Chủ Nhật, 1 tháng 8, 2021

ĐOẠN TANG - CÁCH ĐỂ BUÔNG ĐI NHỮNG MẤT MÁT



ĐOẠN TANG - CÁCH ĐỂ BUÔNG ĐI NHỮNG MẤT MÁT

Khi học Phân tâm học (khoa học phân tích tâm lý), mình có tiếp cận đến một khái niệm được gọi là “đoạn tang” - cách để xử lý những mất mát. Tang ở đây không phải chỉ gắn với một cái chết, mà là một sự mất mát trong mọi lĩnh vực đời sống mà chúng ta luôn phải đối mặt (chia tay một mối tình, thú cưng qua đời, ra trường, thay đổi môi trường sống...) vì đời là vô thường và mọi sự rồi đều sẽ đổi thay.
Mình viết bài này vì sáng nay có một bạn học viên nhắn tin cho mình, nói rằng bạn sắp li dị và cần lời khuyên của mình để tinh thần được ổn định hơn. Cũng tình cờ sáng nay, mình xem season cuối của series The Big Bang Theory, đến đoạn Sheldon chưa thể vượt qua nỗi thất vọng khi nghiên cứu mà anh dành rất nhiều thời gian và tâm huyết bị bác bỏ trong độ tuổi không còn sớm sủa gì để đạt tới một giải Nobel như mơ ước của Sheldon. Lúc đó, mẹ của Leonard - bạn thân của Sheldon, một tiến sĩ tâm lý đưa ra lời khuyên: hãy để Sheldon làm một “đám tang” cho nghiên cứu đó.
Vậy là một đám tang theo phong cách Viking (để bài nghiên cứu được thả bè trôi sông rồi bắn mũi tên lửa thiêu “cái xác”) được tổ chức trong... nhà tắm. Ah, nếu ai chưa xem series này thì nó là phim hài 😆. Trong đám tang, Sheldon đã đọc diễn văn rằng nghiên cứu này có ý nghĩa như thế nào với anh trước khi tạm biệt. May mắn thay là sau khi vượt qua nỗi đau đó, Sheldon và vợ là Amy đã phát hiện ra một góc nhìn mới về nghiên cứu ban đầu và thực sự khiến nó trở thành một đột phá mới xứng tầm giải Nobel vật lý.
Quay trở lại câu chuyện đoạn tang. Kết thúc một thứ luôn là khởi đầu cho những điều mới tốt đẹp hơn. “Khởi đầu mới thường được nguỵ trang bằng những kết thúc đầy đau đớn!” - Lão Tử đã nói vậy. Tuy nhiên điều đầu tiên bạn cần làm là buông đi những cái cũ. Bạn sẽ không thể buông bỏ điều gì nếu bạn còn ghét bỏ hay oán giận. Bạn chỉ có thể buông bỏ khi bạn tha thứ, biết ơn và nhận ra ý nghĩa của những mất mát đó.
Trước hết, đừng bắt mình phải “ổn” ngay lập tức. Đau khổ là bình thường sau mất mát, vui vẻ ngay lập tức mới là bất thường. Hãy cho mình thời gian để ôm ấp nỗi buồn. Hãy khóc, hét lên nếu cần, viết nó ra, tâm sự với người mà bạn tin tưởng (bạn chỉ cần được lắng nghe với sự hiện diện mà không phán xét, bạn cũng không cần lời khuyên - hãy nói với người mà bạn chia sẻ cùng như vậy).
Hãy nhìn về mất mát đã qua và nghĩ xem: bạn đã học được bài học gì từ đó? Bạn đã hiểu thêm gì về bản thân mình - điều bạn thực sự muốn, điều gì là quan trọng, nhận ra những nỗi sợ nào của bản thân...? Bạn sẽ làm gì để lần sau điều tương tự không xảy ra? Hoặc nếu trường hợp xấu hơn, điều tương tự vẫn xảy ra thì bạn sẽ làm gì? Hãy biến những điều đó thành bài học và kinh nghiệm để bạn trưởng thành hơn và đón nhận những điều tốt đẹp hơn trong tương lai.
|
Dành thời gian để trả lời những câu hỏi đó. Tìm ra ý nghĩa cho mất mát đó, cảm ơn và trân trọng những điều đã qua... (giống như cách mà Sheldon đọc điếu văn cho bài nghiên cứu của mình). Khi đó bạn sẽ nhẹ nhàng hơn để buông bỏ mất mát. Mọi thứ đến với bạn đều có ý nghĩa. Mọi thứ ra đi cũng vậy.
Từ FB Vuilethi

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...