bò của mình trong trạng thái hoang mang, lo sợ.
Đức Phật quay sang các đệ tử bên cạnh hỏi rằng:
– Này các thầy, tại sao người đàn ông kia lại lo âu và sợ hãi như vậy?
Các tỳ kheo trả lời:
– Vì người đàn ông này vừa mới bị mất một con bò.
Đức Phật lại hỏi tiếp:
– Vậy các thầy có một con bò nào để mất không?
Các tỳ kheo trả lời:
– Thưa Đức Thế Tôn, chúng con không có con bò nào để mất cả!
– Đúng rồi, vì các thầy chẳng có con bò nào để mất cả, nên các thầy mới có thể ngồi an nhiên tự tại và hạnh phúc dưới gốc cây bồ đề này – Đức Phật nói.
Quẳng gánh lo đi và vui sống thuận theo Đạo Trời
Nghĩ cho cùng, tiền tài, danh vọng, tình cảm xung quanh chúng ta đều là những “con bò” cả. Nếu con người lao tâm khổ tứ tích luỹ thật nhiều “con bò” như thế, thì họ chẳng những không được sống thoải mái hơn, mà còn quàng thêm gánh lo vào người.
Đức Phật dạy: “Do tham đắm sinh sầu khổ, do tham đắm sinh sợ hãi; người nào dứt hết được tham dục sẽ không còn khổ đau và sợ hãi”. Bản thân của cải vật chất không gây ra vấn đề gì, bản thân quá trình làm lụng và nỗ lực của con người cũng là cần thiết, nhưng quá đắm say, truy cầu chúng thì sẽ dẫn tới phiền muộn và âu lo.
Hôm nay, bạn đã lo lắng vì điều gì? Liệu đó có phải là một “con bò” đi lạc mà bạn đang sợ hãi kiếm tìm chăng? Bạn có muốn thử bình tâm lại, như cánh chim trời và bông huệ kia, ngồi dưới một gốc cây bồ đề râm mát và tin tưởng phó thác cuộc đời mình cho Trời cao an bài hay không?
Thanh Ngọc(daikynguyen.com)

1 nhận xét:

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...