Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2019

Cậu bé nhảy cầu tự tử: Khi mẹ là bầu trời nhưng trời lại giáng bão giông

Kỳ vọng của cha mẹ là thứ áp lực ngột ngạt nhưng lại được bao biện bằng cái lý không thể chính đáng hơn: Vì muốn tốt cho con!
Có vẻ người lớn đang sai rồi, họ biến trách nhiệm thành quyền lực tuyệt đối với con trẻ. Để rồi với quyền lực của mình, họ áp đặt thứ kỳ vọng ngột ngạt lên con cái. Mong mỏi muốn tốt cho con đã trở thành sự ích kỷ, mà cuối cùng, liệu đó có phải chỉ vì muốn tốt cho bản thân mình hay không?
Câu chuyện về những đứa con tự tử vì áp lực điểm số, vì áp lực học hành hay đơn giản chỉ là do mâu thuẫn với cha mẹ luôn để lại sự ám ảnh và nỗi đau. Vụ việc nam sinh Trung Quốc nhảy cầu ngay trước mặt mẹ mình đang gây được sự chú ý hơn nữa của cộng đồng mạng tại Việt Nam. Đoạn video lưu lại một phút nghẹt thở ấy có tác động trực tiếp và gây sốc hơn hẳn so với những dòng tin tức ghi lại vụ việc tương tự trước đó.
Tối ngày 17 tháng 4, trên cây cầu bắc qua sông Hoàng Phố có một chiếc ô tô bất động giữa dòng xe cộ đông như mắc cửi. Người mẹ mở cửa và đứng ngay giữa cầu nhìn vào chiếc xe như nói gì đó với cậu con trai đang ngồi ở hàng ghế sau. Sau đó bà trở lên ghế lái, nhưng chiếc xe vẫn không dịch chuyển. Vài giây sau, cậu thiếu niên mở cửa xe và chạy ào về phía lan can, gieo mình xuống bóng tối tịch mịch. Người mẹ đuổi theo nhưng không kịp, bà ngồi sụp xuống mép cầu trong nỗi đau đớn tuyệt vọng, liên tục đập tay xuống đất và kêu gào. Con trai bà… đã mãi mãi ở lại tuổi 17…
Chứng kiến một sinh mệnh kết thúc trong vòng 5 giây hành động không chút lấn cấn, chứng kiến một người mẹ sụp đổ, một người con ra đi trong trạng thái phẫn uất đến bế tắc… đó là bi kịch đầy ám ảnh mà chúng ta chẳng nỡ trách cứ ai, bởi họ đều là nạn nhân. Nạn nhân của thế giới quan chật hẹp của chính mình.

(Ảnh chụp từ video)

Nhưng nếu để rút ra bài học, thì chính người lớn mới là bên cần học hỏi nhiều hơn, bởi họ không những phải chịu trách nhiệm với hành động của bản thân mà còn với suy nghĩ và hành động của chính con cái mình.
Đa phần những kỳ vọng của chúng ta đối với con cái đều ẩn chứa ít nhiều sự ích kỷ trong đó. Bắt đầu từ việc mong mỏi giới tính của con khi con mới chỉ là giọt máu trong bụng mẹ. Dù chỉ là hình dung rằng nếu là con gái thì nó sẽ xinh đẹp, dịu dàng ra sao, sẽ chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, sẽ tình cảm hơn con trai như thế nào. Hay nếu là con trai thì nó sẽ giỏi giang, làm chỗ dựa cho cha mẹ lúc về già ra làm sao. Chẳng phải đó đều là vì lợi ích của bản thân ở trong đó: Chúng ta muốn được nở mày nở mặt, được yên tâm và hãnh diện, được phụng dưỡng và đáp đền…
Hoặc với mong muốn có vẻ như không hề ích kỷ: Rằng để con sau này bớt khổ, ta phải rèn giũa nó theo cách ta muốn từ bây giờ. Đó là một suy nghĩ hợp lý và có trách nhiệm, nhưng vẫn cần phải xét tới khái niệm “khổ” mà bạn quan niệm là gì. Nếu bạn cho rằng cuộc đời ít thành công, ít tiền bạc, không quyền lực, khó lập gia đình… là khổ, thì có khi con bạn lại thấy việc phải cố gắng quá nhiều đến mức cố chấp, bon chen và tham lam mới là khổ. Kỳ vọng của ta chính là do ham muốn của ta, áp lực lên người khác dựa trên ham muốn của bản thân thì đều là vô lý và thiếu công bằng.
Trong cuốn sách “Con là khách quý”, tác giả Kẩm Nhung đã trích dẫn một câu nói của Joan Ryan như sau:
Làm mẹ là nuôi dạy và yêu thương đứa con mà bạn có, chứ không phải mong đợi có đứa con mà bạn ao ước. Làm mẹ là chấp nhận đứa con bạn đã sinh ra. Và, nếu bạn may mắn, đứa bé có thể chính là người thầy, giúp bạn tìm thấy chính mình.
Bởi nuôi dạy một con người chính là hành trình học hỏi và khám phá liên tục. Có khi chỉ một câu hỏi, một câu nói ngây ngô của con, bạn sẽ buộc phải suy nghĩ rất nghiêm túc và nhận ra bài học nhân sinh sâu sắc mà bấy lâu bạn không hề để ý. Đó là cách bạn hoàn thiện bản thân nhờ thế giới quan trong sáng và ngây thơ của con trẻ.

(Ảnh minh họa: topsimages.com)

Có câu chuyện kể rằng một bà mẹ yêu cầu con gái mình đem cho các bạn trẻ kém may mắn hơn một món đồ của bé. Cô cứ nghĩ rằng bé sẽ đem cho những món đồ cũ kỹ, giống như cách suy nghĩ thông thường của người lớn chúng ta. Nhưng khi cô bé đem cho con búp bê mình yêu thích nhất, người mẹ đã nhận được một bài học về sự vị tha “đối đãi với người như đối với bản thân” của cô con gái.
Thế nên dạy con cũng cần một sự khiêm nhường và cầu thị. Đừng đặt mình lên trên con và biến trách nhiệm thành quyền lực tuyệt đối mà áp đặt hết thảy. Chúng ta ai cũng từng là trẻ thơ, nhưng lại quên mất điều ấy để rồi đánh rơi nhiều thứ trên đường đời của mình. Nhưng trẻ em, chúng chưa bao giờ là người lớn, chúng tinh khiết đủ để soi sáng cho chúng ta.
Nuôi dạy một con người là chỉ nên nói tới trách nhiệm, đừng nói tới kỳ vọng. Bạn sẽ chẳng thể và cũng chẳng cần đòi hỏi về sự đền đáp, bởi với cách giáo dục đúng đắn, con bạn sẽ thành người tử tế và tất sẽ biết ơn, sẽ sống tốt và phụng dưỡng cha mẹ. Đó là thành quả của công trình giáo dục của bạn, vậy nên nếu không đạt được cũng đừng đổ lỗi cho con, vì đó chính là thất bại của người làm cha mẹ.
Những gì chúng ta có thể làm là dạy cho đứa trẻ biết cách sống tự lập, tử tế và kiên cường. Tất cả những kỳ vọng chỉ là dựa trên quan niệm của riêng ta, là sự vị tư trong khi ta vô tình gạt bỏ cảm nhận cũng như cách suy nghĩ của con trẻ. Và khi kỳ vọng của bạn không phù hợp với con, đó sẽ là thứ áp lực kinh khủng, thậm chí cực đoan hơn sẽ biến thành nạn bạo hành về cả thể xác lẫn tinh thần. Trên đời này không có áp lực nào khiến người chịu đựng cảm thấy bế tắc và ngột ngạt hơn là sự bạo hành từ chính cha mẹ. Bởi với đứa trẻ, cha mẹ là Bầu Trời.
Với chúng ta, bầu trời bao la, thế giới rộng lớn. Nhưng với những đứa trẻ, bầu trời của chúng nhỏ bé và chỉ xoay quanh gia đình, trường lớp. Khi thế giới của ta rộng lớn, một sự đổ vỡ sẽ trở thành nhỏ bé và ta dễ dàng vượt qua. Nhưng với một đứa trẻ, mọi sự đổ vỡ sẽ chỉ liên quan đến thế giới của chúng, bầu trời sụp đổ thì sao có thể chịu đựng được đây?
Thuần Dương(daikynguyen.com)

1 nhận xét:

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...