« Đạo Đức Văn Đàn » do ngài Cao Tiếp Đạo, tục danh Cao Đức Trọng, bút
tự Huyền Quang, Chánh Đức, đứng ra thành lập vào năm 1950. Hoạt động
được hai năm thì ngưng, vì ngài trưởng ban bận lo việc đạo.
Đến năm 1957, ngài bảo pháp Nguyễn Trung Hậu, bút tự Thuần Đức, phục
hồi sinh hoạt văn đàn đạo đức, đảm nhận trọng trách trưởng ban, để
giáo hóa anh em phó trưởng ban là vị phối sư Thái Đến Thanh, tục danh
Huỳnh Văn Đến, tự Thông Quang. Nhưng văn đàn hoạt động cũng không lâu,
chỉ hơn một năm thì ngài bảo pháp Thuần Đức Nguyễn Trung Hậu, tuổi già
sức yếu lui về tư gia dưỡng bệnh, rồi quy thiên vào ngày 7 tháng 9 năm
Tân Sửu (16.10.1961).
Một thời gian sau, văn đàn Đạo Đức nhóm đại hội, bầu ngài hiến pháp
Trương Hữu Đức, tự Thân Dân làm cố vấn, cụ phối sư Thông Quang Huỳnh
Văn Đến làm trưởng ban, ông Chơn Nhơn Phạm Mộc Bổn, tự Phước Huệ, làm
phó trưởng ban. Văn đàn hoạt động được chừng đôi năm rồi cũng dừng
bước tiến thủ.
Mãi đến tháng 7 năm Kỷ Dậu (1969), Đạo Đức Văn Đàn mới hoạt động trở
lại, dưới sự trông nom của cụ Thông Quang. Thành phần tổ chức theo nội
quy, gồm có : ban kiểm duyệt, ban ấn loát, thủ bổn, tổng thư ký và phó
tổng thư ký.
Ngày mùng 3 tết năm Kỷ Dậu là ngày họp đầu năm của văn đàn, được nhà
thơ lão thành Lâm Tuyền Võ Trung Nghĩa và nhà thơ Hà Ngọc Dư đến tham
dự. Ông Võ Trung Nghĩa vốn là người từng làm môi giới cho anh em thi
nhân chân thành gần anh em trong Đạo Đức Văn Đàn. Trong buổi họp ông
Hà Ngọc Dư đọc một bài thơ mừng văn đàn Đạo Đức : Tao đàn hội hữu đã
từ lâu
Tôi đến đây là kẻ đến sau
Cao thượng từng nghe vang một đạo
Đài tiền chợt thấy sáng muôn màu
Nhu hòa điệu nhạc tơ vờn trúc
Réo rắc dòng thơ ngọc kết châu
Nhắn nhủ những ai mong thoát tục
Tìm tiên đây vậy biết tìm đâu
Dứt lời, ông Hà Ngọc Dư tỏ vẻ tiếc phải xa anh em, vì phải đi Mỹ Tho.
Nhà thơ Thái Phong thay mặt anh em trong nhóm họa lại ngay :
Ngọn bút thần giao mộ bấy lâu
Duyên văn tao ngộ trước hòa sau
Thi hương ngào ngạt hoa phô gấm
Xuân tứ trau tria cảnh rỡ màu Một áng giai chương lời nhả ngọc
Năm vần tình cảm nét phun châu
Non sông nước Việt thanh bình lại
Muôn dặm, đường xa chửa mấy đâu.
Tóm lại, văn đàn Đạo Đức cũng đã làm khởi sắc cho Tây Ninh chẳng ít.
Anh em trong nhóm sáng tác rất dồi dào. Riêng về hai cụ trưởng ban đầu
tiên của văn đàn đã có những tác phẩm xuất bản đáng kể. Các tác phẩm
của cụ Thuần Đức, Nguyễn Trung Hậu :
- Tiên thiên tiểu học
- Châu trân giải
- Đại đạo căn nguyên
- Luận đạo vấn đáp
Cụ Thông Quang Huỳnh Văn Đến thì có những tác phẩm :
- Giảng đạo chơn ngôn
- Văn thi hiệp tuyển (trọn bộ hai quyển) - Giác thế tu chơn (tập 1 tập 2)
Để thưởng thức tài thơ của cụ Thuần Đức và Thông Quang, chúng tôi xin
nêu một vài bài làm nét điển hình :
Thuở còn tranh đấu ngoài đời, cụ Thuần Đức từng nổi tiếng với bài thơ
dí dỏm « Gái lấy chồng Chà » theo vận Chà và la ma tà :
Chẳng thiếu chi trai lại lấy Chà
Ăn cơm chẳng có đũa mà và
Dầu mè em bận vui lòng ướp
Thịt mỡ anh chàng thấy sợ la
Gần ngắm da đen in hịt quỉ
Xa trông răng trắng ngỡ như ma
Mười hai bến nước khuyên ai liệu
Phòng cậy nhờ nhau buổi xế tà
Xem như thế, đủ thấy « Đạo Đức Văn Đàn » rất cần góp mặt trên văn đàn
Việt Nam nói chung, và trên đàn văn Tây Ninh nói riêng, để tô điểm cho
vườn văn hóa dân tộc những đóa hoa thơm bát ngát.
Những nhà văn, nhà thơ có tuổi ở Tây Ninh hiện nay vẫn còn nhiều.
Chúng tôi hân hạnh được biết quý ông : Hi Đạm Nguyễn Hữu Trí, Lâm
Tuyền Võ Trung Nghĩa, Hàn Y Nguyễn Ngọc Diệp, ngữ pháp Nguyễn Văn Tâm…
Nhà thơ Hi Đạm, cựu giáo viên, người hay trầm ngâm, khiêm tốn, thích
khảo cứu sách vở. Tạp chí, sách, báo nào xuất bản ông cũng đều mua. Tủ
sách của ông đủ loại, cả Pháp, Việt, Hán đều có, như một thư viện nhỏ,
không thiếu thứ nào. Ông vốn là bạn thân của cố thi sĩ Đông Hồ Lâm Tấn
Phát. Văn tài của ông từ mấy mươi năm trước đã từng được văn giới khen
ngợi, xem như bật cự phách trên đài thơ. Nhất là bài thơ « Mười bốn »
của ông và các bài thơ khác đăng tải trên tuần báo « Sống » do cố thi
sĩ Đông Hồ chủ trương, vang tiếng một thời.
Nhà thơ Lâm Tuyền Võ Trung Nghĩa vốn là miêu duệ cụ Võ Văn Sâm tức Võ
Sâm danh sĩ Tây Ninh thuở trước, hiển nhiên văn tài của ông có thừa
phong độ hướng dẫn đàn em hậu tiến. Năm nay 75 tuổi, sức vẫn khỏe
mạnh, văn thơ sáng tác vẫn thao thao bất tuyệt. Năm Tân Hợi vừa qua,
trong tuần tuổi 74, ông cảm thấy đầy khí phách phong nhã đạm :
Tuổi trời mới thọ bảy mươi tư Khí phách hiên ngang sức vẫn cừ
Cao thấp cuộc cờ nhiều nước hiểm
Dằng dai máy tạo mấy năm dư
Vui duyên nghiên bút nhờ chung rượu
Nặng nợ non sông sẵn túi thư
Mặc khách tao nhân ai nghĩ đến
Mừng xuân xướng họa lão đâu từ
Đâu từ xướng hoạ bạn xa gần
Vốn liếng ăn thua có mấy vần
Bạc biển tiền rừng hao thể xác
Mực tàu bút sắt dưỡng tinh thần
Đường danh nẻo lợi nhiều quan khách
Thi xã văn đàn hiếm vĩ nhân Tuổi thọ chất chồng, chồng chất nợ
Nợ phong lưu mãi nặng vào thân.
Còn như các nhà thơ Hàn Y Nguyễn Ngọc Diệp, Thái Phong, Phan Yến Linh,
Từ Trẩm Lệ, Yên Giang Nguyễn Khắc Chánh… cũng đều được giới thi hữu
bốn phương nghe tiếng ít nhiều trong sách báo.
Nhà thơ Thái Phong, soạn giả quyển « Linh sơn thắng cảnh » xuất bản
năm 1968, lời thơ điêu luyện chẳng kém chi ai, ý khí cao nhã từng bộc
lộ trong văn thơ sáng tác. Trong thuở thanh xuân bạn vẫn đã ngụ lòng
trong bài thơ ký thác nhan đề là « Cục đá » :
Từng nêu tuổi đá biết nhường ai
Sánh với gươm đao đủ sức tài
Đất lấp ngàn tầm hình vẫn đượm
Nước chôn vạn trượng vóc nào phai
Vầng to hợp lại gầy non núi
Ngọc ẩn bên trong đời khó hiểu
Mưa tuôn gió thổi chẳng trôi bay.
Thi sĩ Yên Giang Nguyễn Khắc Chánh với tập « Mưa phổi » xuất bản năm
1969, làm rung chuyển được tâm hồn hằng nghìn bạn yêu thơ. Bài thơ «
Mùa phổi » của bạn sáng tác đăng trên tạp chí « Mai » năm 1962, gây
xúc động muôn vàn cho bạn đọc. Chúng tôi xin trích những hàng dưới đây
:
Đôi dòng sông máu chảy ra môi
Trong ấy vi trùng lặng lẽ bơi
Tiếng hú đâu đây nghe rợn gáy
Hình như thần chết gọi hồn tôi
Đưa tay tôi áp lên lồng ngực
Cố giữ cho đừng rạn nứt ra
Để mắt khỏi nhìn – ôi ! khiếp lắm
Từng cơn mưa phổi lặng lờ sa
Than ôi ! đau đớn và đau đớn
Lồng ngực là trời, phổi là mây
Những tiếng ho dài là bão tố
Vi trùng đục phổi thành mưa bay
Thể xác im lìm trong bão tố
Linh hồn lạc lõng tự nơi nao
Giữa cơn mưa phổi tôi không tỉnh
Nhưng hẳn toàn thân tôi đớn đau
Biết kẻ làm thơ là khốn khổ
Nhưng thân tằm phải trả nợ dâu
Cho nên trong những cơn mưa phổi
Toan bỏ thơ mà bỏ được đâu
Tảng bè rời ra tạo lũy đài
DungHoKhanh chuyển
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa