Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2021

TRỞ VỀ MÁI NHÀ XƯA _ COME BACK TO SORRENTO

Cách đây hơn 100 năm, vào ngày 15 tháng 9 năm 1902 khi đón thủ tướng nước Ý Giuseppe Zanardelli đến khách sạn của mình bên vịnh Napoli, thị trưởng của thành phố Sorrento là Guglielmo Tramontano đã nhờ 2 anh em Giambattista và Ernesto De Curtis viết một ca khúc trử tình ca ngợi Sorrento để tặng thủ tướng Ý. Lúc ấy thành phố Sorrento còn sơ sài với những mái nhà tường đất, những con đường lót đá và đầy bụi ven vực biển, người thưa thớt và dịch vụ nghèo nàn. Nhưng Sorrento lúc ấy phải rất đẹp trong nét hoang sơ và ngút ngàn của sóng biển ngàn khơi, những ngọn đồi cao chênh vênh cách mặt biển 50m như cánh cung nhìn ra vịnh Napoli tràn ngập trong ánh nắng miền Địa Trung Hải. Và lẩn trong tầm nhìn xa tít biển xanh như ngọc, là hương cam, hương chanh từ những thửa vườn ven đồi. Những tiếng sóng vỗ trên ghềnh đá và sóng gió ngàn khơi, âm vang thầm thì đêm ngày như tiếng gọi quyến rũ đầy liêu trai của những nàng ngư nữ mermaids. Thân hình quyến rũ, mái tóc vàng óng như nắng lụa, ngồi bên ghềnh đá hát khúc hát làm đắm đuối những người thủy thủ, những kẻ lang bạt biển hồ phiêu lãng. Khúc hát Come Back to Sorrento ra đời với những lời ngợi ca quê nhà Sorrento thật đơn sơ mà tha thiết như một dạ khúc serenada, khúc hát như nhắc nhở, tâm tình với thủ tướng Ý làm chút gì đó cho thành phố ven biển này sung túc và đẹp đẽ hơn:

Hãy nhìn biển đẹp biết bao, làm dậy lên bao cảm xúc

như bạn đã làm khi nhìn mọi người

Bạn đã làm cuộc đời mơ mộng hơn

.

Hãy nhìn mảnh vườn này và những hương cam

Mùi hương thơm ngát đi vào trái tim

Và bạn nói “Ta đi! Tạm biệt.”

Lìa xa tấm lòng này, xa mảnh đất tình ái

Bạn đành lòng để không quay lại

Nhưng xin đừng rời xa, đừng làm tôi đau buồn

Hãy trở lại Sorrento. Để tôi được sống lại (với tình yêu)

Hãy nhìn biển Sorrento

Kho báu tuyệt vời

Ngay cả những kẻ lang bạt kì hồ khắp bốn phương

cũng chưa bao giờ thấy biển như vậy.

.

Hãy nhìn những nàng nhân ngư

quyến rũ, hớp hồn, muốn hôn bạn, yêu bạn say đắm.

Và bạn nói “tạm biệt ta đi!”

Lìa xa tấm lòng này, xa mảnh đất tình ái.

Bạn đành lòng để không quay lại

Nhưng xin đừng rời xa, đừng làm tôi đau buồn

Hãy trở lại Sorrento. Để tôi được sống lại (với tình yêu)

Hai anh em nghệ sỹ De Curtis khi sáng tác ca khúc này không ngờ rằng, họ đã làm rung động những cảm xúc dạt dào về nước Ý trong lòng thủ tướng và cả khắp thế giới nhiều năm sau.

Come back to Sorrento! Trở về Sorrento. Nghỉa là bạn đã từng ở, đã từng đến Sorrento và hảy trở lại. Sorrento như là chốn quê nhà, mà ai cũng có. Cho dẫu bạn là đứa trẻ mồ côi hay sinh ra từ miền đất nọ, mái nhà kia. Mái nhà xưa đó luôn ấm cúng chở che trong thuở ban sơ.

Nơi chốn đó là khởi sự, bắt đầu một đời người, một kiếp nhân sinh hửu hạn. Bởi hửu hạn nên đầy tham vọng cho những cuộc ra đi thênh thang lang bạt, nhiều khi vô định. Những cuộc ra đi nhiều khi không ước vọng mà do dòng đời phận số đẩy đưa. Trong nỗi thống khổ trầm luân của tha nhân ắt phải đồng vọng những da diết muốn trở về cố quận, để được đắm mình hai lần trong dòng sông sóng biển ngày thơ ấy. Nên giai điệu Come back to Sorrento trở thành gần gủi với nhân gian mà vượt qua cách trở ngôn ngử để đến với chúng ta bằng một ý niệm nhớ quê hương, trở về cội nguồn trong cùng giai điệu bất hủ nọ, qua lời Việt của nhạc sỹ Mạnh Phát và Phạm Duy. Cả hai nhạc sỹ đều có cùng tựa cho bài hát: Trở Về Mái Nhà Xưa.

Lời của nhạc sỹ Mạnh Phát đơn giản, chân chất như làng quê xưa, với tiếng sáo diều qua đồng nội xanh, với cô thôn nử trên chiếc thuyền nan mắt nhung tóc huyền…

“Chiều nay lê chân bước về quê xưa. Tìm lại mái nhà êm đềm ấm cúng. Ta e gió mưa phai mái lạnh lùng, Chân bước đi nhưng lòng ngập ngừng! Nhớ những chiều vui ngóng chờ trăng lên. Tiếng sáo diều lơ lửng trời xanh êm. Lòng du khách tuy xa mà không quên, ngàn muôn tiếng tơ trong nắng tàn! Nhớ cô nàng bơi chiếc thuyền nan xinh. Mắt nhung huyền mái tóc còn xanh xanh. Và say đắm trong đôi mắt dịu hiền. Như chứa chan bao nhiêu mối tình! Quay gót về làng quê xưa. Ngày thơ ấu reo vui cười đùa. Trạnh lòng thương nhớ, ngóng trông phía trời xa..!”

- Trong khi nhạc sỹ Phạm Duy đã nâng cảm xúc nostalgia lên một cung bậc  rung động triết lý mà lảng mạn siêu thực, bằng những ngôn từ óng ả đầy  sắc màu qua hình tượng của “mái nhà xưa” và “ly khách”, bằng cuộc trở về  trong tâm linh tha thiết.

Về đây khi mái tóc còn xanh xanh.

Về đây với mầu gió ngày lang thang

Về đây xác hiu hắt lạnh lùng.

Ôi lãng du quay về điêu tàn.

.

Đâu tiếng đàn ngoài hiên mưa?

Và đâu bướm tơ, vui cùng mùa?

Một mùa Xuân mới, mắt êm nắng hào hoa.

.

Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan.

Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan.

Về đây nhé! Cắm xong chiếc thuyền hồn

Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đờn.

.

Mái tóc nhà lưu luyến vạt trăng xanh.

Nếu mưa về yêu lấy hạt long lanh.

Chờ mong nắng cho tươi đời xuân xanh.

Người xa vắng biết đâu nấm nhà buồn

.

Đốt ánh đèn in bóng vào rêu xanh.

Sẽ thấy cười tan vỡ hồn đêm thanh.

Và nghe thấy kiếp xưa bước nhẹ về

Đang khóc than trên đường não nề.

.

Thôi nhé đừng hoài âm xưa

Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà

Người ngồi im bóng

Lắng nghe tháng ngày qua.

Lời  ca thật đẹp và buồn. Khi thuyền hồn đã cắm neo, người ngồi đó bóng in  vào rêu xanh. Người không về theo bước chân mỏi vì đường trần xa ngái.  Người không về khi mái tóc con xanh mà người về khi xác thân hắt hiu  lạnh. Người không về khi tiếng cười còn tan vỡ hồn đêm thanh tân, mà  người về bằng kiếp xưa nhè nhẹ. Người về lại mái nhà xưa bằng vọng  tưởng, bằng hoài niệm, bằng khúc hát như lay lắt bóng chiều xưa trên tà  huy đời mình. Khi mọi khát vọng tang bồng chỉ còn là tro tàn trên dòng  kỷ niệm mãi xót xa.

Mái nhà xưa thân yêu đó có thể là một gian  nhà tranh xiêu vẹo bốn bề gió thốc, có thể là một mái ngói ba gian trong  nội thành ngập đầy bóng lá, có thể là mặt tiền chợ búa xôn xao mổi  ngày, hay có thể là những con ngõ hẹp lầy lội mùa nước lên…Nơi đó bạn và  tôi đã từng khóc tiếng khóc đầu đời và đi vào cuộc đời bằng những bước  chân son hay bằng những bước chân lấm bụi. Mái nhà ấy dù lợp bằng tranh,  tôn kẽm hay bê tông, thảy đều giòn tan tiếng khóc cười theo năm tháng  nỗi trôi và những kỷ niệm ngọt ngào đến nao lòng. Nơi đó đầm ấm sự đùm  bọc, chăm sóc và bao dung của mẹ cha, của anh chị em. Nơi đó có bạn bè  xóm giềng và trường lớp hồn nhiên thơm thảo. Và rồi chúng ta như con  chim đủ lông cánh, chập chững yêu nhau, chập chững làm người lớn để rồi  chắp cánh giang hồ bằng những mộng ước khát khao và bỏ quê nhà mà đi.  Rồi đi xa mãi…

Chúng ta yêu mến ca khúc Come Back To Sorrento, vì  những hương vị chanh, cam nồng nàn trong limoncello, một loại rượu  chanh đặc sản của Sorrento tràn ngập khắp phố biển; thoảng như có mùi  dầu tràm ngan ngát làng chài Lăng Cô, như có mùi mằn mặn của muối biển  trên hàng dương Phan Thiết, hay mùi cá khô phơi xao xuyến ven Bải Trước,  Bải Sau. Chúng ta yêu ca khúc này vì mỗi người đều tìm thấy cho mình  chút hương bồ kết, hương chanh, hương bưởi, hương sả trong mái tóc huyền  ngày ấy, vương vấn như trầm hương sau lũy tre làng xưa.

Tôi  không có may mắn như bạn để lần trở về, nhìn mái nhà xưa của mình thay  tên đổi chủ. Mái nhà xưa lạ lẫm đến vô tình. Con đường xưa chật hẹp đến  xao lòng. Có phải vì tháng năm đã làm phôi pha những ký ức dư ảnh ngọt  ngào. Có phải vì lòng người chật hẹp bởi những nghi ngờ đố kị. Hay người  ngày càng đông nên lòng phố không đủ rộng cho tôi một chổ về được đứng  dưới mái hiên xưa, nghe mưa chiều về muộn và thấy nắng khuya chưa lên  bên thềm cũ…

Quê nhà xa lắc xa lơ đó

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay (Nguyễn Bính)

Chỉ  từ Hà Nội vào Nam, Nguyễn Bính đã thấy quê nhà xa lắc xa lơ. Huống chi ở  nơi này bên kia bờ đại hải, ngóng về mái nhà xưa, mây trắng nghìn trùng  bay, miên man bay như ca khúc Trở Về Mái Nhà Xưa. Ca khúc làm thao  thiết lòng ly khách mãi hơn 100 năm. Khi thuyền hồn chưa tìm ra bến đỗ,  để cắm xuống một khúc nhạc buồn.

Thôi nhé đừng hoài âm xưa

Giọt mưa đã gieo trên thềm nhà

Những  cơn mưa tháng bảy đầu mùa đã về bên thềm nhà nơi miền đất lạ. Miền đất  bao dung đầy tự do dù không có chùm khế ngọt để xôn xao những kỷ niệm  xót xa. Nơi mảnh đất này tôi gọi Home sweet home! Mái nhà xứ xa.

Người ngồi im bóng

Lắng nghe tháng ngày qua.

Tôi  vẫn ngồi nhìn bóng mình trong chiều viễn xứ. Nghe tháng ngày đi qua bên  song và nghe ca khúc Trở về mái nhà xưa hay đến chùng lòng. Nỗi nhớ nhà  như một nỗi buồn nhè nhẹ, buồn lặng như một khúc serenade. Nỗi buồn  bâng quơ bao giờ cũng đẹp và lâu phai. Như ca khúc Come Back to Sorrento  mãi còn da diết. Chừng nào con người còn mãi Đi - Về. Chừng nào quê  hương còn có tha nhân và chừng nào tiếng sóng giang hồ còn mãi vỗ về bên  ghềnh thác cuộc đời những biến động không nguôi.

🌼🌼🌼🌼🌼🌼🌼🌼🌼

 Mời Nghe :



1 nhận xét:

TUYẾT ĐÃ VỀ -Thơ Thanh Hòa và Thơ Họa ( 14 Bài )

TUYẾT ĐÃ VỀ Mùng một,tuyết rơi,phủ mái nhà Từng chùm nhè nhẹ, tỏa như hoa Êm đềm,chả bóng người lui tới, Yên ắng không đèn đóm lại qua Vắng ...