Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng 5 tỷ người trên toàn thế giới có thể bị thiếu nước sinh hoạt vào năm 2050.
(Ảnh: Pixabay)
Một số yếu tố được cho là nguyên nhân
chính như nhu cầu sử dụng nước gia tăng, nguồn cung bị ô nhiễm và tình
trạng biến đổi khí hậu.
Cuộc khủng hoảng cận kề
Theo ước tính, con người sử dụng gần
4600 kilomet khối nước hàng năm, 70% trong số đó để phục vụ cho mục đích
nông nghiệp, 20% được tiêu thụ bởi các ngành công nghiệp, và chỉ có 10%
được tiêu thụ trực tiếp bởi con người. Như vậy, riêng việc kiểm soát
quá trình sử dụng nước trong nông nghiệp đã có thể giải quyết cuộc khủng
hoảng nước ở hầu hết các quốc gia. Một số phương pháp có thể cho phép
nông dân cắt giảm việc sử dụng nước từ 50% trở lên. Báo cáo cho rằng
ngành nông nghiệp nên tập trung vào các giải pháp truyền thống dựa vào
thiên nhiên thay vì các phương pháp hiện đại khi xử lý nước.
Theo The Guardian , trong báo cáo nghiên cứu có đoạn:
“Trong một thời gian dài, thế giới đã
dựa vào các cơ sở hạ tầng nhân tạo để cải thiện việc quản lý nước.
Phương thức này thường sẽ khiến những kiến thức truyền thống và bản
địa gắn liền với các phương pháp tiếp cận xử lý nước xanh hơn bị “cho ra
rìa”. Trước mức độ tiêu dùng tăng tốc, suy thoái môi trường và các tác
động đa dạng của biến đổi khí hậu, rõ ràng chúng ta cần những cách thức
mới để quản lý nhu cầu cạnh tranh đối với các nguồn tài nguyên nước
ngọt”.
Trong thế kỷ qua, nhu cầu tiêu dùng nước
đã gia tăng 600%. Ngày nay, sự tăng trưởng của nhu cầu này là 1% mỗi
năm. Đến năm 2050, dân số toàn cầu sẽ nhảy vọt lên 9,4 tỷ so với con số
7,7 tỷ người hiện tại. Trong số này, khoảng 4,8 tỷ đến 5,7 tỷ người sẽ
bị buộc phải sống ở những khu vực khan hiếm nước trong ít nhất một tháng
mỗi năm. Đồng thời, gần 1,6 tỷ người sẽ phải đối mặt với nguy cơ lũ
lụt.
Ô nhiễm là một vấn đề lớn khác. Mỗi con
sông lớn ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh đều bị ảnh hưởng bởi ô
nhiễm. Do các khu vực này chưa phát triển được một cách thức toàn diện
để đối phó với nước thải của các ngành nông nghiệp và công nghiệp, ô
nhiễm của các dòng sông vẫn tiếp tục gia tăng. Với việc gần 80% nước
thải đô thị và công nghiệp đang thải ra mà không được xử lý đúng cách,
một số dòng sông sẽ sớm trở nên cực kỳ ô nhiễm. Điều này sẽ ảnh hưởng
đến đa dạng sinh học ở khu vực xung quanh các con sông khi động vật
không thể tiếp cận với nước sạch.
Trao đổi với Market Watch , ông Audrey Azoulay, tổng giám đốc UNESCO, cho biết:
“Xu hướng hiện tại cho thấy khoảng hai
phần ba rừng và đất ngập nước đã bị mất hoặc suy thoái kể từ đầu thế kỷ
20. Đất đai đang bị xói mòn và suy giảm chất lượng”.
Mối đe dọa tới thế giới Ả Rập
Khu vực Bắc Phi và Trung Đông là một
trong những khu vực bị đe dọa nhiều nhất khi khan hiếm nước. Tỷ lệ bình
quân đầu người tiếp cận được nước ngọt trong khu vực chỉ bằng 10% mức
trung bình toàn cầu. Tỷ lệ này dự kiến thậm chí sẽ giảm xuống một nửa
vào năm 2050. Sa mạc hóa và biến đổi khí hậu chỉ khiến tình hình tồi tệ
hơn. Ông Jose Graziano da Silva, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và
Nông nghiệp Liên Hợp Quốc tin rằng tình trạng thiếu nước là một “vấn đề
khẩn cấp” của cả khu vực. Trao đổi với Reuters ông nói:
“Không thể tin được rằng khu vực này lại
không có một sự quản trị tốt trong lĩnh vực quản lý nước và quản lý đất
đai… [Ở Ai Cập] họ có 32 bộ trưởng. Có lẽ hầu hết trong số 32 bộ trưởng
đó, thì có tới 30 bộ trưởng đang đối phó với vấn đề nước sạch – nước là
một vấn đề lớn đối với họ. Và họ không có giải pháp nào để phối hợp một
cách hiệu quả hơn”.
Khoảng 97% lượng nước được sử dụng ở Ai
Cập đến từ con sông Nile danh tiếng. Tuy nhiên, nguồn nước đang bị ô
nhiễm nhanh chóng bởi chất thải dân dụng và nông nghiệp. Theo Liên Hợp
Quốc, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng sẽ tấn công nước này vào năm
2025. Tại Iran, nơi người dân tiêu thụ lượng nước nhiều gấp ba lần so
với mức trung bình của thế giới, cuộc khủng hoảng nước dự kiến sẽ lên
đến đỉnh điểm vào năm 2030.
Phải giảm thiểu biến đổi khí hậu
Trả lờiXóa