Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

Bí mật chữ 'Ký' ở những tiệm mì Tàu danh tiếng khiến người Sài Gòn luôn thắc mắc

Nhiều người vẫn thắc mắc, 'ký' trong 'Hải Ký Mì Gia', 'Lương Ký Mì Gia', 'Bồi Ký Mì Gia',... có nghĩa gì? Vì sao 10 quán ăn gốc Hoa bắt gặp ở TP.HCM đã có... 9 quán đề chữ 'ký' trong biển hiệu?
Chữ "ký" xuất hiện trong hầu hết những biển hiệu quán mì người Hoa - Ảnh: NVCC
“Ký” có phải là ghi chép?
Trước năm 1975, không riêng gì đất Sài Gòn, ẩm thực người Hoa gần như có mặt khắp các đô thị miền Nam. Nhiều trong số đó là món mì Tàu trứ danh. Trước món bánh mì du nhập từ Pháp, do gốc dân ta không có các loại thực phẩm chế biến từ bột mì, nên việc thưởng thức sợi mì Tàu thơm ngon sớm trở thành thói quen.
Tạm bỏ qua chuyện công thức làm sợi mì bí truyền của từng hiệu mì đã được bàn luận nhiều, còn một chuyện vẫn khiến rất nhiều người thắc mắc: Vì sao 10 tiệm mì gốc Hoa đã có 9 tiệm lấy chữ “ký” đặt trên bảng hiệu của mình?
Hải Ký Mì Gia, một trong những tiệm mì lâu đời nổi tiếng ở TP.HCM - Ảnh: HOÀI NHÂN
Hình ảnh quen thuộc của những cửa tiệm bán mì, hủ tiếu, chè gốc Hoa là một chiếc xe trang trí bằng tranh kiếng màu, vẽ cảnh tuồng tích, bên trên đề tên bằng tiếng Hoa - Ảnh: HOÀI NHÂN
Không khó để bắt gặp ở Sài Gòn, nhất là những “khu người Hoa” như Chợ Lớn, những xe mì đóng bằng gỗ, trang trí bằng tranh kiếng màu, tranh vẽ cảnh tuồng tích thời Đông Chu Liệt Quốc và Tam Quốc Chí. Trên những tấm biển hiệu ngả màu thời gian (cả các biển hiệu đã được sửa sang hiện đại) có đề Bồi Ký Mì Gia, Thiệu Ký Mì Gia, Hải Ký Mì Gia, Huê Ký Mì Gia… bằng chữ Việt, có kèm chữ Hoa.
Theo nhiều người gốc Hoa ở Sài Gòn, “mì gia” được hiểu đơn giản chỉ là “tiệm mì”, “nhà làm mì”, “mì gia truyền”. Ý muốn khẳng định món mì ngon do tự tay những người trong nhà làm, bằng công thức truyền từ đời này sang đời khác. Vậy còn chữ “ký” thì sao?
Ông Trương Hào Nhiên (60 tuổi, ngụ Q.5), một người gốc Hoa đến TP.HCM sinh sống từ thập niên 80, cho rằng: “Trong những cửa tiệm của người Hoa xưa thường có bàn toán với một quyển sổ ghi chép, nên chữ “ký” với ý nghĩa “ghi chép” dần trở nên quen thuộc. Mặt khác, “ký” cũng có thể hiểu là “nhớ”. Nếu tôi đi ăn, tôi cũng cảm thấy những cửa tiệm có chữ ký là chủ quán muốn khách nhớ đến cửa tiệm “Phúc Ký”, “Trương Ký” gì đó của họ”.
Vấn đề này cũng được các chủ quán mì người Hoa lâu năm nhất ở Sài Gòn giải thích một cách không đồng nhất. Nhiều chủ quán cho rằng, việc đặt tên “ký mì gia” đã trở thành một thói quen từ những thế hệ trước. Nó như một dấu hiệu nhận biết riêng biệt của các hiệu mì Hoa gia truyền.
Nằm khuất trong con hẻm nhỏ trên đường Lê Đại Hành (đoạn 1 chiều) khá khó tìm, nhưng Thiệu Ký Mì Gia vẫn trứ danh ở Q.11, thu hút đông đúc thực khách mỗi ngàyHOÀI NHÂN
Mỗi quán hủ tíu, mì Hoa gia truyền lại giữ cho mình một công thức mùi vị và một cái tên riêng - Ảnh: HOÀI NHÂN
Trước 'ký' là tên riêng hoặc từ mang ý nghĩa tốt đẹp
Trên đường Nguyễn Trãi (Q.5) có một tiệm mì gốc Hoa tuổi đời trên dưới nửa thế kỷ tên Hải Ký Mì Gia. Theo anh Dương Chí Hào, “hậu duệ” đời thứ ba của tiệm mì, thì Hải Ký Mì Gia do ông ngoại anh, vốn là người gốc Hoa, mở bán trên đường Lacaze (nay là đường Nguyễn Tri Phương) từ trước năm 1975, sau mới dời sang Nguyễn Trãi.
“Bấy giờ, ông ngoại tôi mở tiệm mì cùng với một người bạn tên Hải, thì tiệm mì được đặt theo tên người này. Tên hàng ăn người Hoa chúng tôi thường lấy tên hoặc họ của người bán, cũng có thể là người thân trong gia đình, giống như cách đặt tên hàng quán của người Việt thôi. Nhưng có một công thức chung là “ký mì gia” nằm sau tên đó. Chữ “ký” hàm ý như danh dự, tức khẳng định một cửa tiệm làm ăn uy tín”, anh Hào cho hay.
Quán Hải Ký Mì Gia ngày càng đông đúc, chủ quán phải mua thêm căn nhà kế bên quán cũ để mở rộng không gian phục vụ - Ảnh: HOÀI NHÂN
Anh Mành, chủ quán đời thứ ba của Lương Ký Mì Gia (Q.Bình Thạnh), cũng kể lại rằng: “Ông tôi đã mở bán món Hoa ở Sài Gòn từ trước năm 1975. Sau nhiều biến động thời cuộc thì phải nghỉ, cho đến năm 1986 anh em tôi mới mở bán lại món mì và quán được đặt theo tên anh cả tôi là Lương. Còn “ký” nói nôm na là "dấu hiệu", là "hiệu", tức hiệu mì nhà tự làm tên là Lương, vậy thôi”.
Lương Ký Mì Gia nổi tiếng ở Thị Nghè được đặt theo tên con trai cả của người mở bán - Ảnh: THIÊN AN
Còn anh Du Tiến, chủ quán Mì vịt tiềm Du Ký, cho biết, món ăn này được anh kế nghiệp từ dì người gốc Phúc Kiến, mở bán được hơn 40 năm ở Q.Bình Thạnh. Đến năm 2016, anh mới xây dựng nên một thương hiệu mì vịt tiềm đàng hoàng lấy tên là Du Ký.
“Du" vừa là chữ lót tên mình, vừa là tên con mình là Trần Tiến Du. Nhưng sở dĩ mình thích chữ “Du” vì hàm nghĩa của nó là sự đi khắp nơi. Cũng nhờ cái tên này mà trong 3 năm, mình đã mở được 3 chi nhánh khắp TP.HCM. Mình cũng mong muốn món mì gia truyền sẽ tiếp tục “du” xa hơn nữa, cho nhiều người biết đến. Đôi khi tên quán nằm trước chữ “ký” cũng là một sự kỳ vọng của người chủ quán, như "Phúc Ký", "Phát Ký", mang lại may mắn cho quán ăn nên làm ra”, anh Tiến chia sẻ.
 Giải thích về từ “ký” trong tên các tiệm bán hàng của người Hoa, PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh (Khoa Văn học, trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) cho biết: “Trong một bài giải đáp của học giả An Chi trên báo, vị này đã có cách giải thích rất thuyết phục. Theo đó, sau khi tìm hiểu từ những người gốc Hoa, từ “ký” lộ ra rất nhiều nghĩa, và hiểu là dấu ấn, nhớ, danh dự, dấu hiệu đều có lý. Nhưng cuối cùng thì ông cũng tóm lại cách giải thích khoa học nhất:
“Mathews’ Chinese – English Dictionary đối dịch Ký là a sign, a mark và Ký hiệu là trade-mark. Trade-mark, chẳng phải gì khác hơn là nhãn hiệu, thương hiệu.
Vậy cái là nghĩa gốc chính xác của chữ Ký trong Tường Ký, Chánh Ký, v.v… chẳng qua chỉ là “hiệu”. Chính vì thế nên chủ một số cửa hàng người Hoa mới đặt bảng hiệu của mình bằng một danh ngữ mà “ký” là trung tâm (đứng cuối) còn đứng trước là một trong những chữ dùng làm tên riêng cho cửa hàng của mình”. (Trích Sài Gòn Giải Phóng Online, đăng ngày 16.08.2016)”.
Ngoài ra, PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh cũng phân tích thêm từ “mì”. Đây là một từ xuất phát từ tiếng Trung Quốc phiên âm ra, nhưng người Việt đã Việt hóa nó. Trung Quốc cũng còn nhiều từ khác để gọi mì như: mi (âm cổ), mìan (âm hiện đại).
“Trong cấu trúc của từ “mì gia” thì “mì” là từ Hán Việt. Thế nhưng nếu nói “tiệm mì” cũng được, và lúc đó “mì” lại trở thành từ thuần Việt. Ví dụ với từ thuần Việt “cơm”, người ta nói “tiệm cơm” chứ không ai nói “cơm gia”. Riêng từ “mì” lại đặc biệt vì được hiểu theo cả 2 nghĩa thuần Việt lẫn Hán Việt”, PGS.TS cho hay.
Hoài Nhân
(Hoa Huỳnh chuyển)

1 nhận xét:

HỒN XUÂN MUỘN - Thơ Tranh Ngọc Ánh