Thứ Tư, 1 tháng 12, 2021

Người Việt tự tử nhiều báo động, lối thoát ở đâu?

Hơn 12 giờ khuya, một tiếng nhảy “ùm” như xé tan mặt nước, xé tan cả sự tĩnh mịch của màn đêm!… Một cô gái vừa gieo mình xuống sông Sài Gòn. Ngay sau đó, một chàng thanh niên tốt bụng cũng lao theo cứu cô nhưng bị mắc kẹt giữa dòng nước xoáy…

Hơn 40 năm trong nghề, giai đoạn khiến ông đau lòng nhất là sau thời điểm căng thẳng nhất của dịch Covid-19. Bởi lẽ, từ khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, một số người đã chọn cách quyên sinh vì quẫn bách.

Ông kể: “Người nhà họ đến nhờ tôi tìm xác. Đa phần, họ đều bị trầm cảm trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Một số người thì trầm cảm, nợ nần, túng quẫn, gây gổ với gia đình… Tính đến thời điểm hiện tại, sau gần 1 tháng rưỡi bình thường trở lại, tôi đã nhận tìm xác 8, 9 trường hợp, cứu sống thêm 2 trường hợp đang muốn nhảy cầu tự tử”.

Vì sao tự tử?

Năm 2018, truyền thông đã đưa ra một con số giật mình từ thống kê của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Đó là ở Việt Nam, số người chết do tự tử chiếm 33,7%, xếp thứ 2 sau nguyên nhân gây chết người do tai nạn giao thông. Ths. BS Nguyễn Trung Nguyên – Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hầu như ngày nào cũng có bệnh nhân tự tử nhập viện để cấp cứu, điều trị.

Theo báo cáo của Viện sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai, mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm. Người tự tử chủ yếu đều là những người trẻ tuổi, một số ít ở trẻ em và người cao tuổi, đặc biệt nữ giới nhiều hơn nam giới. 

Nhiều người vẫn không thể quên vụ việc học sinh lớp 10 ở Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP HCM) nhảy lầu tự tử ngay tại trường học đã khiến dư luận dậy sóng. Theo đó, điểm trung bình các môn học của học sinh này là 8,9; còn một chút nữa là đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Học sinh này đã thất vọng về mình, hay nói đúng hơn là sợ bố mẹ thất vọng về mình đến mức đã phải chọn cái chết. 

Tại Malaysia, năm 2019, một thiếu nữ 16 tuổi đã tự sát sau khi đăng một cuộc thăm dò trên tài khoản Instagram để hỏi những người theo dõi liệu cô nên sống hay chết. Đa số người được hỏi đã bình luận rằng cô nên chết.

Befrienders, một tổ chức phi lợi nhuận ở Malaysia, chuyên hỗ trợ miễn phí cho người gặp nạn cho rằng, có mối liên quan trực tiếp giữa tỷ lệ tự tử của thanh thiếu niên với sự gia tăng của truyền thông điện tử và phương tiện kỹ thuật. Mặc dù công nghệ giúp giao tiếp dễ dàng hơn nhưng nó cũng làm tăng sự cô lập xã hội, những người trẻ có xu hướng giao tiếp ảo bằng thiết bị công nghệ, thay vì trò chuyện trực tiếp.

                Tỉ lệ thanh thiếu niên tự tử đang gia tăng. (Ảnh: Freepik)

Người ta tìm đến cái chết vì nhiều nguyên nhân: vì cô đơn, vì áp lực học hành, thi cử; tuyệt vọng trong tình yêu; bế tắc về tương lai, v.v. 

Dù nguyên nhân cụ thể bề mặt là gì, thì những trường hợp chọn cách tự kết liễu đời mình như trên đều là do họ không còn bất kỳ hi vọng hay điểm tựa nào để bấu víu.

Tìm lại hào quang đã mất

Trong xã hội truyền thống xưa kia, khi một người gặp phải bước đường cùng bế tắc, họ có thể tạm gác lại mối lo toan, lên núi cao viếng thăm cửa thiền, bái Phật. Nghe tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim rừng véo von. Tham vấn một vị thiền sư hay đạo sĩ đức cao vọng trọng, những Pháp lý uyên thâm mà giản dị có thể xóa tan mê hoặc chốn hồng trần. 

Ngay cả khi thân không thể lui tới chốn thanh tịnh, thì tâm vẫn có thể được gột rửa bụi lòng, nhờ đọc kinh sách của Thánh nhân. Hiểu được đạo lý nhân quả báo ứng, ở hiền gặp lành, chỉ cần giữ vững thiện lương thì không sợ Trời cao không dành cho một lối thoát.

Với tín ngưỡng sâu xa vào Thần Phật, con người tuy trầm mình trong biển dục nhưng cái tâm vẫn hướng thượng, mong ngóng quay trở về với sinh mệnh bản nguyên. Nhận ra mọi ân ái tình thù chốn người thường đều chỉ như hoa phù dung sớm nở tối tàn, những tranh tranh đấu đấu cõi nhân gian đều chỉ như hái hoa trong gương, mò trăng đáy nước. Chi bằng hãy buông bỏ mọi bám víu và dục vọng, làm một ngọn gió mát, một vầng trăng thanh, an nhiên tự tại.

Trong xã hội truyền thống xưa kia, với nền văn hoá thấm đẫm tín tâm vào Thần Phật, con người luôn có một nơi thánh khiết và thanh tịnh để tìm về, để bấu víu, để không bị lạc trôi giữa biển khổ nhân gian. Chưa cần nói đến các kinh sách tu luyện trong Phật gia và Đạo gia, ngay từ những tác phẩm văn học, nghệ thuật gần gũi với dân gian, cũng có nội hàm cao thượng, có tác dụng đề cao cảnh giới tư tưởng của con người. Ví dụ, ở Việt Nam, truyện thơ “Phạm Công – Cúc Hoa” mở đầu với 8 câu thơ rằng:

“Trời cao thăm thẳm chín tầng
Tuy cao muôn trượng mà gần tấc gang
Xét soi thiện ác đôi đàng
Trắng đen chẳng lẫn rõ ràng gương trong
Ngẫm xem thiên địa chí công
Dở hay cũng bởi tự lòng mà ra
Xưa nay những kẻ thảo hòa
Trước thì lam lũ sau đà thành nhân…”

Còn ở Trung Hoa, trong danh tác Tây Du Ký cũng có đoạn thơ viết rằng:

“Ngày tháng trăm năm tựa bóng câu,
Đời người, bọt nước khác gì đâu.
Sớm còn thắm đỏ đôi gò má.
Chiều đã bạc phơ nửa mái đầu.
Giấc điệp tàn rồi, đời ảo cả.
Cuốc kêu da diết hãy quay đầu,
Xưa nay làm phúc đều tăng thọ,
Ở thiện trời thương, lọ phải cầu”.

Con người sống trong một nền văn hoá uyên thâm và tín Thần như thế, sẽ không dễ dàng bị gục ngã nơi thế giới trần tục. Thế nhưng, kể từ khi con người hiện đại cắt đứt sợi dây liên hệ với văn hoá truyền thống, chạy theo các giá trị vật chất, hưởng thụ dục lạc, sùng bái khoa học kỹ thuật, còn cười chê tín ngưỡng Thần Phật là ‘mê tín, cuồng si, ngu muội…’ thì người ta đã trong vô tri mà đánh mất đi chốn thiêng liêng để trở về, hoàn toàn mê lạc giữa danh – lợi – tình nhân thế.

Và bởi toàn thân và tâm đắm chìm trong thế giới vật chất trần tục, nên khi rơi vào cảnh ngộ cùng đường bế tắc, họ không thể tìm ra bất cứ lối đi hay hi vọng nào. Đó phải chăng là nguyên nhân sâu ra, gây nên thảm cảnh tự sát đau lòng trong xã hội hôm nay?

Như vậy, để thoát khỏi thảm kịch này, có lẽ con đường tốt nhất là khôi phục văn hoá truyền thống, với tín ngưỡng chân chính vào Phật- Đạo – Thần, vào nhân quả, vào cội nguồn thiêng liêng và trân quý của sinh mệnh. Để con người không còn bị mê hoặc trong thế giới vật chất, để tâm linh của chúng ta được gội rửa, hồi thăng, trở về với bản nguyên thuần khiết của sinh mệnh.

Thay cho lời kết, xin khép lại bài viết bằng một khúc đoản văn của tác giả Thanh Ngọc:

Xuân hạ thu đông, bốn mùa luân chuyển. Mây nước gió trăng, cái đẹp sẵn ở đó tự nghìn xưa. Nhưng trên cõi đời người ta thường bận rộn ngược xuôi vì danh lợi, được mất, nên rốt cuộc chẳng mấy ai thưởng thức được cái đẹp của sơn thuỷ hữu tình.

“Sủng nhục bất kinh, khán đình tiền hoa khai hoa lạc,
Khứ lưu vô ý, vọng thiên không vân quyển vân thư”.

(“U song tiểu ký”)

Hai câu thơ phía trên nghĩa là:

Không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ngắm trước sân hoa nở hoa tàn,
Tùy ý ra đi hay ở lại, nhìn khung trời mây tụ mây tan.

Quán Minh từng nói: Tôi thích tĩnh tâm và quan sát mặt biển yên bình sau giông bão, thích ngưng thần mà ngắm nhìn thiên không trong sạch sau cơn mưa. Mặt biển sau cơn bão thì gió lặng sóng tĩnh, khiến nhân tâm khoáng đạt và hạnh phúc; thiên không trong sạch sau trận mưa lớn thì như tẩy thành khiết tịnh, khiến người cảm nhận vạn vật được thanh tân.

Tâm vô tư thì trời đất khoáng đạt, tâm vô cầu thì không lo được mất. Kiên trì giữ vững tâm linh cao quý, nhưng không có cái nhìn phân biệt khinh khỉnh với người đời. Trên hành trình cuộc sống, thì chỉ là bản thân tự hỏi lòng không thẹn, chiểu theo con đường chính Đạo mà đi, không cần quan tâm việc bình thuyết với người khác.

Theo FVN News/ Tác giả: Thùy Linh.

1 nhận xét:

Chúa Giêsu – Thiên Chúa giáng sinh - Tác giả: Nguyễn Hữu Đổng

  Chúa Giêsu là gì? Vấn đề này chưa được giới học thuật hiểu rõ. Bằng tư duy lịch sử giới, tác giả lý giải làm sáng tỏ Chúa Giêsu; đồng thời...