Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

PHẢI CẨN NGÔN CẨN HANH


Ngôn là lời nói phát ra từ cửa miệng hay truyền qua giấy bút do suy nghĩ mà viết ra.
         Ngôn luận của một người thể hiện sự hàm dưỡng của bản thân người ấy. Cẩn ngôn nghĩa là nói năng phải cẩn trọng, lời quan trọng phải nghĩ thật kỹ ngẫm thật sâu mới nói ra miệng. Không nói lời làm tổn thương tới người khác, không nói chuyện chẳng thể vói tới. Lời nói ắt phải có chữ TÍN, phải làm được mới hay, nếu không thà rằng đừng nói.

       Cách bạn đối đãi với người khác thể hiện sự hàm dưỡng của bạn. Những lời đàm luận không có trách nhiệm hay những lời khen ngợi tán dương tuỳ tiện sẽ khiến bạn thất tín, hại mình hại người.

      Trong “Luận Ngữ – Vi Chính” có chép rằng: Tử Cống hỏi Khổng Tử làm thế nào mới có thể trở thành một người quân tử. Khổng Tử bảo rằng: “Tiên hành kỳ ngôn, nhi hậu tòng chi”, nghĩa là hãy thực hiện trước khi nói, khi công việc hoàn tất rồi hãy nói.

       Làm người cần cố gắng giữ được ngôn hành đồng nhất, tâm khẩu như một. Người có thể quản được cái miệng của mình ắt là bậc trí huệ. Bệnh từ miệng mà vào, hoạ từ miệng mà ra, lời đã nói ra như mũi tên đã bắn, chẳng thể thu hồi lại được. Vậy nên suy nghĩ thật kỹ rồi mới nói, xem lời nào nên nói, lời nào không.

       Người có nội tâm phong phú thường trầm ổn. Những người thích ca ngợi tán tụng người khác lên mây thường là người không có nội hàm. Vậy nên CẨN NGÔN là một cách thể hiện học thức và tầm nhìn của bản thân.

       Một người biết cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, sẽ không động một chút là nói tôi thế nọ tôi thế kia, như vậy sẽ bất cẩn bộc lộ ra hư vinh và sự tự ti của bạn. Lại càng không nên chỉ trích người khác quá nhiều, nói lắm ắt lỡ lời, những lời đàm luận thô tục chỉ chứng tỏ sự nông cạn của bản thân mình mà thôi.

       Trong cuộc sống, chúng ta sẽ thường gặp một số người không ngừng oán trách. Họ oán trách cuộc sống chẳng như ý, oán trách người khác đối xử với mình không tốt, oán trách số phận bất công, hễ gặp ai cũng than vãn không dứt. Kỳ thực người đó không chỉ không ước chế được cảm xúc tiêu cực của mình, mà còn khiến nó trở thành một gánh nặng với người khác. Mỗi người đều có một quỹ đạo cuộc sống, đều sẽ gặp phải những phiền muộn, hà tất cứ phải thở than? Chẳng ai có nghĩa vụ thay bạn gánh vác bất cứ điều gì. Vậy nên, bạn có quyền kể lể với người khác để xoa dịu áp lực của bản thân. Nhưng nhiều khi giữ im lặng cũng là một quá trình tự mình hàm dưỡng và lắng đọng. Nếu tấm lòng bạn đủ thoáng đãng hà tất phải nói lời oán trách làm chi? Biển có thể dung nạp trăm sông, nên sức chứa mới rộng lớn như vậy.

       Tục ngữ có câu: “Thiện ngôn một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”, sẽ có một số người cả ngày chuyên bới lông tìm vết, đổi trắng thay đen, khiến mọi chuyện trong nội bộ, tổ chức rối tung cả lên. Họ chỉ e thiên hạ không loạn thì chẳng có trò vui. Người như vậy thường khiến người khác phải tránh xa. Bởi vì những lời bàn luận không phù hợp, những cách nói chẳng hợp thời, đôi khi giống như mũi dao găm vô tình làm người khác bị thương.

       Cẩn ngôn còn thể hiện khi bạn tranh luận với người khác. Nếu có thể lấy thiện làm gốc, đừng làm tổn thương tới bản thân, cũng đừng cố tình làm tổn thương tới người khác, thì đã là cẩn ngôn rồi.

       Đôi khi, một lời khích lệ của bạn có thể khơi dậy khả năng tiềm ẩn của một ai đó, một câu thiện lành của bạn thậm chí có thể thay đổi số phận của một con người. Nếu trong nội tâm mỗi người đều gieo xuống hạt giống lương thiện và từ bi, vậy thì sinh mệnh của chúng ta sẽ như gió mát vây quanh, mỗi bước chân đi như hoa sen nở rộ.

       Những người thích nhìn vào sở trường của người khác và biết cách tán dương người khác, ở gần họ bạn cũng sẽ cảm thấy ấm áp. Lời nói, cử chỉ thiện lương như những tia nắng, chiếu sáng bản thân, cũng khiến người khác rạng ngời.

       Con người sống trên đời đâu nhất định cứ phải vì một ý nghĩa lớn lao nào đó. Hãy nỗ lực làm một người tốt, dốc toàn lực hoà nhập với mọi người, không ngừng tu dưỡng, mở rộng tầm nhìn và sức dung chứa của bản thân. Không lo phiền vì chuyện vặt vãnh, không so đo tính toán vì việc nhỏ nhặt, thời thời khắc khắc luôn chú ý lời nói và hành vi của bản thân mình. Nói năng cẩn thận, làm việc thiết thực, thì sẽ được người khác yêu mến mà bản thân lại vui vẻ, hạnh phúc.

      (Theo THIÊN CẦM trong Sound of Hope)

       Ngôn theo Hán ngữ là là nói, tự mình nói ra; Đáp hay thuật lại là Ngữ. Ngôn ngữ là nói ra đáp lại.

       Ta cũng nhớ các câu châm ngôn nổi tiếng như:

      -  “Tiếng nói là hơi thở của tâm hồn. (Pythagore)”.

      - “Tạo hóa phú cho ta hai tai một miệng là có ý dạy ta nên nghe nhiều nói ít.” (Zénon).

      - “Nếu trái tim bạn là một đóa hồng, miệng bạn sẽ thốt ra những lời ngát hương”.  (Ngạn ngữ Anh)

       Những câu ý nghĩa trên hằng nhắc ta phải cẩn thận sử dụng ngôn từ phải đúng lúc, chính xác và có mục đích tốt, chứ không phải thích gì nói nấy.

       Nói là một năng lực, nhưng im lặng lại là trí huệ. Chúng ta mất 3 năm để học nói nhưng phải mất cả đời để học cách ngậm miệng. Bởi “Lưỡi là gốc của lợi hại, miệng là cửa của họa phúc”, một người sáng suốt sẽ học cách ngậm miệng, nói chuyện có chừng mực, tâm ắt có đường đi. Trong cuộc đời, mỗi người không chỉ cần làm việc thiện mà còn phải học cách nói lời thiện. Lời nói và việc làm phải hòa hợp ăn khớp nhau. Bởi nếu không chú ý, rất có thể sẽ nhất thời thỏa cái miệng mà chịu cái họa diệt thân. Lợi hay hại, họa hay phúc của đời người, đôi khi lại do lời nói của bản thân quyết định.

      Trong cửa Đạo lại càng phải cẩn ngôn cẩn hạnh hơn nơi đâu khác và giữ lời nói sao cho thơm tho như hương thơm của đóa hồng. Tại sao? Vì cửa Đạo là nơi luôn bàng bạc những Chơn linh đang cùng với chúng ta tu học, nơi luôn phãng phất ân điển Thiêng liêng. Một lời nói sai, nói thêu dệt, chuyện không tạo ra có, chuyện có lại bóp méo cho sai để hãm hại người hiền vì tự ái cá nhân thì không thể tránh khỏi sự trừng phạt của Thiêng liêng. Tu nhiều và tu lâu thì lại càng nói ít, khi nói phải thật chính xác, và chỉ có mục đích tốt đẹp là xây dựng chứ không nên mạ lỵ, làm giãm giá trị người khác, để tôn vinh mình lên cho cao thì lại càng không nên làm trong cửa Đạo.

      Trong Ngũ Giới Cấm của Đạo Cao Đài có điều cấm thứ 5 là “Bất Vọng Ngữ”:
      “Là cấm:
     Xảo trá, láo xược, gạt người khoe mình, bày lỗi người, chuyện quấy nói phải, Chuyện phải thêu dệt ra quấy, nhạo báng chê bai, nói hành kẻ khác.
     Xúi giục người hờn giận, kiện thưa xa cách,
     Ăn nói lỗ mảng thô tục, chửi rủa người,
     Hủy báng Tôn Giáo,
     Nói ra không giữ lời hứa.”

      Trong Đàn cơ năm Mậu Thìn (1928) Đức CHÍ TÔN đã dạy: “Thầy đã nói rằng nơi thân phàm các con, mỗi đứa Thầy đều cho một Chơn linh gìn giữ cái chơn mạng sanh tồn. Thầy tưởng chẳng cần nói, các con cũng hiểu rõ rằng: đấng Chơn linh ấy vốn vô tư, mà lại đặng phép giao thông cùng cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật và các Đấng trọn lành nơi Ngọc Hư Cung, nhứt nhứt điều lành và việc dữ đều ghi chép không sai, đặng dâng cho Tòa phán xét, bởi vậy nên một mảy không qua, dữ lành đều có trả; lại nữa, các Chơn linh ấy, tánh Thánh nơi mình đã chẳng phải giữ gìn các con mà thôi, mà con dạy dỗ các con, thường nghe đời gọi là “lộn lương tâm” là đó.
      Bởi vậy Chư Hiền, chư Thánh Nho nói rằng: “Khi nhơn tức khi tâm”, “Hoạch tội ư thiên, vô sở đảo dã”.    
      Như các con nói dối, trước chưa dối với người, thì các con đã nói dối với Lương tâm, tức là Chơn linh.   
      Thầy đã nói Chơn linh ấy đem nạp vào Tòa phán xét từ lời nói của các con, dầu những lời nói ấy không thiệt hành mặc dầu, chớ tội hình cũng đồng một thể.

     Nơi Tòa phán xét, chẳng một lời nói vô ích mà bỏ, nên Thầy dạy các con phải cẩn ngôn, cẩn hạnh, thà là các con làm tội mà chịu tội cho đành, hơn là các con nói tội mà phải mang trọng hình đồng thể.    
     Các con khá nhớ! 

     THĂNG”.

(Trích Đàn Cơ năm Mậu Thìn -1928)

      Nhìn lại sinh hoạt Đạo sự hàng ngày đã và đang diễn ra, chúng ta thấy nhiều người quanh năm suốt tháng ít khi thấy đi cúng. Mỗi khi nghe có việc gì lộn xộn xãy ra nơi Cơ sở Đạo, nơi này nơi kia khi chẳng biết hư thực ra sao, tốt xấu thế nào ngồi ở nhà vội vàng viết lời chê trách, phỉ báng, kết tội các bạn đồng môn của mình đã ngày đêm, quanh năm suốt tháng, lo cho mối Đạo của Thầy Mẹ. Hoặc thỉnh thoãng đến cúng, nhìn thấy việc nầy điều kia không đúng ý mình cũng chê trách, biếm nhẽ không tiếc lời, thay vì nói nhỏ góp ý, phụ lực cùng bạn đạo của mình. Bởi vậy có câu nói từ xưa: “Người trí thức nói ít nghe nhiều. Kẻ tiểu nhân nói nhiều làm ít”nghĩ ra nghe thắm thía làm sao!

       Một thí dụ khác: Khi nghe tin buồn, một Chức sắc Thiên phong, một Hiền Tài, một Chức việc khi mất làm lễ tang bạt tiến, không cần hỏi thăm tìm hiểu hư thực ra sao, có vị đã hấp tấp vội vàng thốt lời phê phán “Chức sắc, Hiền Tài, Chức việc mà chay lạt không đủ sẽ xuống Phong đô. Thật tệ!” Họ có biết đâu các vị đó trong lúc sống chay lạt giữ đúng luật Đạo. Nhưng khi bịnh con cái nghe theo lời bác sĩ cho ăn mặn để “đủ sức khỏe trị bịnh”. Họ đang mê man không còn mẫn huệ để tự quyết định lối sống theo Đạo của riêng mình. Ăn chay cả đời mà ăn mặn chỉ đôi ngày rồi đã ra đi. Đáng thương cho họ sao lại hồ đồ trách móc vô trách nhiệm vậy? Mong vị nào đó hãy suy nghĩ lại mà xem!

       Còn nữa, nhiều người theo Đạo rất mực trung kiên, chay lạt gìn giữ trọn vẹn, nhưng khi mất các con cái và gia đình, một số chưa theo Đạo hay đã theo Đạo khác, quyết định làm tang lễ cho người mất theo Đạo Phật, Công giáo hay Tin lành vì thành viên trong gia đình đã có theo Đạo nầy. Đó là quyết định riêng tư của gia đình người mất. Cơ sở Đạo địa phương cố gắng giúp đỡ nhưng gia đình đã quyết định, Chức sắc Chức việc có thẫm quyền ở địa phương phải nghe theo. Nhiều vị ở xa không am tường sự việc. Thay vì thăm hỏi, tìm hiểu để giúp đỡ thì lại dám lớn tiếng viết bài chỉ trích, kết tội cho Hành Chánh Đạo địa phương, còn kết tội luôn các Chức sắc, Chức việc và đồng đạo địa phương kể cả tổ chức Ban Thế Đạo, Điện Thờ Phật Mẫu địa phương không có liên quan gì đến việc tổ chức tang lễ. Làm như vậy là thiếu trách nhiệm, vì không giúp đỡ gì được cho Hành Chánh Đạo. Thật là quá đáng và vi phạm tội “Phát ngôn bừa bãi”. Cũng do cái miệng không lo uốn nắn trước khi phát ngôn mà ra cả. Thật là tội lỗi cần phải Sám hối.

       Trong bài kinh Sám Hối của đạo Cao Đài, là một bài kinh dạy về nhơn quả, đã để lời khuyên chúng sanh phải kiêng sợ quả báo mà cải quá tự tâm, là mục đích quan trọng trong giáo pháp Cao Đài.

       Trong các kinh điển thường có câu: Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả. Bồ Tát là bậc giác ngộ cho nên không dám tạo nhân, còn chúng sanh vì không sáng suốt cho nên chỉ khi nào quả khổ hiện ra mới lo sợ, chứ trong lúc gây nhân khổ thì chẳng nhận thấy.

      Gây nhân khổ thì tất phải chịu quả khổ;

      Tạo duyên lành thì tất phải hưởng nghiệp lành. Trong cái nghiệp lớn lao tạo ra đó có cái NGHIỆP TẠO NGÔN DỮ, LỜI ÁC đó vậy. Mong sao anh chị em chúng ta hãy rán nhắc nhỡ, giúp đỡ nhau: luôn nhớ và thi hành thì tốt hơn là khi đã phạm rồi tụng kinh Sám Hối sợ rằng đã quá trể chăng?

       Luật nhơn quả, cũng là mục đích khuyên dạy người đời của các Đấng Thiêng Liêng.

       Chúng ta phải thật thận trọng CẨN NGÔN, gìn giữ ngôn từ trong lúc theo Đạo. Đó cũng là cách tạo cái nhân để hưởng cái quả tốt cho đời cuộc ta vậy.

       Để kết thúc bài viết, kính xin nhắc lại Điều thứ 2 trong “Mười điều khuyến tu của Đức Chí Tôn” dạy các con cái của Ngài:

      ĐIỀU THỨ HAI: Thầy trông đệ tử:
      Tình bạn bè phải giữ thủy chung.
      Luôn luôn tha thứ khoan dung,
      Nói năng nhỏ nhẹ chớ dùng lời thô.
      Dìu dẫn nhau điểm tô công quả,
      Phải thật tình với cả chung quanh.
      Thiệt thòi cam chịu đã đành,
      Vô vi phẩm vị Thầy dành cho con.

                                                                           *

Hồ Xưa sưu tầm và viết lại______________________________________


1 nhận xét:

HỒN XUÂN MUỘN - Thơ Tranh Ngọc Ánh