Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

Mẹ Đất - Chuyện Ngắn của Hà Thúc Sinh (Văn Việt )



Ngày giao mùa xuân hạ tươi sáng năm nay chúng tôi đạp xe qua rừng. Hơi lạnh đã hết mà chưa nóng. Hoa lá sẫm hơn, rắn rỏi hơn. Không gian giảm nhiều thanh khí và cúi xuống gần hơn với mùi trần tục. Người mơ mộng lẫn người lo toan ngừng nghĩ ngơi xa xôi. Họ quay về với mùi thân thể con người đang sinh hoạt trong thực tại. Họ suy nghĩ đến sự liên hệ đột nhiên gắn bó giữa nội tâm với ngoại vật cách mật thiết- sự mật thiết đến độ như cái này vốn đã là nhân của cái kia. Lạ, chính tôi cũng đâm tự hỏi sao khoảng thời gian này nó gieo vào đầu người ta lắm ý nghĩ nồng nàn. Nó mặn mòi như máu mủ, râm ran như sinh đẻ. Nhìn đâu cũng thấy mầm sống, thấy ý niệm mẹ con vuông tròn.
Cứ thế chúng tôi mỗi người một xe, vừa thong thả đạp vừa lắng nghe tiếng gió tiếng suối êm êm, tiếng chim thôi thúc, tiếng côn trùng ẩn mật, tiếng hoa khai nụ kết xoắn lấy nhau thành một giao hưởng lạ. Nhạc này tôi nghĩ mỗi năm may ra được nghe đôi lần. Vợ tôi có thai và tôi cũng có thai. Nàng thai hân hoan tôi thai hứng khởi. Chúng tôi ít đến độ gần như không trò chuyện. Chúng tôi muốn cảm nhận cho trọn khoảng thời gian hiếm hoi trong năm đang cho chúng tôi có được cảm giác tân trang cái hỏng và bồi đắp cái vơi.
Đang khi ấy có tiếng dế rúc trong túi áo khoác. Chúng tôi ghé vào lề đường. Vợ tôi xuống ngồi bên rừng. Thanh thản. Thốt nhiên tôi thấy nàng như hóa thành một ụ mối, rồi có bàn tay vô hình đẽo gọt để nàng hóa thành một quả đất. Tôi lan man nhớ đến tượng mẹ Đất của một điêu khắc gia có lần thấy trên mặt báo. Tôi lấy điện thoại khỏi túi. Có giọng bạn báo tin. Tôi bối rối. Rồi có tiếng khóc. Tôi trụy thai hứng khởi. Tôi bịt điện thoại nói cho vợ tôi biết. Nàng hơi nhíu mày, nhưng rõ là vẫn giữ nguyên được nét thỏa và vững của một mẹ Đất.
Tôi nói qua điện thoại:
“Hãy để bác đi thong dong Hiếu ơi. Dầu sao bác đã có bên cậu hơn nửa thế kỷ rồi”.
Giọng bạn tôi ai oán:
“Sao không là một thế kỷ?”
                              ***
Thế là cái chữ bé như nhân hạt mè và lớn như nhân quả đất, chữ Mẹ, lâu lắm lại có cơ hội nảy mầm trong đầu tôi. Tôi nằm xuống cỏ, không tin mình thâm cảm nghe bạn kể lể tiếp về những trang đời khi anh còn mẹ. Không có gì chứng minh tôi đã nghe bạn tôi cách nhiệt tình, vì mẹ anh tuyệt nhiên khác mẹ tôi trong ý niệm, ít ra là ngày hôm nay, trong lúc này. Thế mà tự dưng tôi đau lòng. Đau phát rớm nước mắt. Tôi nói thêm ít câu an ủi, hứa sẽ có mặt bên bạn những ngày tới, rồi tắt máy. Vợ tôi đến ngồi bên. Nàng nhìn tôi, nghĩ sao vò đầu tôi như một đứa trẻ, tay kia cố với tới một bụi cây kế cạnh.
Tôi hỏi:
“Tính gắn anh hoa trắng đấy à?”.
“Không, hoa đỏ”.
Tôi cầm lấy hoa, hỏi:
“Sao lại cái này cho người mất mẹ?”.
Nàng cười khẽ:
“Có nhất thiết hoa trắng cho người đàn ông khi trên trái đất người ấy vẫn có một người đàn bà sẵn sàng cho tấtcả?”.
Lâu lắm tôi mới nói khẽ:
“Đã năm mươi năm anh mất người đàn bà ấy rồi!”.
Vợ tôi nhìn mặt trời, bảo:
“Thôi mình về”.
Tôi biết nàng không muốn buổi sáng đẹp thế này hỏng hơn nữa trong tôi. Trên đường, tôi vừa chậm đạp vừa nhớ lại những câu đối đáp với bạn.
“Nhớ xưa mình hay ước gì không?”. Bạn tôi hỏi.
“…!?”.
“Mau chóng lớn, mau ra đời, và khi quay lại nhà mình sẽ nói với mẹ, “Giờ mẹ hãy nắm tay con, đã đến lúc con dẫn mẹ đi’”. Ôi thôi sao mình bạc ác thế hả cậu. Làm vậy khác nào mình đã manh tâm ăn bớt thanh xuân của mẹ”.
Tôi thốt xẵng giọng:
“Tôi chưa hề ăn bớt chút thanh xuân nào của mẹ tôi”.
Giọng bạn tôi ngờ vực:
“Thật đấy chứ?”.
“Thật gì?”.
“Cậu không hề ước cậu chóng lớn, cậu được tự do, cậu sẽ ra đời, và một ngày cậu sẽ quay về, sẽ nói…”.
“Không!”.
Bạn tôi đâu biết tôi mất mẹ ngày mới lên ba. Thời ấy loạn lạc chạy giặc tới lui và chỉ anh tôi giấu được một tấm ảnh căn cước của mẹ. Vì lặn lội rừng suối tấm ảnh bị ẩm mốc. Từ đó về sau  tôi chỉ thấy mẹ tôi qua một làn sương muối.
***
Ông chú họ tôi đã ngoài bảy mươi. Mấy năm gần đây ông trở thành tác nhân vài việc đáng quý và đáng hãi. Thí dụ cả đời ông có năng khiếu làm giàu, bảy mươi tự nhiên phát thêm thi tài. “Này, anh họa loạt thơ chú mới làm xem sao. Cái ông gì chủ báo bạn anh có lần ghé đây ăn giả cầy ấy nhỉ, đưa ông ấy đăng cho báo nó thêm vui mắt, cứ bảo duyên văn nghệ chú gửi…”. Thường gặp tôi, ông hay hớn hở khoe ra một mẻ thơ với lời lẽ ân cần tương tự. Nhưng cái có thể gọi đáng quý là việc ông vẽ ra đủ thứ lễ, tạo cớ ăn uống. Như trưa nay ông tụ tập con cháu đến ăn mừng tiết Lập Hạ, một cái tiết xem ra chẳng ai quan tâm, thế mà mâm nhà ông vẫn đủ cơm gà cá gỏi. Nhưng không phải ăn uống cho ông. Có tiệc tùng ông chỉ vài miếng gọi là, chứ thực thì răng, máu, sạn thận và chứng sưng chân từ lâu đã biến ông thành một ẩm thực giả hết sức đơn chiếc. Ông mô tả chính ông, “Giờ mỗi bữa chú nhai nhây nhưa, nhai nhàn nhã hệt loài nhai lại!”. Ông gạo lứt muối mè quanh năm. Chuyện ông bảo vợ mâm cao cỗ đầy chẳng qua “Để anh em chúng nó còn quẩn quanh đây có dịp gặp gỡ, con cháu chúng nó biết mặt biết tên, thoát cái thảm kịch về sau lấy lẫn nhau”.
Tôi hay đến thăm ông với hy vọng có ngày vớ được trong rừng cổ tích của ông tí gì đó, nếu không cổ quý cũng hiếm lạ, dù sứt mẻ. Nhưng khó. Vài lần ông đã lục tung tới đáy, tôi tin thế, nhưng những gì trong rương tôi thấy toàn thứ tôi có. Thí dụ cảm động thì, “Chú thương mẹ anh lắm. Chính chú đào huyệt cho bà ấy chứ ai. Đào đêm đấy. Đào ngày máy bay Tây nó đánh cho có mà bỏ mẹ”. Hoặc vớ vẩn thì, “Ngày ấy cõng anh đi chơi anh hay đái trên lưng chú”, ông nhìn vợ cười sằng sặc. “Bà biết không, quen chỗ nó làm hoài; có lần tôi mắng “Coi chừng tao ngắt cái con chim mày”, ngọng tíu ngọng tít mà nó đã biết cãi, “Ngắt chim lấy gì cháu hái”; mới ba tuổi ranh đã khôn như rận, cho nó một xu nó bảo để dành đưa bố để bố mua hạo”.
Tôi cho chú là người sướng nhất đời. Thời nào chú cũng phong lưu, có khả năng tiêu xài rộng rãi với mọi người từ tình cảm đến vật chất. Trong mắt tôi, công tâm mà nói, chú vô phương được thế nếu đời chú không luôn luôn có hai bà mẹ.
Xưa nay tôi cố tin chỗ đông vui là một ân huệ của trời. Nó có thể cứu vớt người ta khỏi vũng phiền lụy cách rất bất ngờ. Hôm nay tôi giục vợ tôi đến chú đúng hẹn, một phần vì vậy.
                                       ***
Bốn trai, năm gái, hai dâu, ba rể, sáu cháu nội ngoại, vài ba cặp họ hàng như chúng tôi, bữa cơm ồn ào vui nhộn dù nó được chia làm hai cánh phân minh. Cánh đa số với thành viên là tất cả đám con cháu do bà thím điều động, cánh kia thiểu số với thành viên duy nhất là chú do bà cụ thân sinh ra chú chỉ huy. Tôi bảo khẽ vợ tôi, “Chỉ ăn cơm nhà này mới thấy thực cảnh chế độ mẫu hệ nó sướng thế nào”. Vợ tôi bảo, “Anh muốn không?”. Tôi cười, “Để bảy mươi đã”.
Bà cụ đã gần trăm tuổi. Cụ có trí nhớ tốt hơn con trai, sự bền bỉ bếp núc không kém con dâu, và uy lực thì bao trùm. Trong mâm cơm, bà thím được mọi quyền trừ quyền trực tiếp chăm sóc chồng. Việc đó là của cụ. Cứ như nhà này đã ngồi vào mâm, trật tự chỉ còn mẹ con. Tôi lo cho con tôi. Chị lo cho các con chị. Tôi hỏi vợ tôi, “Hay đây chính là nếp sinh hoạt gia đình vốn có ở thời Trưng, Triệu?”. Vợ tôi lại cười hỏi, “Anh muốn không?”. Tôi lặp lại, “Để bảy mươi đã”.
“Đây miếng này, miếng ấy nhiều mỡ!”. Nhìn bàn tay nhăn nheo của cụ mẹ chặn trên bàn nhăn nheo không kém của cụ con, tôi vừa ăn vừa hưởng một cảm nhận kỳ diệu.
Tôi không nhớ tôi vui từ lúc nào.
Ngoài sân thốt có tiếng la, “Bà ơi, Mẹ ơi, con Vện nó đẻ rồi!”. Thế là đám đàn bà con nít ùa hết cả ra. Phía sau nhà để xe ồn lên như cái chợ. Có giọng ngạc nhiên của bà Thím, “Ôi, sao đẻ được mỗi một con thế này? Ấy ấy, sao nó tha con bỏ chạy thế kia. Vện Vện Vện… Mấy đứa chặn nó lại cho mẹ!”. Giọng lũ trẻ nhao nhao. Giọng bà cụ hốt hoảng, “Chó đẻ mà chặn cái gì. Nó cắn chết bây giờ. Mấy đứa bé xích ra!”.
Tội nghiệp con chó già đã long răng còn nhẹ dạ đến phải chửa, đẻ được một con thì lại chết. Thấy người bu đông, sợ mất con nó tha chạy ra vườn tìm chỗ trốn. Phải lát lâu nó mới chịu chui vào một xó kẹt nằm im, nhưng xác con thì quyết không nhả. Hai người đàn bà thay nhau dỗ danh. Bà cụ nói, “Thôi cho cụ xin, để cụ chôn cất con mày tử tế  Vện nhá!”. Bà thím cùng một giọng, “Thôi cho bà xin, lần sau đẻ con khỏe bà cho nuôi Vện nhá!”.
Tôi bâng khuâng đứng nhìn sự năn nỉ kiên nhẫn của hai trái tim Mẹ người với một trái tim Mẹ gia súc. Tôi đã hiểu vì đâu bạn tôi trẻ con đến thế khi anh mất mẹ.
Tôi không nhớ tôi buồn trở lại từ lúc nào.
                  ***
Ông chú họ ra đứng bên tôi, khó chịu nhìn hiện cảnh. Ông bảo, “Vớ vẩn, đàn bà vớ vẩn!”. Không nói nhưng tôi vẫn cười thầm, “Chú mà lại không  có cái vớ vẩn ấy!”. Bất giác ông quát lớn, “Vện!”. Tiếng quát làm tất cả giật mình, và con Vện nhả ngay xác con nó ra, lấm lét nhìn ông chủ nó biết vốn không ưa nó.
Ông gắt:
“Đã bảo đem vào sở chó cho nó hóa kiếp, cứ cãi”.
Thế là vợ con ông nhao nhao lên:
“Trời ơi bố làm nó sợ”.
“Nó mới chết con, tội nghiệp bố ơi”.
“Ông la gì dữ vậy, hết cả hồn”.
Ông không kịp phản ứng trước những lời phàn nàn, vì cụ bà đã ngoái ngay lại nhìn cụ con, mắng khẽ, “Phát xít, bảo mãi vẫn không chừa cái thói phát xít”.
Đã xế chiều. Tôi ra sân trước đứng nhìn những quả mận quả đào thời mưng sữa, và lòng tôi cũng mưng lên một cảm trạng chưa từng. Tôi ngước nhìn trời mây, tự hỏi có không những bà Mẹ trên các thiên thể xa xôi? Mà giá có, tôi nghĩ, liệu họ có sở hữu cơn địa chấn tâm hồn cho lũ con như những bà Mẹ đất- thực thể duy nhất cho đời ta có được cảm giác lúc đầy sẽ hơn ngọn, vơi sẽ hơn đáy; có sẽ vô biên hạnh phúc không sẽ mãi mãi hẩm hiu. Tôi suy nghĩ mông lung lắm, và vì thế vẫn cứ hy vọng cái ý tưởng chua chát mới nảy ra trong đầu là có thể sai: Không có cảnh thần tiên đầy đặn nào bù trám được cái ta không thực có trong lòng. 
Vợ tôi đang tiếp tay thanh toán những chồng bát đĩa trong bếp. Tôi quyết định tạm rời khỏi đây. Nghĩ những giọt nước mắt của bạn chưa chừng lúc này xoa dịu được cơn đau của tôi, nhưng tôi rùng mình. Hồn tôi đang lên cơn dài. Tôi sợ ướt. Tôi cần một phương thuốc khác. Tôi đạp xe trở lại khu rừng. Nhưng đâu hết rồi! Tôi không thấy nữa bầu trời ấm áp, không thấy nữa mầu sẫm xanh, không thấy nữa sự gắn bó mật thiết giữa nội tâm và ngoại vật, không thấy nữa những dấu tích các cảm nghĩ no tròn, không thấy nữa chính tôi trong một ngày giao mùa tươi sáng.
Tôi chỉ thấy cái bóng của tôi đang chạy như vô đích trên một mặt phẳng hoang vu.

1 nhận xét:

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...